Từ nguyên mẫu đến nhân vật

NGUYÊN MẪU TRONG TRUYỆN NGẮN "BĂNG TAN"

Thứ Sáu, 07/06/2013 10:03

.Nhà văn TRÌ TỬ KIẾN (Trung Quốc)

Những câu chuyện hay hầu như đều ngắn, đó là kinh nghiệm thu hoạch được của nhiều người, trong đó có tôi, từ thời ấu thơ.
Trong đêm dài của cái làng Bắc Cực, những câu chuyện mà bà ngoại kể cho tôi nghe, thường chỉ mười phút một chuyện. Nếu như tôi nghe chưa đã, thì sẽ quấn lấy bắt bà kể lại. Mà điều kiện để kể lại, có lẽ là phải gãi ngứa cho bà ngoại, hoặc là giúp bà cho những thanh củi đã chẻ nhỏ vào trong bếp lò. Ấy là những đêm vào mùa đông. Chỉ cần bà ngoại tâm tình thoải mái, tinh thần sảng khoái, là sẽ kể liền một mạch hai, ba câu chuyện. Những lúc bà ngoại đã ngủ say rồi, song những thần tiên quỷ quái nhẩy ra từ trong miệng bà, vẫn tung tăng chạy nhảy mãi trong đầu óc của tôi, làm cho tôi thao thức đến quá nửa đêm, mà hai mắt vẫn tròn xoe như mặt trăng rằm.
Kỳ thực, rất nhiều nhà văn cũng như tôi, bắt đầu chập chững bước trên văn đàn, đều tập tành viết những tác phẩm ngắn. Những tác phẩm đầu tay của các tiểu thuyết gia khá nổi bật khi ấy, nói chung đều không phải là truyện vừa, mà là truyện ngắn, đã chứng minh điều ấy. Mà các nhà văn trong và ngoài nước hùng cứ văn đàn bằng truyện ngắn, thì không sao kể xiết: Chekhov, Mark Twai, Puning, Jack London, Europi Henry, Maupassant, Faulkner, Henry Lawson, Edgar Allan Poe, Yasunari Kawabata, Bồ Tùng Linh, Lỗ Tấn, Úc Đạt Phu, Thẩm Tùng Văn, Uông Tăng Kỳ, v.v…
Thậm chí những nhà văn có sở trường viết truyện dài (trường thiên tiểu thuyết), như Hemingway, Victor Hugo, Tolstoy, Flaubert, Calvino, v.v…cũng đều có những truyện ngắn khiến người đọc hâm mộ.
Trong những tác phẩm với dung lượng trên 50 triệu chữ Hán của tôi đã công bố theo thống kê chưa đầy đủ, thì truyện ngắn đã chiếm tỷ lệ đại đa số. Tôi chỉ biết, những tác phẩm đã công bố từ năm 1985 đến nay, truyện ngắn luôn ghi đậm dấu ấn trong lòng tôi, không thể nào xa rời và lơi tay được.
Ngay trong thời gian hai năm sáng tác tiểu thuyết “Nước Mãn Châu”, tôi cũng viết xong truyện ngắn “Bụi trần sông Xanh”. Tôi đã xuất bản trên 70 tác phẩm, trong đó, trừ những tập tiểu thuyết, trong tuyển tập nào cũng có bóng dáng truyện ngắn.
Bàn về thể loại truyện ngắn, tôi cũng viết nhiều bài thể hiện quan điểm của mình.
Vũ đài của truyện ngắn không lớn, cho nên trong giây phút nhảy múa, tâm trạng tư thế của nhà văn thường ở vào trạng thái tốt nhất, chẳng những cần có nhiệt tình nóng bỏng, lại cần có khí chất tập trung cao độ. Không nên cho rằng sân khấu hẹp, mà trời đất và khí hậu của nó cũng nhỏ. Khi nhảy múa trên sân khấu nhỏ, thì tâm thái xuất thần, phong cảnh của thế giới thiên nhiên của xuất hiện diễm lệ. Trong thời khắc thiên địa giao hoà, bạn sẽ cảm thấy nước chảy dưới chân cũng hoà thành một thể thống nhất với dải ngân hà. Bạn vừa là những cánh hoa sóng của dòng sông thiên nhiên, vừa là một dải sáng trong ngân hà, lung linh, trong suốt, huyền ảo, mà những cảm giác mỹ miều ấy, hình như rất khó cảm thụ thấy trong khi viết truyện dài.
Truyện ngắn giống như tia chớp, lúc bình thường ẩn dấu trong bầu trời sâu thẳm, một khi mây đen vần vũ, những nét đen tối và trần lắng của nhân gian tích tụ đến một trình độ nhất định, nó sẽ bốc cao ngút trời, xé tan mây đen, vén cao màn sương, để cho ánh sáng tái hiện. Điều này cũng cắt nghĩa tại sao khi người ta đọc những truyện ngắn, sẽ có cảm giác như được tắm mình trong cơn mưa hằng mong đợi.

Truyện ngắn “Băng tan” bắt nguồn từ câu chuyện mẹ tôi thuật lại, nói rằng: Sau khi “cách mạng văn hoá” kết thúc, cha tôi được xoá án sai khôi phục chức vụ, trở về trường làm hiệu trưởng.
Có một hôm, đột nhiên nhận được thông tri khẩn cấp của ngành giáo địa khu (cấp hành chính dưới tỉnh, trên huyện - VPT), mời cha tôi và ba vị nhân sĩ trong giới giáo dục nữa, đến ngay khu vực cách xa trên năm trặm dặm (tương đương 250 km) dự hội nghị. Thông tri không nói rõ họp hội nghị gì, cũng không nói thời gian họp.
Bởi vì trải qua cảnh ngộ đã gặp phải trong thời kỳ “cách mạng văn hoá”, cha tôi phân tích, sau khi tới đó họp, có khả năng lại phải đến nơi đại loại như trường cải tạo cán bộ 57, cho nên mẹ tôi coi chuyến đi này của ông là chuyến đi vĩnh biệt, chuẩn bị cho ông một va li du lịch lớn, mang theo rất nhiều đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, như kem đánh răng, xà phòng, đèn pin, v.v…gom góp hết số tiền có được trong nhà, để ông chi dùng thường xuyên.
Kết quả mấy ngày sau, cha tôi nhẩy chân sáo, mừng vui hớn hở trở về, ông đến Cục giáo dục địa khu, chẳng qua chỉ để xem hai bộ phim truyện chiếu nội bộ, mẹ tôi nói bà chỉ nhớ một bộ phim trong ấy là “Yamamoto”(1).
Khi mẹ tôi kể lại câu chuyện này, bằng giọng điệu tếu táo, trong lòng tôi lại có một nỗi đau khổ cay đắng không thể nói ra.
Tôi còn nhớ lờ mờ, cha tôi có lần lên địa khu họp trở về, mua cho chúng tôi không ít quà. Mẹ tôi nói: “Chính lần đi ấy, cái ông làm khuynh gia bại sản này đã tiêu hết sạch số tiền mang theo, có thứ cần dùng có thứ không cần dùng cũng đều mua!”
Mẹ tôi nói: Chính lần trở về này, cha tôi đã mua cho bà một chiếc áo sơ mi rõ trắng.
Rất nhiều năm sau, mẹ tôi vẫn thường nhắc lại chuyện vui như hài kịch này.
Nghe kể chuyện này tôi cũng ôm bụng cười, song tự đáy lòng lại dâng trào nỗi niềm bi thương buốt giá muốn xua đi cũng không nổi, thế là tôi viết nó thành truyện ngắn “Băng tan”.
Tôi hy vọng xiết bao cha tôi có thể đọc được câu chuyện mà ông trực tiếp trải nghiệm qua, do con gái ông tái hiện lại. Thật đáng tiếc là ông đã rời xa thế giới này trên hai mươi năm rồi.
Không biết cái thế giới hiện tại của cha tôi vẫn còn lạnh giá như cái thế giới mà chúng tôi đang sống hay không?

---------------

Chú thích:

(1): Yamamoto (4/4/1884 – 18/4/1943) là sĩ quan hải quân đế quốc Nhật Bản, đã từng đảm nhiệm hai nhiệm kỳ Tư lệnh Hạm đội Liên hợp lần thứ 26 và 27. Khi chết mang quân hàm Đại tướng, sau khi chết được truy tặng danh hiệu Nguyên soái.
(Chú thích của người dịch).

Nữ nhà văn Trì Tử Kiến, người Hải Dương, tỉnh Sơn Đông; Sinh năm 1964, tại Mạc Hà, tỉnh Hắc Long Giang. Sau khi tốt nghiệp lớp Nghiên cứu sinh do Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh phối hợp với Viện Văn học Lỗ Tấn tổ chức, chị về Hội Nhà văn tỉnh Hắc Long Giang công tác cho đến nay. Chị là Ủy viên Ban Chấp hành toàn quốc Hội Nhà văn Trung Quốc khoá 6, khoá 7; Hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Hắc Long Giang. Trì Tử Kiến bắt đầu sáng tác văn học từ năm 1983, năm 1990 gia nhập Hội Nhà văn Trung Quốc. Đã xuất bản trên 20 bộ tác phẩm văn học, có tác phẩm được Giải thưởng Văn học Lỗ Tấn và Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn. Một số tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại các nước Anh, Pháp, Nhật, Ý, v.v... Tác phẩm Băng tan (Giải đông) của nữ nhà văn Trì Tử Kiến đã đăng trên tạp chí Nhà văn (Tác gia) của Hội Nhà văn Trung Quốc, số 1 năm 2009; Đến tháng 8-2010 được trao Giải thưởng Truyện ngắn Quán càphê lần thứ hai, do nữ nhà văn kiêm đạo diễn điện ảnh trẻ tuổi Quyền Linh sáng lập. Hội đồng bình chọn Giải thưởng Truyện ngắn Quán càphê lần thứ hai đã nhận xét truyện ngắn Băng tan như sau: “Câu chuyện trong Băng tan đã xảy ra trong những năm tháng xa xôi, bằng một biến cố đột nhiên trong gia đình, đã trắc nghiệm ra sức mạnh sâu thẳm và tình thân thầm kín của nhân tính. Trong khi cuộc sống vận hành theo quĩ tích bình thường, quan hệ giữa con người với con người với nhau có lẽ phẳng lặng như mặt nước, một khi gặp phải khó khăn hoạn nạn khốn cùng, thì họ lập tức thông cảm, đồng tình, ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau. Và tình yêu thương đã diễn dịch ra sự ấm áp và tốt đẹp của cuộc sống. Sự quan sát và biểu dương mẫu nhân tính ấy làm tăng thêm những luồng ánh sáng dịu dàng, tươi trong, rạng ngời của tác phẩm. Trong cuộc sống nôn nóng hiện nay, “viễn cảnh” ấy có lẽ cũng sẽ đem lại ấm áp cho độc giả khi đọc tác phẩm này.”

Truyện ngắn BĂNG TAN

Khi băng tan tuyết chảy, thì những ngày tháng người vùng núi Tiểu Yêu Lĩnh hay bị ngã chổng kềnh cũng đến.
