Từ nguyên mẫu đến nhân vật

NHÂN VẬT VĂN HỌC - BÍ ẨN CỦA NGHỀ VIẾT

Thứ Năm, 12/03/2015 15:11

. Nhà văn MA VĂN KHÁNG

1. Có nhà văn nào đang viết theo dòng hiện thực khi xây dựng nhân vật lại không vay mượn từ một nguyên mẫu đã có sẵn ở ngoài đời? Chắc là không! Hình thức vay mượn có nhiều mức độ. Có thể là cả gói toàn phần, nguyên xi. Cũng có thể chỉ là một phần tỉ lệ. Thậm chí có khi chỉ là một chút hơi hướng, một thoáng gợi mở, một ám ảnh mơ hồ... nhưng cũng tức là có, có căn cứ, có cậy nhờ. Tất nhiên bao gồm trong khái niệm này có cả hình thái pha trộn, lắp ghép, cải biến, thêm bớt. Các ví dụ kinh điển về chuyện này thì có vô số. Lỗ Tấn đã nói về cách xây dựng nhân vật A.Q thế nào thì ai cũng đã biết. Huyền ảo Mĩ Latin như G.Marquez cũng có lần bảo: Tôi có thể chỉ cho mọi người biết câu văn này, chi tiết nọ tôi lấy từ người nào. Còn các nhà văn Việt Nam đương đại? Kinh nghiệm và lí luận về vấn đề này của họ chắc chắn là có thừa. Nên ở bài viết này chỉ xin phép nói vài hiểu biết từ thực tế cá nhân.  
Lấy từ nguyên mẫu ngoài đời những chất liệu để xây dựng nhân vật - diễn đạt ý tưởng nọ thành một hoạt động có tính cơ giới như vậy nghe chừng chưa ổn, dù vậy vẫn phải nói ngay rằng, đó là một chu trình đem lại cho nhà sáng tác rất nhiều hứng thú! Trước hết, nhờ việc này, tôi có được cảm giác tự tin rõ rệt. Tự tin vì đã có bảo hiểm - tức là đã tiếp cận được sát sạt chất liệu khởi nguyên của hiện thực. Tất nhiên cùng với sự tự tin còn là khoái cảm về năng lực chinh phục, chiếm hữu đối tượng. Và sau nữa, còn là cái hào hứng do được hưởng miễn phí những gì thuộc về sở hữu của nguyên mẫu...  
Tôi thường lấy nguyên mẫu ở đâu? Thông thường là ở bạn bè, đồng nghiệp. Một bộ phận thường xuyên nhiều nhất nữa là những người thân trong gia đình, họ hàng. Hiển nhiên nhiều khi còn là những gặp gỡ tình cờ ngẫu sự. Và sau cùng, không thể quên và rất quan trọng là chính bản thân mình.  
Những chất liệu gì có thể khai thác được từ nguyên mẫu?  
Trước hết là từ hoàn cảnh ra đời và tình huống kịch, tức cái làm nên cốt truyện mà nhân vật này có sẵn. Nguyễn Khải có lần nói: đi cơ sở, gặp được nguyên mẫu kể chuyện hay, coi như thành công một nửa! Điều này thật là quý giá, có được phải coi như trời cho. Dĩ nhiên là có thể lấy từ nguyên mẫu tất cả những gì mà anh ta có, từ ngoại hình, dung mạo, tính tình, tâm lí, đặc điểm phong cốt, đến tiểu sử, thậm chí đến cả những thói tật cùng cái danh xưng của anh ta. Và không cần nói thì ai cũng đã biết cái quy tắc sáng tạo sau đây: chi tiết hiện thực là của khách quan, còn mô hình tạo nên là của nhà văn, chọn lọc sử dụng từ nguyên mẫu những gì là do tính khuynh hướng của nhân vật, do ý đồ của nhà văn quyết định. Nói đại để là vậy, là bởi vì để giải đáp lí do nhà văn tại sao lại chọn anh này mà không chọn chị kia làm nguyên mẫu, hoặc tại sao lại chọn chi tiết này mà không chọn chi tiết kia trong nguyên mẫu, hoặc tại sao so với nguyên mẫu diễn biến câu chuyện lại thế này mà không phải thế khác, nghĩa là để làm sáng tỏ căn nguyên của câu chuyện thì nhiều khi chính nhà văn cũng không thể giải minh được. Một bí ẩn còn đang tù mù trong bếp núc nghề nghiệp. Một căn buồng tối, trong đó diễn ra có khi là cả chuỗi những ngẫu hứng, những phù phép ma thuật gì nữa, nào ai có thể giải trình được?
