Từ nguyên mẫu đến nhân vật

TIỂU THUYẾT "HOANG TÂM": MỘT NGUYÊN MẪU, HAI NHÂN VẬT

Thứ Ba, 13/05/2014 15:16

. Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH TÚ

Đến cuốn tiểu thuyết thứ 6 “Hoang tâm” của tôi ra đời, thì câu hỏi của báo giới về nguyên mẫu của nhân vật lại một lần nữa rộ lên trong các bài phỏng vấn. Quả thật với 5 cuốn tiểu thuyết trước, tôi vẫn thường trả lời rằng, nếu nói các nhân vật của tôi không hắt bóng từ nguyên mẫu cụ thể nào ngoài đời vào thì không phải, nhưng nếu nói nó được xây dựng lên từ một ai đó thì lại cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vì nó có hơi hướng từ đâu đó, từ anh A, chị B, thằng bé C, từ một khoảnh khắc khơi gợi hay những phóng chiếu ám ảnh… nào đó, đành là có, vì xét cho cùng có câu chuyện nào trong trang sách chả từ cuộc sống mà nên đâu, nhưng nó khác lắm, nó không phải thế, làm sao dám nhận cho nó một nguyên mẫu được. Khi cuốn tiểu thuyết đầu tay “Hồ sơ một tử tù” ra đời, nhiều người cho rằng nhân vật chính Phạm Bạch Đàn có nhiều nét giống với tên cướp Hiền “đầu bạc” có thật ở ngoài đời, vốn là một sinh viên quê Thanh Hóa, từng bỏ học đi làm cướp rồi bị bắt và chịu hình phạt tử hình. Đến khi tiểu thuyết “Phiên bản” được công bố thì bạn đọc lại bảo rằng, nhân vật Diệu (tức Hương ga) chính là Dung Hà - nữ giang hồ cộm cán người Hải Phòng nức tiếng một thời từng bị đàn em của trùm xã hội đen Năm Cam ra tay hạ sát. Phỏng đoán và suy diễn, đó là quyền của bạn đọc. Tôi không “cãi” là nhân vật của tôi có giống ai đó ngoài đời hay không, tôi cũng không “nhận vơ” là nhân vật của tôi chính là ông Y, bà Z nào đó. Tôi chỉ muốn nói lên một điều rằng, tôi chưa bao giờ gặp những con người thật ấy ngoài đời, vì thế tôi không dám nhận họ là nguyên mẫu nhân vật của mình. Nhưng đến cuốn tiểu thuyết thứ 6 thì khác. Khi nó ra đời chưa đầy hai tuần lễ, nữ phóng viên Thu Tuyết của báo Nông thôn ngày nay đã có bài viết “Nhân vật chính trong tiểu thuyết Hoang tâm là ai?”, trong đó có đoạn: “Càng đọc, càng thấy nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này rất giống Lê Quốc Phong, nhất là những trang gần cuối cuốn tiểu thuyết, hình ảnh nhân vật chính đã hiện rõ là giám đốc của một công ty phân bón lừng danh...”.

Vậy Lê Quốc Phong có phải là nguyên mẫu của nhân vật nào đó trong “Hoang tâm” không? Nếu đúng thì đó là nhân vật nào? Bạn đọc quan tâm có thể lên Google tìm hiểu về cái tên Lê Quốc Phong, sẽ thấy anh là một doanh nhân thành đạt, một chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc một công ty phân bón nổi tiếng ở phía Nam - Công ty phân bón Bình Điền. Một doanh nhân thành đạt như thế thì có liên quan gì đến nhân vật Anh trong “Hoang tâm” với một lý lịch đặc biệt: Vốn là sinh viên văn khoa, vào lính, đánh dư trăm trận, rồi trở về đời thường làm anh giáo quèn với một chấn thương nhục cảm khó giải thích? Hay anh là nguyên mẫu của nhân vật Vu, vốn là con giám đốc một lâm trường thời bao cấp, hồn nhiên và tuệch toạc, hoang dã và thức thời, đánh giặc giỏi, kinh doanh tốt, lại sống hết lòng với bạn bè?

Quả thực, bạn đọc đã có lý khi chỉ ra mối liên hệ giữa doanh nhân Lê Quốc Phong với những nhân vật trong tiểu thuyết “Hoang tâm”. Tôi gặp anh kể ra cũng là một cái duyên. Giữa lúc tôi đang nung nấu ý định viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh biên giới phía Nam thì may thay lại được gặp anh. Mà cái sự gặp gỡ ấy lại được bắt đầu từ một lý do rất… ngại ngùng. Thời điểm đó, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đang chuẩn bị làm Lễ kỷ niệm 55 năm ngày ra số Tạp chí đầu tiên. Ban biên tập giao cho bộ phận thường trực phía Nam đi vận động xin tài trợ để xuất bản 2 tập sách, văn và thơ, để làm quà biếu trong buổi lễ trọng. Đúng dịp ấy tôi có chuyến công tác Thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Thái Nam Anh, trưởng đại diện của Văn nghệ Quân đội ở phía Nam dẫn tôi đến Công ty phân bón Bình Điền để… xin tài trợ. Cứ ngỡ sẽ được gặp một ông tổng giám đốc như bao ông tổng giám đốc khác, may ra thì xin được tài trợ, không may thì thôi, ra về tay không. Ai ngờ tiếp xúc với anh, tôi không có cảm giác tiếp xúc với một chủ doanh nghiệp mà cứ như đang chuyện trò cởi mở, thoải mái với một… cộng tác viên của Tạp chí vậy. Mà anh đúng là đã từng cộng tác với Tạp chí thật. Từ những năm 80 của thế kỷ trước anh đã có truyện ngắn in trên VNQĐ, riêng truyện “Bà mẹ ở U Đôn” của anh còn được giải trong cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí này, khi đó anh vẫn còn đang là lính của tiểu đoàn 6 trung đoàn 165 , sư đoàn 7, quân đoàn 4, và đang chiến đấu ở bên Campuchia. Trước đó anh được triệu tập về Cục chính trị Quân đoàn để tham dự một trại viết, khi trại kết thúc, Ban tổ chức gửi các truyện ngắn nghiệm thu được ra Tạp chí VNQĐ. Anh chỉ biết truyện của mình được đăng và được giải khi đang trên đường hành quân, nghỉ ngang rừng bật nghe chương trình “Đọc chuyện đêm khuya” của Đài tiếng nói Việt Nam. Thì anh vốn là dân Văn khoa Sài Gòn mà. Anh có khả năng viết văn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng anh còn đích thị là một lính chiến “xịn” nữa. Điều này có vẻ hơi mâu thuẫn, vì một giáo sinh văn khoa trói gà không chặt khó có thể trở thành một anh lính trận giỏi được. Nhưng càng tiếp xúc với anh, tôi càng nhận ra ở anh dường như tập trung rất nhiều đặc điểm trái ngược nhau như vậy. “Trai thời loạn, dù là dân văn hay dân võ thì cũng có chút võ nghệ phòng thân chớ”, anh bảo vậy. Cũng vì có chút võ nghệ nên vào lính anh chiến đấu hăng lắm. Ngay khi còn đóng quân ở bên này biên giới, chưa đánh sang bên kia, thấy quân Pôn Pốt thường sang quấy nhiễu, anh cùng đồng đội “nén hận” mà chưa biết làm cách nào. Lần ấy chúng lại mò sang và giết cả một trung đội nữ thanh niên xung phong, anh em trong đơn vị không chiụ được nữa. Nghiên cứu kỹ địa hình, biết là chúng lợi dụng mặt ruộng mùa lúa nước để bơi sang giết người của mình, anh (khi đó là tiểu đội phó) đã bàn với anh em rằng, địch nó lợi dụng địa hình để đánh mình thì mình dùng ngay cái bất ngờ của nó để đánh lại nó. Và thế là an em cùng tiểu đội quấn pông sô thành đệm, đẩy ra giữa cánh đồng cho trôi nổi như rác rến, nhưng thực ra đều có chiến sỹ của mình nằm phục trên đó. Mấy đêm sau lính Pôn Pốt lại mò sang, tiều đội anh cứ thế tiêu diệt hết tên này đến tên khác. Sáng ra, mọi người thấy xác địch nổi đen kịt cả mặt ruộng. Từ hôm ấy chúng không dám mò sang nữa.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú tại buổi ra mắt tiểu thuyết Hoang tâm, tháng 4/2013 tại Hà Nội