Vì băng tan tuyết chảy, đường làng biến thành bùn đất nhầy nhụa lép nhép quá xá, những ông già bà cả chân cẳng không còn nhanh nhẹn và những đứa trẻ ham chơi dưới ánh nắng xuân, thường thường hay đi lại, bèn bị bùn lỏng bất ngờ cài bẫy, “oạch” một cái, ngã bạch xuống đất. Trẻ em bị ngã chẳng oan uổng chút nào, khi cao hứng chúng bèn chạy nhảy vung vít, quên béng cả bùn nhớt; Còn những cụ già thì cẩn thận bấm ngón chân đi từng bước một. Khi bị ngã, các cụ già cũng có lúc muốn khóc thầm. Trong những người ở lứa tuổi trung niên, cũng có người bị bùn đất rắp tâm hãm hại, nhất là những con sâu rượu say sỉn. Khi họ châm nam đá chân chiêu, thường miệng nói lảm nhảm, có lúc nói mình đã chui vào chăn hoa mền ấm của đàn bà - khoái chí làm sao, có người nói họ không hề làm những chuyện đồi bại xấu xa, dựa vào bằng chứng nào mà dẫn giải họ đến cổng của âm tào địa phủ, có người còn tưởng bùn lỏng là tương ngon, gào lên gọi: “Này, cho một cây hành, để chấm tương!”
Chị em phụ nữ Tiểu Yêu Lĩnh căm hận ghét cay ghét đắng bùn lầy, một khi mặt trời ấm áp lên sưởi ấm, thì những lớp tuyết đọng trên mái nhà bắt đầu cựa quậy thay da đổi thịt, nóc nhà mái hiên tí tách nhỏ nước, thì chị em bèn không muốn cho các cụ già ra đường, không muốn cho đàn ông uống rượu, càng không muốn cho trẻ đi chơi. Nếu không, mỗi ngày chị em phải giặt hàng chậu quần áo tú hụ, mệt lả người không nói làm gì, còn lãng phí xà phòng nữa. Nhưng, bùn lầy làm sao có thể ngăn cản được con người hàng ngày đi lại chứ, các cụ già cần đi la cà vẫn cứ đi la cà, trên đường tan học về trẻ em vẫn cứ đùa nghịch với nhau, cánh đàn ông cũng không thể không túm năm tụm ba chơi quyền uống rượu. Trên đường, bạn thường xuyên gặp những người toàn thân bùn đất lấm lem sau khi “vồ ếch”. Không còn cách nào khác, chị em phụ nữ buộc lòng bắt người nhà mặc những bộ quần áo, đi những đôi giầy cũ rách nhất. Nếu là người thiên hạ mùa này đến Tiểu Yêu Lĩnh, trông thấy người làng ăn mặc quần áo rách rưới, chắc sẽ nói: “Cái làng này nghèo rớt mồng tơi!”
Có một người khi đi trên đường bùn lầy vẫn cứ ăn mặc chỉn chu, ông chính là thầy giáo Tô Trạch Quảng, hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiểu Yêu Lĩnh. Chỉ cần lên lớp, ông dứt khoát đi giầy da và mặc quần áo Tôn Trung Sơn, tuy ông rất chi cẩn thận, song khi trở về nhà, ống quần vẫn lấm tấm bùn, giầy da như mọc thêm nhiều con mắt bùn đen đỏ. Bà Lê Tố Phiến, vợ ông không thể không trách ông mấy câu, nói ông xem người Tiểu Yêu Lĩnh có ai ăn mặc như ông thế này không, để người ta cười thối mũi cho!
Ông Tô Trạch Quảng nói: “Đã bao nhiêu năm tôi không được mặc quần áo Tôn Trung Sơn, cái ngày mong mỏi được mặc nay đã đến, hơn nữa cứ để nó ở đáy va li, chẳng đáng tiếc hay sao!?”
Ông nhớ lại, trong những năm Đội Tuyên truyền công nhân vào cư trú ở trường học, một công nhân rèn bàn tay chai sạn của xưởng sửa chữa máy móc thuộc Cục Lâm nghiệp Thanh Phong đã thay thế Tô Trạch Quảng, làm hiệu trưởng, còn ông thì bị điều động phân phối đến xưởng chăn nuôi súc vật, chuyên nuôi lợn.
Những năm Hiệu trưởng Tô nuôi lợn, bất kể mùa đông hay mùa hè, đều mặc bộ quần áo công tác may bằng vải nội màu xám của vùng Tây Tạng, ống quần của ông bị lợn vẩy đầy thức ăn của chúng. Hai đôi giầy da cũng bị gác lại. Mùa hè, ông đi giầy ba ta, mùa đông thì đi ủng. Lúc ông vơ cỏ khô, cho lợn ăn, mỗi khi phát hiện cửa chuồng lợn bị đóng băng, bèn giơ chân lên, dùng guốc mộc đạp hai ba cái cho cánh cửa mở tung ra.
Sau khi được sửa sai, Tô Trạch Quảng được khôi phục nguyên chức, việc đầu tiên mà ông làm là đến Hợp tác xã mua bán mua một hộp xi đánh giầy, đem giầy da đánh cho bóng lộn, sau đó lại đem bộ Tôn Trung Sơn ra, đưa cho vợ là ủi cho nó phẳng phiu, treo lên vị trí bắt mắt nhất trong tủ áo. Người Tiểu Yêu Lĩnh trông thấy bộ dạng ông mặc bộ quần áo Tôn Trung Sơn, có người hâm mộ, có người thì khịt mũi nói: “Chuột chù lại tý tởn rồi!”
Trong những năm tháng Hiệu trưởng Tô nuôi lợn, Tết hàng năm, không tránh khỏi buồn bã, nặn vài con khỉ đất chơi xuân. Hình như khi người ta buồn bã thì chân tay cũng rã rời. Mà hai năm nay, tinh thần ông đã phấn chấn, dù đường lầy lội đến mấy, cũng chưa hề bị trơn ngã. Cho nên khi Lê Tố Phiến kêu ca thấy ống quần chồng bị vương bùn đất, ông cũng tự an ủi nói: “Ôi! So với trước kia, đây coi như vết bẩn khi đùa nghịch thôi mà, chịu đựng được tất!”
Ngày hôm ấy xuống lớp trở về nhà, Tô Trạch Quảng, toàn thân đầy bùn đất, rõ ràng ông bị ngã rồi. Lê Tố Phiến giận đến tái mặt, gào lên: “Tôi đã bảo ông mặc quần áo cũ vào, ông cứ không nghe! Bộ quần áo Tôn Trung Sơn vải kaki này giặt, là đều mệt lắm, ông có biết không?”
“Tôi biết!” Tô Trạch Quảng buồn thiu nói: “Tôi tự giặt, không để bà phải mệt!”
Lê Tố Phiến mềm lòng, bà bĩu môi nói: “Tôi cũng chỉ nói như vậy thôi, tôi giặt, chắc chắn phải khoả vào nước mấy lần, giặt một lần chưa sạch, thì tôi giặt hai ba lượt vậy!”
Tô Trạch Quảng thở dài, vừa cởi quần áo vừa nói: “Bà cần mau mau giặt sạch phơi khô, tôi phải đi Hưng Lâm dự hội nghị.”
“Họp gì thế, phải đi Hưng Lâm ư?” Lê Tố Phiến hỏi.
“Tôi biết là được rồi.” Tô Trạch Quảng nói: “Buổi chiều nhân viên bưu tá chuyyển công văn khẩn đến, tôi bóc ra xem, là công văn của Cục Giáo dục gửi đến, thông báo tôi ngày kia có mặt tại Thanh Phong, sau đó đi Hưng Lâm dự hội nghị khẩn cấp, lại còn đặc biệt ghi rõ việc này cơ mật, không được nói ra ngoài.”
Lê Tố Phiến “ái chà” một tiếng, đoán già đoán non, nói: “Hay lại xảy ra chuyện gì rồi?”
Tô Trạch Quảng buồn buồn nói: “Tôi cũng nghĩ như vậy. Trước kia mời đi họp, nội dung gì, họp mấy ngày, đều nói rõ ràng. Còn lần này, đã không nói chương trinh hội nghị, lại cũng không nói họp mấy ngày. Hơn nữa, họp gì mà lại triệu tập người ta đến tận Hưng Lâm chứ? Tôi thấy lần họp này, e rằng dữ nhiều lành ít.”
“Chỉ có một mình ông sao?” Lê Tố Phiến nói giọng như khóc.
“Thông tri viết ba người.” Tô Trạch Quảng nói: “Còn có Trần Thụ Điển, Chủ nhiệm Ban chiêu sinh của Cục Lâm nghiệp và Hiệu trưởng Vương Trung Kiện của Trường Trung học số 1.”
“Người ta đều ở Thanh Phong, dưới cơ sở chỉ có ông đấy. Trên rừng núi dưới đồng bằng nhiều trường như thế, trường Nam Câu, trường Sơn Hà, trường Vọng Giang Lĩnh, tại sao chỉ gọi hiệu trưởng trường Tiểu Yêu Lĩnh đi chứ? Ông thử nghĩ xem, hai năm nay, ông có phạm sai lầm gì không?” Lê Tố Phiến hỏi.
“Tôi nghĩ rồi, trường Tiểu Yêu Lĩnh không có giáo viên kém đạo đức, cũng không có học sinh vi phạm nội quy nhà trường, nói chung không có sai phạm gì.” Tô Trạch Quảng nói.
“Ông có làm việc gì vượt quyền hạn không?” Lê Tố Phiến nhăn nhó hỏi.
“Ông Vương đánh trống mùa đông năm ngoái bị cảm nặng, tôi giúp ông ấy đánh trống ba ngày, nếu như nói vượt quyền hạn, thì đấy là một việc.” Tô Trạch Quảng cười.
“Ông lại còn bụng dạ nói đùa ư!” Lê Tố Phiến nói: “Ông nếu xảy ra chuyện gì, ba mẹ con tôi làm sao mà sống nổi chứ?” Nói vậy, bà ràn rụa nước mắt.
“Bà yên tâm, vạn nhất có bất trắc, tôi sẽ sắp đặt ổn thoả cuộc sống của bà và lũ trẻ.” Tô Trạch Quảng nói.
Lê Tố Phiến định nói gì đó, thì Tô Hợp Đồ về đến nhà. Hợp Đồ mười lăm tuổi, sắp tốt nghiệp trung học cơ sở rồi. Tướng mạo của cậu giống mẹ, mặt tròn, mắt to, mũi tẹt; Tính tình lại giống bố, hay nói, thích nói đùa. Hôm nay, cậu mang súng cao su đuổi bắn một con chim, vấp ngã, rớt xuống vũng bùn, đang lo sợ về nhà sẽ bị mẹ mắng, vừa trông thấy bộ quần áo Tôn Trung Sơn bố vừa thay, biết bố vừa làm một bài học phản diện, cậu bèn yên tâm vững dạ, nói với mẹ: “Quần áo của bố phải giặt kỹ, bộ quần áo này của con sẽ ngâm vào nước giặt quần áo của bố, vò vò mấy lượt là được!”
Lê Tố Phiến nước mắt lưng tròng, nói: “Đúng là hai cái của nợ!”
Tiểu Yêu Lĩnh là bản làng nhỏ bé có hơn hai trăm hộ gia đình, trực thuộc Cục Lâm nghiệp Thanh Phong. Còn Cục Lâm nghiệp Thanh Phong, chẳng qua chỉ là một thành phố nhỏ cấp huyện, thuộc sự quản lý của thành phố Hưng Lâm. Tiểu Yêu Lĩnh cách Thanh Phong mười ba cây số, mà Thanh Phong cách thành phố Hưng Lâm trên ba trăm cây số. Từ Thanh Phong đi Hưng Lâm, phải ngồi sáu giờ xe lửa. Người Tiểu Yêu Lĩnh thường đi Thanh Phong, trang điểm cô dâu, mua sắm hàng Tết, hoặc thăm người nhà; Mà đi Hưng Lâm, đa số là vì ốm đau. Những bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Thanh Phong không khỏi, đều phải chuyển viện đến đấy. Cho nên, người Tiểu Yêu Lĩnh nếu nghe nói nhà ai có người đi Hưng Lâm, đều thường không nghĩ đến điều tốt lành.
