Từ nguyên mẫu đến nhân vật

NHƯ MỘT CÁNH ĐỒNG

Thứ Ba, 23/07/2013 15:27

Nhà thơ BÌNH NGUYÊN TRANG

Nhìn lại, Mẹ luôn có mặt trong thơ tôi, trên suốt hành trình dài của một đứa trẻ từ lúc còn ấu thơ, lớn lên, trưởng thành, vấp ngã, lỗi lầm, khổ đau, hạnh phúc....Đôi lúc ngồi soi gương, tôi nhìn thấy sau tôi là Mẹ. Trong đời, không ít lần vì quá yêu thương người mà trái tim trúng đạn, tôi chạm tay vào vết thương và cảm nhận ấm áp tình Mẹ...

Từ khi bắt đầu những bài thơ đầu tiên, tôi đã viết về Mẹ. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người cầm bút buổi đầu cũng thường viết về Mẹ. Bởi lẽ, mẹ là hình ảnh gần gũi, thân thuộc nhất trong cuộc sống của mỗi người, là nơi để bao chứa những tình cảm sâu sắc nhất. Mỗi ý nghĩ về Mẹ trong lòng chúng ta dường như đã là một câu thơ, một bản nhạc rồi.

Không ít người hỏi vì sao hình ảnh Mẹ trong tác phẩm của tôi lại đậm đặc như vậy. Tôi viết về quê nhà, về tháng ba, thậm chí viết về tình yêu cũng có hình bóng Mẹ. Xa nhà tử thủa lên 10, càng lớn thì càng đi xa hơn nữa, nên suốt những tháng năm tuổi thơ và tuổi trẻ tôi luôn khát khao tình cảm của Mẹ. Khi buồn tủi, khi thất vọng, khi lạc lối phố phường, khi tình yêu mất dấu, tôi đều quay về nương tựa vào tình Mẹ. Mẹ của tôi, người đàn bà nhà quê, không bao giờ nói với con những lời đao to búa lớn, chỉ âm thầm chắt chiu yêu thương, ít tỏ bày, mà luôn luôn hiện hữu trong mọi cảm hứng sống, cảm hứng viết của tôi. Những bài thơ đầu tiên thời đi học, tôi viết:

Năm ấy mẹ sinh em mùa đói
Tháng ba nhọc nhằn hoa gạo rụng hố vôi
Cha đi vắng rét nàng Bân buốt nhói
Mẹ ướt mồ hôi, em khóc chào đời....

Tháng ba, hoa gạo, và Mẹ từ đó vô tình trở thành những hình ảnh mang tính biểu tượng trong thơ tôi. Biểu tượng của quê hương, sự xa vắng, nỗi nhớ nhung, tình thương yêu. Ở nhiều bài thơ, những hình ảnh này trở đi trở lại. Tôi có thể viết mãi mà không thấy nhàm, thấy chán. Thật may là nhiều bạn đọc, nhất là các bạn trẻ, đọc những bài thơ có hình ảnh Mẹ, hoa gạo, tháng ba của tôi mà không...chán tôi. Quê hương tôi- một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, với bến đò dòng sông, triền đê hoa dại nở, những “tuổi thơ rất ít đồ chơi”, những cuộc đời lam lũ. Bao nhiêu nỗi niềm khắc khoải ấy trong tôi dường như đã biến thành một ký tự để kể chuyện. Đó là bông hoa gạo. Và Mẹ hiện lên, như một biểu tượng của yêu thương, nâng đỡ. Những khoảnh khắc buồn, ngồi nghĩ về nơi mình đã sinh ra, đã lớn, tôi thường bị ám ảnh bởi màu đỏ của những bông hoa trong mùa sương khói. Những bông hoa ướt sũng vì mưa phùn, tái tê cánh mỏng, rớt xuống bờ đê, vệ cỏ, hay trong lòng cái hố vôi trắng xóa. Và không hiểu sao trong sự tưởng nhớ ấy, bóng của cây gạo có lúc nhòa vào bóng Mẹ.

Những ngày rời nhà đi học ở thành phố, tôi thường lặng lẽ khóc những buổi sáng mờ sương trên chiếc xe chở khách. Mẹ đứng dõi nhìn tôi ở đầu con dốc, cho đến lúc bóng chiếc xe mất hút cuối con đường, và bóng Mẹ trong tôi chỉ còn là một dấu chấm nhỏ. Khoảnh khắc không còn nhìn thấy bóng Mẹ cụ thể phía cuối đường thì bất ngờ gương mặt Mẹ lại hiện lên. Và tôi viết:

Canh cánh lòng con tất tưởi một vùng quê

Gương mặt mẹ là cánh đồng bão tố

Hạt mẩy rời quê hạt lép nằm trong ổ

Có rơm vàng ấm tay mẹ chở che...