Đấy là trận đầu tiên anh trực tiếp nổ súng hạ địch. Trận thứ hai là khi quân ta đã đánh tràn sang nước bạn để cứu nhân dân bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, Lúc đó anh là tiểu đội trưởng, có nhiệm vụ đưa tiểu đội vượt sông vào sâu trong hậu cứ địch và để gây tiếng nổ, rồi cùng an hem đánh chiếm phà Niếc Lương, thông cầu cho đại quân tràn qua. Trận ấy anh bắn trúng kho đạn địch, tiếng nổ làm địch kinh hoàng, quân tướng nháo nhác, rối loạn cả đoạn sông. Trong khi công binh ta làm cầu phao để vượt sông, anh còn ham đánh, cứ thế lao lên, bắt sống 6 tên địch liền.

Những năm tiếp theo anh còn tham gia nhiều trận đánh nữa. Trận nào cũng vang dội cả. Chính vì những thành tích đánh giặc giỏi giang ấy mà anh được cấp trên nhấc đi trại viết. Và những truyện ngắn sực mùi đạn bom, máu lửa ra đời. Cứ tưởng đã có chút duyên với văn chương thì khó dứt ra lắm. Thế mà một người đã dính lấy nghiệp văn chương như thế lại “đứt gánh” với nó để đi làm công việc khác. Tôi tự hỏi, liệu đó có phải là một sự lựa chọn đúng đắn đối với anh vào thời điểm ấy không?

Năm 1983 anh xuất ngũ. Anh bảo “Ngày ấy mình chỉ nghĩ đơn giản thế này thôi: Vào lính để đánh giặc, giờ đánh xong rồi thì phải đi làm ăn, kiếm sống. Còn văn chương là chuyện cả đời, thiếu gì lúc để viết”. Anh xin chuyển về Xí nghiệp phân bón Bình Điền 2 trực thuộc Công ty phân bón miền Nam, làm ở phòng tổng hợp, phụ trách mảng thi đua. Đến năm 1989 lĩnh vực sản xuất phân bón ở nước ta sa vào tình trạng đình đốn, bế tắc. Lúc đó bắt đầu có cơ chế đổi mới rồi nhưng nền kinh tế quan liêu, bao cấp vẫn đang bộc lộ hạn chế, yếu kém của nó trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành phân bón - hoá chất. Trên có chủ trương, xí nghiệp nào do tư sản Sài Gòn cũ hiến tặng thì trả lại cho họ, còn xí nghiệp nào của nhà nước thì cho phá sản, thu gọn lại. Xí nghiệp phân bón Bình Điền 2 cũng chịu chung số phận, tức là sắp “biến mất” thì anh lên gặp Ban lãnh đạo của công ty Phân bón miền Nam xin được làm giám đốc hai năm. Anh khẳng định chắc nịch rằng chỉ 2 năm thôi, nếu sau 2 năm mà anh không làm ăn được thì xin “giơ đầu chịu chém”.

Tất nhiên ở đời chả có cái gì tự nhiên lại đến với mình một cách dễ dàng cả. Anh xin cái gì không xin lại xin làm giám đốc thì kể cũng hơi buồn cười thật. Cho nên họ mới vặn vẹo anh. Họ bảo anh là bộ đội chuyển sang, lại phụ trách mảng thi đua thì biết gì về kinh tế mà đòi làm giám đốc? Rồi anh lại còn màu mè văn chương, viết lách nữa thì có ngày “bán trời không văn tự”, giao mấy chục công nhân cùng nhà xưởng, máy móc vào tay anh khác gì giao trẻ con cho mẹ mìn? Nhưng anh bảo, là lính thấy chết không ngán, giờ chỉ đối mặt với khó khăn thì sao lại ngán? Mình chỉ xin họ cho mình cơ hội thôi cơ mà, mình có xin cái gì của họ đâu. Và anh bảo “chắc thấy thằng lính chiến trong mình quyết liệt quá, nên cuối cùng họ thương, họ nể rồi họ đồng ý”.