Lê Tố Phiến nhóm lửa, đun một nồi nước, định giặt quần áo trước, rồi nấu cơm sau. Bà đang định đi lấy chậu giặt quần áo, thì Tô Trạch Quảng bèn mang vào. Ông múc một gáo nước trước, tráng rửa lớp tro đọng ở đáy chậu, hắt nó đi, sau đấy mới đổ nước sạch vào trong chậu. Khi ông múc nước xong, định nhúng tay vào trong chậu, định giúp vợ thử xem nhiệt độ của nước, thì quầng mắt của Lê Tố Phiến đã đỏ. Chồng bỗng quan tâm chăm sóc vợ như vậy, khiến bà cảm thấy nếu như mất đi người đàn ông này thì cuộc sống sẽ đâu còn yên ấm nữa. Trời tối dần, Lê Tố Phiến ngâm quần áo bẩn vào trong chậu, Tô Trạch Quảng biết giặt liền như thế này sẽ lãng phí không ít nước, hơn nữa nước trong vại đã sắp trông thấy đáy rồi, ông vội vàng quảy thùng đi ra khỏi sân.
Khi Lê Tố Phiến ngồi trong nhà bếp hơi nước bay lên mờ mịt, bắt đầu giặt quần áo, thì bỗng nhiên nghĩ đến con gái Tô Thái Lân còn chưa về, bèn bảo với cậu con trai đang ê a ở sau nhà: “Hợp Đồ ơi! Đi đón em gái đi, chắc tan học từ lâu rồi!”
“Nó ư, chắc là lại giúp bạn làm trực nhật rồi! Nếu không thì cũng giống như con và bố, chắc là ngã xuống vũng bùn rồi. Nếu thật như vậy, thì mẹ ơi, hôm nay mẹ quá xui xẻo!” Tô Hợp Đồ rất đồng cảm nói.
“Con đừng nói linh tinh nữa, mau đi đón em đi!” Lê Tố Phiến nói.
Tô Hợp Đồ vừa đi ra khỏi cổng, thì đã gặp em gái. Tô Thái Lân tuy không bị lấm bùn, nhưng cặp sách lại bị lấm láp, cặp sách trông như một cái bao bùn, vừa trông thấy mẹ, Thái Lân đã hu hu khóc. Xem ra, cô bé chỉ quan tâm đến mình, mà không nghĩ đến cặp sách. Mà cái cặp sách may bằng vải bạt mới khó giặt nhất.
Khi Lê Tố Phiến thở vắn than dài, thì Hợp Đồ nói to: “Mẹ ơi! đều là tai họa do bùn đất gây ra, nó là kẻ thù lớn của nhà ta, con không thể đội trời chung với nó!”
Cu cậu giang rộng hai cánh tay, an ủi mẹ bằng cách ngâm thơ:
Đầu xuân lầy lội cút đi,
Cuối xuân khô ấm tức thì đến mau!
Người Tiểu Yêu Lĩnh, rõ ràng đã phân chia mùa xuân thành đầu xuân và cuối xuân. Đầu xuân là thời tiết bùn đất lầy lội, lúc ấy mùa xuân chớm ấm còn lạnh, làm cho người ta có cảm giác nửa râm nửa nắng; Còn đến cuối xuân ư, thật sự trời đẹp nắng ấm. Khi ấy, đường sá khô ráo, cỏ xanh, hoa nở, én bay, gió nam hây hẩy. Đến thời tiết này, người Tiểu Yêu Lĩnh sẽ không muốn vào trong phòng ngủ nữa, bởi vì bầu trời cao đẹp làm sao!
Đầu xuân ở Tiểu Yêu Lĩnh đại để vào trung hạ tuần của tháng tư hàng năm, mà cuối xuân thì bắt đầu từ tháng năm. Nói chung, mọi người đều bắt đầu cày cuốc đất, vận chuyển phân vào đầu xuân; Đến cuối xuân thì gieo giống.

Tranh minh họa của họa sĩ NGUYỄN ĐĂNG PHÚ
Hiệu trưởng Tô gánh liền ba gánh nước. Mỗi lần ông gánh một gánh nước về, ông mặt trời lại già nua yếu ớt đi một chút. Đến khi ông gánh đầy vại nước, thì trời đã ố vàng rồi. Lê Tố Phiến đã giặt xong quần áo. Họ bắt đầu đốt nến, cùng nhau nấu cơm tối. Chiếc ghế Hợp Đồ ngồi đã bong mấy thanh gỗ, cậu tuyên bố không gọi thợ mộc, tự mình có thể sửa chữa lấy. Cậu chui ra chui vào, lát sau đã vào nhà kho lấy ra cưa và đục, lát sau chạy vào lục ngăn kéo lấy đinh và búa, tất bật mà vui ghê. Còn Thái Lân ư, cô bé đang xếp vở và dụng cụ học tập, từng thứ vào trong cái túi vải ba cạnh, cặp sách chưa khô, cô bé đành phải mang nó đi học. Cặp sách bốn cạnh bốn góc, rất khí thế, rất chính nhân quân tử; Mà túi vải ba cạnh đem lại cho người ta cảm giác như kẻ cắp kẻ trộm. Khi xếp sách vở vào bên trong, Thái Lân hơi không tín nhiệm nó. Quả nhiên, sau khi xếp xong đồ đạc, cô bé thử nhấc lên, thì đồ đạc bên trong túi vải ba cạnh đã lộn tùng phèo. Chúng như bọn vô lại nằm ngồi lung tung. Thái Lân bặm môi, lôi ra một cây bút chì, kê lên đầu gối bẻ gẫy luôn. Những lúc tức giận, cô bé thường hay phá hỏng đồ đạc.
Từ trong âu Lê Tố Phiến gắp ra một miếng thịt ướp, thái thành những lát mỏng, bày lên đĩa, rắc lên một ít tiêu và ớt, để vào trong nồi hấp. Sau đó, cho thêm ít bột mỳ, chưng bánh với hành hoa.
Tô Trạch Quảng nói: “Hôm nay, có món ăn ngon, tôi muốn uống một chén rượu!”
Lê Tố Phiến nói: “Ông không nói, tôi cũng sẽ hâm một chai rượu cho ông.” Bà nhìn chồng, lấy bánh ra, nói: “Tôi cũng muốn uống mấy ngụm.”
Tô Trạch Quảng biết uống rượu từ khi ông đi nuôi lợn. Khi ấy chẳng có việc gì làm, buồn đến phát cuồng phát điên. Ông thường ngồi với cán bộ thú y của Cục chăn nuôi súc vật, uống rượu say tít mù.
Có một lần ông uống say quá, đem hai cân rượu còn lại trong vò đổ vào máng thức ăn của lợn, cho một con lợn giống ăn. Kết quả con lợn ấy say quá, không biết đường đi về ổ, đã nằm ngay bên cạnh máng thức ăn. Sáng tinh mơ hôm sau, Tô Trạch Quảng tỉnh dậy đi cho lợn ăn, phát hiện ra nó vẫn nằm ngủ ngáy o o, vội lấy cây gậy gỗ đập nó túi bụi. Nhưng con lợn giống ấy chỉ kêu eng éc, mà không tài nào dậy được.Vừa trông thấy vò rượu không ở ngoài chuồng lợn, Tô Trạch Quảng bèn biết mình đã tưởng con lợn giống là bạn rượu rồi. Từ đó trở về sau, con lợn này không muốn ăn thức ăn nữa, mỗi ngày một gầy đi. Tô Trạch Quảng nghĩ đi nghĩ lại, cảm thấy vấn đề có thể sinh ra từ rượu, bèn lặng lẽ vẩy một ít rượu lên thức ăn của nó, làm thử trước, kết quả con lợn giống rất mê thức ăn được tưới rượu. Sau khi tìm ra căn nguyên của chứng bệnh, Tô Trạch Quảng phát hoảng, ông cung cấp rượu cho mình còn khó, nếu như cộng thêm một con lợn, thì đến khuynh gia bại sản mất. Từ đó về sau, ông cai rượu cho con lợn giống, nhưng con lợn giống này ngửi thức ăn không có mùi rượu, chỉ ăn vài miếng, bèn trở về ổ. Đến mùa xuân thứ hai, con lợn giống gầy nhom, đi dẹo dọ, yếu ớt không tài nào phối giống được nữa. Mọi người trong Cục chăn nuôi súc vật thấy nó vô dụng, bèn đem bán nó cho lò mổ Thanh Phong, để người ta giết thịt bán thực phẩm.
Sau khi trở thành ma men, Tô Trạch Quảng chẳng những làm hại con lợn giống của Cục chăn nuôi súc vật, mà còn làm hại cả Thái Lân. Làm hại con lợn giống, khi ấy ông đã nhận thức được; Còn làm hại Thái Lân, thì mấy năm nay ông mới hiểu ra.
“Uống rượu vào, ông như một con thú, cứ thí mạng đòi tôi!” Đấy là câu nói mà khi Lê Tố Phiến kể lể nỗi oan khuất của mình, thường nói riêng với Tô Trạch Quảng.
Tô Thái Lân sinh ra đúng vào thời kỳ ấy. Lúc một hai tuổi nằm trong tã lót, còn chưa phát hiện ra có điều gì không giống những đứa trẻ khác, biết bập bẹ tập nói, biết khóc biết cười. Đến ba bốn tuổi, con bé tham ăn tham uống, ngủ nhiều vô độ, làm cho Tô Trạch Quảng âm thầm lo lắng. Mà năm sáu tuổi về sau, thiểu năng trí tuệ của Thái Lân dần dần hiện rõ ra. Khi cô bé tập đếm từ một đến mười, thì bắt đầu mụ mẫm, mãi mãi không đếm qua được số mười một. Lê Tố Phiến bảo nó dọn cái ghế hay đưa cốc nước, nói mãi nó mới biết. Hơn nữa, mỗi khi có việc gì không ưng ý với nó, cô bé bèn huỷ hoại đồ đạc, lấy kéo cắt đứt ống quần, đập gương, ném bát, ném nến vào trong lò thay cho củi, v.v... Cho đến khi ấy, Tô Trạch Quảng mới vỡ lẽ, làm “chuyện ấy” sau khi uống rượu đã phải ăn quả đắng. Từ đó về sau, ông rất ít bén mảng đến rượu. Ngay vào năm trước thực hiện chính sách sung sướng như vậy, mà ông cũng chỉ nhấm nháp vài giọt rượu. Ông cảm thấy có tội lỗi với vợ và con gái.
Thái Lân học tiểu học ba năm vẫn ngồi một lớp, đến nay vẫn cùng học một lớp với lũ trẻ tóc để chỏm. Trẻ con ở Tiểu Yêu Lĩnh biết cô bé thiểu năng trí tuệ, cho nên hễ đến lượt mình làm trực nhật, lại lười biếng, bèn tâng bốc Thái Lân quét lớp rất sạch, Thái Lân sung sướng quá sắn tay áo, giúp chúng làm trực nhật. Chỉ cần bạn trông thấy cô bé đầu tóc mặt mũi lem luốc, là biết ngay cô bé đã làm việc giúp người khác.
Khi cơm canh nhà họ Tô bày lên bàn, thì trăng đã mọc. Hợp Đồ vừa trông thấy thịt ướp và bánh rán, thì đã reo lên “thơm ngon quá”, rồi lấy một chiếc bánh rán lên ăn. Thái Lân thấy anh ăn, cũng vội vàng túm lấy một chiếc bánh rán. Lúc hai đứa trẻ tranh nhau ăn, Tô Trạch Quảng thay một cây nến, Lê Tố Phiến thì rót rượu. Có mặt con cái, hai vợ chồng không tiện nói gì, khi chạm cốc, chỉ nháy mắt nhìn nhau rất chi là tình cảm. Ánh mắt của Lê Tố Phiến u sầu, ai oán vô cùng. Ánh mắt của Tô Trạch Quảng yếu đuối, như không nỡ xa nhau.