Nhìn lại, Mẹ luôn có mặt trong thơ tôi, trên suốt hành trình dài của một đứa trẻ từ lúc còn ấu thơ, lớn lên, trưởng thành, vấp ngã, lỗi lầm, khổ đau, hạnh phúc....Đôi lúc ngồi soi gương, tôi nhìn thấy sau tôi là Mẹ. Trong đời, không ít lần vì quá yêu thương người mà trái tim trúng đạn, tôi chạm tay vào vết thương và cảm nhận ấm áp tình Mẹ.

Tìm lại dáng hình trên chiếc lưỡi thời gian

Mẹ hồi sinh mùa xuân

Mẹ hồi sinh lộc biếc

Mẹ hồi sinh ngày con ngân tiếng khóc

Hân hoan bi kịch làm người...

Ở một nghĩa nào đó, với tôi Mẹ không chỉ đơn thuần là nơi khởi nguồn cuộc sống, nơi cho tôi một cuộc đời, một số phận. Mẹ còn là một câu chuyện, một ví dụ về thân phận đàn bà Việt Nam trong quá khứ. Và tôi, bởi đã được mẹ sinh ra trong hình hài người nữ, giống như một gạch nối của hiện tại. Tôi và mẹ, tưởng như đã đủ để kể một câu chuyện dài về số phận người nữ trong đời sống quá nhiều bất an, lo lắng. Cho những an bài, cam chịu và cho những đứt gãy văn hóa vì sự dịch chuyển, vì sự rời xa hay ruồng bỏ, vì sự tìm kiếm hay tuyệt vọng. Và bởi vì năm 18 tuổi, tôi đã từng xác quyết với Mẹ:

Đành rằng tháng ba vẫn thắp màu hoa cũ

Nhưng có những điều phải sống khác ngày xưa...

Song, tôi vốn chỉ là một “chú cỏ gà” hoang dại triền đê chiều mùa đông se sắt mẹ gồng gánh chợ đời, nên rất nhiều khi, những xác quyết không làm tôi mạnh mẽ hơn. Thời khắc yếu lòng tôi quay về tìm mẹ, để được thấm cái nhìn “mắt mẹ yên lành như tiếng mùa thu”. Và, càng đi xa, càng trải nghiệm, tôi càng muốn quay về nơi tôi bắt đầu:

Ký ức em dột ướt một mái nhà

Thời gian phủ nỗi niềm lên màu rạ

Mẹ khâu vá một đời bên bức vách

Ngọn đèn chong chưa lụi tắt bao giờ...

Một cách ngẫu nhiên, khi đọc lại những bài thơ về Mẹ, tôi hay nhắc đến ngọn đèn. Trong bất cứ một không gian mông lung quạnh vắng nào, nơi phương hướng để đi không thể xác định, ta cần một ngọn đèn. Phải, ngọn đèn hắt bóng mẹ ngồi khâu lên tường nhà, chính là thứ ánh sáng tôi cần, những khi lòng bế tắc. Những lúc đường mịt mờ xa và “mưa chắn lối về”. Thì đấy, với tôi, là “ngọn đèn sáng trên bàn-ô cửa mở”. Mẹ đã luôn ở đó, như một vị trí bất dịch chuyển, một yêu thương sẵn sàng, một đăm đắm nhìn, một lời nguyện cầu, một tiễn đưa và chào đón. Mẹ xa xót băng bó vết thương lòng cho tôi, Mẹ an ủi lúc lỗi lầm, Mẹ vỗ về những khát vọng không thành, những mất mát...Ngay cả khi tôi tưởng Mẹ đã rời xa, đã không tha thứ, và tôi chỉ còn lại một mình, thì bất ngờ Mẹ tới:

Mẹ đã đến ôm tôi như trẻ nhỏ

Mẹ tóc trắng

Ngồi cho tôi bú

Tưởng nhớ dòng sông

Đã khô cạn bên trời....

Có người từng hỏi, Mẹ có đọc những bài thơ tôi viết không. Dĩ nhiên là Mẹ đọc. Và đôi khi tôi cảm nhận Mẹ không cần hiểu quá nhiều câu chữ của tôi. Như dòng sông đôi khi không hiểu hết về phù sa mình chở nặng. Nhưng có hề gì, bởi Mẹ trong tôi chính là một cánh đồng, nơi thấm hết mọi dư vị của nắng, của mưa, của gió, của bão, của khô hạn và úng ngập. Nơi chắt chiu rất nhiều ngọt ngào cay đắng để có được một mùa màng tốt tươi, một tình yêu bền sâu chắc rễ....