Vậy là anh trở thành giám đốc trong tình trạng mấy chục công nhân không có việc làm, xí nghiệp thì không có vốn, ngân quỹ trống trơn, thị trường cũng không có nốt. Anh lên trên xin cấp tiền thì họ chỉ vào đống phân chất trong kho bảo “tiền ở đây chứ tiền ở đâu”. Không còn cách nào khác, anh nghĩ đến chuyện phải làm ra ngay một sản phẩm đầu tay để bán cho có tiền đã. Anh thức trắng đêm bàn bạc với các kỹ sư, các thợ bậc cao để cho ra sản phẩm đầu tiên. Và sản phẩm phân NPK 14 - 6 - 8 đã ra lò chỉ vỏn vẹn có 10 tấn. Sau đó anh lên Tây Ninh mời bà con dùng thử. Khi chuyển phân đi thì mới hay 10 tấn này bị trục trặc kỹ thuật, hư hết cả, chảy nước và dính bết lại như xi măng gặp nước. Đúng là vạn sự khởi đầu nan. Anh đành thuyết phục bà con rằng, cứ mang phân về dùng, chỉ là lỗi kỹ thuật nên sản phẩm ra lò không được đẹp chứ chất lượng vẫn tốt, nếu năng suất cao thì bà con trả tiền, còn không thì coi như bỏ.

Rất may là bà con dùng thử thấy năng suất cao hơn hẳn. Xí nghiệp coi như thu được số tiền bán ra 10 tấn phân đầu tiên. Sau đó anh cùng anh em nghiên cứu lại, khắc phục một số lỗi kỹ thuật, củng cố lại dây chuyển sản xuất, tạo ra sản phẩm tốt cho bà con dùng. Thế rồi tiếng lành đồn xa, xe các nơi ùn ùn đến lấy hàng, có lúc xí nghiệp sản xuất ra 30 tấn phân một ngày mà vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.Khi có sản phẩm để “chường mặt” ra với đời rồi, việc tiếp theo là anh phải tổ chức lại cơ quan, xí nghiệp, đội ngũ tay nghề và công nhân, xây dựng đơn vị kinh doanh đi vào hoạt động chính quy, bài bản. Và lúc này anh lại phải đối mặt với nạn trộm cắp cùng sự quấy phá của đám giang hồ Cầu Muối, bến xe miền Tây gần khu vực xí nghiệp đứng chân. Anh nhận ra một điều, với đám anh chị thì phải hành xử theo kiểu anh chị. Anh bảo “mình là thằng lính từng xông pha nơi chiến trường, cái chết còn không sợ, lẽ nào lại sợ mấy kẻ giang hồ sống bằng nghề ăn cắp vặt?”. Anh chuyển lời hẹn đám giang hồ ấy ra sân cỏ sau xí nghiệp thi đấu tay bo. Anh tuyên bố: “Nếu thua, anh rời xí nghiệp đi chỗ khác, còn nếu họ thua thì biến xới để anh cùng mấy chục công nhân của anh còn làm ăn”. Trận đấu đó anh quật ngã mấy tên “đại ca” nên cả đám nhận anh là “anh Hai”, lại xin nhậu một bữa “thả cửa” với anh Hai rồi đi. Từ ấy xí nghiệp thực sự yên ổn, anh ninh trật tự được đảm bảo, tạo tiền đề để cho anh bắt đầu xây dựng văn hoá doanh nghiệp khi Xí nghiệp phân bón Bình Điền 2 chính thức tách ra đứng độc lập, thành lập Công ty phân bón Bình Điền. Từ sản phẩm đầu tay, phân NPK14 - 8 - 6, đến nay sản phẩm của Công ty phân bón Bình Điền đã phát triển lên đến 70 loại sản phẩm khác nhau, bao gồm cả các loại phân chuyên dùng cho lúa, cà phê, cao su… Sản lượng của công ty từ 10 tấn phân ngày nào giờ đã lên đến gần 700 ngàn tấn một năm. Sản phẩm của Bình Điền cũng từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Năm 2012, giá trị xuất khẩu sang Campuchia của Bình Điền đã lên tới 60 triệu USD. Sản phẩm phân bón của Bình Điền đã đánh bại các sản phẩm phân bón khác của Thái Lan và Philippin trên đất nước Chùa Tháp và từng bước “lấn sân” sang các thị trường quốc tế khác. Tuy nhiên thị trường trong nước vẫn còn rộng lơn, thả sức để anh vẫy vùng nên xuất khẩu chưa phải là hướng trọng tâm của thương hiệu Đầu Trâu. Hiện nay Bình Điền vẫn cung cấp 85% cho thị trường trong nước và chỉ dành 15% cho thị trường ngoài nước.Tất nhiên câu chuyện giữa anh và tôi còn rất dài, nhưng cái mà tôi nung nấu kể từ khi gặp anh là có thể sẽ viết được một cái gì đó về chiến tranh biên giới Tây Nam từ con người này. Nếu “nhấc” nguyên xi con người anh từ đời thực lên trang viết cũng đã nhiều điều thú vị rồi, nhưng như thế sẽ sa vào nệ thực, thiếu tính biểu tượng để khái quát cả một cuộc chiến. Tôi quyết định lấy hai mặt tính cách của anh để xây dựng thành hai nhân vật. Một nhân vật đại diện cho tính cách một cựu sinh viên văn khoa, nhạy cảm, tinh tế, hơi sách vở, lãng mạn, có học thức. Kiểu người này ném vào chiến tranh sẽ bị tổn thương ghê gớm và khi trở về với đời thường sẽ mang theo những dư chấn khủng khiếp của cuộc chiến. Một nhân vật đại diện cho tính cách của con người hành động, biết làm việc nào xong việc đó, thức thời và dễ hòa nhập với mọi hoàn cảnh sống khác biệt. Kiểu người này vào trận sẽ đánh liều, đánh giỏi, gan dạ và táo bạo, về với đời thường cũng sẽ rất linh hoạt trong cuộc sống, dám đối đầu với mọi thách thức, và thường thành công trong sự nghiệp. Hai kiểu tính cách đó có cả trong con người nguyên mẫu Lê Quốc Phong, nhưng khi biến thành hai nhân vật Anh và Vu trong tiểu thuyết của tôi thì được phân ra hai cực, được đẩy lên hết cỡ với những chiều kích mới. Có lẽ xưa này các nhà văn thường “cộng” nhiều nguyên mẫu cho một nhân vật, còn với trường hợp cụ thể này, tôi đã lấy một nguyên mẫu làm nên hai nhân vật của mình với ý đồ hai nhân vật này sẽ là hai mặt đối lập của một vấn đề. Vấn đề đó là gì? Là những con người bước ra từ bất kỳ cuộc chiến nào cũng sẽ có một trái tim (phần hồn) bị tổn thương nhưng vẫn còn khối óc (lý trí) để hòa nhập, tồn tại và phát triển. Vậy thì nhân vật Anh đại diện cho phần hồn nhiều thổn thức và lắm bi thương, còn nhân vật Vu đại diện cho phần lí trí tỉnh táo và vươn mình lớn dậy sau những đau thương mất mát.“Hoang tâm” đã ra đời được hơn một năm. Tôi nhận được khá nhiều phản hồi. Bản thân nguyên mẫu cũng đã đọc và anh chỉ cười. Anh bảo: “Ngồi với mình ít thế mà nhà văn cũng khai thác được khối chuyện nhỉ!”. Cũng có nhiều bạn đọc tỏ ra bất ngờ khi các nhân vật trong tiểu thuyết “Hoang tâm” lại có gốc rễ sâu xa từ một con người cụ thể ngoài đời như Lê Quốc Phong. Vì các nhân vật ấy thật đấy mà cũng ảo đấy, rõ mồn một nhưng lại cũng có vẻ như khó nắm bắt. Xưa nay văn chương vốn là “giả”, giả mà lại thật hơn cái thật ngoài đời. Tôi cũng là người làm văn chương, và trong trường hợp cụ thể này, tôi nghĩ rằng, ít nhiều công sức sáng tạo của mình cũng đã được đền đáp!

