Từ nguyên mẫu đến nhân vật

LÀNG QUÂN NHÂN TRONG TRUYỆN NGẮN "GIÓ VẪN THỔI QUA MÙA KHÔ"

Chủ Nhật, 10/02/2013 00:38

. Nhà văn ĐỖ TIẾN THỤY

Vào cuối những năm 80 thế kỉ trước, Quân đoàn 3 của tôi sau 10 năm trấn giữ biên giới phía Bắc đã thực hiện nhiệm vụ mang mật danh 4-87, cơ động trở lại Tây Nguyên. Khi nhận lệnh, lớp lính trẻ chúng tôi háo hức lắm, bởi sắp có mặt tại vùng đất đẹp lung linh với “trời xanh, cây xanh, hồ trong nước xanh...” Nhưng khi vào đến nơi thì chúng tôi ngỡ ngàng trước những dấu vết chiến tranh in hằn. Những cánh rừng chết đứng bởi chất độc hóa học. Những con đường nhựa nát bấy bởi xích xe tăng. Những thị trấn thị xã lèo tèo mấy ngôi nhà lợp tôn lụp xụp, đèn dầu hiu hắt. Đường phố trung tâm thị xã mà cây rừng mọc kín, khi chúng tôi hành quân qua ngọn le quét vào thành xe ràn rạt.

Sư đoàn 10 đóng quân tại một căn cứ cũ của ngụy, dây thép gai, súng ống, quân trang quân dụng…còn lăn lóc khắp nơi. Chúng tôi được lệnh dọn dẹp mặt bằng, đi chặt cây làm doanh trại, thứ công việc đơn giản nhưng ngày ấy lại cực kì nguy hiểm. Ngày nào cũng có tiếng nổ do thú rừng, gia súc và người đạp phải bom mìn sót lại, do dân cưa đục bom, đạn pháo lấy thuốc nổ bán. Và những cái chết. Chết vì cả bom mìn và sốt rét ác tính. Chỉ riêng sư đoàn tôi mỗi năm đã có hàng chục cán bộ chiến sĩ hi sinh.

Sự khắc nghiệt của đời sống nơi lam sơn chướng khí cộng với sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lúc đó tuy có tác động đôi chút tới tư tưởng của lính, nhưng điều đáng sợ nhất tới chúng tôi lúc đó là thái độ của những người dân. Tiếng là trở lại địa bàn xưa, nhưng những năm kháng chiến lính chỉ ở trên rừng, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên rất yêu quí “Bộ đội B3”; giờ đóng quân dưới các thị trấn thị xã, nơi người dân vốn sống dưới chính quyền cũ, bị ảnh hưởng mạnh bởi bộ máy tuyên truyền nên có định kiến không tốt về “Việt cộng”. Họ rất nghi ngại e dè khi tiếp xúc với bộ đội. Họ gọi chúng tôi theo quân hàm kiểu thưa ngài thiếu úy, thưa ngài trung sĩ, thưa ông hạ sĩ…, kiểu cung kính giả tạo, khách sáo, tạo nên một khoảng cách rất lớn trong mối quan hệ quân dân, khiến cho những người lính vừa phải từ bỏ quê hương, gia đình nơi miền Bắc vào đây cảm thấy xa lạ chống chếnh...

Năm 1992, đoàn công tác do Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy Mặt trận B3 (Tiền thân của Quân đoàn 3 trong những năm đánh Mỹ), lúc đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu vào kiểm tra các đơn vị Quân đoàn 3. Tôi may mắn được chứng kiến cảnh ông đi thị sát địa bàn. Vị tướng có mái tóc bạc phơ và khuôn mặt phúc hậu ấy đã đăm chiêu rất lâu trước một đồi cỏ tranh bát ngát rìa thị xã Kom Tum. Rồi ông bất ngờ khoát tay quả quyết: Muốn được dân tin, bộ đội phải yêu quí và gắn bó lâu dài cuộc đời mình với địa bàn. Muốn làm được vậy phải thành lập các làng quân nhân để đồng chí nào có vợ con ngoài Bắc thì đưa vào; đồng chí nào chưa có vợ thì vận động nhanh chóng lập gia đình với phụ nữ địa phương. Phải biến Tây Nguyên thành quê hương thứ hai của người lính...

Và sau cái khoát tay lịch sử ấy, một số làng quân nhân của Quân đoàn 3 được thành lập.

Làng quân nhân Đăk Bà Là với hơn hai trăm nóc nhà được dựng tại ngoại vi thị xã Kon Tum, cạnh một trung đoàn bộ binh, dành cho các sĩ quan Sư đoàn 10. Một cuộc “hành binh” thầm lặng nhưng rất... thần tốc của những người vợ lính nhiều lứa tuổi, nhiều vùng miền đã hội tụ về đây.

Đăk Bà Là là ngôi làng đặc biệt, bởi luôn vắng bóng đàn ông. Các ông chồng sĩ quan dành phần lớn thời gian ở đơn vị nên “nhường” vợ vai “chính chủ”. Và những công dân tí hon - những em bé theo mẹ từ miền Bắc vào, những đứa trẻ được sinh ra tại ngôi làng này... chính là linh hồn của một khu dân cư có nếp sinh hoạt đặc biệt.