Họ cạn hết chén này đến chén khác. Hợp Đồ vừa ăn vừa đu đưa ghế, muốn khoe công mình đã sửa được nó, chiếc ghế cũng như muốn đung đưa theo, xem chừng không vững lắm. Cảnh đẹp không lâu, bỗng nghe thấy tiếng “roạp” một cái, chiếc thang gỗ kia lại rớt xuống. Chiếc ghế sập xuống, đầu của Hợp Đồ đập vào góc bàn, cáu tiết nhảy lên đạp cho nó một cái rồi chửi đổng: “Ngày mai ông sẽ bổ làm củi!”. Chửi xong, cậu mới cảm thấy đau đầu, mặt nhăn nhó, vừa xoa xoa vào chỗ đau, vừa nói: “Hôm nay, vì sao mình lại xui xẻo như vậy chứ? Chắc mình bị chọc tức như Lâm Xung mất!”
Vừa nghe thấy câu nói vậy, Lê Tố Phiến và Tô Trạch Quảng nhịn không nổi bèn cười xoà.
Thái Lân cắt ngang, hỏi: “Anh ơi! Lâm Xung là người Tiểu Yêu Lĩnh phải không?”
Hợp Đồ nhe răng bĩu môi nói: “Ông ấy ư, tám trăm năm trước đã đi qua Tiểu Yêu Lĩnh, chê nơi đây quá rét, và từ đây đi lên Lương Sơn rồi!”
Thái Lân không biết Lương Sơn ở đâu, càng không biết tám trăm năm trước là triều đại nào, cô bé giơ ngón tay lên đếm, đếm mãi vẫn không tính ra, hơi thất vọng, Hợp Đồ rời khỏi chỗ ngồi, cô bé ngáp dài đi vào phòng nhỏ của mình.”
Hai con đi rồi, hai vợ chồng mới dám tâm sự chuyện thầm kín với nhau.
Lê Tố Phiến nói: “Ông thử đoán xem, liệu có xảy ra chuyện không?”
“Ba người chúng tôi đây, có hai người vừa được thực hiện chính sách trở về cương vị giáo dục, còn một người khác ư, thì là Chủ nhiệm của Phòng Chiêu sinh vừa mới thành lập. Bà nói xem có khả năng là do vấn đề thi đại học không?” Tô Trạch Quảng ướm thử hỏi.
Lê Tố Phiến là nhân viên thủ kho của đội sản xuất, bà tuy tốt nghiệp trung học cơ sở, văn hoá không cao, song đầu óc linh hoạt, sáng ý, bà nói: “Khôi phục thi đại học mới được hai năm, không có khả năng lại bãi bỏ chứ? Nếu có bãi bỏ đi nữa, đừng nói Tiểu Yêu Lĩnh và Thanh Phong, ngay đến trường học trên toàn Trung Quốc, thì có trường nào chạy thoát được chứ? Làm sao lại chỉ tìm ba người các ông chứ?”
“Nói vậy cũng đúng, hồi khôi phục thi đại học, công văn đưa xuống dấu đỏ.” Tô Trạch Quảng nói: “Song vì sao Chủ nhiệm Phòng chiêu sinh cũng phải đi cùng chứ?”
“Liệu con trai nhà ông Ba Hạ xảy ra chuyện gì không?” Lê Tố Phiến nói: “Ông quên rồi à, mùa hè năm ngoái Hạ Kiệt thi đỗ vào một trường quân sự ở Thẩm Dương, hay là người ta đến thẩm tra tình hình chính trị?”
“Cậu ta ư, nó học chuyên môn cơ mật, đương nhiên phải thẩm tra tình hình chính trị.” Tô Trạch Quảng nói: “Thành phần gia đình cậu ta tốt, lại không có quan hệ với hải ngoại, thẩm tra tình hình chính trị chắc sẽ sớm chót lọt, nếu không thì đã không tiếp nhận cậu ấy vào trường”.
“Như vậy thì tôi thấy chuyện này không liên quan với việc thi đại học.” Lê Tố Phiến nói: “Bản Tiểu Yêu Lĩnh ta chẳng phải đã xuất hiện một sinh viên đại học rồi sao!”
“Phải chăng là những người đã được thực hiện chính sách, nếu vậy thì phải nghĩ lại xem thế nào?” Tô Trạch Quảng nói.
“Tại sao lại nói phải nghĩ lại?” Lê Tố Phiến hỏi.
Tô Trạch Quảng nói: “Trong một số người bọn tôi, có người đi kho lương thực coi kho, có người đi xưởng rượu nấu rượu, có người đi nhà máy quai búa đại, mọi người làm những việc ấy làm việc không đúng chuyên môn, phạm không ít những sai sót đấy. Tôi nghe nói, hiệu trưởng Ngô làm hỏng một cỗ máy cái, Vương Trung Kiện không biết ủ men rượu, làm cho mấy chum rượu không lên men, chua không thể ăn được, phải đổ sạch trơn. Hiệu trưởng Tần trong thời gian coi kho lương thực ư, có một đêm ngủ say quá kẻ trộm lẻn vào kho lương thực, lấy trộm mấy bao tải ngô đấy.”
“Ái chà! Tôi nhớ lại rồi, ông uống nhiều rượu, chẳng phải làm hại một con lợn giống phải không?” Lê Tố Phiến nói: “Song việc này không phải chỉ có ông biết tôi biết phải không?”
“Có một hôm tôi cùng thú y Lưu uống rượu, bỗng vui quá, buột miệng đã tiết lộ chuyện này ra. Nói xong, tôi cũng hối hận. Song, thủ trưởng Cục chăn nuôi súc vật không hỏi tội tôi, xem ra thú y Lưu không bán rẻ tôi.” Tô Trạch Quảng nói.
Lê Tố Phiến đặt chén rượu xuống, nói: “Uống nhiều vào không ngậm miệng được phải không? Xem ra rượu không phải là thứ tốt. Ông thú y Lưu đã được điều đi năm, sáu năm rồi phải không? Cũng không biết trước khi rời khỏi Tiểu Yêu Lĩnh ông ta có nói chuyện này với người khác không nhỉ?”
“Sao mà biết được chứ! Dù có nói rồi, ta cũng không sao. Nếu thật sự truy cứu trách nhiệm, tôi nhận sai là xong mà. Lớn nhất thì bồi thường một con lợn giống là cùng.” Tô Trạch Quảng lại thở dài, nói: “Chỉ mong đừng quy kết quan điểm, nói tôi phá hoại lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa là được.”
“Đúng là ông còn phá hoại lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa rồi.” Lê Tố Phiến nheo nheo mắt nâng chén rượu lên, uống một ngụm, nói: “Nếu như con lợn giống ấy không bị rượu làm hại chết, ông nghĩ xem, nó có thể giao phối với bao nhiêu con lợn cái, có thể đẻ ra bao nhiêu lợn con chứ. Nếu như căn cứ số lợn con do nó sinh ra mà bồi thường, tối thiểu có một trăm tám mươi con, tôi xem nhà ta có bán hết cả nồi niêu đi cũng đền không nổi.”
“Bà quả thực biết lửa cháy lại đổ thêm dầu đấy!” Tô Trạch Quảng cầm chén rượu lên, uống một hơi cạn, nói: “Đảng ta vẫn hiểu rằng một người trí thức quan trọng hơn một con lợn giống nhiều chứ!”
“Theo tôi đúng là như vậy!” Lê Tố Phiến nói đùa với chồng: “Đúng là tâm đầu ý hợp, không sợ ma quỷ gọi cửa, nào, chúng mình cạn một chén nữa. Chẳng hiểu ra làm sao, hôm nay không uổng công động não.”
Tô Trạch Quảng cảm thấy vợ nói có lý, thế là hai người thấy nhẹ nhàng, ăn uống thoải mái. Lê Tố Phiến uống nhiều, chân tay đã lung tung, bà có lúc ngâm nga một câu hát, lấy móng tay gạt muội nến, có lúc thò chân dưới mặt bàn, hích hích vào chân chồng, ngọt ngào khiêu khích. Tô Trạch Quảng cảm thấy vợ dưới ánh sáng của ngọn nến giống hệt cây nến cháy sáng ở góc bàn, tế nhị làm sao, hiền dịu làm sao. Ông muốn ôm ngay vợ vào lòng, thế là vội vàng giúp vợ thu dọn bàn, rửa bát, hâm nước rửa chân, trải chăn chiếu. Mọi việc thu dọn gọn gàng, khi ông đi kéo rèm cửa sổ, phát hiện thấy trăng đã lên giữa trời, hình như ông trời đã nói hết mọi chuyện, đánh một dấu chấm tròn vo. Tô Trạch Quảng kéo rèm cửa, thổi tắt nến. Trong phòng tối đen như mực, song ông hiểu rõ, một luồng ánh sáng khác sắp xuất hiện. Ông dùng ngọn lửa trong lồng ngực, mau chóng thiêu cháy vợ.
Lúc Lê Tố Phiến tỉnh dậy, ánh bình mình đã nhờ nhờ, thấy chồng không còn nằm bên cạnh mình nữa, bà cảm thấy miệng lưỡi khô khốc, bèn vào nhà bếp múc một gáo nước, uống một cách sảng khoái. Khi nước lã trong mát chảy khắp cơ thể bà, ý nghĩ nặng nề dần dần tiêu tan đi. Trở vào phòng, Lê Tố Phiến mặc quần áo, đi ra khỏi cổng. Bà muốn xem chồng bình thường hay ngủ nướng, hôm nay sớm thế, đã đi đâu.
Trên bầu trời vẫn có thể nhìn thấy dấu tích của mặt trăng, đó là những vết tro tàn của mặt trăng sau suốt đêm đốt cháy. Ở nơi không khí trong trắng thanh tịnh, mặt trăng và mặt trời thường thường đồng thời xuất hiện. Chỉ có khác là mặt trời xuất hiện với thể xác đỏ rừng rực, mà mặt trăng ẩn hiện với linh hồn trắng trong mờ ảo. Mùa xuân ở Tiểu Yêu Lĩnh sáng tối nhiệt độ rất khác nhau. Mặt đất ban ngày rất hiếm nắng vàng, đến ban đêm hình như bị mặt trăng trong lạnh giá làm ảo thuật, những vũng nước trắng loáng lại bị đóng thành băng, bùn cũng từ mềm nhũn biến thành rắn đanh. Những đứa trẻ tinh nghịch, trên đường đi học, chuyên chọn lựa những vũng nước đóng băng đá tung lên, làm cho cục băng vỡ ra “răng rắc”, hoà với tiếng cười của lũ trẻ con. Những cục băng vỡ tung toé giống như những bông hoa tuyết nở tung. Có lúc trẻ con đá quá mạnh, dép giầy bèn bị nước dưới tảng băng thấm ướt, lúc ấy chúng mới chạy như bay đến trường, vào lớp học sớm hơn, cởi dép giầy, để vào bên cạnh lò lửa hong cho khô.
Tô Trạch Quảng không ở ngoài sân. Lê Tố Phiến phát hiện đống phân bắc ở cạnh hố xí bị người ta bới đi một góc, bèn hiểu ra chồng lúc này chuyển phân ra ruộng lớn ngoài đồng rồi.
Những hộ gia đình ở Tiểu Yêu Lĩnh, vừa có ruộng vườn ở trước nhà và sau nhà, cũng gọi là vườn rau trước và vườn rau sau, cũng có đất tự giữ lại cách khá xa nhà, mọi người gọi là “ruộng lớn”.