2. Mỗi cuốn tiểu thuyết của tôi thường ứng với một quãng đời thật của mình. Đọc chúng, tôi nhận ra, mình chỉ có thể viết được một cái gì đó nếu trong đó có cái phần tham dự của cá nhân mình, có khi rất ít ỏi và chỉ là gián tiếp. Nên các nguyên mẫu của tôi thoạt đầu thường là các bạn bè đồng nghiệp, những người gần gụi với tôi, đã có một thời gian chung sống với tôi, đã có chút ít kỉ niệm với tôi. 

Một số cuốn sách  của  nhà  văn   Ma   Văn  Kháng  

Việc đưa nguyên mẫu ngoài đời thành nhân vật trong sách của tôi có lẽ bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết đầu tay Đồng bạc trắng hoa xòe, xuất bản năm 1979. Số là hồi đó, cuối những năm 50 của thế kỉ trước, tôi được phân công viết hồi kí cho các đồng chí cán bộ hoạt động ở thời kì tiền khởi nghĩa 1945. Trong quá trình làm việc này, tôi bắt gặp và lập tức say mê câu chuyện một chiến sĩ cách mạng một thân một mình đi vào các vùng đất của các thổ ti thuyết phục họ, rồi qua họ đến với quần chúng lao khổ, giác ngộ, tổ chức họ, tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông tên là Lê Khánh, còn được gọi là Lê Thanh, Thanh cao. Khi tôi viết hồi kí cho ông thì ông đã từng là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh tôi và đang là một cán bộ cao cấp của đoàn thể - Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương. Tôi đã hỏi ông thật kĩ lưỡng về chuyến đi có một không hai đó. (Về hình thức nó giống với chuyến đi qua các nhà điền chủ Nga để mua các linh hồn chết của nhân vật Tchichikôp trong cuốn Những linh hồn chết của Gogol). Ông Lê Khánh ở ngoài đời đã được tái hiện qua nhân vật Lê Chính ở cuốn sách của tôi. Được tái hiện chủ yếu trong những hành vi cao cả anh hùng - một đặc điểm của tiểu thuyết mang tính sử thi. Một vài nhân vật khác như Đắc, chỉ huy quân sự, ở phía chính diện cũng trong vòng chế định đó. Trong cuốn sách ấy, Khả, một thư kí văn phòng, một nhân vật comique, mang nhiều nét hài hước có tác dụng tạo nên mặt thoáng cho cuốn sách dày 600 trang này, có nguyên mẫu là một công chức lưu dung đi theo cách mạng ở ngoài đời mà tôi quen. Nhân vật Hoàng Thị Châu, một cán bộ phụ nữ, người yêu của Lê Chính cũng từ một nguyên mẫu có thật. Khác với các nhân vật chính, họ ở ngoài sự quy ước của thể loại, do vậy họ sinh động và gần với nguyên mẫu hơn. 
Với cuốn Vùng biên ải của tôi in năm 1983 thì tình hình có khác chút ít. Vùng biên ải miêu tả cuộc đấu tranh gian nan phức tạp - cuộc tiễu phỉ, thực chất là một cuộc tự vật lộn của một cộng đồng dân tộc để cải biến  mình, để thoát ra khỏi áp bức bóc lột cùng những định kiến mê muội. Nhân vật chính trong cuốn này là hai anh em ruột Giàng A Lử và Giàng A Pao. Pao đi theo cách mạng. Lử là trùm thổ phỉ. Hai con đường đối lập nhau. Hai tính cách hai số phận trái ngược nhau. Lúc này tôi không có điều kiện để sống ở các bản người Mông. Nhưng rất may, tòa báo Lao Cai, nơi tôi công tác, bên cạnh tờ báo chữ quốc ngữ, có tờ phụ trương xuất bản bằng chữ Mông tuần một số. Làm việc biên dịch là hai anh người Mông. Một là anh Vàng Seo Tống. Một nữa là anh Giàng Xuấn Phủ. Sống với nhau bảy tám năm ròng, tôi thân với cả hai anh. Hai anh, hai chân dung diện mạo, hai tính nết, đều rất đáng yêu. Thế là tôi đã mạo muội và ngấm ngầm xin phép hai anh, chọn lựa từ mỗi anh những nét cần thiết, kể từ diện mạo tính tình đến lời ăn tiếng nói... để xây dựng nhân vật của mình, trong khi toàn bộ diễn biến của câu chuyện thì chẳng có tí liên hệ nào đến tiểu sử của hai anh cả. Cũng như thế, khi viết Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, để có nhân vật Quốc Thanh, tôi đã mượn từ ông bạn tôi (tuyệt không xấu xa như Quốc Thanh) đôi ba nét về ngoại hình, lối suy nghĩ thô giản và một lô xích xông những câu chuyện lặt vặt của ông khi ông làm cán bộ hạ phóng phụ trách xã Sảng Ma Xáo ở huyện Bát Xát tỉnh Lao Cai.