Gia đình tôi ở làng quân nhân Đăk Bà Là. Truyện Gió vẫn thổi qua mùa khô tôi viết từ nguyên mẫu là những người láng giềng. Hậu phương người lính là một thế giới đời thường với bao sắc thái buồn vui.

Đến nay làng quân nhân Đăk Bà Là đã qua 20 năm tồn tại. Lớp công dân nhí ngày ấy đều ngoan ngoãn, học giỏi, giờ đã trưởng thành. Và Thái, chú bé trong truyện giờ đã là học viên năm thứ 4 Học viện Kĩ thuật quân sự, đang tu nghiệp tại Cộng hòa Liên bang Nga.

Đ.T.T

Truyện ngắn GIÓ VẪN THỔI QUA MÙA KHÔ

Làng Mới lưng tựa vào tường bao doanh trại, mặt nhìn ra thảo nguyên mênh mông chạy tít tắp tới bờ sông ĐăkBla, nơi có một làng đồng bào Bahnar sinh sống.

Hôm vợ chồng Yến làm mâm cơm ra mắt, Trúc miệng hít hà, tay xoa xít khét mù trình bày:

- Vợ chồng em vừa chân ướt chân ráo vào đây, gọi là có chén rượu nhạt, mời bác Vui đại diện trung đoàn cũng là láng giềng bên phải, anh Tâm đại diện tiểu đoàn cũng lại là láng giềng bên trái, cùng với hai phu nhân sang dự. Thôi thì... coi đây như lễ nhập cư của bọn em...

Bác Vui nâng ly rượu cao ngang mày cười đỡ lời Trúc:

- Các cụ dạy rồi, “an cư lạc nghiệp”. Việc đầu tiên là lo chỗ dạy cho cô Yến. Cũng hơi kẹt đấy. Hôm qua tôi có gặp anh Ban ngoài Sở, anh ấy hứa sẽ ưu tiên vợ bộ đội. Nhưng khổ nỗi huyện chỉ có một trường cấp ba, giáo viên văn đã đủ. Nếu cô Yến đồng ý dạy cấp hai, anh ấy bố trí được liền. Thế nào? Được hả? Ừ, trước mắt tạm thế đã.

Bác Vui nhấp một hớp rượu, gật gù:

- Cô chú đúng là hạnh phúc. Trai tài gái sắc. Nghe nói các cậu yêu nhau lãng mạn lắm hở? Kể lại cho tôi nghe xem nào!

Yến đỏ mặt nói lảng:

- Dạ, có gì đâu...

- Không có gì cũng phải kể! Coi đây như là mục làm quen. Bác Vui làm bộ nghiêm nghị khiến Yến phì cười, nhưng cũng đáo để vặn lại:

- Thế thì bác phải kể trước!

- Hớ hớ hớ hớ - Bác Vui ngửa cổ cười thoải mái - Chuyện tình của bọn tớ nó đơn giản lắm. Hồi đóng quân ở Hà Tuyên tớ quen noọng nhà tớ bây giờ. Quen hôm trước, hôm sau đã rủ noọng lên đồi sim. Lần tay vào cạp váy noọng thấy có nận một cục gì to như nắm tay, nắn thấy cưng cứng, nằng nặng. Vàng rồi! Quyết! Cưới ngay!

- Vàng thật chứ ạ? - Yến nhướng mày hỏi. Bác Vui mặt mày nhăn nhó khổ sở, làm bộ thất vọng tột cùng:

- Trời ơi, vàng vọt gì đâu! Cưới rồi mới ngã ngửa người ra. Cái cục cưng cứng nằng nặng ấy là một... cái cối giã trầu!

Mọi người cười rũ rượi, mãi đến khi Yến chuyển câu hỏi sang anh Tâm mới thôi.

- Thế còn anh Tâm chị Thu?

Anh Tâm thủng thẳng:

- Bình thường. Trong một chuyến xe tốc hành Bắc - Nam, cô ấy thấy tôi đẹp giai nên xin “chết”. Hết!

Chị Thu như bị chạm điện giật nẩy người:

- Xí! Không dám đâu á! Nếu hôm đó không có con mẹ kia nó lên xe thì còn lâu nhá!

- Á à. Hấp dẫn đây. Chuyện sao kể nghe coi!

- Bác Vui với cô chú tính - chị Thu nhanh nhảu thanh minh - em lên xe đứng mỏi nhừ cả chân, bụng nghĩ cái anh chàng đeo quân hàm học viên này thế nào cũng nhường ghế. Thế mà hắn cứ lì ra.

- Ai bảo hôm đó em làm bộ kiêu kỳ quay lưng lại, để tóc bay vào mặt người ta buồn muốn chết.

- Đấy, bác xem. Em đứng mỏi chân từ Vinh vào đến Huế, ảnh cũng chẳng thèm thương, thế mà có một mụ sồn sồn bế đứa con nhếch nhác lên xe, ảnh nhường ghế ngay tắp lự. Lại còn mua cam mua nho cho thằng bé ăn. Em ức muốn phát khóc lên được.

- Thế là tốt chứ sao cô lại ức? - Bác Vui ngạc nhiên.

- Là em ức con mụ ấy chứ. Nó lừa được ảnh chứ sao lừa được em. Lúc mụ ấy xuống cầu Bà Di, nhìn cái điệu hấp tấp vội vàng của mụ em đã nghi nghi. Y rằng. Xuống ngã ba Tam Hiệp ảnh mới hốt hoảng vì bị móc sạch tiền.