N.Đ.T

Trích tiểu thuyết Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú

Vậy là bọn K đã mò sang xóm Tân Lập vào ban đêm và chúng tàn sát cả tiểu đội thanh niên xung phong một cách vô cùng dã man, chỉ trước chủ nhật đúng một ngày.
Sau này, mỗi khi có ai nhắc lại câu chuyện thảm khốc ấy, Anh thường gạt đi, không muốn nghĩ đến. Nhưng Anh biết, những hình ảnh mà Anh chứng kiến hôm đó không dễ gì xóa nhòa đi được. Nó ám lấy đầu óc Anh, hễ có dịp là lại hiện về bủa vây, bóp nghẹt lồng ngực tưởng đã bê tông hóa trước vô vàn những biến cố của cuộc đời.
Thoạt tiên là Hằng. Cô bị cắt đứt cuống họng, chết trong tư thế ngồi, tay buông thõng, hai gối chạm vào nhau, đầu gác lên thanh tre dùng để gá các tấm liếp. Ngay bên cạnh, chiếc đàn ghi ta bị dẫm bẹp, đứt tung dây, nằm quay lơ như người bạn chủng thủy, luôn theo Hằng cho đến lúc chết. Đêm ấy là phiên gác của Hằng. Cô đã vi phạm nguyên tắc của một người cảnh giới, tức là không được làm việc riêng và không được để lộ mình trước đối phương. Bọn K phát hiện ra cô ở chòi gác có lẽ là vì tiếng đàn ghi ta lảnh lót trong đêm vắng. Chúng đã bí mật bò đến và ra tay với cô bằng dao. Khi cầm đàn thì cô không thể cầm súng, và tiếng đàn tắt lịm cũng là lúc hơi thở trong cô bị cắt đứt. Giết được người gác cho cả tiểu đội rồi, bọn K tập trung lực lượng tấn công mười cô gái còn lại đang ngủ say trong lán trại. Có dấu vết vật lộn nhưng sự kháng cự là yếu ớt vì cả khu lán trại không vương lại một vỏ đạn nào. Như thế có nghĩa là Gấm và những đồng đội của cô không kịp bắn một phát súng để báo hiệu cho những đơn vị xung quanh đến cứu. Bọn K cũng cố ý không dùng đến tiếng nổ để có nhiều thời gian hơn cho việc thỏa mãn cơn hứng thú giết người. Chắc chắn chúng không hề vội vã sau khi đã hoàn toàn chế ngự được những cô gái chân yếu tay mềm này. Cứ nhìn tư thế của chục cái xác rải khắp khu đồng trống, đủ biết bọn K đã tàn bạo ra sao sau khi hạ sát đối thủ. Có cái xác chúng cắt vú, có cái xác chúng cắt mũi, có cái xác bị xẻo môi, có cái xác chúng mổ bụng... Chưa kể việc vật lộn, chống cự của các cô gái khiến cho dao kéo vung lên không có mắt, cắt cứa tất cả những gì là da thịt chạm vào ánh thép sắc lạnh trong đêm đen. Khi đặt những bước chân đầu tiên vào khu lán trại, chân Anh dẫm phải một vật gì đó như là cành củi khô. Anh cúi xuống và kinh hoàng nhận ra đó là ba ngón tay bết máu bị chém lìa khỏi bàn tay. Sau này, bọn Anh còn phải đi dò tìm khắp mấy căn lán, khắp khu đồng trống để nhặt nhạnh những mẩu thịt vung vãi, mang về trả lại cho các thân xác trước khi khâm liệm. Nhiều lần cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi Anh khẽ nhặt lên một đoạn tóc, một mảng da đầu, một cánh tay, một ống chân, một con mắt, một mẩu môi, một vành tai, một chóp mũi, một đầu vú, một mảnh mông… Không một thân xác nào còn nguyên vẹn. Không một thân xác nào còn sót lại trên người một mảnh quần áo, trừ Hằng. Có lẽ sau khi nhanh chóng hạ gục chốt gác quan trọng, bọn K mải ra tay với chục chị em còn lại trong lán nên đã quên mất Hằng. Mấy căn lán đã biến thành cái lò sát sinh cho lũ K thỏa sức làm công việc của những tên đồ tể. Sau khi làm tình làm tội với những cái xác vô hồn, bọn K mang rải cốt nhục chị em lên mặt ruộng, phơi bày một thảm cảnh rùng rợn trên diện rộng. Anh cùng Vu cố kìm những tiếng nấc uất hận, nâng niu từng mảnh xác, khẽ khàng đặt ngay ngắn thân thể các em trên đường ruộng. Cả trung đội được huy động ra để dọn xác. Tổng đội cũng điều lên một tiểu đội nữ để cùng làm với các Anh. Quân y trung đoàn có mặt sớm nhất. Mọi người được trang bị bao tay da và khẩu trang. Hầu hết đều nôn khi nhìn thấy xác người đầu tiên. Chỉ có Vu là không nôn, cũng không tỏ ra ngần ngại khi tiếp xúc với xác chết. Vu còn tháo cả khẩu trang và bao tay ra để dễ làm việc.
