Từ nguyên mẫu đến nhân vật

"Đồi lau sau hoa tím" những mảnh ghép kí ức

Thứ Hai, 23/11/2015 11:00
. NGUYỄN PHÚ

Sau mấy năm công tác ở miền biên viễn Hà Giang, tháng 5 năm 2009, tôi về học lớp giáo viên tại Hà Nội. Cuộc đi này với tôi là sự chuẩn bị cho cuộc li biệt với Hà Giang, mảnh đất tôi đã yêu, thực sự yêu bằng cả trái tim của người lính trẻ. Ở Hà Nội, môi trường học tập mới, bạn bè mới, những xô bồ, ồn ào phố xá bên ngoài bức tường đơn vị càng làm tôi nhớ về vùng cao nguyên thẳm xa, hiu hắt buồn và đồng đội ở đồn biên phòng. Mấy tháng ròng, có nhiều đêm tôi mơ về những đỉnh núi, những rừng cây, những gương mặt người… Cũng thời điểm này, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đang tổ chức cuộc thi truyện ngắn trong hai năm 2008-2009. Tôi đã đăng ba truyện viết về miền núi. Với một cuộc thi văn chương của quân đội, điều ban tổ chức trăn trở, mong chờ nhất là tìm được những tác phẩm hay viết trực diện về người lính trong thời bình. Một hôm, nhà văn Đỗ Tiến Thụy gọi cho tôi bảo: “Hay chú viết một cái về lính đi, ở đồn thiếu gì chuyện để viết”. Một gợi ý hay, rất đúng lúc. Đồi lau sau hoa tím, một trong hai truyện ngắn đoạt giải của tôi ra đời ở hoàn cảnh như thế.

Là truyện ngắn viết bằng nỗi nhớ và kí ức nên hầu hết các nhân vật trong truyện đều được tôi nhào nặn từ các nguyên mẫu. Nhưng để có được một nhân vật hoàn chỉnh tôi đã “thuổng” của đồng đội mỗi người một vài nét ngoại hình, tính cách. Không phải các nguyên mẫu ít chất liệu văn học, không khai thác được nhiều, nhưng quả tình tôi cũng hơi sợ khi khai thác quá sâu ở họ. Chỉ bằng một cái nhìn thiếu sự sẻ chia, thiếu hiểu biết về văn chương, người viết rất dễ bị quy chụp. Tôi không muốn mình dính vào “nạn” văn chương với những phiền toái không đáng có.

Trong truyện đồn trưởng Chương là nhân vật phụ, song lại gần với nguyên mẫu nhất, đó là “đương kim” đồn trưởng của tôi. Ông là người gần gũi, nồng ấm. Hai năm ở đồn biên phòng Thàng Tín tôi có nhiều kỉ niệm với ông. Đấy là những lần chú cháu xuống biên phòng tỉnh hay ra huyện họp, những đợt lăn lộn ở địa bàn, là những buổi chiều cùng nhau đi bộ từ cổng đồn đến gần trung tâm xã Thàng Tín… Những lúc bên ông, tôi đã được ông kể về cuộc đời binh nghiệp của mình. Là lính chiến, nhập ngũ từ năm 17 tuổi, sau giải phóng miền Nam, ông lên Hà Giang, rồi chiến tranh biên giới nổ ra, thế nên chả còn cơ hội học hành. Dù có năng lực, nhiều kinh nghiệm, mẫu mực trong công tác, sinh hoạt, nhưng mỗi khi được đưa lên để cất nhắc, ông đều bị gạt xuống vì chuyện bằng cấp. Ông cứ mãi là “quân xanh” cho người khác tiến lên. Mấy năm trời, ông chỉ sống, làm việc trong một tổ công tác với chức phận nhân viên của biên phòng tỉnh đi tăng cường cơ sở. Ông vẫn sống đàng hoàng, tử tế. Thế mà nhiều người nhìn vào cứ bảo ông như người bị đi đày. Cuối cùng những gì ông làm cũng được thừa nhận. Ông được bổ nhiệm làm đồn trưởng trong một nhiệm kì. Ông thực sự là thân cây lớn, tỏa bóng mát chở che cho anh em cán bộ, chiến sĩ trong đồn. Rất nhiều lần ông nói với tôi: “Đời chú đúc rút lại chỉ có sáu chữ: kiên trì, chịu đựng, chấp hành. Con đường binh nghiệp của cháu còn dài… rồi cháu sẽ thấy là đúng”. Tôi biết đó cũng là lời khuyên ông dành cho tôi. Xa ông, mỗi khi ở đơn vị có điều gì đó khiến mình không thể an lòng được thì lời nói của ông làm tôi dịu lại, thấy tỉnh táo hơn để hành xử, để hướng về phía trước. Ông là người chồng chung tình, người cha hết mực thương con. Vợ con ở Thái Bình, năm về quê vài ba lần, nhưng suốt mấy chục năm ròng, ông không có điều tiếng gì về chuyện “bướm ong”. Cán bộ, chiến sĩ trong đồn nhìn ông để giữ mình.