- Thế nên em mới có cơ hội bao vé anh về Biên Hoà chứ. - Tâm vẫn thủng thẳng như chuyện tất nhiên phải thế. Chị Thu càng được thể tố cáo:

- Anh ấy vụng lắm cơ! Bác với cô chú tính, xuống nhà tán em mà cứ thì lì thì lịt, chẳng nói năng chi. Ba em bảo cái thằng này nó làm sao ấy. Hồi ăn hỏi, ba em thông cảm cho gộp tất cả các lễ vào một ngày. Em đã dặn đi dặn lại là có ba cái lễ: lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ xin rước dâu. Ảnh bảo nhớ rồi. Thế mà hôm đoàn nhà trai xuống, thủ trưởng ảnh mới đưa được cái lễ đầu tiên đã quên sạch. Ảnh ngồi bên cũng quên luôn, mặt cứ nghệt ra. Ba em uống ly rượu nhận lễ đầu tiên xong cứ chờ mãi. Cuối cùng, bác với cô chú biết sao không? Thủ trưởng ảnh bảo, thôi, tụi con bộ đội, thành thật chúng con quên mất hai cái lễ này cái nào trước cái nào sau, xin bác thông cảm cho tụi con... kính tất!. Ba em đang nghiêm trang bỗng phá ra cười. Thế là xong!

Tranh minh họa của họa sĩ THÀNH CHƯƠNG

Nghe chị Thu say sưa, tự hào kể về tình yêu của mình, Yến cảm thấy hơi khó chịu. Chuyện tình của họ có vẻ lãng mạn đấy, nhưng làm sao so với tình yêu của Yến được.

Trúc là một chàng trai tài hoa, học giỏi. Cùng một lúc Trúc đỗ ba trường đại học. Nhưng Trúc chọn Lục quân. Trúc cao một mét bảy lăm, nặng sáu lăm ký, mặc quân phục số 5 khít khao như người mẫu, cao to thế nhưng tay chân Trúc không thô mà thon thả. Đặc biệt là bàn tay. Khi đôi bàn tay búp măng này điệu nghệ múa trên phím đàn thì cây ghi-ta thùng sẽ ngân lên đủ các giai điệu. Chính nhờ cái tài ấy mà Trúc được cử làm đội trưởng đội văn nghệ của trường, kết nghĩa với trường cấp ba địa phương dàn dựng một chương trình tham gia hội diễn.

Trong số các cô giáo vào tham gia văn nghệ, Yến là một cô gái đẹp, đôi mắt lúc nào cũng như có sóng khiến cho các chàng học viên mỗi khi nhìn vào đều cảm thấy chao đảo, chòng chành. Tiết mục của Yến là một bài dân ca Quan họ. Và trong lần tập thử đầu tiên ấy Yến bỗng đổi giọng Thị Mầu lơi lả lượn một vòng quanh sàn tập rồi gõ cốc một cái vào đầu đội trưởng Trúc, cất giọng: “Này này chàng tiểu ơ... ơi! Chàng mà đàn khô như ngói thế thì làm sao Mầu hát được?”. Cả đội văn nghệ sau một thoáng sững sờ bỗng cười ồ cả lên. Còn Trúc thì hai tai đỏ dừ, ngồi ngây phỗng đá.

Thì ra là tại tiếng đàn. Đệm cho hát dân ca mà chỉ có mỗi bộ gõ và hai cây ghi-ta. Mặc dù Trúc đã trổ hết tài nhấn nhá, cây ghi-ta cũng không thể theo kịp giọng hát mượt mà.

Tối ấy Trúc cáo mệt, leo lên giường tầng nằm sớm, tay gác trán, mắt mở trừng trừng, thỉnh thoảng lại sổ một hơi thở dài sười sượi. Chừng hơn chín giờ, Trúc bỗng vùng nhảy xuống kéo thằng bạn tầng dưới: “Đi với tao!”. Hai thằng vượt tường tìm vào làng tìm đến một nhà. Sau một hồi gãi đầu gãi tai Trúc đã mượn được ông già làm nghề bát âm cây nhị hồ đen bóng. Về trường, hai thằng lôi nhau ra sân vận động, thằng kéo thằng nghe đến gần sáng. Trúc luôn miệng hỏi: “Được chưa? Được chưa?”. Thằng bạn ngồi gà gật mỗi lần nghe hỏi lại giật mình đáp bừa: “Hay! Hay ghê! Nhưng buồn... buồn ngủ quá!”.

Ngày hội diễn, Yến mặc áo tứ thân, đầu đội khăn vòng, chân đi hài đỏ, lưng thắt lụa xanh, toàn thân Yến rực rỡ như một bông hoa thời khắc khoe màu, nồng nàn, tươi mưởi, khao khát được dâng hương. Được tiếng nhị hồ nâng cánh, giọng ca của Yến bay bổng đến không ngờ. “Mái đình cong. Nét mày cong. Em chửa có chồng. Anh chửa có ai. Núi Thiên Thai...”. Trúc mê lịm trong tiếng hát ngọt ngào cùng hơi thở bỏng hực mỗi khi Yến lượn gần ban nhạc. Khi tiếng vỗ tay rầm rầm oà vỡ, Trúc mới bừng tỉnh.

