Từ nguyên mẫu đến nhân vật

NHỮNG NGƯỜI LÀM TA THÊM TIN YÊU CON NGƯỜI

Thứ Sáu, 20/09/2013 14:13

.Nhà thơ LÊ THÀNH NGHỊ

Nhà thơ Lê Thành Nghị

Tôi được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội hết sức tình cờ. Đầu năm 1973, một hôm trung đoàn Thông tin 134 gọi một số lính mới, vốn là những sinh viên tốt nghiệp đại học vừa nhập từ đầu năm 1972, về nhận nhiệm vụ mới sau một thời gian gửi xuống các đơn vị huấn luyện. Cán bộ quân lực sau khi giải thích ngắn gọn lý do, dặn dò thời gian đến đơn vị mới, liền đọc danh sách từng người và đơn vị nơi họ chuẩn bị về công tác. Người thì được về Bộ tổng tham mưu, người thì sang Tổng cục Hậu cần, người thì được bổ sung cho quân khu, người thì trở lại chiến trường, nơi họ đã từng chiến đấu. Khi người cán bộ quân lực đang đọc đến tôi thì chiếc điện thoại để bàn bên cạnh ông đổ chuông. Ông xin lỗi tạm dừng công việc đang làm và cầm ống nghe. Nghe xong ông nói một mình nhưng như thể nói với toàn thể hội trường: Thay đổi ở giây cuối cùng, một trường hợp hy hữu! Thì ra cú điện thoại từ TCCT điều tôi về Tạp chí Văn nghệ quân đội, thay vì tôi sẽ được bổ sung cho mặt trận. Thế là hôm sau tôi khoác ba lô có mặt khá sớm tại số 4 Lý Nam Đế.

Bước qua cổng, lên những bậc thềm đầu tiên, nơi có những bông hoa đại trắng xinh đang lặng lẽ rơi, trống ngực bỗng nhiên gõ liên hồi. Quanh chiếc bàn trà nhỏ với những chiếc ghế tựa vuông vắn, cũ kỹ bọc bằng nỉ xanh, nhà thơ Vũ Cao và nhà văn Xuân Thiều, những người mà tôi đã nghe tên nhưng giờ mới biết mặt, hình như chờ tôi ở đó đã khá lâu. Thấy tôi lúng túng, đưa tay chào thủ trưởng theo kiểu nhà binh vừa mới học được ở đơn vị huấn luyện, một động tác mà sau này tôi mới biết quả là rất buồn cười ở môi trường Tạp chí và không bao giờ gặp lại ở bất cứ một ai trong bất cứ một trường hợp nào tương tự nữa, nhà thơ Vũ Cao pha trò gì đó rồi cười phá lên làm tôi lại càng lúng túng ( quả tình trước đó tôi chưa thấy ai cười sáng khoái, vô tư, đôi khi như vượt quá khuôn khổ của hoàn cảnh như tiếng cười của Vũ Cao ). Ông ra hiệu cho tôi ngồi xuống, dặn dò gì đó rất nhanh rồi quay sang nhà văn Xuân Thiều: Đồng hương của ông đấy. Hai ông ngồi nói chuyện đi nhé.

Vũ Cao đi rồi, Xuân Thiều giờ mới bắt tay tôi, và vừa cứ để yên như thế thật lâu trong tay mình vừa hỏi thăm hoàn cảnh gia đình tôi. Bàn tay ông dày, ấm và mềm. Cảm giác tin cậy lập tức lan tỏa làm biến đi cái lúng túng trong tôi tự lúc nào. Hình như trong cuộc đời mỗi người, được gặp những cái bắt tay độ lượng như thế không nhiều!. Linh cảm mách bảo, tôi đang ở trong một ngôi nhà của những con người đáng tin cậy.

