Từ nguyên mẫu đến nhân vật

HỒN XƯA LƯU LẠC - BA NGUYÊN MẪU MỘT NHÂN VẬT

Thứ Hai, 27/04/2015 06:00
. Nhà văn TỐNG NGỌC HÂN
Một ngày, Sa Pa vắng khách, tôi dắt xe máy ra ngõ. Nếu là mùa hè, tôi đã chọn San Sả Hồ. Nhưng mùa đông, có lẽ Lao Chải, Tả Van thì hợp hơn chăng? Nghĩ thế, tôi rẽ phải, quay xuôi. Mùa đó, ruộng bậc thang trơ gốc rạ, đường trơ đá và trời ít nắng. Tôi định bụng sẽ rẽ vào một bản nhỏ ngay rìa đường, chui vào một cái nhà Mông tôi tối, trò chuyện gì đó rồi sẽ đi tiếp, như những lần khác. Nhưng trời xui đất khiến thế nào, tôi phóng thẳng xe xuống cầu Tả Van và bước vào Bảo tàng gia đình Mông tọa lạc bên kia bờ suối. Câu hỏi quen thuộc với anh chủ Bảo tàng (người Kinh) là câu: “Có gì mới không, bác?”. Ông ta cười nụ cười ngụ ý. Mới hay cũ thì có bấy nhiêu thôi.
Tôi lượn một vòng quanh Bảo tàng và phát hiện nhiều đồ vật đã bị bán hoặc bị thay thế. Trên phố khách rất vắng, vậy mà trong Bảo tàng khách khứa lại nhộn nhịp. Thú thực, từ lâu tôi đã định viết một cuốn tiểu thuyết về tộc người Mông sống dưới chân núi Hoàng Liên trong thời kì Đổi mới, nhưng luôn cảm thấy thiêu thiếu thứ gì đó nên chưa thể đặt bút. Hôm ấy, sau khi lượn một vòng phía bên trong Bảo tàng, tôi đi ra phía ngoài bằng cửa sau, nơi có cây cầu mây bắc qua suối Mường Hoa thơ mộng. Đứng ở chân cầu, nhìn sang phải, tôi gặp một cái ao khá lớn. Trên bờ ao là một khu nhà hàng bằng gỗ, bài trí rất hợp lí, thân thiện. Tôi nhìn thấy một anh chàng người Mông trạc ba chục tuổi đang ngồi nấu rượu dưới gầm sàn. Lúc ấy tôi vẫn chưa nghĩ anh này sẽ trở thành nhân vật của mình. Tôi hỏi ông chủ Bảo tàng: “Thế cái bờ ao bên kia, bác định làm gì?”. Ông chủ trả lời rất hóm hỉnh: “Tôi đã đặt mua ba cái chuồng trâu cũ rồi, sẽ làm lều cho khách mắc võng nằm, vừa uống cà phê, vừa câu cá”. Tôi giật thót mình. Con trâu với người Mông là linh vật, đời nào họ bán chuồng trâu? Ông chủ Bảo tàng nhìn tôi như đoán định gì đó rồi bảo: “Trâu năm ngoái chết rét hết, nhiều nhà bỏ chuồng không, không bán thì để làm gì?”. Tôi thoáng ngạc nhiên, rồi lại tự an ủi mình. Thì kia, cái máng cối ngô đen sẫm và bóng láng, cái cột cầu thang, cái chậu rửa mặt, cái khung cửi, cái thùng tắm, cái sừng trâu buộc bảy lần vải đỏ và cả cây khèn đại cũ kĩ nữa. Những thứ tưởng chừng không bao giờ người Mông có thể mang nó ra khỏi nhà mà còn bán được thì mấy cái chuồng trâu nào có nghĩa lí gì.
Anh chàng kia không ngửng mặt lên nhìn tôi lần nào cả nên tôi không thể đoán tuổi. Có thể anh ta nhận ra tôi nên thấy xấu hổ chăng? Tôi biết, anh ta được thuê về Bảo tàng giống như con chim mồi nhử khách. Chỉ khi nào khách xúm xít, tụ tập trên cầu mà không chịu mua vé vào Bảo tàng thì anh mới phải ra tay. Ông chủ hất hàm bảo: “Trông lù đù thế thôi chứ đa tài lắm, khèn sáo cứ đâu ra đấy, tiếng Anh cũng khá”. Tôi về, tâm trạng thật lạ. Nhưng trong đầu mặc định một suy nghĩ, rằng mưu sinh mà, ai chả phải thế.