Ngày đến ra mắt gia đình Yến, khi Trúc còn đang ấp úng mở lời thì mẹ Yến đã cắt ngang: “Thôi thôi, tôi biết rồi, anh khỏi mất công thưa gửi. Có chết tôi cũng không gả con cho bộ đội!”. Bố Yến giật nảy người trên trường kỷ: “Ơ kìa, bà?...”. Mẹ Yến sụt sùi: “Cả đời tôi đã khổ vì lấy ông. Ông cứ đi biền biệt mấy chục năm trời...”. “Ơ cái bà này. Thời chiến khác, thời bình khác...”. “Không khác gì hết đấy! Tôi hỏi anh nhớ - bà quay sang Trúc - Anh ra trường anh đi tận miền rừng xanh núi đỏ nào, ai mà biết được. Liệu anh có mang được con Yến theo không?”. Trúc cứng họng, miệng còn đang lúng búng chưa biết trả lời sao thì Yến đã ôm vai mẹ nũng nịu: “Kìa mẹ! Ngày xưa bố chỉ ghé qua nhà có một tuần rồi đi Bê, thế mà mẹ còn dám...”. “Thế nên tao mới khổ”. “Ôi, nhìn bố mẹ thế này, con khổ cũng được...”

*

* *

Bác Vui về thấy Yến đang thơ thẩn trồng hoa trước nhà, liền cười nói vóng qua hàng rào đậu cô ve:

- Láng giềng mình khu 1, khu 3, khu 7 đủ cả. Chị em vui vẻ đoàn kết nhé!

- Vâng, bác không phải dặn. Cùng cảnh với nhau, không khéo chị em em còn “đồng chí “ hơn các anh ấy chứ.

- Tốt! Xác định như vậy là tốt. Các bà mới thật sự là chủ cái làng này, chúng tôi chỉ là khách thôi.

Chị Thu dừng tay cuốc, nói vóng vót:

- Chứ không à. Ai đời nhà sát bên, vợ ấm con êm không ngủ, kéo nhau vào cả đơn vị.

Bác Vui trợn mắt doạ dẫm:

- Bộ đội ngủ nhà, đêm có báo động cho người đến từng nhà đập cửa gọi à? Có mà loạn! Tuần về một tối là linh động lắm rồi đấy.

Chị Thu cũng chẳng vừa:

- Bác Vui già rồi nên tuần một tối cũng là nhiều. Còn như em với cô Yến đây thì... ít lắm!

Bác Vui đỏ mặt gắt ngang:

- Bậy nào! Các cô dám coi thường thủ trưởng!

Cả Yến và chị Thu cười ngặt nghẽo mãi khiến bác Vui phải bỏ vào nhà lẩm bẩm: “Chịu các cô!”.

*

* *

Yến cố dỗ giấc ngủ trưa chập chờn nhưng không thể được. Đạp xe cả đi cả về tám cây số, mỏi nhừ cả cẳng, muốn nghỉ chút cho lại sức mà không yên. Nhà bà Xinh loảng xoảng soong nồi mãi rồi tiếng lợn kêu, tiếng gọi con cứ eo éo. Bực không chịu nổi. Lúc Yến vừa mơ mơ một chút lại phải giật mình choàng dậy bởi tiếng bổ củi cứ choanh choách bên tai. Yến trở dậy mở cửa nén giọng nói với bà Xinh:

- Làm gì thì để đến chiều. Trưa để cho hàng xóm láng giềng nghỉ chút chứ.

Bà Xinh nói cái giọng dằn dỗi:

- Vâng, cô thông cảm cho. Nhà tôi sao bì được với người Nhà nước, giờ giấc chỉn chu.

Cục ức dồn lên cổ nhưng Yến vẫn cố kìm:

- Thì chị cũng phải biết ý chứ. Bổ củi thì để đến chiều không được à?

Bà Xinh lại dài giọng đay đả:

- Chiều hai thằng nó đi học rồi lấy ai mà bổ. Giá nhà tôi cũng mua được bếp ga như nhà cô, toạch một cái là xong, khỏi làm phiền ai.

Trúc về, Yến kể lại. Trúc xuê xoa:

- Em cố gắng hoà đồng với xóm giềng.

Để Trúc vui, Yến im lặng chịu đựng. Nhưng rồi cũng không thể im lặng được lâu.

Nhà ở sát nhau, vườn nhà Yến chỉ trồng mấy luống rau gia vị, còn lại trồng toàn hoa. Trước hiên, Yến đòi Trúc làm một cái giàn, lấy phong lan về treo lủng lẳng, đẹp không thể tả được. Thế mà hai bên láng giềng trồng toàn dây lang với rau cải. Heo thì nhà nào cũng nuôi cả chục con, phân xả ra nhề nhề như thác cuốn, hôi thối không thể chịu nổi. Có hôm Yến đang cầm bình xịt thơ thẩn tưới sương cho giàn phong lan sắp trổ hoa, bà Xinh thản nhiên đeo bình thuốc sâu ra phun cho mấy luống cải sát rào. Yến nói thì bà Xinh lại giở cái giọng cùn ra:

- Vâng, vợ chồng cô đều có lương. Tôi không trồng rau nuôi heo thì sống bằng gì?

Yến tức muốn nổ ruột, quay sang rào bên này nói với chị Thu:

- Chị xem, bà ấy nói thế có nghe được không?