Nói chung mỗi nhà đều có một khoảnh ruộng lớn, song cũng có gia đình nhiều nhân khẩu, có tới hai khoảnh ruộng lớn. Ruộng lớn ít thì hai ba mẫu, nhiều thì năm sáu mẫu, nói chung dùng để trồng khoai tây, rau cải bắp và cà rốt. Chúng vừa có thể làm rau ăn qua mùa đông, lại có thể dùng làm lương thực. Thông thường, vườn rau trong nhà là do phụ nữ làm, mà ruộng lớn thì do đàn ông kinh doanh quản lý. Tô Trạch Quảng làm ruộng không phải người trong nghề, cho nên ruộng lớn của nhà ông thường thường cỏ dại mọc nhiều, sâu bọ phá dữ. Vì thế, Lê Tố Phiến không thể không bị chị em phụ nữ bản Tiểu Yêu Lĩnh chê cười. Có người nói: “Khoai tây nhà các người tại sao chỉ lớn bằng cái mắt trâu, bé như thế, khi ăn không thể gọt vỏ được nhỉ?”. Còn có người nói: “Bà nói tại sao rau cải bắp hiệu trưởng Tô trồng chỉ xoè lá mà không cuộn chứ?”. Lê Tố Phiến ngoài miệng nói: “Đồ ăn thức uống làm gì phải phân biệt xấu đẹp chứ!”. Nhưng trong lòng cũng vẫn oán hận chồng. Ông ra ruộng lớn làm việc, thường pha một ấm trà mang theo, lại mang theo một quyển thơ cổ. Đến ruộng, cuốc cỏ chưa được mấy thời gian, đã ngồi xuống bờ ruộng uống nước trà đọc thơ rồi.
Lê Tố Phiến đi ra ruộng lớn của nhà mình. Vừa ra khỏi cổng làng, bà đã gặp lão Mộc phụ trách chăn nuôi của đội sản xuất, lão ta đang lùa ngựa. Trông thấy Lê Tố Phiến, lão Mộc xì mũi nói: “Vừa gặp lão Tô nhà bà, ông ấy năm nay sao tiến bộ thế, trời vừa sáng đã chuyển phân ra ruộng lớn, xem ra mùa thu năm nay nhà các người sẽ được mùa lớn!”
Lê Tố Phiến vâng dạ một tiếng cho xong.
Lão Mộc lại nói: “Thực ra ruộng lớn nhà ông bà làm tốt hay xấu cũng chẳng quan trọng gì, hàng tháng hiệu trưởng Tô vẫn lĩnh lương, không như bọn tôi, cuối năm nếu thu hoạch kém sẽ treo niêu mất!”
Câu nói của lão, khiến cho Lê Tố Phiến đau nhói trong tim.Giả dụ chồng xảy ra chuyện gì, cây cột kinh tế của gia đình sẽ đổ mất, mình làm sao nuôi sống được cả nhà đây.
Lê Tố Phiến hoang mang dao động, không đi tiếp nữa, mà quay người lại, trở về nhà nấu cơm. Đến lúc bà nhóm lửa, đun một siêu nước, thì Tô Trạch Quảng quẩy một đôi sọt dứa, mồ hôi nhễ nhại về tới nhà.
Lê Tố Phiến nói: “Tôi không biết ông thức dậy lúc mấy giờ nữa, ngủ say như chết!”
“Đương nhiên bà ngủ say như chết rồi!”. Tô Trạch Quảng lấy tay vuốt mặt vợ, cười ranh mãnh: “Tối qua bà say khướt mà...”
Lê Tố Phiến đập vào tay chồng một cái, trách yêu: “Vừa gánh phân xong, lại chưa rửa tay, đã xoa mặt tôi, tôi sẽ giận ông suốt ngày đấy!”
Vừa bốc nước rửa mặt, Tô Trạch Quảng nói: “Sang năm nhà ta cũng phải nuôi một con lợn, chỉ dựa vào phân bắc là không đủ đâu.”
Lê Tố Phiến nói: “Chẳng phải còn có ít phân gà nữa!”
Tô Trạch Quảng nói: “Phân gà bón cho vườn rau sau nhà, ở đó còn trồng đậu đũa và dưa chuột phải không? Lão Mộc nói đậu đũa và dưa chuột bón phân gà đều tốt, bà không nhớ ư. Lão còn nói phân bắc mạnh quá, nếu bón vào ruộng cà rốt, cà rốt sẽ ủng ruột”.
Lê Tố Phiến cười, nói: “Chưa nghe ai nói bón phân bắc sẽ làm cho cà rốt ủng ruột!”
“Vạt đất trồng rau cần ở vườn rau trước nhà, tôi thấy năm nay thay giống đi. Năm nào cũng cấy rau cần, đất trơ lỳ ra rồi, mùa xuân năm nay trồng mấy cây hồng vậy. Người ta chẳng đã nói sao? Đất không thay cây không tốt, người không chuyển ổ không sinh sôi!”
“Ông đừng có dạy tôi”. Lê Tố Phiến ngừng một lát, nói: “Những chỗ đất ấy đều chờ ông về gieo trồng”. Nói xong, bà né người, lén lau nước mắt.
Tô Trạch Quảng lau khô tay, đi ra phía sau vợ, đặt hai tay lên vai bà, nhỏ nhẹ nói: “Bình thường bà dữ dằn với tôi lắm, bây giờ thân mật với tôi như thế này, xem ra đúng là vợ chồng cùng chung hoạn nạn, tôi không nỡ xa bà đâu!”
Lê Tố Phiến khịt mũi nói: “Đừng có đưa tôi vào tròng, một người đàn ông, tay vì sao rửa xà phòng thơm thế, hay là lại vì cái cô giáo âm nhạc?”
Tô Trạch Quảng phẩy tay, nói: “Cứ nói lung tung!”
Hai người không đấu khẩu nữa, cùng nhau nấu cơm sáng. Nấu cơm xong, gọi Hợp Đồ và Thái Lân dậy. Cả nhà quây quần ăn cơm sáng, người đi học thì đi học, người đi làm thì đi làm. Bộ quần áo Tôn Trung Sơn và cặp sách đều chưa khôn hẳn, cho nên Thái Lân đi học phải mang túi vải ba cạnh, Hiệu trưởng Tô thì mặc bộ thường phục màu xanh thẫm. Khi họ ra khỏi cửa nhà, Lê Tố Phiến thường hay dặn một câu: “Nhớ chú ý đường trơn đấy!”
Khi trong nhà chỉ còn lại một mình Lê Tố Phiến, bà bắt đầu giúp chồng chuẩn bị hành trang. Áo lót quần lót mỗi thứ hai bộ, áo ngoài quần ngoài thì một bộ. Khăn bông một mới một cũ, mới lau mặt, cũ lau chân. Xà phòng giặt, xà phòng thơm mỗi thứ một bánh. Nến diêm, mỗi thứ một bao. Trà đỏ, lưỡi dao cạo râu, dép lê, kính lão, chỉ cần thứ gì chồng cần đến là để vào đủ. Nghĩ ông ấy có thể một năm rưỡi mới trở về, nên lại lấy bộ quần áo mùa đông vừa thu xếp, lấy lại từ đáy rương ra. Chiếc va li du lịch, rất mau bị nhét căng phồng. Nghĩ chồng một mình có thể vắng vẻ, bà lấy chiếc đài thu thanh bán dẫn bỏ vào. Lại nghĩ ông ấy không thể xa rời sách, bèn đưa mấy quyển sách chồng hay đọc vào. Nhưng, trong giây phút kéo cái va li, bà đột nhiên nhớ lại sách là thứ gây thị phi, vạn nhất có một ngày sách như vậy lại bị cấm, ông ấy chẳng khác gì mang theo mấy quả bom ư? Thế là, bà lại bỏ sách ra. Cứ như vậy, bà tất bật suốt cả buổi sáng, mới thu xếp xong hành lý.
Bữa cơm trưa của các gia đình ở Tiểu Yêu Lĩnh, nói chung đều tương đối giản đơn. Nhưng, bữa trưa ngày hôm ấy, cơm trưa nhà ông Tô cũng khá tươm tất, có trứng gà rán vàng ươm, có bánh rán rắc bột lạc màu hồng phấn, còn có khoai tây thái quân toán rán nở trắng như tuyết. Hợp Đồ tan học trở về, vừa nhìn thấy món ăn trên bàn dọn cơm, bèn reo lên: “Mẹ ơi! Nhà ta sao ăn tươi thế?”
Thái Lân cười hì hì, nói: “Có đồ ăn ngon quá!” bèn ăn trước.
Tô Trạch Quảng nói nhỏ với Lê Tố Phiến: “Bà làm như thế, khiến cho tôi cảm thấy như sắp ra pháp trường ấy!”
“Nói bậy bạ gì thế!”. Lê Tố Phiến nói: “Tôi thèm quá, muốn ăn một ít món ăn ngon, không được sao?”
Tô Trạch Quảng gượng gạo ăn cho qua, vừa nhìn thấy vợ chuẩn bị hành trang cho mình, lòng nặng như đeo đá, ông nói: “Như thế này tựa hồ mang theo nửa ngôi nhà, dùng không đến mất?”
“Ông nghe tôi đi!”. Lê Tố Phiến nói: “Có phòng bị thì không gặp họa!”
Tô Trạch Quảng nói vợ đưa cho mười đồng, nói tối nay nhà trường tổ chức ăn tươi, ông không về, bảo bà và hai con không phải chờ ông về ăn cơm.
Lê Tố Phiến nháy chồng một cái, hắng giọng một tiếng: “Thôi tuỳ ông đấy!”
Từ trong ánh mắt của vợ, Tô Trạch Quảng hiểu bà cho rằng ông đi tìm cô giáo dạy nhạc mới về trường. Cô giáo này từ Thanh Phong đến, hai mươi sáu tuổi, chưa thành lập gia đình, cư trú tại khu ký túc xá đơn thân. Cô ấy xinh đẹp thanh tú, giống như một nốt nhạc nhẹ nhàng, hình như lúc nào cũng như sắp bay lên. Cô kéo phong cầm rất hay, Tô Trạch Quảng thường lấy danh nghĩa đi nghe giảng bài, để đến lớp cô lên lớp thưởng thức tiếng đàn của cô. Đã nhiều lần rồi, chủ nhiệm bộ môn đã quan sát thấy, có một lần nhắc nhở ông: “Hiệu trưởng Tô, tiết âm nhạc này thầy đã nghe năm lần rồi, tiết địa lý thầy chưa đi nghe một lần nào, hay là sắp xếp đi nghe xem sao?”. Từ đó trở đi, Tô Trạch Quảng mới không đi nghe bài của cô ấy nữa. Nhưng, bài giảng của cô giáo dạy nhạc, có khi ông ngồi ở phòng hiệu trưởng vẫn nghe thấy, bởi vì tiếng đàn biết mọc cánh để bay xa mà!
Thực ra, Tô Trạch Quảng cũng chẳng có ý nghĩ đen tối gì với cô giáo dạy nhạc đâu. Trong mắt ông, cô chẳng qua là một con chim hoạ mi xinh xẻo rơi xuống Tiểu Yêu Lĩnh, để chuyên môn ca hát mà thôi.