Ai cũng tỏ ra khẩn trương và lặng lẽ với công việc quá ư cọ xát thần kinh này. Không một lời trao đổi, những suy nghĩ thầm kín chỉ được thả lên trời, để gió đưa đi khắp cánh đồng. Gió hôm ấy thổi rất mạnh. Nhưng không xua đi được không khí nặng nề đang lơ lửng trên đầu mỗi người. Anh luôn đi bên cạnh Vu. Cả hai rất muốn nói một câu gì đó nhưng lại không thể mở lời, cứ lảng ánh mắt đi như sợ người khác nhìn thấy. Được cái xác nào, tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo xong thì quấn lại trong những chiếc pông sô (poncho) cho kín đáo. Cả chục thi thể được để sẵn lên cáng, chờ đông đủ sẽ đồng loạt khênh ra xe, chuyển về tổng đội. Có những cái xác nằm thẳng ra được, có những cái xác phải bóp rượu mãi mới duỗi ra, chịu mặc những bộ quân phục mới tinh mang từ tổng đội lên. Chính Anh là người đề nghị nên quấn thêm cho các em một lớp pông sô nữa vì người ngợm các em có còn nguyên vẹn đâu mà mặc quần áo, khi vận chuyển sẽ rất khó khăn. Pông sô ở trong hầm quân nhu còn rất nhiều, sau mấy lần chuyển hàng đi vẫn chưa hết, trên để lại cho trung đội tùy ý sử dụng. Khi quấn Hằng vào pông sô Anh đã không quên đặt cây đàn vỡ vào trong đó. Sống làm cô giáo dạy nhạc, chết hãy tiếp tục làm cô giáo dạy nhạc cho thế giới bên kia khỏi buồn tẻ em ạ. Anh thầm nói với Hằng thế.
Chục bộ thi thể đã được yên nghỉ trong những tấm pông sô rồi nhưng Anh và Vu vẫn không ngừng tìm kiếm. Vì cái xác thứ mười một, xác của Gấm, vẫn chưa tìm thấy đầu. Gấm là người phải chịu sự hành xác ghê rợn nhất từ bọn K. Cơ thể Gấm hầu như không còn nguyên vẹn, đã đành, nhưng Gấm cũng là người duy nhất bị bọn K cắt đầu. Xác Gấm được vứt ngay gần lán trại, trong một tư thế như con ếch nằm ngửa, cửa mình bị cắm một củ sắn (mà em vẫn gọi là củ mì). Vu là người đầu tiên nhận ra Gấm. Trong khi Anh không ngừng ôm bụng để chống lại những cơn cuộn khủng khiếp trong người thì Vu đã ôm lấy Gấm, bế xốc lên, chạy lại chỗ mấy chị em bên tổng đội. Vu câm lặng quỳ bên xác Gấm, một lúc sau mới đứng lên, cùng mọi người tiếp tục tìm kiếm những thân xác còn lại. Khi tất cả được tìm về đầy đủ, ai nấy đứng thở dốc, riêng Vu vẫn lùng sục các hốc ruộng xem đầu Gấm ở đâu. Cũng may là ruộng cạn nên việc nhặt nhạnh những mảnh thịt rơi vãi không khó nhọc lắm. Nhưng tại sao lại không thấy đầu Gấm? Hay là bọn K đã mang đầu nữ tiểu đội trưởng về bên kia biên giới để báo công lĩnh thưởng? Anh chạy tới chỗ Vu, kéo tay cậu ta lại, bảo: “Nghỉ một tí đi, hãy nghĩ xem bọn nó có thể mang cái đầu ấy đi đâu?”. Mắt Vu vằn đỏ: “Anh có thấy tay Gấm còn giữ chặt một nắm tóc không?”.
- Tao không để ý.
- Chắc chắn Gấm là người chống trả bọn nó quyết liệt nhất. Có khả năng Gấm đã gây thương tích cho bọn K. Tóc trong tay cô ấy là tóc bọn K. Vì thế, Gấm là người bị tàn sát dã man nhất.
Vu móc trong túi ra nhúm tóc đã được gói lại trong chiếc khẩu trang, giơ lên trước mặt Anh và bảo: “Tóc ngắn, còn dính nguyên cả mảng da đầu, của bọn K đấy, em sẽ giữ lại để luôn nhắc mình phải trả thù cho Gấm”.
Lại một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng Anh. Chuyện trả thù tính sau, bây giờ phải nghĩ xem đầu Gấm đang ở đâu đã, Anh quay sang nói với Vu: “Tao nghĩ bọn K không vứt đầu Gấm ở khu ruộng này đâu”.
- Vậy chúng nó đưa đi đâu?
- Nếu không đưa về bên kia biên giới thì bọn nó phải đặt ở một nơi gây ấn tượng mạnh cho những ai nhìn thấy.
- Nơi ấy là nơi nào, anh nói ra đi, cứ lẩm bẩm như làm thơ thế, mệt bỏ mẹ.
- Từ từ, thì tao đang nghĩ. Khi vào đây, mọi người đều đi xuôi, xong đâu đấy, mọi người sẽ đi ngược. Đi vào thì thấy hết rồi, còn quay trở ra thì sao? Quay trở ra sẽ gặp một bụi tre. Bụi tre. Đúng rồi, thử đến đấy tìm xem có không?
Anh nói chưa hết câu, Vu đã lao lên bờ, chạy một mạch đến bụi tre, nơi bọn Anh từng nghĩ đó là bờ lũy đầu tiên của làng Tân Lập. Anh cũng rời mặt ruộng, đuổi theo Vu đến đứt cả hơi. Tất cả những người có mặt ở đó đều ngạc nhiên nhìn theo Anh và Vu, không hiểu hai thằng phát hiện ra điều gì mà chạy như điên như dại thế? Đúng như Anh dự đoán, chạy đến gần bụi tre hai đầu gối Vu khuỵu xuống. Phía trước, ngay chính giữa bụi tre, đầu Gấm được cắm vào một ngọn măng mới nhú, xoay mặt về phía Anh. Vu không đứng dậy nổi, từ từ gục đầu lên hai gối, khi Anh đến bên thì người Vu giật lên từng cơn, phát ra những tiếng nấc liên hồi. Anh nhìn trừng trừng vào chỗ bụi tre. Mặt Gấm đã biến dạng nhưng mái tóc cắt ngắn thì không thay đổi.
Gấm đã chết không chỉ một lần!
Và bọn K cũng đã giết Gấm không chỉ một lần!
Chúng đã nghĩ đến chuyện cả đoàn người sẽ quay trở ra đoạn đường này, và chiếc đầu của Gấm sẽ là hình ảnh khủng khiếp cuối cùng, gieo nỗi ám ảnh kinh hoàng lên đồng đội của cô. Mái tóc ngắn tạo vẻ đẹp trẻ trung, cá tính của Gấm bây giờ bết lại, ốp vào đầu cô những mảng máu đông, thâm tím. Anh cúi xuống xốc Vu lên, nhưng Vu bỗng chồm ra khỏi tay Anh, lao đến bụi tre. Thoáng trong mắt Anh là một sợi dây phía dưới đầu Gấm lắt lay trong gió. Một ý nghĩ vụt đến rất nhanh trong đầu, Anh vội hét lên:
- Dừng lại, Vu, có mìn!