3. Mùa lá rụng trong vườn in năm 1985 có lẽ là cuốn sách đầu tiên trong đó nguyên mẫu đã rõ hơn hình bóng tôi và những người thân của tôi. Lý là hình ảnh tổng hợp của các bà chị dâu tôi. Xinh đẹp, tháo vát, thành thạo, đáo để và quan trọng là gắn liền một cách tự nhiên với nhịp sống thường ngày hôm nay. Nhân vật Đông là khúc xạ nguyên mẫu ông anh vợ tôi. Điều này tôi đã nói trong một vài lần được phỏng vấn. Chuyện tương tự cũng còn thấy ở vài cuốn sách của tôi thời kì này. Những người thân của tôi thường là cái kho dự trữ các mẫu hình nhân vật để tôi sử dụng khi sáng tác. Trong đó, phải kể đến, đặc biệt là cuốn Côi cút giữa cảnh đời.
Côi cút giữa cảnh đời là câu chuyện những ngày gian khó của một gia đình có ba bà cháu ở hậu phương trong những năm chiến tranh. Bố ra chiến trường, không một tin tức. Mẹ nhẹ dạ đi theo người đàn ông khác. Còn lại trong cô đơn nghèo khổ là ba bà cháu. Chống trả lại nghèo túng bệnh tật, các thế lực vô nhân và ma quái, người bà là hiện thân của tấm lòng hỉ xả, tinh thần vị tha, bản lĩnh cứng cỏi, kiên trinh và tình yêu thương máu mủ ruột rà.
Nhân vật người bà trong đó có nguyên mẫu là người mẹ thân sinh ra tôi. Tôi đã chuyển hóa toàn bộ hình ảnh cùng những kỉ niệm về mẹ tôi vào trang sách, với biết bao là thương nhớ, kính yêu, và gần như chẳng cần một cố gắng gò ép nào. Mẹ tôi đó. Từ gương mặt tròn trịa mảnh dẻ như chiếc lá sen. Từ đường ngôi thẳng tắp chia đều mái tóc sang hai bên. Từ dáng đi thoăn thoắt. Từ cách ứng xử khôn ngoan và những câu đối đáp nhuần thấm ca dao dân ca hoạt bát tài tình. Từ tình thương yêu lớn lao vô bờ của bà với con cháu. Đến công lao chở che nuôi dưỡng dắt dìu con cháu đi qua bao hỗn độn bất công đau đớn tủi hổ để đến với bến bờ an bằng, sáng tươi. Mẹ tôi đã nhập thân vào nhân vật bà trong cuốn truyện. Nên giờ đây thi thoảng giở cuốn sách ra đọc lại, tôi lại thấy hình ảnh mẹ tôi đang diễu vòng trong trí nhớ và không sao cầm được nước mắt nhớ thương. 
Cũng tự nhiên như thế, hai nhân vật trẻ con côi cút là Duy và Thắm trong cuốn sách thì một là con gái tôi, một là cháu ruột tôi. Không phải chịu hoàn cảnh côi cút cụ thể như sách viết, nhưng tính cách hai nhân vật ấy trong sách thì gần như đã được sao chép từ những gì tôi quan sát ghi nhận được từ hai đứa trẻ trong đời thường. 
