. NGUYỄN VĂN HÙNG Bìa cuốn sách bản tiếng Pháp |
Mối tình đầu của Napoléon (nguyên tác tiếng Pháp Désirée) là một trong số tác phẩm bán chạy nhất của Annemarie Selinko (1914-1986), tiểu thuyết gia người Áo. Với những cách tân độc đáo về nghệ thuật tự sự, tác phẩm được đánh giá là cuốn tiểu thuyết lịch sử mang tầm vóc thời đại khi khai mở những vùng mờ của lịch sử để luận giải số phận và bi kịch cá nhân của những nhân vật lịch sử lừng danh.
Dưới hình thức tự sự “giả nhật kí” và “giả tự truyện” của tác phẩm, những nhân vật lịch sử nổi tiếng cùng các sự kiện, biến cố lịch sử được khúc xạ qua cuộc đời của Désirée - nhân vật trung tâm và cũng là người kể chuyện xưng “tôi”. Qua cuộc đời của người con gái thành Marseill này, cuốn sách tái dựng bức tranh một thời đại và làm sống dậy từng khuôn mặt tưởng chừng đã bị bào mòn và lãng quên bởi lịch sử. Bằng lăng kính riêng tư của người kể chuyện cùng sách lược dịch chuyển và gấp bội điểm nhìn, toàn bộ thế giới nhân vật trong tác phẩm hiện lên sinh động, sắc nét và chân thực. Đặc biệt trong đó phải kể đến Napoléon Bonapart - một “ca” thú vị của lịch sử, nguồn cảm hứng phong phú của các nhà sử học, nhà văn và độc giả trên toàn thế giới.
Tìm hiểu và lí giải vấn đề bi kịch con người trong tiểu thuyết Mối tình đầu của Napoléon, bài viết này tập trung khai thác những yếu tố phức tạp và đầy mâu thuẫn đồng tồn trong tính cách của nhân vật lịch sử kì vĩ Napoléon. Dựa vào thuyết Siêu nhân của F.Nietzsche, bài viết hướng đến giải mã những xung năng trong con người Napoléon, những xung năng có tính quyết định đến những lựa chọn và hành động của nhân vật lịch sử này.
Bi kịch của sự ‘‘lựa chọn’’
Nietzsche nói: “Tôi nói với các anh siêu nhân là gì. Con người là một vật gì đó cần vượt qua mình. (...) Nghe đây, tôi nói cho các anh siêu nhân là gì. Siêu nhân là ý nghĩa của trái đất”(1). Qua đây, nội dung chủ yếu của thuyết Siêu nhân có thể quy làm hai điểm. Thứ nhất, con người là một cái gì đó vượt qua bản thân mình, tức là chủ thể tự sáng tạo. Nietzsche cho rằng, mỗi tồn tại thể đều có “ý chí sự sống sáng tạo” rất to lớn, nếu phát huy ý chí này, con người có thể không ngừng tự mình nhào nặn, tự mình phát triển. Tiến trình tự nhào nặn, tự phát triển được Nietzsche ví như “một sợi dây lơ lửng trên vực sâu”, “một chiếc cầu”, “một đoạn đường nguy hiểm”, do vậy đòi hỏi con người có nghị lực, bản lĩnh dẻo dai, kiên định. Thứ hai, “siêu nhân” là ý nghĩa của trái đất. Nietzsche cho rằng, sở dĩ con người cố gắng hướng về mục tiêu giá trị “siêu nhân”, vì bản thân đã có tính “tự mình vượt qua”. Theo đó, Nietzsche vẽ ra công thức logic lựa chọn - sáng tạo - phiêu lưu, trong đó, lựa chọn mang tính chất quyết định, đặc biệt là khi chủ thể lựa chọn đang sở hữu quyền lực vô hạn, chi phối và quyết định đến vận mệnh của hàng loạt con người.
Trong Mối tình đầu của Napoléon, A.Selinko đã xây dựng Napoléon mang bi kịch lịch sử của sự lựa chọn này. Xuất thân từ một gia đình nghèo, sống lưu vong trên đất Pháp trong một khu ổ chuột dành cho những người có địa vị thấp, Napoléon luôn nuôi một ước vọng lớn lao là có thể làm thay đổi lịch sử. Bằng tài năng bẩm sinh cùng ý chí phi thường, Napoléon đã trải qua quá trình vật lộn không ngừng với thân phận và hoàn cảnh, với xã hội và đồng loại để vươn tới đỉnh cao của danh vọng. Nhưng trên con đường đi của mình, cũng là con đường vật lộn để giành lấy sự sống còn của bản thân, ông đã lựa chọn hướng đi ngược với hướng mà nhân dân ông lựa chọn. Đây là khởi sinh bi kịch Napoléon.