Xuân Thiều sinh năm Canh ngọ ( 1930 ) tại làng Điểu Khê, xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Làng Điểu Khê nằm sát bờ sông La hiền hòa. Người quê tôi thường nói, Hà Tĩnh đẹp nhất là con gái Đức Thọ, Đức Thọ đẹp nhất là con gái của những xóm làng hai bên bờ sông La. Những bãi ngô non, những mùa hến ngọt từ nước, từ đất, từ gió sông La không những đã làm nên làn da mịn màng mà còn tạo nên tính nết hiền hòa của những chàng trai, cô gái nơi đây. Xuân Thiều sống chậm, nhưng bền chặt, sống lặng nhưng sâu sắc, sống bằng linh cảm của trái tim, nhưng lại hiện hữu sự vị tha, sống bằng những khát khao cái đẹp cao cả, nhưng lại rất dễ gần của một tâm hồn rộng mở. Cách sống ấy để lại sự tin cậy của người khác trong những mối quan hệ với ông, kể cả những người kém xa tuổi ông. Cách sống ấy có thể làm ông có đôi chút thiệt thòi, khi cho nhiều hơn nhận, mất nhiều thì giờ cho người khác hơn là chăm bón cho cái của mình. Thì đấy ông đã mất bao công sức để hướng dẫn cho những cây bút trẻ, bằng cách kiên nhẫn đọc bản thảo của họ, rồi góp ý, sửa chữa…mà không ai bắt ông phải làm như thế và mấy ai làm được như thế? Ông đã bỏ hàng tháng trời sửa chữa thơ, tiểu thuyết cho nhà văn trẻ bạc mệnh Phùng Khắc Bắc khi nhận thấy di cảo của Bắc cần phải được đến tay bạn đọc. Không ai bắt ông phải làm thế nhưng như một phản xạ cần thiết của lương tâm, Xuân Thiều đã coi đó là công việc phải làm trong đời. Đơn giản vậy thôi!.

Nhà văn Xuân Thiều

Hai bên bờ sông Lam là đất Nghệ An và Hà Tĩnh. Bạn có thể không nhận thấy người của hai bên bờ sông ấy có gì khác nhau. Thực tình họ giống nhau là chính nhưng cũng có những nét khác nhau mà phải thật để ý lắm mới có thể nhận ra. Chắc bạn nghĩ tôi đang định so sánh hơn thua gì đó chăng?. Không đâu bạn ạ, tôi chỉ muốn nói bên này Hà Tĩnh là Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Huy Cận...văn chương và nỗi đau đời ở họ thâm sâu thiên hạ ai cũng biết. Nhưng hình như vì thế mà nỗi buồn ở họ cũng thường dài rộng hơn; buồn trong thất thế: Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân; buồn trong xa cách: Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà; buồn trong thất vọng: Những chút hồn buồn trong lá rụng…Xuân Thiều cũng trong cái mạch tình người, tình thơ ấy, nên càng về cuối trong văn của ông càng thấy thấm thía những nỗi buồn của nhân thế, của đời người, phần thì do hoàn cảnh tạo ra, phần thì do chính chúng ta trong quá trình sống gây ra cho nhau. Trong những truyện ngắn như Gió từ miền cát, Xin đừng gõ cửa, Truyền thuyết quán tiên…có thể nhận ra một Xuân Thiều đầy nhân ái, độ lượng đang tìm cách bênh vực cho những lẽ sống tốt đẹp trên thế gian. Cứ đọc rồi hình dung ông đang đưa đôi tay ấm, mềm và ân cần của mình đến với những số phận bất hạnh bắt gặp trong cuộc đời, để thấy đó chính là điều căn cốt của văn chương, nghệ thuật nhưng lại được thể hiện một cách hết sức tự nhiên ở ngòi bút của Xuân Thiều.