Nói như thế không phải là nhân vật người bà cũng như hai đứa trẻ trong cuốn sách là tấm hình sao chép cơ học  bà mẹ và một đứa con cùng một đứa cháu tôi. Tất cả đều đã được biến hóa đi và bây giờ thì chính tôi cũng không thể giải thích được, vì sao tôi lại thêm và bớt đi để cuối cùng ba nhân vật đó rõ ràng là có nguyên mẫu, trong gia đình tôi ai đọc nó cũng nhận ra, nhưng chúng vẫn là những thực thể độc lập.
4. Nguyên mẫu một khi đi vào trang sách, dẫu đã sai lệch đi không nhiều thì ít, vậy mà câu chuyện xem ra cũng không phải là đơn giản. Đặc biệt là khi nhà văn xây dựng nhân vật có tính phản diện trong tác phẩm của mình.
Năm 1990, nhà văn Vi Hồng công bố tiểu thuyết Người trong ống. Cuốn sách mang tinh thần phản biện. Ông đã gặp rắc rối to. Đến mức, cả một  nhóm cán bộ có quan hệ đã viết đơn kiện cáo, cho rằng ông đã phạm tội vu khống. Chứng cớ họ lôi từ sách ra. Chẳng hạn, trong sách, mặc dầu nhà văn đã biết phòng bị, gọi cái địa bàn xảy ra câu chuyện là tỉnh T., một địa danh phiếm chỉ, vậy mà với lối suy diễn vơ vào, những người kiện cáo ông vẫn nhất quyết cho rằng ông đã nói xấu họ, vì tên tỉnh họ cũng bắt đầu bằng chữ T. Thôi còn thiếu gì những ví dụ tiêu biểu cho cái lối suy luận lấy được đó. Như kiểu nhân vật trong sách có tên là Hồi thì họ bảo chính là ông Quế ở ngoài đời, vì hai cái tên cùng một loại hương phẩm, gần gụi nhau. Như kiểu ông nói đông là để nói tây. Nói cái cột là để chỉ cái kèo. Chưa kể, họ kê ra cả loạt chi tiết rồi đem ra so thì ông nọ ở trong sách y hệt ông kia ở ngoài đời. Và như vậy thì rõ ràng là nhà văn đã dùng văn chương để bôi nhọ người ta. Một tội đồ cần bị lên án (!?) 
Chắc chắn là trường hợp xảy ra với nhà văn Vi Hồng không phải là cá biệt. Từ xa xưa, nghe nói Nam Cao viết Chí Phèo cũng đã từng bị lũ Bá Kiến đe loi cấm chỉ về làng. Nhà văn Việt Nam ta chắc không ít người mắc cái vạ văn chương kiểu này. Tôi cũng đã có một hai lần dính phản đòn tương tự. Một ví dụ: Hồi ấy ở ngoài đời, tôi gặp một chuyện oan ức, mà gây ra là từ tính xu thời phù thịnh bỏ suy của một số người nông nổi. Có giăng mắc ở trong lòng nên mới phát sinh ra cảm xúc, nên mới viết thành một truyện ngắn lấy tên là Cái Tý Ngọ. Nhân vật Tý Ngọ trong truyện là cái tên tôi bịa ra, có những đặc điểm ngoại hình na ná với một nguyên mẫu ở ngoài đời. Vậy là tôi nhận được có đến vài chục lá thư nặc danh chửi bới thậm tệ, họ gọi tôi là kẻ vu cáo và trả thù tôi bằng cách bới móc cả những nhược điểm xấu xí của tôi. Đáng ngạc nhiên hơn là có cả một anh nhà văn bảo tôi là hèn hạ, vì đã sử dụng thứ văn chương ám chỉ. Văn chương ám chỉ là thứ văn chương hèn hạ! Có phải thế chăng? Thế chẳng lẽ khi Lev Tolstoy miêu tả Natasha đẹp cao quý từ nguyên mẫu Tania Bers thì là thứ văn chương cao quý, còn Victor Hugo lấy nguyên mẫu từ đâu đó để dựng nhân vật Javer hay Thénardié thì ông lại bị liệt vào loại nhà văn hèn hạ à?