Minh họa của họa sĩ NGÔ XUÂN KHÔI

Vu đứng khựng lại. Đúng lúc đó có thêm nhiều đồng đội chạy đến. Anh thận trọng tiến sát lại bụi tre và xác định sợi dây từ đầu Gấm được nối với một chùm lựu đạn. Trung đội trưởng cũng đã có mặt. Anh ta lệnh cho mọi người lùi ra xa rồi trực tiếp tiến vào tháo chùm lựu đạn. Bọn K mò sang cắn trộm vào ban đêm nên không mang theo mìn, chúng chỉ buộc sơ sài mấy quả lựu đạn rồi giấu dối dá trong bụi tre. Với kinh nghiệm lính cựu của mình, trung đội trưởng vô hiệu hóa mấy quả nổ đó một cách đơn giản. Khi đầu Gấm được gỡ ra, tưởng Vu sẽ đỡ lấy, nhưng Vu đã bỏ ra bờ ruộng gần đó ngồi ôm mặt, ủ rũ như bị rút hết sinh khí. Anh cùng mấy người bên tổng đội mang chiếc đầu về đặt bên thi thể Gấm. Vậy là thân xác cuối cùng đã được lắp ghép đầy đủ. Cả trung đội lập tức chia nhau khênh mười một cáng tử sĩ về tuyến sau. Bàn giao cho tổng đội xong, Anh cùng mọi người lập tức quay về đơn vị họp rút kinh nghiệm. Không thấy có mặt Vu. Cả ngày hôm sau cũng không thấy Vu đâu. Vu đã theo xe về sở chỉ huy tổng đội, ở lại đấy dự lễ truy điệu mười một nữ thanh niên xung phong rồi tận tay đưa các em vào nằm yên nghỉ trong nghĩa trang. Vu vắng mặt ở đơn vị hai ngày. Khi Vu quay về thì tình hình biên giới đã có những xáo trộn, không khí đánh nhau bao trùm, toàn tuyến vô cùng căng thẳng. Đơn vị cũng không còn ở tập trung như trước nữa. Nhiều tổ công tác được tung ra nằm sát đường biên. Các chốt nhỏ mọc lên để chặn bọn K sang đánh lén. Anh cùng hai chiến sĩ nữa hợp thành một tổ đi phục bọn K ở ngay bên rìa con đường mòn. Được đêm thứ nhất bình yên. Từ đêm thứ hai trở đi thì trời mưa. Mưa xuống, vùng biên trở nên nguy hiểm hơn. Mưa xuống, việc đi phục của các tổ đội cũng trở nên khổ cực hơn. Mưa xuống, con người ta thu mình lại trong co ro và cảm thấy cô độc khủng khiếp. Làm thằng lính trấn ải lưu đồn mà thấy cô độc tức là đang tự đánh mất đi sức mạnh của mình. Thiếu lửa, thiếu hơi ấm, thiếu cơm, thiếu cả những buổi sinh hoạt kiểm điểm nhau. Chỉ còn đầu bù tóc rối và những con mắt đỏ ngầu, hắt ánh nhìn mệt mỏi pha lẫn hờn căm sang bên kia biên giới. Tin xấu vẫn liên tục được mang tới. Cứ một hai tuần, các tổ trưởng lại được triệu tập để nhận thông báo khẩn về việc bọn K mò sang quấy phá. Sau vụ Tân Lập, chúng tiếp tục lẻn sang giết một nhóm sơn tràng ở cánh rừng phía tây đơn vị. Tiếp đó chúng lại tàn sát bảy hộ dân cư gần lòng hồ phía đông. Đây là những hộ dân làm nghề đánh cá trên sông nước, gắn bó với lòng hồ, chưa chịu rời đi dù biết tình hình biên giới gần đây không yên. Tiếp đó chúng lại chặn đánh một tiểu đội thanh niên xung phong đang nghỉ giải lao sau khi chuyển hàng lên trận địa pháo. Đỉnh điểm của sự liều lĩnh là chúng đã tấn công một chốt nhỏ, bắn chết hai bộ đội và bắt một đồng chí mang về biên kia biên giới. Chưa hết, tin quân báo trên sư đoàn còn cho biết, đã thấy có dấu hiệu chúng muốn đánh lớn và lần này mục tiêu của chúng là sở chỉ huy các đại đội, tiểu đoàn trở lên.
Nóng ruột như lửa đốt. Thù hận dâng cao đến nghẹt thở. Nhưng không hiểu sao quân ta vẫn không đụng độ bọn K. Chả lẽ chúng thuộc đất đai của ta hơn chính ta hay sao? Liệu chúng có do thám dẫn đường? Chúng luồn lách bằng cách nào mà lại lọt qua những tổ chốt như thiên la địa võng để vào sâu trong đất ta mà giết chóc, phá phách như chốn không người vậy? Chính đồng chí đại đội trưởng đã hỏi câu này và nhìn xuống các tổ trưởng như chờ đợi câu trả lời. Anh mang câu hỏi ấy trong đầu, về chốt nằm nghĩ mãi, lật lên xới lại vẫn không tìm ra câu trả lời. Chẳng lẽ chúng nó mọc cánh bay qua đường biên? Hay chúng được máy bay đưa vào sâu trong nội địa rồi nhảy dù xuống đánh ta từ phía sau lưng? Hay chúng học được phép độn thổ, kiểu như đặc công ta vẫn từng đánh Mĩ? Không thể! Vậy thì loại trừ các khả năng đó ra, hãy nhìn nhận lại cách bày binh bố trận của ta xem thế nào? Các tổ đội của ta được bố trí quanh các đường mòn, các khe cạn, các mỏm đồi. Bố trí như thế ta nắm được lợi thế và gần như khóa chặt các tử lộ nếu bọn K dẫn xác vào. Nhưng thử đặt Anh là bọn K thì Anh sẽ xử trí ra sao? Rõ ràng Anh phải chọn lối đi khác, nơi mà các tổ đội của ta không ngờ tới. Chỗ nào không ngờ tới? Bỏ đường suối, cứ theo những đỉnh đồi mà đi chăng? Không được, có thể qua được một đỉnh, hai đỉnh chứ không thể qua được hết các đỉnh đồi, vì những ngọn đồi cao nhất, có khả năng án ngữ tốt nhất, ta đều đặt vị trí đóng quân cả. Không theo đường mòn, cứ đường rừng rậm mà