Với mục tiêu trở thành đế vương của châu Âu thịnh vượng, sau đó vươn ra làm bá chủ thế giới, đáng ra Napoléon theo đuổi lí tưởng cộng hòa mà Tổ quốc và nhân dân Pháp đã đánh đổi bằng xương máu mới giành được thì ông lại liên kết với các triều đại phản cách mạng già cỗi khi kết hôn với con gái Hoàng đế nước Áo. Động thái này của ông đã đi ngược lại hoàn toàn ý chí và nguyện vọng của nhân dân là xây dựng một đất nước dân chủ, độc lập. Tiếp theo đó, ông đã tìm mọi cách để cải tổ triều đình của mình sao cho giống với bộ máy cai trị già nua, điều đó có nghĩa, chính ông đã âm thầm thỏa hiệp và đầu hàng nguyên tắc của triều đại chính thống. Napoléon đã giải phóng cho nông dân nhưng ông không chia ruộng đất cho họ, như vậy, trên thực tế chế độ nông nô vẫn tồn tại. “Nước Pháp là châu Âu”, “nước Pháp không còn biên giới”, “chính ta là người sẽ bảo đảm hòa bình cho toàn thể châu Âu”… là những tham vọng khiến Napoléon gây hấn với châu Âu. Ông càng tỏ ra ương ngạnh, cương quyết bao nhiêu trong việc bắt buộc các dân tộc và chính phủ phải phục tùng quyền lực độc đoán của ông thì cả châu Âu càng có cớ để liên minh chống lại ông - kẻ áp bức toàn thế giới, kẻ lũng đoạn tâm hồn con người.
Napoléon vốn là một tướng lĩnh trong quân đội cộng hòa, nhưng lại là kẻ quay lưng bắn giết những người Jacobin để trở thành một đế vương độc tài. Khi đã có quyền sinh quyền sát, chính ông đã cố biến những nước cộng hòa xung quanh Pháp thành những vương quốc rồi đem phân phát cho anh em ruột, anh em họ và các thống chế của mình. Chính ông là người đặt nền móng cho triều đại “cha truyền con nối”. Bức thư của Jean Baptist gửi cho Napoléon, cho dân tộc Pháp và cho cả hậu thế đã vạch rõ sự lựa chọn hết sức sai lầm của Napoléon: “…là người thủ đắc một đế chế lừng lẫy nhất trên địa cầu, chẳng lẽ Hoàng thượng cứ mãi mãi muốn bành trướng biên cương, chẳng lẽ Hoàng thượng cứ mãi mãi vươn dài cánh tay hữu hạn của mình để lưu truyền cho hậu thế một di sản đáng buồn là chiến tranh bất tận hay sao?”(2).
Cuộc đời của Désirée và Jean Baptist cũng là những sự lựa chọn. Ở Désirée là lựa chọn giữa bổn phận của một công dân với địa vị quý tộc của mình, giữa tương lai của chồng con với lòng vị tha, đức hi sinh; còn Jean Baptist là người suốt đời phấn đấu cho lí tưởng cộng hòa đã phải từ bỏ quê hương với những gièm pha, mỉa mai của nhân dân để đến với một chân trời mới cùng những ước mơ, khát khao về một quốc gia độc lập… Rõ ràng, khác với Napoléon, sự lựa chọn của Désirée và Jean Baptist là những sự lựa chọn vì tiến bộ xã hội, vì lí tưởng nhân dân, lí tưởng dân tộc…
Bi kịch của sự sùng bái quyền lực
Ý chí quyền lực tức là “ý chí đòi hỏi quyền lực”, “ý chí tăng cường quyền lực”. Đây là một phạm trù quan trọng của triết học Nietzsche. Nhà triết học này cho rằng, theo đuổi ý chí quyền lực cần phải là người có tính cách đặc biệt. Sự mở rộng ý chí quyền lực là sự thể hiện sức mạnh cá nhân, cá tính cá nhân. Vì vậy cần phải có nhân cách độc lập, ý thức tự tôn, tự tin, tự chủ cao. Tranh chân dung Napoleon
Những xung đột, mâu thuẫn trong tính cách, bản chất con người Napoléon cho thấy bi kịch của một con người mang ý chí và tham vọng quyền lực ghê gớm. Ở con người kì lạ này luôn xảy ra sự đối lập giữa hiện thực và khát vọng, tình yêu và lí tưởng, để rồi dẫn tới những đối lập khác là đối lập giữa tầm thường và cao cả, thiện và ác, giả dối và chân thực. Để đạt được mục đích và tham vọng quyền lực của mình, Napoléon đã chà đạp lên tình yêu của chính mình, chà đạp lên những lí tưởng và giá trị của bản thân, giải thoát hiện thực bằng những điều tầm thường giả dối, gieo rắc sự thống khổ cho nhân loại.
