Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Thực tế đời sống và nhân vật trong "Dòng sông phẳng lặng"

Thứ Năm, 29/10/2015 12:28
. TÔ NHUẬN VĨ

ssssNăm 1974, sau khi tập 1 bộ tiểu thuyết ba tập Dòng sông phẳng lặng (Nxb Thanh niên, Văn Cao vẽ bìa, in 40.000 bản) ra mắt bạn đọc, báo Nhân dân đã trích đăng, và đài Tiếng nói Việt Nam trong mục Đọc chuyện đêm khuya đã đọc toàn bộ tập này trong gần hai tháng ròng rã. 

Sau chiến dịch Mậu Thân (1968), tôi càng thấy các bài báo, truyện ngắn mà tôi đã viết trong mấy năm làm phóng viên mặt trận cho Báo Cờ Giải phóng không “ăn nhằm” gì với sự kì vĩ, lẫm liệt và cả khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước nên đã “cả gan” viết tiểu thuyết dài tập khi mới ngoài hai mươi tuổi. Và sau mấy năm “cù đày”, tập 1 đã ra mắt bạn đọc, bạn nghe đài như đã kể. Tôi quá sung sướng và cảm động. Lúc đó chúng ta đang dốc sức để giải phóng miền Nam, không ít chiến sĩ đêm đêm lại được đọc, được nghe Dòng sông phẳng lặng. Năm kia, trong dịp đoàn nhà văn đi thực tế các đồn biên giới ở Cao Bằng, hôm được Chủ tịch tỉnh tiếp, anh cho biết khi đang còn là “lính trơn”, trên đường vào chiến trường, anh và đồng đội nghe ròng rã Dòng sông phẳng lặng mà lòng thêm phấn khích, nhưng có hôm đang nghe thì radio… tịt, hết pin. Cả đại đội như phát điên, tìm được pin thay thì mất béng đến hơn mười phút. Từ đêm đó, khi nào nghe đọc chuyện đêm khuya cũng phải có thêm một cái radio “xơ cua”. Thật… hả dạ khi nghe anh Chủ tịch tỉnh “hồi kí”: Mình cũng đã có một giọt thuốc bổ dành cho người chiến sĩ sắp xung trận.

Bộ tiểu thuyết này, chính phụ có tới gần trăm nhân vật. Trong cuộc đời viết văn của mình, rất hiếm trường hợp tôi lấy nguyên mẫu ngoài đời để tạc nên nhân vật trong tác phẩm. Nhưng không có thực tế đời sống thì không thể làm nên các nhân vật đó.

Như chị Hạnh trong Dòng sông phẳng lặng. Là một đảng viên bình thường của vùng cát Phú Vang (Thừa Thiên Huế) nghèo khổ từ kháng chiến chống Pháp. Hàng ngày hàng giờ, hàng tháng hàng năm, hàng chục năm… chị âm thầm chịu đựng, kiên gan bền chí, công khai nín nhịn đến như tức thở đối đầu với kẻ thù đã biết quá rõ về chị để giữ vững khí phách, giữ vững phong trào và khi phong trào thôn xã tan nát sau Mậu Thân, con người chân chất và hiền lành ấy đã vụt đứng dậy tự nhận vai trò bí thư chi bộ, gánh cả làng quê tan nát trên đôi vai gầy gò xương xẩu của người đàn bà già xọm trước tuổi vì sức nặng của thử thách hàng chục năm trời. Hạnh chỉ gục xuống, chỉ xịu xuống khi người chồng - Tiểu đoàn trưởng Hòa - mà chị đã chờ đợi bao năm trời từ miền Bắc trở về, giữa hai trận đánh trên thành phố, chạy về làng tìm thăm chị. Làng xóm tan nát, tre pheo ngổn ngang sau những trận bom pháo giặc. Nhưng anh vẫn nhận ra dấu vết những con đường tuổi thơ, len lách tìm về đúng ngôi nhà xưa của anh chị mà bây giờ đã bị cháy rụi. Ở đó chỉ có một người đang thổi bếp rơm, là chị Hạnh.