Những năm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi thường hay được đi công tác với Xuân Thiều. Khi thì về tận Bến Tre, Rạch Giá, Cần Thơ những ngày đầu tháng 5 năm 1975, khi thì xuống tận Cà Mau, Kiên Giang, khi thì lên Đà Lạt rồi Điện Biên, Sơn La, khi lại về quê Hà Tĩnh. Còn nhớ lần về Bến Tre. Chúng tôi đến nhà chị Hai Thanh, một nữ du kích gan dạ, từng là nỗi khiếp đảm của Mỹ và ngụy bởi những trận đánh oanh liệt của chị và đội du kích Mỏ Cày. Kẻ thù không làm gì được bèn bắt đứa con trai duy nhất của chị đem mổ bụng chỉ trước ngày giải phóng chừng non một tháng. Chị dẫn chúng tôi đến bãi cỏ còn dấu vết bị xéo nát bên sông, nơi bọn chúng đè ngửa thằng nhỏ phanh hết lòng ruột của nó ra. Con tôi kêu váng cả khúc sông này!. Xuân Thiều nghe đến đó hai hàng nước mắt tự dưng chảy dài trên gương mặt và ông lặng đi một cách khác thường cả mấy hôm sau đó. Tôi hiểu một trái tim nhạy cảm như ông đã quá sức chịu đựng!.

Từ ngày ông được chuyển nhà về phố Lý Nam Đế, buổi chiều nào rỗi, trên đường về nhà, tôi cũng thường ghé thăm ông. Cách nhà ông vài chục mét là ngõ Hàng Hương, một ngõ phố nhỏ và hẹp, lầm lụi hàng quán. Cuối ngõ là một quán bia hơi khá ngon. Chúng tôi thường chọn một góc khuất và ngồi hàng giờ ở đó. Không còn một khoảng cách nào cho sự e dè, chủ đề thường không hẹn trước, những câu chuyện thật thoải mái, vô bờ bến, vô tư lự, người lớn tuổi đầy kinh nghiệm sống và viết, lại đầy kiên nhẫn của một người biết nghe, người trẻ hơn đầy trắc ẩn, những buổi trò chuyện như thế đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về nhân tình thế thái của một cõi nhân gian bé tý.

Những năm cuối đời nhà văn Xuân Thiều mất dần trí nhớ. Một buổi sáng gặp ông ở cổng cơ quan, nhìn xuống thấy hai chân ông mỗi chân một chiếc dép khác màu, tôi chột dạ nghĩ đến một một kết thúc ngoài mong muốn đã thật gần. Những ngày cuối cùng, ghé thăm ông, ngồi trên giường bệnh kê ngay tầng 1, nhà văn đang nhìn đâu đó, nhìn mà như không thấy gì, như vô cảm. Có lẽ nào một trái tim đầy thương cảm nơi ông đã mệt mỏi đến dường ấy?

Rồi Xuân Thiều ra đi một ngày tháng tư năm 2007. Sau ngày đó ít lâu, một hôm trời rớt mưa do bão đầu mùa, từ cơ quan về nhà như thường lệ, ngước nhìn hai hàng cột điện với những chùm ánh sáng nhòe mờ trên cao của ngõ Hàng Hương, không hiểu vì mưa hay vì đã khóc khi nghĩ đến ông, những câu đầu tiên của bài Chiều mưa hiện đến rất nhanh trong tâm trí tôi.

L.T.N.

CHIỀU MƯA

Nhớ bác Xuân Thiều

Tranh minh họa của họa sĩ NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Chiều muộn

Lá rụng ngoài hiên

Mưa đi trên mái

Một vệt tiếng chim lấp loáng đèn.

Những gì xa, giờ đã xa biền biệt

Những tháng năm như một lớp bụi mờ

Những gì vắng giờ thêm hun hút vắng

Gió một mình trên mặt đường mưa.

Đáng ra là những chiều như những chiều xưa

Cuối ngõ Hàng Hương ngồi cụng ly, ngắm ngày đang xuống

Nhưng chiều nay hương bay, rượu lạnh

Một chiếc đèn đêm đứng úa vàng.

2008.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)