Chị Thu tỏ ra biết điều hơn:

- Ừ, kể ra tưới phân hay phun thuốc vào lúc cô đi dạy thì phải. Mà cô cũng thông cảm. Chị em tôi chỉ quen ruộng vườn, giờ lên đây thành ra thất nghiệp.

Quan hệ giữa ba nhà cứ thay đổi dần. Không biết ba ông trong đơn vị bàn nhau thế nào mà chủ nhật ấy Trúc về dàn xếp:

- Anh Vui với anh Tâm nhờ em buổi tối kèm học cho mấy đứa.

Nể chồng, Yến chấp thuận. Với lại căng thẳng mà làm gì.

Thế nhưng được một tuần Yến đã phải kêu trời. Hai thằng Sửu, Ngọ con bà Xinh dốt quá. Mất cơ bản hết rồi. Ai đời đã học cấp ba mà không phân biệt được giữa văn nghị luận với trần thuật, giữa thơ và vè. Đã thế chúng lại cũng có tính bất cần giống mẹ. “Không đỗ đại học, bọn cháu về bản làm nương.”. Rốt cục chỉ còn mình thằng Thái con chị Thu sang học vào mỗi chiều. Nó ngoan, học cũng giỏi. Có lẽ nhờ phương pháp giáo dục không giống ai của vợ chồng chị Thu. Mỗi lần nó làm sai điều gì, chị Thu hẩy nó ra. Anh Tâm về, nó mếu máo chạy đến hòng nhận được sự bênh vực của bố. Anh Tâm bắt nó đứng nghiêm rồi hỏi: “Con làm sao?”. Thằng Thái kể: “Con mải đá bóng quên học bài.”. Anh Tâm nghe xong cũng hẩy nó ra: “Đi đi! Bố không chấp nhận thói lười biếng.”. Thế là thằng Thái oà lên khóc nức nở, chơ vơ giữa bố và mẹ. Khóc chán nó tự giác ngồi vào bàn học có kẻ dòng chữ dán trước mặt: “Con hứa sẽ học giỏi, chăm ngoan để bố yên tâm công tác”. Cả anh Tâm và chị Thu nhìn nhau cười mà mắt thì rân rấn. Thế mà chủ nhật sau anh Tâm về đã thấy hai bố con líu lo như sáo sậu: “Sao hôm trước bố đuổi con?”. “Đâu, bố đâu có đuổi con. Bố đuổi cái thói lười biếng đó chứ!”.

*

* *

Cứ bốn giờ chiều, sau khi học xong bên nhà Yến, thằng Thái lại cầm cuốn vở leo tót lên ngọn cây trứng cá sau vườn, cuốn tròn lại nhòm qua doanh trại và bắt đầu liếng thoắng:

- A lô, a lô! Đoàn quân đã về đến doanh trại rồi nhé. Ai cũng đeo súng. Đi đầu là hai lá cờ. Quần áo ai cũng bẩn nhé. A! Bác Vui kìa! Bác Vui đi cùng với bố Tâm. Hai người ngồi xuống chỗ hiên nhà làm gì thế nhỉ? À, gỡ cỏ may ở ống quần. Còn chú Trúc, chú Trúc đâu nhỉ? A, kia rồi! Chú Trúc tập hợp quân theo hàng ngang làm gì thế nhỉ. Á à. Lau súng!

Thằng Thái ngồi lì trên cây luôn miệng thông báo tình hình đơn vị. Bên dưới, mấy bà vợ giả bộ xới rau làm cỏ nhưng tai thì dỏng hết lên. Yến cũng mang cuốc ra sau vườn làm một luống rau để có cớ chiều chiều ra nghe “đài”.

- A lô, a lô! Đến giờ ăn cơm rồi nhé. Mỗi đơn vị thành hai hàng dọc, mặc áo may ô trắng, cầm bát tay phải cầm đũa tay trái, đi đều xuống nhà ăn. Mốt hai, mốt hai, mốt hai!... Ăn xong rồi à? Nhanh thế? Lại tập trung làm gì nhỉ. À, xem ti vi... - Nó vội vàng hấp tấp tụt xuống - Chương trình phát thanh của chúng tôi đến đây là hết, Thái phải vào xem phim Đội biệt động CI5 đây.

Mấy bà vợ cũng vội vàng vào bếp với bữa cơm chiều.

Có hôm mới ba giờ chiều, Yến đang hướng dẫn giải bài toán khó cho thằng Thái thì nghe tiếng còi và tiếng bóng thình thịch. Thằng Thái đưa mắt nhìn Yến dò hỏi, Yến khẽ mỉm cười gật đầu, thế là cu cậu vơ luôn cuốn vở nhảy tót lên cây:

- A lô a lô! Xin mời mọi người theo dõi buổi tường thuật trực tiếp trận giao hữu bóng đá giữa hai đội “U già” và “U trẻ”. Đội “U già” mặc áo may ô trắng, ở bên phải màn hình, à không, bên phải làng mình. Còn đội “U trẻ” cởi trần, ai cũng to khoẻ, ở bên trái làng mình. Đội “U già” có thủ môn mang áo không số là bác Vui. Các tiền đạo là bố Tâm và chú Trúc. Hai đội thi đấu rất quyết liệt. Đội trẻ đang lấn lướt đội già. Sút! Va... ào! Một không cho đội trẻ! Mặc dù thủ môn bác Vui đã bay người như vượn lượn như đại bàng nhưng không kịp cản phá được cú sút như hoả tiễn của chú... chú gì nhỉ?