Buổi chiều, Tô Trạch Quảng bắt đầu thanh lý những thứ trong phòng làm việc, mà theo ông nên tiêu huỷ. Ông lôi từ trong ngăn kéo ra từng trang thơ mà bình thường bí mật sáng tác, đọc lại từng bài một. Lúc này, ông giống như một viên thẩm phán, xét xử quyết định những bài thơ nào nên sống, bài thơ nào cần bắn chết. Khi ông đọc đến câu: “Canh ba mưa lất phất, canh năm tim giá băng”, cảm thấy nó quá lạc lõng, bèn liệt nó vào hàng ngũ xử tử hình; còn câu “Ta một mình dưới trăng, mời một đoá mây màu, làm cô dâu trong chén mình”, lại quá tình cảm tiểu tư sản, cũng bị liệt vào danh sách chết trận. Cứ như vậy, kinh qua phán quyết của ông, chỉ còn lại năm bài thơ thôi. Ông vẫn chưa an tâm về năm bài thơ này, lại cẩn thận soát xét một lần nữa, phát hiện “Nước mắt tôi rơi vào đêm đen, thế là đêm đen có hạt gống, nẩy mầm thành bình minh” cũng dễ gây tai hoạ, bèn biến nó thành kẻ chôn theo cuối cùng. Ông đem những bài thơ bị xử bắn, cùng với bức tượng thạch cao Venus bị cụt tay, tập thơ chép tay “Lời Nalan”, lấy giấy báo cuộn lại, nhất loạt ném vào trong lò lửa ở ngoài hành lang. Chỉ nghe thấy “oàng” một tiếng, chiếc nắp lò rung lên, thế là những thứ ấy trong giây lát đã bị ngọn lửa bùng lên ăn sống nuốt tươi. Tô Trạch Quảng thở dài một tiếng, rời xa lò lửa, trở về phòng làm việc, ngồi thừ ra. Chờ đến lúc tan tầm, ông khoá cửa lại, đi đến hợp tác xã mua bán, mua một chai rượu cao lương và một hộp thịt kho tàu, mang đến nhà Vương Thống Lương.
Vương Thống Lương ít hơn Tô Trạch Quảng hai tuổi, là công nhân khai thác gỗ, đồng thời cũng là một tay săn xuất sắc. Vào mùa đông, anh ta lên khu công trường trên núi khai thác gỗ, đến mùa xuân, thì trở về Tiểu Yêu Lĩnh làm ruộng, cho đến tận mùa thu. Hồi trẻ, Vương Thống Lương, đã để mắt đến Lê Tố Phiến, lúc anh ta cầu hôn, Lê Tố Phiến nói, cô ta đã yêu Tô Trạch Quảng rồi. Điều ấy làm cho Vương Thống Lương rất mất mặt, bởi vì anh ta tướng mạo anh tuấn, thu nhập không thấp, là một thanh niên thứ nhất thứ nhì ở Tiểu Yêu Lĩnh, mà Tô Trạch Quảng khi ấy chỉ là một giáo viên ngữ văn. Vương Thống Lương cùng bà mối, giận dỗi nói với Lê Tố Phiến: “Yêu một người cầm phấn, cô sẽ ăn bụi phấn suốt đời đấy!”
Lê Tố Phiến kết hôn với Tô Trạch Quảng, Vương Thống Lương cũng lấy vợ. Vợ anh ta rất mắn đẻ, cứ cách hai ba năm lại tăng thêm một xuất đinh cho nhà họ Vương. Như thế là, đến khi trên bốn mươi tuổi, Vương Thống Lương đã có sáu đứa con trai. Bởi vì Lê Tố Phiến và Tô Trạch Quảng bình thường rất ít đi lại với Vương Thống Lương, họ gặp nhau trên đường, cũng chỉ chào nhau một câu mà thôi. Cho nên, Vương Thống Lương thấy Tô Trạch Quảng đến nhà, anh ta vô cùng ngạc nhiên. Anh ta cho rằng con trai đã gây tai hoạ gì ở trường. Tô Trạch Quảng vừa ngồi xuống, anh ta đã hỏi ngay: “Đứa nào làm chuyện xấu thế?”. Thấy Tô Trạch Quảng không nói, anh ta phán đoán: “Không phải thằng Hai, thì là thằng Tư, hai đứa này không phải là học sinh dốt đâu!”
Tô Trạch Quảng vội nói, hôm nay ông đến, là vì chuyện riêng, chuyện riêng này phải uống rượu rồi mới dám mở miệng nói, rồi đưa rượu và hộp thịt ra.
“Ôi, ông anh đến uống rượu, làm gì phải mang theo những thứ này chứ? Sao xa lạ thế!”. Vương Thống Lương vội vàng chạy vào nhà bếp, nói to với vợ: “Đưa nửa con thỏ còn trong nhà kho ra, quay lên, múc thêm một đĩa thịt đông, lấy ít rau thơm, tôi và hiệu trưởng Tô cần uống mấy chén rượu!”
Sau khi trở lại phòng khách, Vương Thống Lương hỏi Tô Trạch Quảng: “Ông anh lại lên núi đánh bẫy thỏ ư?”
“Bữa trước nhàn nhã, lén đi bẫy mấy con. Hôm kia lại đi đặt bẫy, thật sự lại bắt được mấy con thỏ!”
Vương Thống Lương nói: “Nhưng đừng có nói cho người trong Sở quản lý rừng biết, nếu không lại bị nộp phạt đấy!”
Tô Trạch Quảng cười nói: “Yên tâm đi, ai lại nói ra chứ!”
Nhà Vương Thống Lương có bốn con là học sinh đang học tại trường, trước đây chúng tan học về nhà, cứ như bầy chim non tíu tít, chí choé với nhau, chui rúc hết chố này đến chỗ khác. Hôm nay, chúng phát hiện thầy hiệu trưởng đến nhà mình, sợ quá không dám ho he, như mèo ở lỳ trong phòng sau, giả vờ làm bài tập. Chỉ có cậu Năm sáu tuổi và cậu Sáu ba tuổi, còn ở lại trong phòng khách đứng nép bên cạnh bố. Tô Trạch Quảng và Vương Thống Lương nói toàn chuyện chẳng đâu vào đâu, đến ngay lũ trẻ con cũng cảm thấy vô vị, cậu Năm cậu Sáu lại chuồn cả vào nhà bếp. Trong ấy còn xào nấu thức ăn, rõ ràng lý thú hơn ngoài phòng khách.
Trời đã tối, vợ của Vương Thống Lương đặt bàn trên giường, châm nến, đưa thức ăn lên. Phong tục của Tiểu Yêu Lĩnh, nếu trong nhà có khách quý, phụ nữ và trẻ con không được ngồi cùng bàn, họ phải đợi khách ăn xong, mới được ăn thừa, nếu như món ăn thịnh soạn, thì bớt mỗi món một ít, để lại ngồi ăn trong bếp. Tô Trạch Quảng vừa nhìn thấy nhiều món ăn, bèn nói với vợ của Vương Thống Lương: “Thím ơi! San bớt thức ăn cho lũ trẻ đi, tôi và Thống Lương ăn làm sao hết những món này!”
Vợ của Vương Thống Lương cao lớn, mặt dài, vai rộng, mông nở. Bà tính tình tốt, biết kham khổ, lòng thật thà. Nghe hiệu trưởng Tô bảo bà sớt thức ăn cho lũ trẻ, bà thật sự vào nhà bếp lấy ra một cái đĩa không, mỗi món ăn gắp một ít, nói: “Bác đừng cười nhé, lũ quỷ con nhà em nhiều quá, lúc không đủ ăn, chúng nó còn đánh lộn nhau đấy.” Bà sớt món ăn xong, đặt đũa xuống, bưng đĩa đi ra. Vương Thống Lương nói nhỏ với Tô Trạch Quảng: “Bà xã nhà tôi, thật thà quá, ông anh nếu như lại gọi bà ấy ra sớt thức ăn, thì bà ấy lại sẽ mang đĩa không ra đấy!”
Tô Trạch Quảng cười, Vương Thống Lương cũng cười. Trong tiếng cười, họ lại uống cạn một cốc rượu.
Vương Thống Lương nói: “Trạch Quảng, nói đi, ông anh vừa bước vào nhà đã nhíu mày, giống như trở lại với những năm tháng nuôi lợn vậy. Gặp chuyện khó khăn gì, chỉ cần tôi có thể giúp đỡ, thì không cần giấu!” Anh ta vỗ ngực nói.
Tô Trạch Quảng nói nhỏ nhưng hai năm rõ mười cho Vương Thống Lương biết chuyện có thông tri mời ông đi dự hội nghị khẩn cấp.
“Hay là lại phát động phong trào gì đây?”. Vương Thống Lương buông đũa xuống, nói: “Triệu tập các ông đến Hưng Lâm, rồi sau đó lặng lẽ đưa xuống cơ sở đến đâu nữa?”
“Tôi sợ chính là chuyện ấy đấy!” Tô Trạch Quảng nói: “Có lẽ lần này đi, ba năm không trở về nổi mất”.
“Các ông những người uống mực cũng thật là, nói vinh quang cũng thật vinh quang, nói xui xẻo cũng xui xẻo không ai bằng!”. Vương Thống Lương nói: “Đáng thương là Tố Phiến theo ông, ăn bụi phấn không nói làm gì, còn không được sống cuộc đời yên lành nữa!”
“Nếu như tôi vạn nhất có chuyện gì, không trở về được, tôi cầu xin anh giúp đỡ chăm sóc gia đình tôi”. Khi Tô Trạch Quảng nói câu này, trán ông vã mồ hôi, nói: “Người khác tôi không tin nổi”.
Tô Trạch Quảng cầu xin Vương Thống Lương giúp đỡ, là đã trải qua nhiều lần suy đi tính lại. Ông nghĩ Vương Thống Lương đã từng yêu Lê Tố Phiến, đã yêu rồi, thì thế nào trong lòng vẫn còn đọng lại dư âm, muốn giúp đỡ bà ấy; Hơn nữa, Vương Thống Lương là một chính nhân quân tử, sẽ không lợi dụng nguy nan của người khác, Lê Tố Phiến sẽ không gặp nguy hiểm bị xâm hại thân thể.
Vương Thống Lương trầm mặc giây lát, uống một ngụm rượu, đột nhiên nói đến chuyện đi săn: “Trạch Quảng ơi! Trong cả đời tôi có một lần đi săn thú vị nhất là vào năm hai mươi mốt tuổi. Mùa xuân năm ấy, tại một cái ao sâu ở hạ du sông Ô Mã, tôi đặt mấy cái bẫy. Nửa tháng sau, tôi đi xem bẫy, phát hiện đã bẫy được một con gấu đen nhỏ, nó đã chết rồi. Tôi không gỡ bẫy, mà chờ cho nó thối rữa, dùng nó làm mồi, chờ bắt được một động vật lớn. Thế là, tôi lại đặt mấy cái bẫy lớn bên cạnh con gấu đen nhỏ. Tốt quá, năm ngày sau, quả nhiên bẫy được một con hươu! Đó là con hươu mẹ, vẫn còn sống! Nó vừa trông thấy tôi, bèn quay đầu lại, tỏ ra rất căm giận tôi. Tôi đi đến trước mặt nó, để mắt nó nhìn thẳng tôi, thử xem nó làm như thế nào? Nó lại cúi thấp đầu xuống, lại không nhìn tôi! Tôi hiểu ra, tự đáy lòng nó khinh thường tôi, tôi dùng con mồi đã chết mồi chài nó, nó không phục tôi! Thế là, tôi gỡ cái chân của nó bị vướng vào bẫy ra, cho nó nhấc chân chạy đi. Thoạt tiên nó không tin tôi mở cho nó một con đường sống, đứng nguyên tại chỗ, nhúc nhích bàn chân, mà không bước đi. Tôi vỗ vào người nó một cái, ý bảo nó chạy đi, lúc ấy nó mới tập tễnh bước đi. Nhưng vừa rời khỏi cái ao, nó lại quay người lại, từ trong lùm cây thò đầu ra, từ từ chạy lại phía tôi. Cách chỗ tôi khoảng ba bốn mét, nó dừng lại, nhìn tôi chằm chằm. Ôi, đôi mắt của nó rưng rưng nước mắt, chứa chan tình cảm, tôi chưa từng nhìn thấy trên đời có một đôi mắt xinh đẹp như thế, đúng là nhìn thấy một lần khiến người ta không thể nào quên! Tôi hiểu ra, trước khi chạy đi, nó muốn cảm ơn tôi. Tôi nhìn nó vẫy vẫy tay, tỏ ý hiểu nó, nó mới quay người, đi vào trong lùm cây. Đến lúc ấy, nó mới nhảy đi, nó không còn sợ tôi làm hại nó nữa, vẫn quanh quẩn ra vào mấy ngày, sau đó mới trở về rừng nhập đàn! Trạch Quảng, ông nói xem, đấy có phải là một lần đi săn tuyệt vời nhất của tôi không?”