“Thế giới mong muốn được tôi cai trị”(3)
Nhà văn A.Selinko đã giúp bạn đọc cảm thấy cái hơi hướng của một tài năng kiệt xuất trong con người Napoléon ngay từ khi ông đang là một chú lính trơn, không tiền bạc, địa vị: “Quần thì rách, đồng hồ di vật của bố thì đem cầm, thế mà chàng luôn luôn nghĩ đến việc làm nên lịch sử”(4); “…tôi thì tôi cảm thấy được số phận của mình, thiên chức của tôi. Tôi tin tôi sẽ làm được nhiều việc lớn. Tôi được sinh ra để xây dựng và điều khiển các quốc gia. Tôi thuộc trong số những người làm nên lịch sử thế giới”(5). Với những cảm nhận về một thứ quyền uy dành riêng cho mình, Napoléon tôn thờ nó như một thứ chủ nghĩa: “Tôi quá yêu quyền lực, tôi yêu nó bằng tình yêu của người nghệ sĩ. Tôi yêu quyền lực như một nhạc công yêu cây đàn… Tôi yêu nó vì những âm thanh, những giai điệu, những bản nhạc”(6).
“Cả đời ta, ta phải hi sinh mọi thứ cho số phận, sự thanh thản, sở thích cá nhân và cả hạnh phúc riêng tư” (thư viết cho Joséphine)(7)
Napoléon sẵn sàng phản bội mối tình đầu ngây thơ, trong sáng với cô gái trẻ trung, đáng yêu Désirée và tìm đến giới thượng lưu, nơi mà có thể cho ông cơm ăn, áo mặc và nhiều hơn thế nữa. Ông kết hôn với Joséphine, một góa phụ, người tình cũ của Barras, người được giới thượng lưu Paris biết đến như là một phụ nữ kiều diễm, xinh đẹp, có quan hệ thân thiết với các vị tướng lĩnh cấp cao và các vị trong chính quyền. Khi leo lên đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, Napoléon đã sẵn sàng ruồng bỏ không thương tiếc người phụ nữ đã dẫn dắt ông từng bước và bảo vệ ông trong những ngày khốn khổ ở Paris để cưới công chúa nước Áo vì những mưu đồ chính trị riêng. Và rồi chính người vợ mới này đã bỏ rơi Napoléon để chạy theo người tình trong những ngày khốn đốn nhất. Như vậy, trong tình yêu, Napoléon đã phải mang những dư vị buồn bởi những cuộc tình vụ lợi.
Để gây được thiện cảm với chính quyền, đặc biệt là Barras, đồng thời như để chứng tỏ năng lực của một pháo binh có hạng, Napoléon đã nhận lời dẹp tan vụ nổi dậy biểu tình vì đói bằng cách bắn đại bác vào đám bần dân Paris. Đó chính là sự phản bội lại lí tưởng của con người luôn rêu rao suốt đời đấu tranh cho dân chủ, độc lập và hạnh phúc của nhân dân.
“Quần chúng chỉ là những con số không dài vô tận, giá trị chỉ là ở con số đầu”(8)
Napoléon không say mê sự tàn bạo, nhưng ông thờ ơ trước con người, ông chỉ coi họ là phương tiện và công cụ để đạt mục đích của mình. Và khi thấy cần thiết phải tàn bạo, phải nham hiểm, phải mưu mẹo thì ông không từ một thủ đoạn nào. Chính Napoléon vì tham vọng bá chủ toàn châu Âu đã không hề do dự khi mang độc lập của dân tộc Pháp và sinh mạng của nhân dân Pháp ra đặt cược cho con bài chính trị của mình. Ông đã đẩy biết bao con người vào cuộc chiến hầu như không có hồi kết. Với phương châm hành động của mình là “không có gì là không thể”, ông đã khiến cho nước Pháp rơi vào vực sâu của nghèo đói, chết chóc, mất mát và đau thương.