Cứ thế nó tường thuật ngon lành như một bình luận viên thực thụ. Bên dưới các bà đứng ngỏng cổ lên cây, nghiêng tai thu hết tiếng reo hò dậy trời đất từ bên kia tường vọng qua.

- Ái chà chà! Thủ môn bác Vui đã nổi nóng, đòi lên đá tiền đạo nhé. Bác Vui dẫn bóng qua một, hai, ba, bốn hậu vệ cởi trần. Sút, sút đi! Sút vào? Không vào! Bóng đi thẳng lên trời rồi bay ra một vườn rau cải rất xanh...

Xẩm tối thì bác Vui về. Yến đón hỏi từ ngõ:

- Đội già bác Vui đá thế nào mà lại để thua thế?

Bác Vui trợn mắt sừng sộ:

- Ai bảo, ai bảo?

- Cần gì ai bảo. Em còn biết bác sút bóng ra vườn rau cải cơ.

Bác Vui lắc đầu chép miệng chèm chẹp:

- Chết chết! Thế này thì lộ hết bí mật quân sự rồi.

Chị Thu lại nói vói sang:

- Gớm, dễ thường chị em tôi đi báo cho địch đấy!

Chỉ có bà Xinh không nói gì, bình thản đón gói giấy báo từ tay chồng. Cái gì thế nhỉ? Cứ thỉnh thoảng bác Vui lại mang về một gói như thế. Chắc là quà cáp ai kính biếu chứ gì. Trung đoàn trưởng thiếu gì người chạy chọt. Yến đoán chắc cái gói ấy là quà bởi hôm mùng 8 tháng 3, bác Vui cũng mang về một gói y thế bảo: “Tặng em ngày phụ nữ”, bà Xinh tỏ vẻ mừng lắm. Hôm đó Trúc cũng mua tặng Yến một cái áo dài thiên thanh kèm theo một bông hồng tuyệt đẹp. Chị Thu thấy láng giềng có quà cả, liền vòi vĩnh. Anh Tâm gãi đầu gãi tai: “Anh quên... Mà... anh đã tặng em cả cuộc đời rồi còn gì!”.

*

* *

Đã hết chương trình thiếu nhi trên ti-vi mà thằng Thái vẫn ngồi rốn - Chị Thu nhắc khéo:

- Thái, Thái! Mấy giờ rồi con?

Thằng Thái vẫn ngồi im không nhúc nhích. Chị Thu cao giọng:

- Ây ây! Bảy giờ rồi đó nha. Học bài đi chứ con!

- Ứ ừ!

- Ủa, sao vậy con?

Thằng Thái phụng phịu:

- Bố hứa con đạt học sinh giỏi học kỳ I bố sẽ về đưa mẹ con mình sang phố ăn chè. Vậy mà bố ứ về.

Chị Thu cười:

- À, tuần rồi bố đi công tác.

- Ứ phải! Hôm qua con đi học về vẫn nhìn thấy bố đang hành quân. Con gọi bố ứ trả lời con.

- Chắc con nhầm. Bộ đội trông giống nhau...

- Ứ đâu. Chiều nay con trèo lên cây, vẫn nhìn thấy bố đi ăn cơm.

Chị Thu cười giả lả:

- Thế hả. Ừ, để hôm nào bố về mẹ sẽ phạt.

Thằng Thái hào hứng hẳn lên:

- Thật nhé! Mẹ phạt thật nặng vào!

Một tuần. Hai tuần. Không thấy ai về.

Thằng Thái vẫn chiều chiều trèo lên cây bắt ống nhòm nhìn sang đơn vị, để rồi lại thẩn thờ tụt xuống nhấp nhếu khóc: “Đi đâu hết rồi. Vắng lắm!”.

Ba tuần. Bốn tuần. Vẫn không thấy ai về.

Không chịu nổi nữa, chị Thu rủ Yến sang hỏi bà Xinh. Yến ngại. Từ hôm xích mích với nhau chẳng bao giờ Yến sang, cũng chẳng bao giờ hỏi han. Hai thằng Sửu Ngọ mỗi lúc gặp Yến cũng chỉ chào nhanh “cô ạ” nghe cứ như “quạ, quạ”. Bây giờ tự dưng sang nhà biết mở đầu thế nào?

Chiều đó có người đơn vị về, đi từng nhà thông báo: “Đơn vị đi làm nhiệm vụ khẩn cấp. Mong các chị bình tĩnh, yên tâm.”. Đến nhà bà Xinh, anh này đưa một gói giấy báo to rồi tất tả đi ngay. Chiếc xe U-oát cắm đầy lá ngụy trang lao vút đi để lại Làng Mới một quầng bụi ba-zan đỏ quạch. Các bà các cô đều đứng trước ngõ nhìn hút theo bồn chồn, ngơ ngác. Rồi họ bảo nhau kéo đến nhà bà Xinh.

Bà Xinh vẫn không ngừng tay cuốc xới, nói kẻ cả:

- Các cô cứ làm ồn lên thế, chồng nóng ruột chết!

- Chị nói buồn cười! Đi cả tháng mà không thèm nói với vợ con một câu, ai mà chả sốt ruột.

- Chắc bà này biết đơn vị đi đâu. Vợ thủ trưởng mà. Thế nên mới bình chân như vại.