Khi tôi viết Đồi lau sau hoa tím là lúc ông sắp về hưu. Nỗi nhớ ông đã cho tôi nhân vật đồn trưởng Chương, một nhân vật không điển hình, thậm chí còn có vẻ mờ nhạt, nhưng lại là hình ảnh tôi dành nhiều tình cảm nhất. Ông không hề biết ông đã trở thành nguyên mẫu cho truyện của tôi. Vậy mà với nhân vật này tôi lại bị “hạch tội”. Chuyện là thế này, ngoài đồn trưởng ở đồn biên phòng Thàng Tín, tôi còn có người đồn trưởng ở một đồn khác - đơn vị đầu tiên khi tôi lên công tác ở Hà Giang. Vị đồn trưởng này thực sự là một võ quan rất yêng hùng, đậm chất lính biên thùy. Ông có một đặc điểm là không thích văn chương và đặc “ghét” cánh báo chí. Nguyên do ông từng bị cấp trên “xạc” cho một trận tơi bời vì tội “cung cấp thông tin làm ảnh hưởng đến đơn vị”. Thực ra đó là “tai nạn” mà ông là nạn nhân bởi cái tật thích thêm “mắm muối” của cô phóng viên ở một cơ quan báo chí Trung ương. Lúc truyện ngắn này được in ra, một số anh chị em biên phòng Hà Giang đọc được, không biết thấy gì trong đó, cứ nhất định bảo nhân vật đồn trưởng Chương là ông. Năm 2012, khi đưa con xuống học ở Cao đẳng Ngân hàng (Sơn Tây), ông gọi tôi và một vài anh em đơn vị cũ đi uống rượu. Lúc ngà say, ông gườm gườm hỏi tôi: “Thế mày viết gì về tao mà cái Vân với lại cái Bường ở phòng Chính trị nó bảo thằng Phú nó viết về anh đấy!”. Hoảng hồn, tôi lấy hết can đảm và những gì có thể nói ra để thanh minh, rằng tôi không hề viết về ông, hoặc ngộ nhỡ có viết về ông thì toàn viết tốt thôi, bởi ông… chả có điểm xấu nào cả! Thế rồi, ông nói một thôi một hồi, tôi chỉ còn cách là ngồi bất động và… hứng đạn. Nhưng cuối cùng, ông lại kết luận xanh rờn: “Mày thích viết gì thì viết, viết về thằng nào cũng được. Giờ tao về đuổi gà rồi, đếch sợ…”. Quả là một phen hú vía!

Người chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo có trăm ngàn cái khổ. Song cái khổ nhất là thiếu thốn tình cảm yêu đương chồng vợ. Từ cái khổ của nỗi khát khao, thèm muốn luôn bị vùi nén, không ít chuyện quan hệ “ngoài luồng”, chuyện để lại “hậu quả” không mong muốn đã xảy ra. Đáng trách lắm khi ai đó có phút giây buông mình. Nhưng suy cho cùng, họ cũng thật đáng được cảm thông. Các cụ ta nói “Có ăn nhạt mới biết thương mèo” rất chí lí với hoàn cảnh này. Tôi đã khai thác vấn đề tế nhị đó từ những gì diễn ra ở nơi tôi công tác. Và đồn phó Cam là sự hiện thân của hai mảnh ghép từ hai người mà tôi biết. Một người bị kỉ luật vì quan hệ ngoài vợ ngoài chồng với một cô giáo, một người luôn sống trong cảnh chán chường, giày vò bản thân vì cưới người không yêu, gia đình đang tiến gần đến bờ vực của sự tan vỡ.

Điều tôi khó lí giải nhất, thấy day dứt nhất khi nghĩ về các nhân vật trong truyện ngắn này là những gì xung quanh nguyên mẫu nhân vật trung đội trưởng Phong. Xây dựng nhân vật Phong chả hiểu sao tôi không thể thoát khỏi hình ảnh anh Vừ Mí Lúa, một sĩ quan người Mông cùng đồn, dù nguyên mẫu và nhân vật chỉ có điểm chung duy nhất là lấy vợ người Mông. Cho đến khi đọc lại truyện ngắn tôi vẫn cứ nghĩ đến Lúa và ngôi nhà gỗ của anh gần đồn biên phòng. Ngôi nhà nhỏ có bốn con người, có đàn gà đông đúc, lũ gà con lích rích suốt ngày. Trong truyện tôi đã đẩy nỗi mất mát của người lính biên phòng trong thời bình và gia đình họ lên đến tận cùng. Đó là sự hi sinh của Phong, nỗi tuyệt vọng vì mất con của người mẹ già nua, nỗi đau đớn của người vợ trẻ mất chồng. Tôi đã nhói tim khi viết về cảnh huống ấy. Đọc truyện ngắn này và những truyện khác của tôi, thầy giáo (đồng thời là bạn văn) của tôi bảo: “Phú đừng viết truyện buồn, chết chóc… Nó vận vào mình…”. Tôi rất muốn đoạn tuyệt với chết chóc, buồn đau trong tác phẩm của mình nhưng không thể, thế nên truyện nào cũng dư thừa nước mắt và không thiếu mất mát, chia lìa… Ngày 25 tháng 7 năm 2012, tôi nhận được tin đau buồn. Anh Lúa trong lúc đi làm nhiệm vụ thăm hỏi gia đình chính sách trong địa bàn đã tử nạn. Một lần nữa, tim tôi nhói đau…

Bây giờ, mỗi lúc nhớ về Hà Giang, vụt qua óc tôi là hình ảnh ngôi nhà gỗ chênh vênh trên sườn đồi lộng gió, là chị Mảo, vợ anh Lúa, với gương mặt thâu cả buổi chiều đông u ám, là hai đứa con anh Lúa ngơ ngác như thú con lạc đàn… Sáu con mắt rượi buồn hướng về tôi với câu hỏi: “Tại sao?”
 
N.P    

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)