Khi có thể quyết định được vận mệnh của không chỉ dân tộc Pháp mà còn của nhiều dân tộc khác, Napoléon muốn thể hiện sự đam mê và khát vọng thực hiện thiên chức lịch sử của mình - “thiết lập và mở ra một triều đại của lẽ phải, thỏa mãn mọi nhu cầu của con người”(9) - nhưng lí tưởng của ông lại đối lập với hiện thực khi ông không ngừng phô trương thanh thế, bành trướng thế lực, đem chiến lợi phẩm là các dân tộc xung quanh Pháp làm món quà tặng cho những người thân trong gia đình. Ông tin rằng chính mình là người bảo vệ cho hòa bình của toàn thể châu Âu và tin vào chính sách cai trị của mình: “Ở bất kì nơi nào, trong cũng như ngoài nước, tôi thống trị dựa trên nỗi sợ hãi của mọi người. Nếu tôi từ bỏ quyền lực của mình, tôi sẽ bị phế truất nhanh chóng. Đây là vị trí của tôi và là động lực thúc đẩy tôi”(10).
“Thiên tài là những ngôi sao băng có sứ mệnh thắp sáng thời đại của họ”(11)
Bi kịch của Napoléon là bi kịch của một thiên tài. Tột cùng ý chí quyền lực ở nhân vật lịch sử này đã không những đem đến một kết cục bi thảm cho chính ông mà còn gieo rắc biết bao tai họa cho loài người. Ông đã nhân danh nhân quyền để chà đạp lên sinh mạng của hàng triệu con người vô tội.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thiên tài quân sự, tố chất anh hùng ở con người Napoléon - một con người mà lịch sử và hậu thế sẽ còn mãi nhắc đến như một thiên tài dám vượt qua giới hạn của trí tuệ và năng lực để thực hành đến cùng ý chí quyền lực. “Người ta nói số phận của tôi rất khác người. Thất bại có thể hạ thấp nhân cách của một người đàn ông, nhưng đối với tôi thất bại lại nâng tôi lên tầm cao mới”(12). *
* *
Bằng tiểu thuyết Mối tình đầu của Napoléon, A.Selinko đã vẽ nên bức chân dung bi kịch của con người và thời đại thông qua nhân vật lịch sử Napoléon. Đó là con người trước những bão táp, biến động ghê gớm của lịch sử và thời đại, họ buộc phải lựa chọn, bởi với họ đó là sự sống còn, là vận mệnh, là lí tưởng của chính mình. Vì vậy, bên cạnh giá trị to lớn về hiện thực, về lịch sử, cuốn tiểu thuyết lịch sử của A.Selinko còn mang chở giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc.
N.V.H
-----
1. Lưu Căn Báo (2004), Phridrich Nitsơ, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.113.
2. A.Selinko (2000), Mối tình đầu của Napoleon, Nguyễn Minh Nghiệm dịch, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.258.
3. Geoffrey Ellis (2008), Hồ sơ quyền lực Napoleon, Tố Nga dịch, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, tr.28.
4. A.Selinko (2000), Mối tình đầu của Napoleon, sđd, tr.151.
5. A.Selinko (2000), Mối tình đầu của Napoleon, sđd, tr.90.
6. Geoffrey Ellis (2008), Hồ sơ quyền lực Napoleon, sđd, tr.286.
7. Geoffrey Ellis (2008), Hồ sơ quyền lực Napoleon, sđd, tr.288.
8. Geoffrey Ellis (2008), Hồ sơ quyền lực Napoleon, sđd, tr.6.
9. Geoffrey Ellis (2008), Hồ sơ quyền lực Napoleon, sđd, tr.290.
10. Geoffrey Ellis (2008), Hồ sơ quyền lực Napoleon, sđd, tr.285.
11. Geoffrey Ellis (2008), Hồ sơ quyền lực Napoleon, sđd, tr.287.
12. Geoffrey Ellis (2008), Hồ sơ quyền lực Napoleon, sđd, tr.288.