Tô Trạch Quảng hiểu vì sao Vương Thống Lương lại kể câu chuyện này, ông vô cùng cảm kích nói: “Tố Phiến và lũ con tôi có chỗ dựa rồi!”
“Ông anh yên tâm đi! Nhà tôi có cái ăn, nhà anh không thể đói được!” Vương Thống Lương nói: “Nếu ai dám o ép vợ con anh, tôi sẽ làm cho nó có hôm nay mà không có ngày mai!”
Vương Thống Lương nói đến đây, Tô Trạch Quảng cũng không cần phải căn dặn gì nữa. Họ uống hết cốc rượu này đến cốc rượu khác, chẳng những mình uống say mặt đỏ tưng bừng, mà mặt trăng cũng đỏ lên rồi. Lúc ấy, trong nhà bếp hốt nhiên vọng ra tiếng khóc của trẻ con, Vương Thống Lương không rời bàn ăn, đầu hướng vào nhà bếp, lớn tiếng mắng vợ: “Quế Hương! Lũ quỷ con làm sao thế?”
Bà xã cao giọng trả lời: “Thằng Hai thằng Bốn ra ngoài chơi, thằng Hai ranh ma đẩy thằng Bốn ngã xuống vũng bùn, lấm sạch cả người, tôi tát cho thằng Hai một cái!”
Vương Thống Lương cười, nói với Tô Trạch Quảng: “Con mụ này dạy con cũng không chọn đúng lúc.”
Sự việc đã dàn xếp ổn thỏa, Tô Trạch Quảng muốn về nhà sớm một chút, Vương Thống Lương cũng không kèo néo giữ ông ở lại thêm. Lúc tiễn Tô Trạch Quảng, anh ta bấm đèn pin đi vào trong lều, lấy một gói thịt khô ra, nhét vào túi áo Tô Trạch Quảng, nói: “Lũ quỉ nếu biết có thịt khô, thì đã ăn mò hết của tôi rồi! Ông anh mang về, ngày mai ăn trên đường!”
Tô Trạch Quảng cảm ơn Vương Thống Lương, rồi trở về nhà. Trên đường làng ít thấy bóng người, ông đi sát mép đường, sợ bị trơn ngã. Mỗi khi ông đi qua những nhà có chó, chó ở trong sân bèn “ông ổng” sủa vài tiếng. Tô Trạch Quảng nghĩ, nhà mình cũng phải nuôi một con chó, một con chó canh cổng, bằng nửa người đàn ông đấy! Vì đúng vào thời điểm bữa cơm tối, nên trong làng khói bếp cuồn cuộn, không khí đậm đặc mùi khói của rơm củi. Khi Tô Trạch Quảng đi qua trường học, rất muốn nghe tiếng phong cầm. Ông đi vào cổng trường, nhưng chưa đi đến phòng ở của cô giáo âm nhạc, đã quay người lại. Ông sợ toàn thân mình đầy mùi rượu mà gõ cửa nhà người ta, sẽ khiến cho người ta hiểu nhầm.
Lúc Tô Trạch Quảng vào trong nhà, Lê Tố Phiến đang dùng bàn là than, ủi bộ quần áo Tôn Trung Sơn. Hợp Đồ và Thái Lân ngồi cạnh giường, nhờ ánh sáng đọc sách trẻ con. Vừa trông thấy bố về, chúng nó sung sướng nhào đến.
Hợp Đồ nói: “Bố ơi! Mẹ nói ngày mai bố phải đi Hưng Lâm, có thể mua cho con một cái ống nhòm không?”
“Con cần ống nhòm để làm gì?” Tô Trạch Quảng vỗ vào vai con trai, hỏi.
“Con muốn ngắm chim trên trời và cá dưới nước!” Hợp Đồ nói.
Thái Lân nói: “Con muốn kẹo xốp, mười cái!” Cô bé giơ hai tay lên, vẫy cả mười ngón tay.
“Tại sao em không muốn hai mươi cái?”. Hợp Đồ hỏi.
“Anh ngốc quá! Một người chỉ có mười ngón tay, ra hiệu hai mươi liệu có được không!” Câu nói của Thái Lân làm cho Hợp Đồ hô hố cười phá lên..
Tô Trạch Quảng lấy từ trong túi áo lấy gói thịt khô ra đưa cho Thái Lân, vừa nói với Hợp Đồ: “Vào phòng sau, bố có chuyện muốn nói với con.”
Vừa vào phòng sau, Hợp Đồ bèn ngồi xuống chiếc ghế mà cậu vừa chữa xong, đu đưa chân, vênh váo nói: “Bố ơi! Nó còn dám đập đầu con, con sẽ cưa luôn cái chân thọt của nó!”
Tô Trạch Quảng lấy một cái ghế nhỏ, ngồi đối diện với con trai. Con trai ngồi cao hơn, giống như người chủ, mà ông ngồi thấp hơn, lại giống như đầy tớ.
“Hợp Đồ! Bố lần này đi xa, nói không biết lúc nào mới về. Con đã mười lăm tuổi rồi, cũng nên chèo trống việc nhà”. Tô Trạch Quảng ngừng một lát, nói: “Vạn nhất bố không trở về, con phải chăm sóc mẹ và em gái!”
“Chẳng phải bố đi họp sao?” Hợp Đồ cảnh giác hỏi.
“Đúng là đi họp!” Tô Trạch Quảng do dự một lát, nói: “Chỉ sợ có gì bất ngờ, con có hiểu không?”
“Ý là bố nói hội nghị này, còn không rõ hội nghị tốt hay hội nghị xấu?” Hợp Đồ thẳng thắn nói: “Nếu như là hội nghị xấu, chắc bố lại phải đi nuôi lợn như những năm trước kia?”
“Nuôi lợn vẫn còn là tốt, được ở trong nhà”. Tô Trạch Quảng nói: “Bố sợ vạn nhất có tinh thần gì mới, lại đưa chúng ta lên xe lửa kéo lên Tân Cương sửa đường hoặc đến nông trường nào đó làm ruộng, nhất thời khó trở về.”
Hợp Đồ cúi đầu, nín thở. Cậu nghĩ kế một lát, đột nhiên ngẩng đầu lên, nói: “Bố ơi! Nếu như bố ở bên ngoài lâu năm, khi bố lại trở về, biết đâu con cũng có con rồi cũng nên?”
Tô Trạch Quảng thật sự khóc cười không xong, ông cảm thấy con trai còn chưa lập nghiệp, giao phó gia đình cho nó thật là oan uổng, bèn thất vọng đứng dậy. Mà ông toan đi ra, Hợp Đồ đột nhiên nhảy xuống khỏi ghế, thổi tắt ngọn nến trước bàn, quỳ sụp xuống đất, ôm chân của Tô Trạch Quảng, trong đen tối nói: “Bố ơi! Bố yên tâm đi! Nếu như bố không trở về, con sẽ quản lý cái nhà này! Con giúp mẹ bổ củi, gánh nước, làm ruộng, không để Thái Lân bị o ép! Con sẽ lại nuôi một con chó, như vậy ban đêm người xấu sẽ không dám vào nhà ta!”
Nước mắt của Tô Trạch Quảng lã chã tuôn rơi, ông kéo Hợp Đồ lại, nghẹn ngào nói: “Con trai giỏi lắm!”
Là xong bộ quần áo Tôn Trung Sơn, Lê Tố Phiến đang treo nó lên giá áo. Vừa rồi Tô Trạch Quảng đi vào phòng, bà không chào hỏi một câu, tỏ ra rất hờn giận, mà lúc này, bà vui vẻ hớn hở nói với chồng: “Trong chảo có nước nóng, ngâm chân đi, cho đỡ mệt!”
Thái Lân mệt rồi, vào trong phòng ngủ. Rửa chân xong, hai vợ chồng thổi tắt nến, chui vào trong chăn. Lê Tố Phiến tựa vào lòng Tô Trạch Quảng nói: “Ông đi đến nhà Vương Thống Lương, sao không nói thẳng với tôi?”
“Tại sao bà lại biết tôi đến nhà ông ấy?”. Tô Trạch Quảng hỏi.
“Ở Tiểu Yêu Lĩnh, chỉ có nhà ông ấy say mê đi săn mới có gói thịt khô!” Lê Tố Phiến nói.
“Thảo nào hồi còn trẻ ông ta đã yêu bà.” Tô Trạch Quảng ôm chặt vợ, nói: “Người phụ nữ thông minh thì ai chẳng yêu chứ!”
“Nếu như tôi thông minh, thìtôi đã không lấy ông rồi”. Lê Tố Phiến rưng rưng nói: “Sống với người trí thức, cứ lo ngay ngáy!”
Tô Trạch Quảng xoa xoa mái tóc đẹp của vợ, nói: “Bà cần giữ gìn sức khoẻ cẩn thận, nếu có đau đầu nhức óc, thì chỉ nên uống thuốc là được rồi, tốt nhất đừng đi tiêm. Tôi nghe nói, bác sĩ Sài ở Sở Y tế, sau khi đánh chết vợ, hễ trông thấy bệnh nhân nữ là hai mắt sáng lên. Bất luận bệnh nặng bệnh nhẹ, động một tí là tiêm. Hễ tiêm là có thể sờ mông của đàn bà!”
Lê Tố Phiến cười “hình hịch”, nói: “Tôi ấy à, là mông hổ đấy, ông ta đừng hòng sờ mó!”
Tô Trạch Quảng ôm hôn tha thiết vợ, nói: “Một người vợ tốt như thế này, thật không tài nào bỏ được…”
Đêm hôm ấy, Tô Trạch Quảng tựa hồ đã dốc hết sức lực toàn thân, hai vợ chồng quấn chặt bên nhau hơn nửa đêm, cho đến nỗi khi ngày hôm sau xe hơi chạy đi Thanh Phong, hai chân ông vẫn mềm nhũn, ngay đến va li du lịch cũng không xách nổi.
Sáng ngày thứ hai sau khi Tô Trạch Quảng đi, Lê Tố Phiến đến cửa hàng đậu phụ đổi đậu phụ, gặp lão Mộc đi đóng móng ngựa. Lão ta “xuýt xoa” nói với Lê Tố Phiến: “Thật là kỳ lạ, tôi trông thấy Vương Thống Lương vận chuyển phân ra ruộng lớn, không chuyển đến ruộng của nhà mình, mà lại chuyển đến ruộng của nhà bà! Nhà bà mua phân của nhà ấy à?”
Lê Tố Phiến “ớ” lên một tiếng, trong lòng đã hiểu tám, chín phần mười, bà ậm ừ nói: “Có khả năng Trạch Quảng cùng ông ta mua chung phân đấy!”