- Tôi thề với các cô là tôi không biết gì sất.

- Ai mà tin được. Thế ông Vui gởi cái gói gì về cho bà?

Bà Xinh lúng túng:

- Đấy là... là...

Nói rồi bà Xinh đỏ mặt vứt cuốc chạy vào trong nhà. Các bà các chị bĩu môi xầm xì một hồi với nhau rồi ai về nhà nấy.

Đêm ấy Làng Mới thao thức khác thường. Yến ngồi ấp tay vào má trong bóng tối nhìn ra ngoài. Mấy giò phong lan mới trổ bông hồi chiều đang len lén toả hương da diết. Làng Mới hình như không ai ngủ. Nhà chị Thu vang lên tiếng băm rau lốc cốc, rồi như phản ứng dây chuyền, các nhà khác cũng “lốc cốc, lốc cốc”. Tiếng băm rau như tiếng mõ lăn tròn trong gió cùng tiếng lợn đói rít lên ùn ụt. Đang độ cuối mùa khô. Bầu trời khô khốc chẳng có lấy gợn mây khiến cho trăng mặc tình thả sáng lênh loang xuống thảo nguyên trắng rợn. Bên nhà bà Xinh bỗng dội lên tiếng vỗ đùm đụp. Bà ấy làm cái gì thế nhỉ? Hé cửa sổ nhìn sang, Yến bỗng rùng mình thấy bà Xinh dáng người căng nhức trong làn áo mỏng, gục đầu ôm cột tời, hai chân vò xéo bộ áo quần đen thẫm, dày cộp cho đến bã bời. Rồi bà thả gàu. Tiếng tời quay xin xít, cồng cộc một dây dài và... pư... ưng... ửng! Tiếng gàu chạm lòng giếng khô dội lên âm âm u u trong đêm. Yến không dám nhìn mãi cái cảnh người đàn bà đang độ hồi xuân tóc tai rối tung đang cầm dây lắc mãi lựa cho đầy gàu nước. Một tiếng “xoạt” khô khốc vỡ ra trước nhà và từ bụi cây lúp xúp một con thỏ trắng nhảy quẫng vào trảng cỏ khô, đôi mắt nó bắt trăng đỏ rực. Con thỏ nghiêng ngó một hồi rồi ngửa cổ nhìn trăng và múa. Cái chấm trắng ấy cứ phăn phắt, nhấp nhô xa dần, xa dần...

Trời ơi mùa khô! Mùa khô Tây Nguyên! Đã nghe nói về nó nhiều lần nhưng bây giờ Yến mới nếm trải. Mùa khô lay động, đánh thức một cái gì đó sâu thẳm trong lòng khiến Yến thẫn thờ đứng lên bật đèn. Trang giấy trắng rợn hiện dần những dòng chữ:

Ngày rát gió Lào, đêm trào sương muối

Vầng trăng chết đuối trong mơ lưng trời.

Mùa khô hút mãi cỏ trắng bời bời

Mùa khô nạo mãi quặn lòng giếng khơi.

Một con thỏ trắng múa điệu hứng tình

Gió đêm trăng suông hát lời phồn sinh.

Có người vợ lính nhìn trăng ngẩn cười

Hương tình thầm toả thơm vào xa xôi...

Đêm vẫn lững lờ trôi với tiếng băm rau trễ nải và tiếng giặt áo quần đì đụp...

Đêm sau, đêm sau nữa vẫn thấy bà Xinh tiếp diễn màn giặt áo quần. Yến để ý và sững người nhận ra bà Xinh chỉ giặt đi giặt lại một bộ áo quần của bác Vui. Giặt rồi phơi. Phơi rồi giặt.

*

* *

Thằng Thái tụt nhanh xuống khỏi cây trứng cá hét toáng lên, díu cả lưỡi:

- Về... về rồi! Mẹ ơi, cô Yến ơi, bác Xinh ơi... về... về rồi!

Chỉ kịp nói vậy rồi nó lại như con sóc leo tót lên cây, miệng tía lia liên hồi:

- Rất nhiều xe ô tô nhé. Một, hai ba... mười lăm, hai mươi... Không đếm hết được. Đang tập trung ở sân bóng nhé. Bác Vui kìa! Bác Vui đang đứng trước hàng quân. Bố Tâm đâu rồi? A, kia kìa! Sao bố đen thế? Áo quần lại bẩn nữa...

- Thái có nhìn thấy chú Trúc không? - Yến hỏi với lên cây. Hỏi xong mới thấy nóng bừng mặt nhìn quanh, thấy mấy bà láng giềng đang làm bộ bình thản cuốc cuốc xới xới.

- Chú Trúc hả? Để cháu xem nhé. Không thấy. Chắc chú về sau.

- Thái nhìn kỹ xem nào. - Yến hơi chột dạ.

- Dạ dạ, để cháu xem nào. Ây dà! Đông quá. Mí lại ai cũng đeo ngụy trang nên rất khó thấy. Rồi! Kia rồi. Giải tán rồi. Chú Trúc đang dẫn quân về đơn vị kìa!

Chỉ chờ nghe được câu ấy, các bà các cô chẳng ai bảo ai đều lẳng cuốc, vào nhà. Yến vội vàng sửa sang lại nhà cửa, giường chiếu, làm cái nọ sọ cái kia. Mãi mới nhớ ra phải đi chợ. Yến tin chắc tối nay Trúc sẽ về.