Hà Nội Tháng 7/2013

Chùm thơ về mẹ của Bình Nguyên Trang

Tranh minh họa của họa sĩ NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

CHIỀU MƯA NHỚ MẸ

Canh cánh lòng con tất tưởi một vùng quê
Gương mặt mẹ là cánh đồng bão tố
Hạt mẩy rời quê hạt lép nằm trong ổ
Có rơm vàng ấm tay mẹ chở che

Người ta nói con đã quên đường về
Và câu thơ đã tắt mùi cỏ dại
Cơn mưa chiều không làm con tê tái
Về một con đường trơn trượt bấm chân đi

Mưa ngoài trời mà sao con ướt mi
Con đã khóc vì thương nhớ mẹ
Dẫu không thể, dẫu mưa chiều chắn lối
Triền đê xưa đã nhói hoa vàng

Cánh bèo nói gì trong màu tím thở than
Những dòng sông cũng buồn như số phận
Mẹ đừng ngậm ngùi vì con lận đận
Cánh buồm ảo vọng đã mang con đi

Ngôi nhà ấu thơ còn lại chút gì
Than đã tắt không người cời lửa
Rêu đã phủ từng mảng màu vôi vữa
Bong khỏi tường nhà rơi xuống lòng con

Có thể bao năm một thứ duy nhất còn
An ủi mẹ là chú mèo tam thể
Nó đã quá già nó nương tựa mẹ
Trong hiu hắt ngày dài mẹ có nó làm vui

Con sẽ sống làm sao nếu một sớm trong đời
Người ta nói rằng con không còn mẹ
Mẹ rất kính yêu, còn là đứa trẻ
Tấm lòng mẹ bao dung sẽ dắt con về...

THA THỨ CHO CON, MẸ....

Tha thứ cho con, mẹ
Con đã quên lời mẹ ân cần
Con nhầm tưởng mình đã biết dại khôn
Con nhầm tưởng mình không là đứa trẻ
Trăm năm thèm tiếng vỗ về

Mẹ đừng im lặng thế
Mẹ đừng xa xót thế

Sao mẹ không mắng con
Con đã đánh mất quyền được làm đứa trẻ
Quyền được sợ chiếc roi tre mẹ giắt ở mái nhà...

Con có gì sau năm tháng đi xa
Chỉ đôi tay bầm nhiều vết cứa
Chỉ đôi mắt dửng dưng tàn tro bếp lửa
Tiếng thở dài mỗi bước chân qua

Con không giàu hơn sau năm tháng xa nhà
Nước mắt đã nghèo đi
Niềm tin đã nghèo đi
Và hạnh phúc- cánh diều ảo ảnh...

Mẹ ơi con thèm được khóc
Thèm được mẹ dỗ dành

Mẹ cầm lấy chiếc roi tre đi
May ra con còn nước mắt...

Tha thứ cho con, mẹ
Con đã mang trái tim mẹ trong lồng ngực con đi
Và thương tổn

Con biết làm gì bây giờ
Khi máu chảy đã lạnh lùng sắc đỏ

Mẹ đừng im lặng thế
Mẹ đừng xa xót thế
Mẹ cầm lấy chiếc roi tre đi, mẹ...

