Tác phẩm “Robinson Crusoe” của nhà văn người Anh Daniel Defoe (ảnh) hóa ra được xây dựng trên nền tảng một câu chuyện có thật của một thuyền trưởng người Scotland nổi tiếng chứ không phải hoàn toàn là hư cấu.
Ngày 2 tháng 2 năm 1709 là một ngày thường đối với bất cứ ai, nhưng không phải với Alexander Selkirk. Đó là ngày anh trở về quê hương sau hơn 4 năm chờ đợi.
Đúng bốn năm bốn tháng, Selkirk đã sống trong trạng thái hoàn toàn cô đơn. Kết quả của một vụ cãi nhau với một thuyền trưởng, anh đã lên một hòn đảo hoang thực sự và phải chờ đợi suốt hơn 4 năm sau mới có thể lên một con tàu khác.
Ngay trong cả những giấc mơ khủng khiếp nhất trước đó trong đời, Selkirk chắc hẳn cũng không thể thấy được điều gì giống như những thứ anh đã trải qua sau quyết định trên của mình.
Người ta nói rằng câu chuyện Selkirk đã vật lộn thế nào với nỗ cô đơn, sợ hãi và cơn đói của mình là cơ sở cho của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Robinson Crusoe” của nhà văn người Anh Daniel Defoe.
Alexander Selkirk là một chàng trai người Scotland thích phiêu lưu từ thơ ấu. Selkirk không muốn kế tục nghề thuộc da của cha mình. Khi trưởng thành, Selkirk bị mê hoặc bởi nghề thủy thủ trên những con tàu thương mại tới châu Phi có thể kiếm được nhiều vàng. Nhưng không có gì dễ kiếm tiền hơn nghề cướp biển và Selkirk cũng nhanh chóng trở thành một phần của nhóm người này.
Năm 1704, khi 27 tuổi, Selkirk đã là thuyền trưởng tàu Cinque Ports, một phần của hạm đội nằm dưới sự chỉ huy của cướp biển nổi tiếng William Dampier, thường cướp bóc các tàu thương mại trên tuyến đường tới Tây Ấn.
Là thuyền trưởng, nhưng Selkirk vẫn nằm dưới sự chỉ huy của một tay chân thân tín với Dampier, Thomas Stredling, trên tàu Cinque Ports. Stredling ngay từ đầu đã tỏ ra không ưa Selkirk bướng bỉnh và cả hai liên tục cãi nhau trên con tàu trong hành trình này. Selkirk tin rằng mọi thứ vẫn nằm trong sự kiểm soát, nhưng cũng tin rằng dưới sự can thiệp của Stredling, toàn bộ thủy thủ đoàn có thể chết đói.
Mười tám tháng rong ruổi trên Đại Tây Dương, cướp phá các tàu Tây Ban Nha, tàu Cinque Ports đi vào quần đảo Juan Fernandez, nằm ngoài khơi Chile ngày nay. Tại đây đã nổ ra một cuộc xung đột lớn giữa các thuyền trưởng của hạm đội và sau đó, Selkirk đòi lên bờ với một chút hành lý.
Anh được chia cho một khẩu súng, một ít thuốc súng, thuốc lá, một cái rìu, một con dao, một cái nồi và một quyển Kinh thánh. Khi cảm xúc lắng xuống, Selkirk cảm thấy hối hận với quyết định của mình và đã cố gắng quay trở lại tàu (nó vẫn còn neo ở gần hòn đảo). Anh cầu xin sự tha thứ, nhưng Stredling kiên quyết không chấp nhận. Con tàu sau đó rời đi, bỏ lại Selkirk trên đảo.
Selkirk bị kẹt trên hòn đảo. Ban đầu, anh tự an ủi mình rằng sự cô đơn sẽ không kéo dài quá lâu bởi thi thoảng các tàu cũng ghé vào đây lấy nước ngọt. Nhưng sau đó, Selkirk nhận ra rằng những phán đoán ban đầu là sai lầm và anh bắt đầu chuẩn bị cho mình một cuộc sống lâu dài tại đây.
Selkirk nói rằng anh đã mất nửa năm mới có thể quen được với cuộc sống cô độc trên đảo và xây dựng cuộc sống mới. Trên đảo có nhiều dê hoang nên anh không lo bị chết đói. Selkirk đi săn, kiếm quần áo và khám phá hòn đảo. Anh phát hiện ra rằng đảo có chiều dài khoảng 20 km, rộng 5 km.