đi chăng? Như thế có thể qua được vài khu rừng nhưng cũng sẽ không làm gì được, muốn áp sát mục tiêu, nhất định phải ra khỏi rừng, mà ra khỏi rừng thì phải theo đường mòn, như thế sẽ chạm mặt các tổ đi phục. Anh lắc đầu, câu trả lời không thể nằm ở đấy. Khả năng cuối cùng, không đi đường trên cạn mà đi theo mặt nước chăng? Lúc này đang là mùa mưa. Ruộng đồng, các thung lũng đầy nước, cứ bám theo mặt nước mà len lỏi vào sâu trong đất ta, tiến sát tới mục tiêu, ra tay chớp nhoáng rồi chuồn về thì sao nhỉ? Anh đưa tay lên vỗ bộp vào đầu. Đúng rồi. Ta lấy mặt nước làm lợi thế thiên nhiên ngăn chân địch. Hầu như không có tổ đội nào quay súng ra hướng mặt nước cả. Vậy thì bọn chó K sẽ chọn hướng mà chúng ta không đề phòng để mò vào sau lưng ta. Chính Anh và Vu khi đi tìm xóm Tân Lập cũng đã không để ý đến mặt ruộng. Đích thị là nó rồi. Chính mặt ruộng kia là con đường dẫn giặc vào nhà. Sao Anh không nghĩ ra điều này nhỉ? Bây giờ, các tổ đội hãy chia ra, một nửa trông chừng trên cạn, một nửa chống mắt ngó xuống nước, thử xem còn thằng K nào lọt được vào đất ta nữa không?
Anh đã băng mình trong đêm, chạy về nhà chỉ huy đại đội, trình bày câu trả lời của mình trước Xê trưởng. Vị đại trưởng vốn là lính tái ngũ khẽ gật đầu và bảo: “Cậu sẽ ngâm mình trong nước vào mùa mưa như thế này chứ?”. Anh ưỡn ngực lên đáp: “Đại trưởng cứ giao nhiệm vụ này cho tiểu đội của em. Em với Vu sẽ dàn anh em ra trên khu ruộng trống dưới chân trận địa pháo. Án ngữ được hướng ấy, đảm bảo tiền đồn của tiểu đoàn ta sẽ an toàn”.
Nhưng khi ngồi bàn với Vu về việc lập tổ chốt chặn địch trên nước thì một câu hỏi lại được đặt ra: “Anh em sẽ chôn mình trong nước được bao lâu?”. Ban ngày thì có thể yên tâm nằm trên bờ quan sát cả một khu vực rộng lớn, bọn K xuất hiện là nhìn ra ngay. Còn ban đêm, muốn phục được bọn K thì phải vùi mình trong nước, súng sẵn trong tay, thấy nó xuất hiện là diệt. Cứ cho là bó mình trong bao ni lông, vùi xuống nước nửa thân mình, chờ đợi, nhưng điều kiện chiến đấu như thế, liệu có đánh nhau được không? Súng đạn để đâu, tư thế bắn thế nào, triển khai đội hình ra sao?
Nhìn cái mặt Vu anh lại chợt nhớ đến hôm Vu từ đám tang tập thể của các nữ thanh niên xung phong trở về. Khi ấy Anh đang chờ phân công để dẫn tổ tam tam đi phục. Anh băn khoăn không biết có nên cho cuốn sổ của tên lính ngụy vào ba lô không, để lại đơn vị sợ có ai phát hiện ra, quy cho Anh cái tội tàng trữ văn hóa phẩm độc hại thì nguy. Chính khi ấy Vu bước vào. Vu tưởng Anh đang ghi nhật ký, liền hỏi:
- Anh đang ghi lại cái buổi hãi hùng hôm nọ à?
Anh ậm ừ:
- Không, đang đọc lại mấy thứ linh tinh thôi…
Vu bỗng tiến tới bảo:
- Anh đưa em đọc với. Anh phải ghi lại cho kỹ vào, không được bỏ sót một cái gì. Để mà nhớ lấy mối thù này.
Anh vội úp cuốn sổ vào ngực, lấp liếm:
- Được rồi, được rồi, nhưng đây là nhật ký, chuyện riêng tư, không đọc được…
Không ngờ Vu cứ lao vào giật bằng được cuốn sổ trong tay Anh. Lúc ấy, Anh nghĩ rằng nếu Vu có đọc được những gì ghi trong cuốn sổ thì cũng chẳng sao. Anh hiểu Vu, Anh có thể giải thích cho Vu và Anh tin là Vu sẽ nghe theo Anh, sẽ nghĩ rằng cuốn sổ ấy không có gì độc hại cả. Vu cầm cuốn sổ, ngồi xuống đầu giường và lật từng trang ra đọc. Bất ngờ, Vu vùng đứng dậy, quắc mắt nhìn Anh, giọng đanh lại:
- Hóa ra trong lúc mọi người đang đau đớn vì đồng đội bị giết thì anh lại ngồi đây đọc cái thứ thơ văn phản động này. Trước đây bọn chúng nó từng mách tôi là anh giữ nhiều thơ văn của ngụy nhưng tôi không tin. Bây giờ thì tôi biết là anh còn có nguyên cả một cuốn sổ của mấy thằng lính ngụy bỏ lại nữa. Anh kiếm nó ở đâu ra vậy? Anh đọc những thứ này thì anh còn đánh đấm được nữa không? Anh có thấy mọi người chết thảm như thế nào không? Tôi đéo còn tin gì ở anh nữa. Anh làm tôi sôi máu rồi đấy. Tôi chỉ muốn đánh nhau với anh thôi. Nhưng như thế không hay. Tôi đang cố ghìm mình đây. Từ nay tôi với anh đéo còn đồng chí đồng đội gì nữa…
Anh ngồi đơ người trước một đống ngôn từ rát rạt ném ra từ cái miệng giận dữ của Vu. Chưa bao giờ Anh thấy Vu nổi đóa lên như thế. Vu cũng đã chuyển đại từ nhân xưng từ “em” sang “tôi”, và tuyên bố dứt khoát là “đéo còn đồng chí đồng đội gì” với Anh nữa. Rồi như để tránh một cuộc đụng độ không thể không nổ ra, Vu đứng dậy xé đôi cuốn sổ, vứt sang hai bên, thậm thịch bỏ ra khỏi lô cốt. Vừa khi ấy liên lạc của đại trưởng xuống gọi Anh lên nhận nhiệm vụ. Anh vội nhặt những mảnh rời của cuốn sổ, đút vào ba lô, lên nhà đại đội dẫn tổ tam tam đi ra đường biên nằm phục. Từ hôm ấy Anh không gặp mặt Vu nữa. Những lần về họp tổ trưởng, Vu toàn ngồi trước Anh, xong việc là biến đâu mất, coi như không hề có Anh trên đời này.