MẸ

Còn một mái nhà

Đổ rơm rạ vào giấc mơ con

Đổ rêu phong vào giấc mơ con

Đổ tình yêu vào giấc mơ con

Mỗi buổi sáng lùa tay vào tóc

Theo chiều kim đồng hồ

Mái tóc con là mẹ

Xoa bàn tay lên mặt

Theo chiều kim đồng hồ

Gương mặt con là mẹ

Tìm lại bóng hình trên chiếc lưỡi thời gian

Mẹ hồi sinh mùa xuân

Mẹ hồi sinh lộc biếc

Mẹ hồi sinh ngày con ngân tiếng khóc

Hân hoan bi kịch làm người

Lá cứ xanh bởi mùa

Lá cứ úa bởi mùa

Năm xa dần bởi tháng

Ngày xa dần phút giây

Con xa một tầm tay

Thời gian nào biết lỗi

Lòng mẹ như cơn mưa đầu mùa biết đợi

Biết khơi nguồn dòng sông

Mẹ yêu con bằng tình yêu cánh đồng sau mùa gặt

Con vuông tròn hạt thóc đã rời xa

Mẹ yêu con đã đầy một mái nhà

Đã đầy một vườn cây

Đã đầy một giếng nước

Đã dài thêm con đường

Và gần hơn mặt đất

Mỗi lúc trên đường nghẹn lòng thổn thức

Những ảo tưởng như mùa sương về buông kín lối

Con đã miệt mài trên cánh đồng tình yêu

Tìm người đàn ông dám vì con mà bỏ quên tất thảy

Nhưng hôm nay con về lại khu vườn

Về lại tuổi thơ vịn cây cầu đã gãy

Vịn nỗi buồn rong rêu mà đứng dậy

Vịn vết dấu thời gian qua tiếng thở dài

Trong cô đơn con vịn vào tiếng Mẹ…

TƯỞNG NHỚ

Về một cánh đồng tuổi thơ
Tháng năm đổ xuống từng vạt lúa
Những dải vàng

Về một dòng nước chảy miên man
Bờ cỏ úa oằn vai mẹ gánh

Sông hiền thế đời mẹ giông bão thế
Mỗi chiều mưa lật chớp cánh cò

Về một mái nhà dột ướt cơn mưa
Ngọn đèn sáng trên bàn - ô cửa mở
Những đứa tôi sinh ra, ngôi nhà tung cửa
Và giờ đây chỉ còn mẹ ngóng nhìn

Tôi nguyện cầu không một đức tin
Qua bao con đường mà không điểm tới

Tôi phố xá nhà cao
Tôi chầm chậm hư ảo
Còn lại thật thà một góc quê xa...

Tưởng nhớ về một bãi tha ma
Ám ảnh không cùng màu hoa ngái dại
Nhói lên màu cỏ non trên mồ vô chủ
Ai nhìn lên cao xanh nghĩ dằng dặc đời mình

Mặt trời trở về sau mỗi bình minh
Tôi nức nở nghe loài chim vô thường hót

Mây trên kia tuôn ra từ mái đầu của mẹ
Tuôn ra từ những nghĩ suy tôi

Sông chảy đâu đây quanh chỗ tôi ngồi
Đồng đã gặt những dải vàng trái vụ
Khi tiếng chuông nhà thờ ngân lên

Tóc tôi thành cơn gió
Thời gian lạnh lùng chờ tôi chết để tái sinh

Tôi nườm nượp ra đi

Tôi đợi chết một mình
Mẹ đã đến đằng sau mùa hạ
Sau niềm vui
Sau bát đĩa rượu bia nghiêng ngả...

Mẹ đã đến ôm tôi như trẻ nhỏ
Mẹ tóc trắng ngồi cho tôi bú

Tưởng nhớ dòng sông khô đã cạn bên trời....

NỖI NIỀM THÁNG BA

Năm ấy mẹ sinh em mùa đói
Tháng ba nhọc nhằn hoa gạo rụng hố vôi
Cha đi vắng rét nàng Bân buốt nhói
Mẹ ướt mồ hôi, em khóc chào đời.

Cây gạo ấy bây giờ em vẫn nhớ
Năm tháng đi phai sắc đỏ mỗi mùa
Tuổi thơ em với bạn bè đồng lứa
Nhặt vỏ sò trên cát ven sông...

Chị lớn lên rồi chị lấy chồng
Tháng ba oằn mình hình con đê cong
Bạn bè lớn lên rồi cũng lấy chồng
Còn em đi xa...

Mỗi độ xuân về lại thương tháng ba
Buồn sướt mướt những chiều sương nhạt quá
Bãi sông nằm che con đò vất vả
Chị lấy chồng đã mấy mùa hoa.

Ký ức em dột ướt mái nhà
Thời gian phủ nỗi niềm lên màu rạ
Mẹ khâu vá một đời bên bức vách
Ngọn đèn chong chưa lụi tắt bao giờ.

Em một mình lặn lội với thơ
Mười tám tuổi không về quê như chị
Mẹ ướt mắt khuyên đừng tập làm thi sĩ
Bạc muôn chừng thân gái con ơi.

Tháng ba đi, hoa gạo nở hết rồi
Mẹ đếm tuổi em bằng cánh hoa mùa cuối.
Thư gửi em chừng là viết vội
Mẹ giục về đi lấy chồng thôi.

Tháng ba buồn dai ý hẳn ngậm ngùi
Nhắc em ngày sinh và hố vôi đầy hoa gạo rớt
Quê em đó, cơn mưa dài không ngớt
Khóc từ lúc sinh em cho đến tận bây giờ

Đành rằng tháng ba vẫn thắp màu hoa cũ
Nhưng có những điều phải sống khác ngày xưa....

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)