Tuy nhiên, thuốc súng có hạn, Selkirk phải nghĩ ra một cách khác để bắt những con dê dù khá tàn nhẫn. Anh dùng dao cắt gân ở chân những con dê con để chúng không thể chạy nhanh khi lớn và đảm bảo rằng anh có thể bắt được chúng vào năm tới.
Tranh minh họa Selkirk sống trên đảo hoang.
Selkirk dựng cho mình một ngôi lều, làm quần áo từ da dê và may chúng bằng một chiếc đinh gỉ. Dần dần, tất cả những vấn đề của cuộc sống hàng ngày trên đảo được giải quyết. Tuy nhiên, nỗi sợ sẽ phải sống cô độc tại đây đến hết đời lại lớn lên mỗi ngày.
Mỗi ngày, Selkirk đều trèo lên đỉnh ngọn núi cao nhất của đảo và dành nhiều giờ nhìn về phía đường chân trời tìm kiếm những con tàu với hi vọng có thể chấm dứt cuộc sống cô đơn của mình.
Trong khi Selkirk bị dày vò bởi sự cô đơn thì tàu Cinque Portsbị đắm và toàn bộ thuyền viên trên tàu đã thiệt mạng và không ai còn có thể thông báo với người khác rằng Selkirk đang ở trên đảo.
Trong thời gian sống trên đảo, kẻ thù lớn nhất của Selkirk là chuột. Chúng thản nhiên ăn cắp thực phẩm của anh. May mắn là sau đó Selkirk tìm thấy những con mèo hoang, có thể do một con tàu nào đó đã bỏ lại, và thuần hóa để chúng tiêu diệt lũ chuột.
Công bằng mà nói, thi thoảng Selkirk cũng nhìn thấy tàu gần đảo. Nhưng chúng đều mang cờ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, anh không mong đợi sự tử tế nào của họ vì người Tây Ban Nha lúc bấy giờ rất căm ghét thủy thủ người Anh bởi phần lớn các hải tặc cướp phá tàu của họ đều là công dân nước này. Selkirk lo sợ anh sẽ không được họ tiếp đón.
Mô hình tàu Cinque Ports.
Chỉ tới năm 1709, may mắn cuối cùng đã mỉm cười với Selkirk khi từ trạm quan sát anh nhìn thấy một con tàu mang cờ của Anh. Selkirk phát tín hiệu cầu cứu và con tàu cập đảo. Lúc đó, mọi người trên tàu đều sửng sốt khi trông thấy người đàn ông rất hoang dã với bộ trang phục bằng da dê.
Nhưng bất ngờ hơn là khi gặp họ, Selkirk lại không thể thốt lên được lời nào. Trong hơn 4 năm sống trên đảo, nơi không có ai để trò chuyện, Selkirk như bị mất các kỹ năng giao tiếp cơ bản của con người. Chỉ sau một thời gian quay trở lại Anh, Selkirk mới có thể bắt đầu nói được và kể lại câu chuyện của mình, dù khó khăn.
Tàu cứu Selkirk ở lại trên đảo gần hai tuần. Nhưng 33 tháng sau đó, Selkirk mới đặt chân được lên mảnh đất quê hương.
Câu chuyện của Selkirk sau đó đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người, trong đó có Daniel Defoe, người đã tìm đến gặp anh để trực tiếp nghe lại câu chuyện.
Tranh minh họa Selkirk kể lại câu chuyện của mình cho Daniel Defoe trong một bài báo được đăng tải năm 1917.
Dần dần, sự quan tâm tới câu chuyện của Selkirk cũng phai nhạt theo thời gian và bản thân anh cũng muốn tìm kiếm cảm giác mới. Một vài năm sau khi trở về, Selkirk đã quay trở lại với biển cả. Trong một chuyến đi tới Tây Phi vào năm 1720, Selkirk chết vì bệnh sốt xuất huyết. Nhưng cuộc phiêu lưu đầy thú vị của anh còn sống mãi trong cuốn tiểu thuyết của Defoe. Hòn đảo, nơi anh sống cô đơn trong nhiều năm giờ đã được đặt tên là đảo Robinson. Một hòn đảo hoang nằm gần nó được đặt tên là Alexander Selkirk.
THỤC QUYÊN (Tổng hợp từ báo chí nước ngoài)