Vu không biết rằng, chính chỗ Vu xé đôi cuốn sổ, là trang ghi chép về pông sô rất hay. Anh không biết đó là tâm sự của người lính ngụy hay hắn ta chép ra từ một bài tùy bút nào đó, nhưng những tấm áo mưa tầm thường của người lính trận đã được miêu tả như một hình tượng văn học đầy ám ảnh. Trong những ngày nằm ở cái chốt tự tạo cho tổ ba người, chờ bọn K tới, Anh đã đọc đi đọc lại trang sổ ấy.
Bất cứ ai đã một thời ca bài “Ta đi tòng quân” đều không thể nào quên được đời lính. Trong đời lính, dù là lính già hay lính trẻ đều mặc bộ đồ trận, vui buồn theo tiếng kèn đồng đếm nhịp thời gian. Và một trong những món hành trang cần thiết thân yêu của người lính ngoài cây súng nhân tình, phải kể đến thành phần quân dụng này: Chiếc Poncho. Nhà binh gọi là “Pông Sô”.
Poncho lớn bằng chiếc chiếu, mầu xanh cứt ngựa, làm bằng vải pha nylon, gọi là vải ngụy trang, bốn cạnh chung quanh có lỗ, có khuy bấm bằng sắt. Chính giữa có một lỗ chui đầu làm thành cái mũ che, có giây buộc đàng hoàng.
Poncho có công dụng chính là làm cái áo đi mưa. Khi trời bắt đầu nổi cơn mưa gió, người lính chỉ việc mở chiếc Poncho ra chui đầu vào giữa, đội nón là xong. Phần còn lại của Poncho nó lùng tùng xòe quanh cổ, quanh vai, quanh người che chở từ súng đạn đến ba-lô rất ư kín đáo an toàn.
Poncho giản dị, đơn sơ nhưng lại có rất nhiều công dụng. Ðến ngay người sáng chế ra nó cũng không thể nào ngờ rằng Poncho được dùng trong nhiều việc như thế.
Poncho mắc vào cành cây có thể làm chỗ che nắng che mưa khi canh gác một mình. Với hai chiếc Poncho ghép lại có thể thành một cái lều cho hai quân nhân tá túc. Với bốn hoặc sáu, hoặc tám, hoặc mười Poncho, dùng cọc dã chiến nối lại cho dài, dùng dây ghép cho kín là có một cái lều cho cả tiểu đội, nom rất ngon lành.
Khi quân ta sang sông trong một chiều hành quân, Poncho có công dụng như phép lạ. Nếu không có chuyến đò vĩ tuyến chuyển quân, nếu không có dây đu bắc ngang dòng nước ngược, nếu không có chiếc cầu khỉ, cầu treo nối hai đầu khe rộng... thì nhất định người chiến sĩ phải dùng đến chiếc Poncho làm phao di chuyển. Mở rộng chiếc Poncho ra, túm chặt lỗ chui đầu lại, bao nhiêu ba lô đạn dược tập trung vào đó. Xong bỏ vài cành cây khô cho cồng kềnh, gấp Poncho lại theo kỹ thuật nhà binh làm sao cho kín mít, nước không lọt, thắt dây xong là Poncho chẳng khác gì một chiếc phao. Thả Poncho xuống nước, gác súng trên Poncho, người lính ôm cái phao cá nhân tà tà sang sông, nhìn rất chi là đẹp mắt.
Ngoài công dụng che nắng che mưa, làm phao nổi, lều cá nhân, lều tập thể, Poncho còn dùng làm chiếu, làm nệm, có khi làm võng.
Trong các trại gia binh, anh em ở dưới mái nhà tôn nóng như lò bánh mì thì lại có sáng kiến dùng Poncho làm trần làm vách cho vợ con đỡ được đôi ba phần nắng nôi gió máy.
Còn các cấp chỉ huy ở nhà gạch, mái ngói không cần đến Poncho làm trần nhưng nhiều vị có sáng kiến lấy Poncho may thành chiếc bạt phủ xe nhà cho khỏi bụi bậm, đỡ trầy nước sơn.
Khi đi vào những vùng khan hiếm nước, hay không có nước như mật khu Hắc Dịch thuộc tỉnh Phước Tuy chẳng hạn, người lính đào một cái hố cạn, phủ poncho lên trên, tạo thành một cái giếng cạn để hứng những giọt sương đêm, hay gặp may, có một cơn mưa nào bất ngờ chợt ngang qua, để hứng nước.
Sau cùng, khi người lính hy sinh nơi chiến địa, tấm poncho sẽ trở thành chiếc áo quan phủ kín thân xác người chiến sĩ, “liệm kín hồn anh” như câu ca của nhạc sĩ Phạm Duy mà lính vẫn nghe trong đêm dài nơi tiền đồn nhung nhớ...
Vào một đêm mưa, khi Anh đang trực cho hai đồng đội ngủ thì Vu mò đến. Vu bảo, em xin lỗi anh, hôm ấy thần kinh em căng quá, nhìn cái gì em cũng muốn đập phá, sau nghĩ lại em mới nhận ra anh là dân văn chương, trách anh như thế là quá đáng. Anh rút thuốc ra mời Vu. Hai đứa hút xong điếu thuốc thì Vu lại trùm áo mưa lên người, trườn đi về phía triền đồi, nơi tổ tam tam của Vu đang nằm chốt.
Bây giờ nhìn khuôn mặt Vu có vẻ căng thẳng khi hỏi câu “Anh em sẽ chôn mình trong nước được bao lâu?”, Anh chợt nhớ ra ngay tấm pông sô.
Đúng rồi, trong chiếc hầm quân nhu cuối con hào kia, pông sô còn rất nhiều. Anh đứng lên bảo Vu: “Mày đi theo tao, sẽ có cái để anh em mình nằm trên nước phục bọn K”.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)