“…Chị nhận ra ngay chồng mình. Đúng anh Hòa của chị. Anh to béo và đẹp hơn ngày xưa nhưng vẫn khuôn mặt hiền lành và rắn rỏi đó. Chị sắp kêu to lên thì anh Hòa đã lễ phép chào rồi rụt rè hỏi:
- Bác ơi, nhà o Hạnh ở đâu bác?
Tai chị như bị quả sét nện thẳng vào. Chị tối tăm mặt mũi. Nhưng chị còn đủ sức để không gục xuống bếp lửa. Chị cúi xuống đống tro bếp thổi bụi mù lên để che hai hàng nước mắt đang tuôn ào ra, tay chị run bắn lên chỉ lui phía sau nhà mình. Anh Hòa mừng rỡ cảm ơn chị và tất tả bước đi. Chỉ một thoáng sau, anh hốt hoảng chạy trở lại. Lúc đó chị đương gục đầu vào cột nhà, hai vai chị run bắn lên trong tiếng nấc tê tái. Anh Hòa ôm lấy khuôn mặt chị và bỗng anh sụp xuống chân chị, hậc lên:
- Em tha lỗi cho anh! Tha lỗi cho anh…”
Tôi đã khóc cùng chị Hạnh và anh Hòa khi viết đến những dòng này.
Những người phụ nữ thủy chung chờ chồng như thủy chung với cách mạng mười mấy năm trời có hàng ngàn, hàng vạn ở mảnh đất này. Hạnh là hiện thân của họ trong Dòng sông phẳng lặng.

 
nnn
Bộ tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng của tác giả Tô Nhuận Vỹ.
Và Trung, cùng Mùi, Xuân là nhóm trinh sát đặc công. Hình ảnh người chiến sĩ giải phóng trong Dòng sông phẳng lặng, tôi tập trung vào đơn vị trinh sát đặc công này. Suốt trong hai năm 1967 và 1968, tôi đã có dịp tham gia một số trận đánh của các đơn vị thuộc Trung đoàn 6 của tỉnh, kể cả đặc công, như tiêu diệt quận lị Phú Thứ, đánh các đoàn bình định nông thôn ở Dưỡng Mong Thượng, tấn công trung tâm mã thám Phú Bài, đánh phản kích ở tuyến Chợ Cống - sân vận động Tự Do dịp Mậu Thân ở Huế… Tôi đã phải tập đôi “miếng” đặc công như cách lội qua vùng nước - bùn trên đầu gối, sao cho khi rút chân lên thì không “oạp oạp”, cách đi qua vườn thơm (dứa) sao cho không dẫm lên cánh thơm phát ra tiếng động… bởi đặc công toàn đi vào vùng mà chung quanh đều là địch. Anh Ngọc Đạt ở Nam Định - một chiến sĩ Trung đoàn 6 cũ, một người vô cùng tha thiết, thủy chung với anh em đồng đội đã chiến đấu ở chiến trường Huế những tháng ngày ấy - nhất quyết tôi là chiến sĩ đặc công. Ở Dòng sông phẳng lặng, tôi chỉ chọn đặc công, mà cũng chỉ “khoanh vùng” lính trinh sát bởi một lí do ít người biết. Trong các đơn vị chủ lực, duy nhất trinh sát đặc công, do phải nghiên cứu chuẩn bị tấn công thành phố, nên tiếp cận được với nội đô, tiếp cận với các vùng ven như Vĩ Dạ, Chợ Cống. Ở Vĩ Dạ, tôi “xây dựng” gia đình bà Tịnh Nhơn, là một gia đình Phật tử, trí thức gia giáo yêu nước, có con gái là Diệu Linh tham gia phong trào học sinh - sinh viên và Nguyễn Khoa Bảo, sĩ quan Sài Gòn, tiêu biểu cho tầng lớp yêu nước, ủng hộ giải phóng của Huế. Cả gia đình dần trở thành cơ sở cách mạng trung kiên. Tôi “nối mạng” cho nhóm Trung, Mùi, Xuân gặp nhóm Tịnh Nhơn, Bảo, Diệu Linh, Thục Nguyên. Đến mức nhóm trinh sát đặc công được phép xây hầm bí mật ngay trong khu vườn đẹp Vĩ Dạ này. Và điều quan trọng, tôi đã “nối mạng” cho Mùi - một sinh viên đại học ở Hà Nội xếp bút nghiên vào Nam chiến đấu - gặp Diệu Linh. Một mối tình lí tưởng đẹp tuyệt vời, một tình nghĩa Bắc - Nam xúc động, và khi Mùi bị xử bắn sau khi bị bắt, sức mạnh của sự hi sinh của Mùi đã là linh hồn cho cuộc sống chiến đấu của Diệu Linh. Đã có lần, sau khi Dòng sông phẳng lặng được dựng thành phim truyền hình nhiều tập và được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, ngồi bên sông Hương, gần loạt tượng mà một trại điêu khắc quốc tế tạo nên, một nhóm sinh viên hỏi tôi: “Chú ơi, tại sao không cho dựng tượng Mùi cõng Diệu Linh khi cứu cô ở Cồn Hến?”. Tôi xúc động trước câu hỏi ấy. Mùi, Diệu Linh đã len sâu vào tâm hồn các em?
Huế, 8/2015                                                        
T.N.V
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)