Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Mẹ dạy tôi: “ Cụ Nguyễn Du là Phật”

Thứ Sáu, 04/10/2013 07:38

. Nhà thơ NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Đêm ấy mưa thật to. Bốn bề tối đen. Vạn vật thiếp đi trong giấc ngủ sợ hãi. Tôi như bị cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Tôi như bị chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn. Không cha mẹ. Không vợ con. Không bạn bè. Bốn bề gió mưa tăm tối. Bốn bề thăm thẳm cô đơn. Ngoài trời. Họ nhà sấm một mình gieo rắc tai hoạ. Sét gầm gào, xé toạc cả một vùng đêm bằng những ngọn roi điện khét lẹt, nhức nhối. Thị giác tôi, thính giác tôi, thân thể tôi, tâm thức tôi, ký ức tôi… bị bỏng rát, nát tươm. Bởi nhưng tia chớp quất xuống liên hồi như muốn dày xéo. Như muốn hành hạ.

Không thể gì cản nổi cơn thịnh nộ cuồng điên của gió mưa trong đêm ấy. Gió như muốn bứt trụi những mái nhà yên lành bằng bàn tay đen tối của mình. Có cảm tưởng, chỉ những gì thấp bé hơn ngọn cỏ, chỉ những gì xác xơ nén chịu mới được tồn tại một cách phù du, vật vờ trong kiếp sống ấy. Mưa đêm xối xả đập xuống mặt sông. Một con sông lớn đang dâng lên trước mặt tôi. Dâng lên mãi. Nuớc lạnh. Mưa cũng thật lạnh. Chỉ còn lại trái tim trong ngực tôi thoi thóp ấm và phù sa. Phù sa như máu của một miền châu thổ trong tôi bị dẫm đạp, bị hành xác.

Rồi mưa cũng ngớt dần. Rồi trăng lên trên sông vắng. Và trên bãi cát đêm chảy dài như một mộng mỵ. Một ám ảnh dưới trăng. Tôi mơ thấy mình bất ngờ được gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông đêm. Hoá ra cụ ra sông câu từ lúc trời còn mưa to lắm, nón áo đến giờ còn lướt thướt uớt ròng. Trên tay cụ là một chiếc cần trúc. Và cụ mang theo một bầu rượu, giắt ở thắt lưng. Đầu đội nón lá, chân đi đất, cụ Nguyễn câu gì trong đêm mưa ấy. Chỉ có giời mới biết và chỉ có thi ca được biết mà thôi.

Được gặp một thiên tài viết mấy ngàn câu lục bát khiến quỷ thần cũng phải rung động, tôi bàng hoàng hỏi thăm cụ: “Thưa đại thi hào, trong đêm mưa lớn thế này, người ra sông đêm câu gì vậy? . Cháu nghĩ đêm nay hình như cụ không phải ra sông câu cá chơi, có phải vậy không, thưa cụ?”. Nghe tôi hỏi, cụ Nguyễn Du đăm chiêu nhìn tôi chốc lát, như muốn phán truyền điều gì đó. Rồi cụ tươi tỉnh chỉ dòng sông trước mặt và nói: “Anh bạn thơ trẻ, anh nghĩ cũng gần đúng đấy. Trong đêm mưa lớn thế này, ta ra sông không phải để câu cá chơi đâu. Dòng sông lớn đang cuồn cuộn chảy trước mặt chúng ta kia đâu phải là dòng sông bình thường. Đó là dòng sông văn đấy. Nó đang thức dậy khát khao sau nhiều đêm thiếp ngủ trong lãng quên, anh bạn trẻ ạ !. Và đêm nay, ta ra câu chữ trên dòng sông văn ấy. Ta nói điều này cho anh biết. Chỉ có trong những đêm mưa lớn của đời người như anh đang từng phải trải qua, người thơ mới có thể ra sông văn câu được những bài thơ, tứ thơ, những câu chuyện văn chương hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, nghe chưa…”.

Nói xong, cụ Nguyễn Du lấy bầu rượu tưới xuống dòng sông văn trước mặt, rồi vừa đi, vừa ngâm nga mấy đoạn Kiều. Bóng cụ khuất dần sau mưa đêm. Cũng trong đêm mưa ấy, khi trăng đã lên và mưa đã ngớt, tôi còn nghe thấy trên sông văng vẳng tiếng hát của một người con gái trẻ ở làng bên ra sông giặt lụa. Tiếng hát trong văn vắt như một dải lụa mềm dưới trăng. Tôi choàng tỉnh dậy, sau giấc mơ kỳ lạ ấy và thức suốt một đêm mưa lớn để làm bài thơ dưới đây, mong ghi chép lại cuộc gặp gỡ thú vị, may mắn vừa diễn ra, để ghi nhớ những lời dạy bảo ân tình của cụ Nguyễn Du:

