Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Người bí thư châu ủy

Thứ Tư, 06/05/2015 08:43
.Nhà văn ĐOÀN HỮU NAM

Thổ phỉ là tiểu thuyết viết về thời kì chống Pháp, tiễu phỉ gian nan của một vùng Tây Bắc nên khi cầm bút xây dựng cuốn tiểu thuyết tôi nghĩ ngay đến việc xây dựng nhân vật theo hướng tốt - xấu, chính – tà, ta - địch, chính diện - phản diện, bởi đó là việc cần thiết khi tái hiện giai đoạn cách mạng đó.
Trong Thổ phỉ, bí thư châu ủy Đoàn Văn Long là người đại diện cho cách mạng, cho xu hướng đi lên tất yếu của cả vùng. Con người này xuất phát từ một thân phận éo le, do số phận, do thời cuộc đưa đẩy anh đã đến với cách mạng, trưởng thành trong lửa đạn. Là người có cá tính mạnh, trải qua biết bao vấp ngã, thành bại song với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, anh đã vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó. Xác định rõ hướng xây dựng nhân vật này tôi đi gặp, tìm hiểu nhiều cán bộ lão thành đã từng tham gia đánh Pháp, tiễu phỉ và may mắn gặp được “mỏ vàng” đó là cụ Trần Hùng.
Cụ Trần Hùng – nguyên chính trị viên huyện đội Bát Xát (tỉnh Lào Cai) nơi phải đương đầu với năm lần nổi phỉ. Có thể nói chỉ cần ghi lại cuộc đời cùng những thử thách cũng trải của cụ đã đủ thành một cuốn tiểu thuyết sống động.
Cụ Trần Hùng sinh ra tại vùng chiêm trũng Bình Lục - Hà Nam. Do lũ lụt, đói kém, năm cụ bốn tuổi cả gia đình đã phải bỏ quê tha phương cầu thực. Cả nhà lang thang khắp rừng xanh núi đỏ, cuối cùng trụ lại đất Phúc Yên. Năm 1945, bố mẹ cụ tham gia tự vệ giành chính quyền ở thị xã Phúc Yên, cụ vào bộ đội, được biên chế vào trung đoàn 165 chiến đấu tại vùng Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Tháng 6 năm 1950, được sự giúp đỡ của tổ chức cụ xây dựng gia đình với cô gái dân tộc Giáy đất Mường Hum rồi chuyển về công tác tại huyện đội Bát Xát, một bước ngoặt đầy thử thách đến với người chiến binh dũng cảm. Đó là việc kiên trì, nhẫn nại, dấn thân để vượt qua mọi rào cản phong tục, tập quán, ngôn ngữ để gắn bó với người mình yêu. Đó là những nỗ lực phi thường để hòa nhập với đồng bào, để thực hiện nhiệm vụ trong lúc kẻ thù cố dựng lên bức tường thành ngăn cách cách mạng với dân chúng. 
Và cụ đã chiến thắng.
Cả gia đình, cả vùng đã chấp nhận cụ, đã giúp cụ vượt qua gian nan thử thách. Kể từ tháng 11 năm 1947, năm giành được chính quyền từ tay Quốc dân Đảng đến năm 1959, Bát Xát có năm cuộc nổi phỉ, phỉ hóa toàn dân. Cả năm lần, bằng sự khôn khéo, bằng sức mạnh tổng hợp ta đều đánh tan bọn phỉ lấy lại cuộc sống yên bình cho nhân dân, trong đó có công lao đóng góp của người sĩ quan quân đội Trần Hùng.
Xin kể lại một chiến công mạo hiểm nhưng hiển hách của cụ và đồng đội.
Trước sức mạnh của cách mạng, ngày 25 tháng 7 năm 1954, bang tá Bát Xát Lương Chính Phương cho người mang thư xin hàng và được ta chấp thuận. Ngay ngày sau huyện đã tiếp nhận 175 tên phỉ của Lương Chính Phương mang hơn 200 khẩu súng tiểu liên, súng cối, súng máy ra hàng. Song, vùng thượng huyện vẫn còn nhức nhối, đại đội phỉ do Giàng A Pín cầm đầu chưa chịu buông súng. Sau khi bàn bạc, cụ Trần Hùng đề xuất và được ban cán sự cử lên Trịnh Tường gọi Giàng A Pín đầu hàng.