Hợp Đồ hình như chỉ qua một đêm đã trưởng thành, từ sau khi bố ra đi, cậu hàng ngày thức dậy rất sớm chẻ củi, nhóm lửa. Cậu không gánh nổi đôi thùng nước đầy, nên cứ gánh lưng thùng một. Mỗi khi tan học, cậu đều đợi Thái Lân, cùng đi về nhà. Tối trước khi đi ngủ, cậu đều kiểm tra then cửa chốt có chặt không, lại đi xem lửa trong lò và nến trong các phòng có tắt không, để phòng tránh hoả hoạn. Có một hôm hoàng hôn, cậu mừng rơn chạy về nhà, nói: “Mẹ ơi! Kỳ lạ lắm! Con cùng Phúc Sinh vừa đi ra ruộng lớn bắt chim, nhìn thấy trong ruộng của nhà ta có mấy đống phân lợn! Cỏ dại ở ruộng cũng không còn, thu dọn sạch sẽ tinh tươm, con đoán đây là thần tiên xuống hạ giới rồi!”
“Thần tiên cũng thật là, muốn cần đưa là đưa núi vàng, chứ đưa phân lợn làm gì chứ!”. Lê Tố Phiến đùa rỡn với con trai.
Bùn đất vào thời tiết băng tan tuyết chảy cứ giống như vết thương chảy mủ, chữa trị vết thương này là ánh nắng mặt trời. Chỉ cần thời tiết nắng ráo liên tục, diện tích vết thương này sẽ dần dần thu hẹp lại, cho đến đóng vẩy.
Sau khi Tô Trạch Quảng đi, Tiểu Yêu Lĩnh ánh nắng xuân rực rỡ, chỉ ngắn ngủi năm ngày, mà bùn lầy trên đường đã khô lại, mọi người đi trên đường đã dám ưỡn ngực thẳng đầu.
Buổi trưa hôm ấy, trên chuyến xe khách đường dài từ Thanh Phong đến, có một người xuống xe, ông chính là Tô Trạch Quảng mặc bộ quần áo Tôn Trung Sơn. Ông xách một va li du lịch to, thần thái ung dung về nhà. Khi ấy đúng vào giờ tan học, Hợp Đồ và Thái Lân trông thấy bố, mừng rỡ tung tăng chạy lại, đón ông về nhà.
Lê Tố Phiến vừa nấu cơm xong, thấy chồng bình yên trở về, không nói năng gì, chỉ thở dài, rồi bình tĩnh dọn cơm lên bàn.
Tô Trạch Quảng mở va li du lịch ra, lấy từng món quà tặng người nhà đưa ra ngoài. Hợp Đồ được ống nhòm, Thái Lân được một hộp kẹo xốp, bọn chúng đều thoả mãn nguyện vọng. Còn Lê Tố Phiến ư, bà được một chiếc áo sơ mi màu trắng sáng như ánh trăng. Khi Tô Trạch Quảng run run ôm bà, khoác áo cho Lê Tố Phiến, bà nói: “Tôi suốt ngày loanh quanh bên bếp lò, áo trắng dễ dây bẩn, có lúc nào mặc cho hợp đây?”
Ăn cơm trưa xong, Hợp Đồ và Thái Lân hớn hở đi học. Lê Tố Phiến hỏi Tô Trạch Quảng: “Cuối cùng là hội nghị gì thế? Thật một phen thót tim!”
“Nói bà cũng không tin!” Tô Trạch Quảng cười hề hề nói: “Mời chúng tôi đi xem hai buổi chiếu phim.”
“Xem phim?” Lê Tố Phiến nhíu lông mày, nói: “Thanh Phong đâu không có rạp chiếu bóng, hà cớ gì lại vất vả lên tận Hưng Lâm, lại lôi đi liền mấy ngày, hết xe hơi lại xe lửa, vừa mất thời gian vừa lãng phí tiền bạc.”
“Rạp chiếu bóng Thanh Phong chiếu phim phục vụ công chúng rộng rãi, phim chúng tôi xem là phim chiếu nội bộ. Người ngoài muốn cũng không được xem!” Tô Trạch Quảng đắc ý nói.
“Phim gì thế?” Lê Tố Phiến hỏi.
“Tôi nói cho bà biết, nhưng bà không được nói ra ngoài nhé!” Tô Trạch Quảng nói: “Một bộ phim trong nước sản xuất, bộ phim cũ Mùa xuân trên thành phố nhỏ do Phí Mục đạo diễn, một bộ phim khác là phim Nhật Bản “Isoroku Yamamoto”.
“Nội dung phim nói gì, mà không cho mọi người xem?” Lê Tố Phiến hỏi.
“Bộ phim Mùa xuân trên thành phố nhỏ nói về tình yêu, một người phụ nữ có hai người đàn ông yêu, đúng rồi, cũng giống như bà, chẳng phải cũng có hai người đàn ông yêu đó sao? Người nữ diễn viên ấy rất có khí chất, xem rồi khiến người xem không thể nào quên được! Bộ phim quay những cảnh rất thương tâm, trụy lạc, song xem cũng khiến người ta động lòng. Còn bộ phim “Isoroku Yamamoto” ư, nói về chuyện một viên Tư lệnh Hạm đội Liên hiệp Nhật Bản thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ hai, hắn tên là Isoroku Yamamoto, hắn ra lệnh bí mật tấn công Trân Châu cảng, người Mỹ căm thù hắn lắm, nhưng người Nhật Bản kính yêu hắn lắm. Cuối cùng, hắn chết trên máy bay chiến đấu”.
Lê Tố Phiến căn bản không biết Isoroku Yamamoto là ai, càng không biết Trân Châu cảng ở đâu. Bà thở dài một tiếng, buồn bã nói: “Đạo nghĩa trên đời này hay là đã thay đổi thành xấu cả rồi ư? Phim nam nữ làm bậy bạ cũng chiếu, thằng cha Nhật Bản xấu xa như thế mà cũng làm phim nói về bọn chúng.”
“Đây là chuyện tốt, chuyện đại tốt! Nói lên thời đại giải phóng tư tưởng đã đến rồi, sẽ không phát động phong trào gì nữa!” Tô Trạch Quảng hưng phấn nói, lục trong va li du lịch ra hai bao thuốc lá thơm đầu lọc và một quyển sách, nói là phải đi làm. Xa rời trường học chưa đầy hai tuần lễ, mà ông nhớ đến phát cuồng.
Lê Tố Phiến chỉ vào thuốc lá nói: “Ông không hút thuốc, thứ này mua cho ai đây?”
“Thống Lương đấy!”. Tô Trạch Quảng nói: “Tôi phó thác bà cho ông ấy, tuy nói ông ta còn chưa chăm sóc bà, nhưng ông ấy đã đồng ý rồi, tôi phải cảm ơn!”
“Vậy thì ông ra ruộng lớn nhà ta mà xem!” Lê Tố Phiến nói: “Việc ấy đều do Thống Lương làm mấy ngày qua đấy!”
“Làm gì thế?” Tô Trạch Quảng hỏi.
Lê Tố Phiến không trả lời câu hỏi này, mà chỉ quyển sách kia, hỏi: “Sách gì kia?”
“Sách bài hát!” Tô Trạch Quảng nói câu này, thần sắc hơi không tự nhiên.
Lê Tố Phiến hiểu rõ quyển sách bài hát này là mua cho ai, bà “hứ” một tiếng, giật lấy quyển sách bài hát, giở giở mấy trang, không nói gì, rồi trả lại cho ông.
Sẩm tối hôm ấy, sau khi đi làm về, Tô Trạch Quảng tạt qua thăm ruộng lớn nhà mình, bỗng thấy giật mình. Ông biết rõ sức nặng của những đống phân này trong lòng của vợ. Cho nên khi ông đến nhà Vương Thống Lương biếu thuốc lá, trong lòng ông rất áy náy.
Vương Thống Lương trông thấy Tô Trạch Quảng, thản nhiên nói: “Về rồi à?”
Tô Trạch Quảng cúi đầu như kẻ phạm tội, nói: “Về rồi!”
Vương Thống Lương nói: “Trở về là tốt!”
Tô Trạch Quảng thèn thẹn cười cười, đưa thuốc lá ra.
Vương Thống Lương nói: “Lũ quỉ nhà tôi lại hút thuốc, lấy gì nuôi sống được đây. Đã sớm bắt chúng cai thuốc rồi. Ông đem về biếu người khác đi!”
Lúc từ nhà Vương Thống Lương đi ra, Tô Trạch Quảng chân nặng nề. Ông định cảm ơn chuyện đã vận chuyển phân ra ruộng, song cuối cùng vẫn chưa mở miệng.
Sau khi về nhà, ông phát hiện trên bàn ăn không có bảy tám món ăn như ông tưởng tượng, mà trần xì chỉ có hai món ăn, một đĩa bánh lớn. Hơn nữa, cũng không có rượu.
Ăn cơm xong, lúc Lê Tố Phiến thét Hợp Đồ đi đun nước rửa chân, cu cậu nói: “Bố về rồi, không nên giao cho con quản lý gia đình nữa.” Rồi nó huýt sáo, cầm ống nhòm đi ra ngoài chơi.
Tối hôm ấy, Lê Tố Phiến lấy cớ thân thể không thoải mái, ngủ trong chăn của mình. Trong đêm tối, Tô Trạch Quảng mấy lần thử đưa tay về phía bà, bà đều giả vờ không biết, không động đậy. Chỉ có một lần tay ông hơi mạnh, Lê Tố Phiến bốc lửa, hét toáng lên: “Nói thật, tôi mệt!”
Đầu xuân đã qua, cuối xuân đã đến. Băng tuyết đã hoàn toàn tan hết rồi, trên đường làng Tiểu Yêu Lĩnh không còn chuyện vì bùn trơn mà ngã nữa. Trong nắng xuân, mọi người tất bật làm đất, gieo hạt.
Nhiều ngày liền, Lê Tố Phiến đều không nói năng gì với Tô Trạch Quảng, ông thấy oan ức phát điên lên.
Cơm tối một hôm, Tô Trạch Quảng uống rượu giải sầu. Ông muốn chờ đến sau khi Hợp Đồ ăn xong đi khỏi, sẽ nói chuyện với Lê Tố Phiến. Thái Lân có mặt, ông không lo ngại, ông không cho rằng cô bé có thể lĩnh hội câu chuyện của họ.
Cuối cùng, Hợp Đồ ăn xong về phòng sau rồi, Tô Trạch Quảng nhấm một ngụm rượu, nói với Lê Tố Phiến: “Lần này tôi từ Hưng Lâm đã bình yên trở về, hình như không ưng ý của bà? Hay là bà mong tôi có chuyện, đã có người giúp đỡ bà sinh sống? Tôi ở cái nhà này, có phải là người thừa không?!”
Lê Tố Phiến thừa cơ quặc lại: “Ai nói ông là người thừa? Tôi không cho ông ăn, hay là không cho ông mặc, ông nói rõ ràng đi!”
“Là vợ, bà không ngủ cùng một chăn với tôi, đó là bất công lớn nhất đối với tôi!” Tô Trạch Quảng đặt mạnh chén rượu xuống bàn.
“Dựa vào đâu cứ phải cùng ông ngủ chung một chăn chứ?” Lê Tố Phiến cười khẩy một tiếng: “Pháp luật có quy định không?”
Tô Trạch Quảng tức lộn ruột, ông đang định nổi xung lên, bỗng nhiên thấy Thái Lân ngáp dài, lấy đũa gõ vào bát, nói với bố: “Cãi nhau làm cái gì nào, mẹ không ngủ chung một chăn với bố, thì con ngủ chung với bố!”
Lê Tố Phiến và Tô Trạch Quảng căng cứng đến đây, buồn cười mà cười không được.
Luồng gió đêm cuối xuân thổi vào qua cửa sổ, làm cho ngọn nến lung linh. Hình như chúng đã biết mùa hè sắp đến, cần chuẩn bị trước cho gia đình họ Tô một chiếc quạt nan đan bằng cói hương bồ vàng ươm.
VŨ PHONG TẠO(Dịch từ nguyên bản Trung văn)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)