5. Rắc rối có khi còn gặp cả lúc nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật tích cực từ nguyên mẫu nữa kia. Năm ấy, tôi viết tiểu thuyết Võ sĩ lên đài. Nguyên mẫu là một cựu võ sĩ quyền Anh nổi danh toàn quốc, bạn rất thân của tôi. Chuyện có cốt lõi từ đời anh. Từ lúc anh là học sinh rèn tập ở các lò luyện gà của các võ sư đến khi anh thượng đài đấu với các võ sĩ  Campuchia, Đài Loan, Philippin, lính lê dương Pháp. Hình ảnh anh tràn ngập trong mỗi trang sách. Nhưng cuối cùng anh vẫn không bằng lòng với tôi ở cái kết, khi tôi để nhân vật có nguyên mẫu là anh bị mật thám bắt trong một lần tham gia tổ chức học sinh cứu quốc đi rải truyền đơn và bị chúng tra tấn bằng chính bọn võ sĩ đã bị anh cho đo ván. Anh phàn nàn rằng, chuyện của anh không có thế. Nhưng mà tôi không thể chiều ý anh được! Cuốn sách của tôi là một tác phẩm văn học, nó bị chi phối bởi cái gì đó, chẳng hạn là một thói quen của tôi, một quan niệm của tôi về chân lí và đạo đức, hoặc nó bị ảnh hưởng từ một mẫu hình nào đó, chính tôi cũng không rành mạch được. Thực là như thế! Vậy mà trong một lần trò chuyện về việc dạy văn trong nhà trường, một giáo sư tiến sĩ lại bảo với tôi rằng: Văn là kết quả của quá trình lao động say nhưng tỉnh của con người. Do đó phải làm cho trẻ em thực bụng tin rằng văn là kết quả của hoạt động có ý thức của con người. Và nói điều đó là giáo sư tiến sĩ căn cứ vào quan điểm của Karl Marx khi ông cho rằng, phải trần gian hóa mọi vấn đề của con người (?)
Thật tình là tôi không có ý cường điệu câu chuyện để khoa trương. Nhưng  có lẽ đúng là đã có cái đáng gọi là bí ẩn mà các nhà văn đàn anh của tôi đã thấy mà ngại ngùng không muốn kể lại, hoặc chẳng muốn mất thì giờ trong cái việc như là chẻ sợi tóc làm tư này làm gì! 
6. Tháng 11 năm 2013, trên tạp chí Văn học & Tuổi trẻ tôi in bài Phút giây thiêng kể lại chuyện nhà văn Nguyễn Thành Long đã căn cứ nguyên mẫu anh học sinh Nguyễn Văn Ngọ của tôi lúc đó đang là nhân viên trạm khí tượng Sa Pa tỉnh Lao Cai để xây dựng thành hình tượng anh thanh niên hết lòng vì công việc chung trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Tôi không hề hay biết, trước đó trên số 6 năm 2003, tạp chí cũng đã in bài của một tác giả khác, trong đó khẳng định rằng nguyên mẫu anh thanh niên trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thành Long là anh Lê Văn Sử hồi đó cũng là nhân viên ở trạm khí tượng này. Vậy ai là nguyên mẫu thật đây? Dư luận xôn xao hư thực. Tòa soạn tạp chí vào cuộc giải mã. May mà qua trả lời phỏng vấn của phóng viên, anh Ngọ tỏ ra rất khiêm nhường và hiểu biết, nên đã không xảy ra chuyện “tranh chấp bản quyền”, hơn nữa còn phát hiện thêm một hiện tượng văn học khá lí thú. So sánh thì khập khiễng, nhưng có thể là sự việc cũng giống như trong Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy, nhân vật Natasha vừa có nguyên mẫu là cô Tania Bers, vừa có nét tương tự như nữ nhân vật trong tiểu thuyết Hạm đội rạng đông của M.E.Bradon.
7. Nguyên mẫu và nhân vật văn học. Cái tự nhiên và cái nhân tạo. Cái ngẫu nhiên và cái là sản phẩm của sáng tạo. Một công cuộc chuyển hóa âm thầm, trước sau vẫn hoàn toàn là bí ẩn, vì không thể giải mã và chẳng dám nói trước điều gì về sự sống bất tử hay cái chết non yểu của cái anh viết ra! Tính chân thật và đúng đắn của người viết tiểu thuyết dựa trên nền tảng này: tiếp nhận những con quỷ của riêng mình và sai khiến chúng bằng sức mạnh của mình. Đó là ý kiến của Jorge Mario Vargas Liosa, người Péru, một trong những nhà văn vĩ đại nhất của châu Mĩ Latin. Còn Albert Einstein thiên tài thì nói: Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được, đó là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính        
17/10/2014  
M.V.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)