Gặp Nguyễn Du trên sông đêm

Đêm. Mưa. Gặp Nguyễn. Trên sông

Đầu đội nón lá. Chân không mang giày

Ông ra câu cá. Sông này

Một chiếc cần trúc. Phất đầy mưa đêm

Ông. Dốc bầu rượu. Tưới lên

Dòng sông mặt sách. Còn thiêm thiếp nằm

Các người ngủ. Suốt trăm năm

Nguồn thơ đã cạn. Nguồn văn đã mòn

Dậy. Đi thôi. Nước. Vẫn còn

Sông. Vẫn đang chảy. Từ nguồn cội xa

Sông. Là bạn học của ta

Ta học sông.Cách phù sa đắp bồi

Sông văn. Chảy. Dọc cuộc đời

Nguyễn ngồi câu chữ. Dưới trời mưa. Đêm

Có cô gái trẻ. Làng bên

Ra sông. Giặt lụa. Vào đêm Nguyễn về

Thế rồi. Đêm ấy. Bờ đê

Mưa. Thì đã tạnh. Trăng. Thề đã rơi

Hình như họ. Đã thành đôi

Sông thơ. Chảy. Suốt một trời. Nguyễn Du

Truyện Kiều. Ông viết. Trong mơ

Ngoài sông. Tiếng đập lụa. Như vẫn còn

Lụa như trăng. Giặt chẳng mòn

Nàng Kiều đêm ấy. Vẫn còn. Trên sông

Người lụa. Đã nhận ra. Ông

Đầu đội nón rách. Chân không mang giày

Ông. Ra câu chữ. Sông này

Một chiếc cần. Bút phất đầy. Trăng đêm

6-2008

Đầu năm 2009, sau khi Tạp chí Văn nghệ Quân đội in bài thơ “Gặp Nguyễn Du trên sông đêm” nói trên, tôi mang về nhà tặng bố, mẹ tôi. Đọc xong bài thơ này, mẹ bảo tôi kể lại giấc mơ gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông trong một đêm mưa lớn diễn ra như thế nào. Nghe tôi kể xong, mẹ trầm ngâm nhìn tôi khá lâu rồi chậm rãi bảo rằng: “Cụ Nguyễn Du là Phật đấy con ạ! Vì con là người làm thơ, nên Phật đã thông qua cụ Nguyễn Du để an ủi con, bảo ban con, để cứu giúp, độ trì cho con qua những tháng ngày hoạn nạn ấy, con phải hiểu như thế, cụ Nguyễn Du là Phật rồi, con ngộ ra chưa?”.

Tôi như một người ngủ mơ đã lâu, nay dần tỉnh ra sau lời giáo hoá của mẹ. Đúng là trong chuỗi ngày cay đắng, buồn bã ấy, niềm hy vọng về một đấng linh thiêng sẽ chở che cho một người thơ lành sạch luôn vỗ về, an ủi tôi. Và trong một đêm mưa lớn, nửa tỉnh, nửa mê trong tăm tối, tôi đã nằm mơ gặp Thi hào Nguyễn Du và sau đó đã ghi lại trong bài thơ trên. Mẹ tôi lại bảo: “Con chưa nghiên cứu nhiều về Phật giáo nên con chưa hiểu hết đâu! Cái bình cụ Nguyễn Du giắt ở thắt lưng, lúc ra câu cá ngoài sông đêm mưa, mà con tưởng đó là bình rượu thì không phải đâu, đó là bình nước thiêng Cam Lộ đấy. Chính vì đấy là bình nước thiêng, nên ông Phật- Nguyễn Du mới dốc hết bầu nước thiêng, tưới lên dòng sông- mặt sách trong giấc mơ của con đấy, con ạ! dòng sông ấy cũng giống như con, trong đêm ấy, đã được cụ Nguyễn Du rửa sạch mọi tội tình bằng nước thiêng Cam Lộ, con hiểu không, Phật đấy con ạ! Không phải chỉ trong thời gian vừa qua mà đã nhiều năm rồi, ngày nào mẹ cũng tụng kinh, niệm Phật ở nhà, mong người phù hộ cho con cái những điều tốt lành. Ngày ấy, mẹ tụng kinh, cầu Phật, xin rằng: “Lạy Phật, Phật cắt dây, cởi trói cho con trai con, cho qua năm xung, tháng hạn…”. Trong tháng ngày con gặp hoạn nạn, con hướng về Phật là mẹ mừng lắm, con ạ!”.

Nghe những lời răn bảo của mẹ, tôi thấy lòng mình, tâm trí mình mỗi lúc một trong ra, một sáng ra. Giờ thì mẹ tôi đã đi xa vào cõi vĩnh hằng. Nhưng tôi luôn thấy mẹ dường như vẫn hàng ngày đang ở bên con, cháu để săn sóc, dạy bảo điều gì đó. Tôi lại nhớ hôm đọc cho mẹ nghe bài thơ tôi viết trong đêm mưa lớn đáng ghi nhớ ấy, mẹ đã dạy tôi: “Cụ Nguyễn Du là Phật đấy con ạ!”.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)