Cụ Hùng đã biên thư mong được gặp Giàng A Pín nói rõ sự khoan hồng của cách mạng. Giàng A Pín chưa kịp trả lời cụ đã cùng bốn đồng chí cán bộ huyện đội hành quân lên Trịnh Tường. Sở dĩ cụ mạo hiểm là bởi đã có lần cụ chạm trán với Pín, bằng sự mưu trí, gan dạ và uy tín của mình, cụ đã được bố mẹ Pín tạo điều kiện thoát khỏi vòng vây. Đó là lần cụ cùng ba đồng đội là Trần Hậu, Lý A Péng, Vàng Cấn Pẩu vào thị sát Trịnh Tường chuẩn bị cho đại đội 962 tiến đánh sào huyệt của Giàng A Pín. Không may cho cả nhóm, lần ấy Pín mang quân rải theo dọc đường cái, đường sông lùng sục. Tình thế nguy cấp, cụ Trần Hùng bàn với cả nhóm phương án ra bãi sông chặt chuối làm mảng trôi xuôi, nhưng cả tổ không đồng ý vì như thế quá mạo hiểm. Sau một hồi bàn tính, cụ Hùng quyết định vào thẳng nhà Giàng A Pín tại thôn Bản Trong ẩn náu. Biết bố mẹ Giàng A Pín đã nghe danh tiếng của mình, cụ Hùng nhanh chóng trình bày hoàn cảnh, giải thích chính sách và đề nghị được giúp đỡ. Vốn đã có cảm tình với cách mạng nay hiểu được hoàn cảnh éo le của bốn người, ông bố Giàng A Pín quả quyết: “Các anh cứ vào trong buồng, có chúng tôi thì nó không dám làm gì đâu.” Khoảng 11h đêm hôm đó, Giàng A Pín mang một toán quân về gọi cửa. Ông cụ ra mở cửa. Pín vào nhà hỏi thẳng bố bằng tiếng Giáy: “Pò Thủy rủ rán ráu bẩu?” (Pò Thuỷ - bố Thủy, gọi theo tên con của ông Hùng - nó ở đây à?) Ông cụ bình thản trả lời: “Phải, pò Thủy và thằng Péng, thằng Pẩu ở đây, mày phải liệu liệu, đừng làm to chuyện ra, phải còn để đường mà về làm ăn chứ!” Tên Pín lặng yên. Ông cụ lại nói tiếp: “Mà xô xát lần này không những mày chết mà cả bố mẹ, vợ con mày cũng chết oan vì mày”. Ông hạ giọng: “Thôi đi con ạ, cán bộ nó bảo mày bỏ qua, nó sẽ báo cáo lên trên, coi như có công bảo vệ cán bộ”. Nghe bố nói, thằng Pín không nói gì chỉ thở dài, một lúc sau nó bảo: “Thôi tôi đi!” Pín đi rồi ai nấy thở phào nhẹ nhõm, sáng hôm sau bà cụ nấu cơm nếp mời rồi cả hai ông bà xung phong dẫn tổ trinh sát về Bát Xát. Trên đường mọi người luôn cảm thấy những ánh mắt, những họng súng lăm lăm chĩa vào nhưng qua vẻ bình thản của bố mẹ tên trùm phỉ họ đều vững dạ.
Còn lần này, cụ Hùng cùng tổ công tác, cán bộ xã Trịnh Tường chuẩn bị mọi phương án tác chiến và hồi hộp chờ đợi. Đúng 9h ngày 27 tháng 7 năm 1954, Giàng A Pín cùng hai tên phỉ xuất hiện. Được cụ Hùng cùng mọi người thân thiện đón tiếp, Giàng A Pín ra hiệu cho đại đội phỉ của hắn mang 80 khẩu súng ra hàng. Đội công tác thu súng đạn, giải thích chính sách, lập danh sách rồi cho tất cả về nhà làm ăn. Lúc này gần 50 gia đình ở các thôn bản xa xôi như Bản Mạc, Vỹ Cạp, Nà Moòng, Nà Lắc... già có, trẻ có theo chồng, theo cha đi nộp súng đã không kìm được nước mắt. Chủ tịch xã Trịnh Tường Pò Dỉn Chi huy động 20 con ngựa thồ súng đạn cùng đoàn cán bộ về huyện.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều chiến công cụ Trần Hùng lập được trong suốt thời quân ngũ. Cuộc sống tha hương éo le, gian khổ cùng những thử thách nghiệt ngã đã tôi luyện nên bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng. Lấy cảm hứng từ cụ, tôi đã xây dựng nhân vật bí thư Đoàn Văn Long. Những tình tiết, suy nghĩ, hành động của người bí thư châu ủy trong tiểu thuyết Thổ phỉ  là hiện thân của người được gọi là con hổ xám trong tiễu phỉ của miền tây tỉnh Lào Cai 
Đ.H.N