Chợ chiều tấp nập kẻ bán người mua. Yến định ghé vào hàng thịt thì đã thấy bà Xinh đang ở đó. Yến quay sang hàng gà lại thấy chị Thu đang tất bật. Yến quay sang hàng cá, chẳng thèm mặc cả, chọn con to nhất, mua thêm bó hành và ít gia vị rồi quày quả đạp xe về. Đến cầu treo thì gặp chị Thu và bà Xinh đang đạp song song. Ai cũng cố làm ra vẻ nhởn nhơ như bình thường, chẳng có gì phải vội. Mặc dù rất nôn nóng muốn về nhanh nhưng thấy thế Yến cũng phải đạp chậm lại. Ba cái xe cứ dùng dắng “tạch xè xè” mãi mới về đến làng.

Ba ông chồng đã đứng đón ở đầu ngõ. Bác Vui cười toá lên:

- Thế nào, chị em ở nhà vui vẻ chứ hả? Xem nào, để tôi kiểm tra xem các bà mua những gì. Ái chà, chân giò, rá đỗ! Chu cha, gà hầm hạt sen hả? Còn cô này, chặc chặc, cá lóc luộc hành! Toàn những thứ chết người cả. Trách nhiệm nặng nề đây. Ha ha...

Cả ba bà mặt thoắt nóng bừng, chưa kịp nói gì thì bác Vui đã tiếp:

- Bây giờ thế này. Tôi đề nghị ba nhà tập trung lại làm một, tổ chức một bữa liên hoan, được không?

Yến chưng hửng. Thực bụng Yến chỉ muốn vợ chồng hú hí nấu ăn với nhau thôi. Liếc sang bà Xinh thấy nét mặt cũng chẳng đồng tình. Liếc sang chị Thu coi bộ... cũng rứa! Thế nhưng cả ba lại gượng cười đồng ý.

Tiệc tổ chức tại nhà Yến. Tíu tít như tết. Ba “hoàng tử” Ngọ, Sửu, Thái sau khi ăn xong bị điều về học bài ngay. “Vui nhưng không được quên nhiệm vụ” - Bác Vui quán triệt thế. Còn lại ba cặp vợ chồng, bác Vui tuyên bố:

- Nhắc lại nhé. Theo kế hoạch, trung đoàn giải quyết cho tất cả sỹ quan có gia đình về nhà nghỉ đêm nay, nhưng chín rưỡi phải đảo qua đơn vị xem anh em ngủ nghê thế nào nhé. Còn các bà, ở nhà có nhớ gắt không?

Cả ba đồng thanh:

- Bình thường!

Yến mủm mỉm cười:

- Chỉ có người đêm nào cũng mang thớt không ra để băm thôi.

Chị Thu trả đũa:

- Làm sao bằng được người đêm nào cũng chong đèn đến sáng, viết gì không biết!

Yến lên gân:

- Thế đã ăn thua gì so với người có mỗi bộ quần áo đêm nào cũng giặt đi giặt lại!

Chị Xinh bị bất ngờ mặt đỏ lựng lên, mắt lóng la lóng lánh. Biết vợ ngượng, bác Vui đỡ lời:

- Noọng nhà tôi nghiện giặt quần áo cho tôi từ hồi chưa yêu cơ. Các cô tính, trên chốt làm gì có nước. Cứ sau mỗi trận là thay ra gói lại, chờ tổ cứu thương của noọng Xinh lên mang về giặt. Giặt miết thành ra quen hơi, chẳng cần đánh dấu mà quần áo của tôi noọng cấm có đưa nhầm bao giờ.

- Á à! Thế mà hồi trước bác nói là không yêu nhé, chỉ lần tay vào cạp váy thấy cục cưng cứng, nằng nặng tưởng vàng...

Mặt chị Xinh càng đỏ rực như hơ lửa, miệng lí nha lí nhí:

- Hồi thương anh Vui, kinh lắm! Ở dưới nhìn lên thấy pháo nó bắn nát cả núi, trắng xoá như vôi. Rồi bao nhiêu lần nó tiến công cướp chốt. Cứ ngưng bắn là mang cáng chạy lên. Nhìn thấy anh ấy còn sống là mừng rơi nước mắt.

Cả chị Thu và Yến thốt lên:

- Trời ơi! Tình yêu qua thử thách có khác. Hèn gì vừa rồi chị cứ bình thản như không. Chị em mình phải uống một ly xin học tập chị Xinh mới được.

Chẳng ai nỡ chối từ lúc này. Chai rượu có sự tham gia của ba chị em nên đã hết veo. Trúc ngập ngừng đề nghị:

- Mồi còn nhiều, hay là... thêm chai nữa, thủ trưỏng?

Yến cầm chai đi dọc theo con đường đất đỏ về cái quán đầu làng. Trăng đẫy mẫm mầm nhô lên khỏi núi ChưH’reng vãi vàng xuống những mái nhà tôn lênh láng. Gió vẫn thổi qua mùa khô lồng lộng nhưng Yến không thấy lạnh. Ngửa mặt nhìn trăng, Yến thấy da mặt mình căng nhức, nóng bừng. Có một cái gì đó đang chảy rần rật vào từng thớ thịt tràn trề, hừng hực. Làng Mới râm ran tiếng đàn ông.

Tháng 10.2011

Đ.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)