Người ta viết truyện, thường là tìm thấy hoặc tạo ra nhân vật rồi mới dựng truyện, cài đặt chi tiết, tình huống, chọn bối cảnh. Còn tôi, theo một hành trình ngược lại. Tôi luôn chọn bối cảnh trước, tức là vấn đề, đề tài trước. Rồi sau đó tùy thuộc vào phạm vi đề tài mà tôi quyết định chọn nhân vật có thật trong đời sống hay là nhân vật hư cấu. Nếu là nhân vật hư cấu, tôi hoàn toàn làm chủ ngòi bút của mình đến tận dòng cuối cùng. Còn nếu là nhân vật có nguyên mẫu thì thường xảy ra mâu thuẫn giữa tác giả và nhân vật trong diễn biến câu chuyện. Vì nguyên mẫu luôn có cái lí riêng để tồn tại và nhân vật đó giải quyết những vấn đề theo cách riêng của họ. Vì thế, kể cả khi đã tìm thấy nguyên mẫu, tôi cũng ngại trò chuyện lâu với họ. Kể cả nguyên mẫu là bạn bè, là người ngay bên cạnh tôi. Tôi sợ mình bị lí tính chi phối. Tôi sợ những mâu thuẫn giằng xé khi viết. Nhưng với những linh cảm mà từ đầu tôi đã cho là thiêu thiếu ấy, tôi biết mình phải đi, phải tìm kiếm. Với bối cảnh này và vấn đề lớn thế này, tôi cần những nhân vật có thật mà nếu có duyên với nhau, tôi sẽ gặp được họ.
Thứ bảy, trời lất phất mưa. Sân nhà thờ vẫn đông người. Đất trời Sa Pa là thế. Cho dù chợ tình từ lâu rồi không còn tồn tại theo đúng nghĩa, nhưng người ta vẫn muốn níu kéo và bấu víu vào những dư âm ngọt ngào từng có để an ủi chuyến đi, kì nghỉ của mình. Một đôi trai gái Mông người San Sả Hồ đang hát, múa say sưa trong vòng vây của khách du lịch. Một ông khách sau khi bỏ mười nghìn vào cái mũ chàm để ngửa, cất giọng tinh vi: “Múa thế này đẹp rồi, nhưng thổi khèn chưa hay, năm ngoái cái thằng Chơ hay Chớ gì đó thổi hay hơn nhiều”. Cậu trai dừng điệu nhảy đá chân, vừa thở vừa nói: “Chơ Sử Pán chứ gì, nó ngồi kia”. Đám đông nhìn về phía cây cột đèn, nơi có một người đàn ông đang vật vạ, nửa nằm nửa ngồi. Chỉ một mình tôi bước đến. Tôi hỏi: “Sao anh không thổi khèn cho khách nghe, cũng kiếm được tí?”. Chơ trả lời, giọng say mèm. “Uô dằng à? Cái bụng không thích nữa rồi”. Tôi nấn ná hỏi thêm: “Sao mà không thích?”. Chơ trả lời: “Nợ nhiều quá, bán sạch mọi thứ rồi vẫn chưa hết”. Tôi thở dài. Có kẻ nào còn đàn hát được khi nợ nần đang đè đầu cưỡi cổ? Lo lắng thế, hẳn là cái nợ nhà nước rồi. Thế ra, nói không thích cho lịch sự thôi. Sự thật là Chơ không còn bụng dạ nào mà khèn nữa. 
Hôm ấy, trời rét lắm, dù đã cuối xuân. Tôi mang tinh dầu ngọc am đến theo yêu cầu của một khách hàng ở một khách sạn lớn. Vào giờ biểu diễn văn nghệ nên khách mải xem không ra ngoài. Đang đến tiết mục sáo Mông. Tôi nán lại xem. Tôi nhận ra Chinh, người quen từ chục năm trước. Chinh, trước đây vốn là hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh và là diễn viên của Đoàn ca múa nhạc dân tộc của Khu du lịch Hàm Rồng. Chinh là người Mông San Sả Hồ, đã có gia đình. Tiếng sáo của Chinh, chàng trai trạc ba mươi tuổi hạ gục hết thảy các tín đồ mê nhạc dân tộc ngồi đó, bất kể Tây, ta, và tôi nữa. Cất cây sáo vào thắt lưng, Chinh lại trình diễn một khúc khèn Mông u buồn khiến tất cả lặng đi, như ngưng thở và quên cả vỗ tay. Tôi lâng lâng trở về quán, lấy máy ra và viết, mặc kệ khách khứa đang ồn ào vào ra.
Nhân vật trong truyện ngắn Hồn xưa lưu lạc của tôi, anh chàng nghệ sĩ khèn Mông Giàng A Sùng ấy, là ba con người bằng xương bằng thịt cộng lại. Ba cảm xúc khác nhau của tôi về thân phận con người trộn lại. Bi kịch về tiền bạc do nợ nần, thiên tai, hủ tục là của anh chàng Chơ. Tài năng thiên bẩm là của Chinh. Bi kịch tinh thần là của anh chàng ngồi nấu rượu tôi chưa biết tên dưới Bảo tàng kia. Ngày ngày ngồi xem những đồ vật tổ tiên ông cha để lại được bán đi và lại có nhiệm vụ sưu tầm về cho đủ. Anh còn phải hát, múa, giảng giải cho khách hiểu, khách thích và khách mua những thứ anh ta đã một lần bán đi. Lần lượt chứng kiến cảnh những đồ vật cũ rời khỏi nơi nó đã ở cả trăm năm, nghìn năm. Anh ta không dám ngẩng mặt nhìn người quen, vì anh ta là người còn biết dằn vặt, xa xót.