Trích tiểu thuyết "Thổ phỉ"

1

Buổi lễ cấp sắc cho Triệu Phú Vương, con trai cả của Chủ tịch xã Sín Chải Triệu Tá Dùn đang vào giây phút quyết định. Căn nhà hai mươi mốt gian chật như củi bó. Người đến dự lễ có hoàn cảnh khác nhau, lý do khác nhau song tất cả đều nín thở dồn tâm nguyện vào người chịu lễ.

Trong khói hương nghi ngút, tiếng trống trầm hùng, tiếng chiêng chập cheng huyền bí, tiếng kèn lảnh lót thúc quân xung trận, tiếng tù và đánh thức rừng núi, tiếng xúc xắc sôi động, dưới sự điều khiển của thầy Sùng Peng ba thanh niên trang phục theo nghi lễ của người được phong sắc đến đứng trước bàn thờ đợi lệnh.

Cùng lúc thày Khòi Cháo cuộn ba tờ tranh thờ thần dựng tựa trên cái bàn kê sát vách. Triệu Phú Vương nhắm mắt, quay lưng, lùi lại ba bước, đưa tay ra đằng sau run run sờ vào bức tranh thần.

Người họ Triệu đứng tim.

Người Dao Sín Chải đứng tim. 

Thành hay không thành? Số phận của người chịu lễ ra sao? Người Dao đỏ nơi đây trông cậy được ở người thanh niên này thế nào? Tất cả đều ở phút giây định mệnh đang chờ đợi.

Ba bức tranh thờ thần mà người thụ lễ sắp bắt, bức nào cũng có thần tài phù trợ? Thần Thài vẳy- Vị thần của sự bình yên, khiêm nhường, nín nhịn, coi trọng việc học hành thành đạt. Ở đâu có thần Thài vẳy hiển linh ở đó có quân sư tài giỏi, thông hiểu lý lối, chữ nghĩa. Người quân sư đó có thể dẫn dắt tộc người ra khỏi những rắc rối trên đời, tạo dựng cho rừng, cho núi, cho con người cuộc sống bình yên, giữ cho con suối, dòng sông xuôi về tận biển. Thần Zồng tàn - Vị thần dũng mãnh có thể đối mặt với cái ác, với thiên nhiên hung dữ. Người Dao coi mình là kềm mền ton (người ở rừng), trời định cho người Dao lấy núi làm chỗ chở che, lấy rừng làm nguồn sống. Cha núi cho người Dao điểm tựa, mẹ rừng cho người Dao nguồn sữa. Mẹ cha nâng đỡ, nuôi nấng người Dao từng ngày song cũng thử thách người Dao từng bước. Có thần Zồng tàn phù trợ là có những con người mạnh như hổ, khéo như báo, nhanh như hươu nai, đủ sức, đủ khéo léo chống chọi với gió mưa, thú dữ. Có thần Zồng tàn phù trợ là có những vị tướng tài cầm quân đánh giặc bảo vệ được bản làng. Nhưng trong lúc thời thế như nồi thắng cố đang sôi; thú to, thú nhỏ gầm ghè; tranh giành, cướp giật khắp nơi thì khát khao cháy bỏng của cả cộng đồng người Dao Sín Chải hướng cả vào thần Hòi Phan - Vị thần có thể phù hộ cho họ có người dẫn dắt ra khỏi cảnh múa dao trong sọt, giữ cho đất này trong ấm ngoài êm.


 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)