Chính vì nhân vật “ba trong một” ấy mà ý tưởng viết một tiểu thuyết của tôi lại chuyển sang ý tưởng viết một truyện dài. Tôi đã gói cái bi kịch của nghệ sĩ khèn Mông và bi kịch của bản sắc văn hóa Mông ấy vào một truyện dài mười sáu ngàn chữ. Nhiều đêm tôi nằm im, lắng nghe những nhân vật của tôi chất vấn về cái kết truyện khá là tưng hửng nghiệt ngã ấy. Tôi để Sùng vịn vào những cái văng chuồng trâu mà từ từ đứng dậy và thức tỉnh bởi chính tiếng khèn của mình vọng về từ kí ức bi hùng.
Trong thâm tâm, tôi muốn bà con các dân tộc thiểu số Sa Pa được hưởng những thành quả của công cuộc Đổi mới, để cuộc sống đầy đủ hơn, văn minh hơn. Tôi muốn con đường đẹp để xe chạy bon bon, trẻ em đến lớp cũng bớt nhọc nhằn. Tôi muốn điện sáng thay trăng rừng. Tôi muốn tivi, tủ lạnh và những thứ tiện nghi khác thay thế cho những thứ đồ vật cũ kĩ trong ngôi nhà họ. Những thứ tôi muốn và rất nhiều người muốn ấy đã giết chết phiên chợ tình tối thứ bảy, giết chết một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời cần được bảo tồn, gìn giữ. Vì đường đã đẹp, sáng sớm chủ nhật, họ (trai gái thanh niên) phóng vèo xe về chợ để bán, mua, tội tình gì mà phải về từ đêm trước để chầu chực chờ đợi. Trong cái đêm dài dằng dặc chờ sáng ấy, họ đốt lửa, hát hò, làm quen nhau, tán tỉnh nhau, giờ làm gì còn? Và chỉ cần cái điện thoại thôi, trai gái trao nhau bao nhiêu lời thương, lời nhớ, đâu cần thấp thỏm đợi một tuần mới được thấy nhau một lần? Đâu cần phải nhảy múa, trổ tài tán tỉnh? Và khi không còn chợ tình, không còn không gian văn hóa trong lành, thuần khiết thì tiếng khèn Mông bị thương mại hóa, bị biến thành một món hàng là đương nhiên rồi. Những đồ vật cũ kĩ thành hàng hóa thì con người bản địa cũng bị cuốn vào cái guồng quay lời lãi của cơ chế thị trường là điều tất yếu. Nếu tinh ý, bạn đọc sẽ thấy được những mâu thuẫn của chính tôi được cài đặt trong nhân vật ấy. Bản thân tôi cũng vùng vẫy, cũng muốn tìm ra cho mình một lối thoát trong cái ma trận văn hóa thời hội nhập này. Giây phút Sùng giằng lấy cây khèn từ gã Do Thái là giây phút bản năng của tôi trỗi dậy. Nếu tôi là Sùng, tôi cũng không chấp nhận được sự phỉ báng ấy, khi nghe gã Do Thái thổi một điệu khèn Mông lai căng, ngô nghê…   
Sau nhiều lần cắt bỏ, Hồn xưa lưu lạc thành cái truyện ngắn hơn năm nghìn chữ mà tôi đã dự thi trên tạp chí Văn nghệ Quân đội
Khi có người ngỏ ý muốn chuyển thể thành kịch bản phim một tập (chín mươi phút), tôi đã đồng ý. Tôi đã đưa nhà biên kịch đến Bảo tàng gia đình, nơi khởi nguồn của cảm hứng Hồn xưa lưu lạc. Anh ấy cũng giống như tôi, sờ tay lên những đồ vật cũ kĩ mòn vẹt, láng bóng màu mồ hôi và lặng đi không nói câu nào. Tận lúc lên xe anh mới bảo: “Thế là ổn rồi”. Một tháng sau, anh chuyển kịch bản cho tôi đọc. Mặc dù Hồn xưa lưu lạc đã mang một hình hài mới, vóc dáng mới, nhưng cảm giác rưng rưng, ngậm ngùi khi đọc nó thì vẫn thế. Những truyện ngắn của tôi, theo như nhiều người nói là rất buồn. Hồn xưa lưu lạc khiến tôi trăn trở nhiều nhất, buồn sâu nhất . 
T.N.H
 ------------------
Xem thêm: Truyện ngắn Hồn xưa lưu lạc



 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)