Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ - nguyên mẫu và nỗi oan của một con người

Thứ Hai, 03/10/2016 00:27
. XUÂN ĐỨC
 
xuanduc
Nhà văn Xuân Đức
Trong các tiểu thuyết của tôi, nhân vật chính hay phụ đều được xây dựng từ những chi tiết rất thực mà tôi tích lũy được. Thường thì, chỉ từ một chi tiết rất nhỏ, bất chợt gặp trong đời sống mà tôi hình dung ra tính cách của một con người. Rồi từ tính cách đó, hình thành nên đời sống của nhân vật. Tuy nhiên, có những nhân vật được dựng lên từ những nguyên mẫu trong đời sống mà phần “thực” của nó chiếm đến 60 - 70%. Có thể dẫn ra hai ví dụ. Nhân vật tướng cướp Trương Sỏi trong Người không mang họ và nhân vật Đọt trong Bến đò xưa lặng lẽ.

Xin kể về nguyên mẫu của nhân vật Đọt.

Năm 1965, chiến trường miền Nam bước vào một tình thế mới. Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, mở chiến dịch năm mũi tên trực tiếp đánh phá các địa bàn có căn cứ cách mạng. Trước tình hình đó, Trung ương quyết định mở mặt trận đường 9, quyết tâm kéo quân Mĩ ra Quảng Trị, tiếp giáp miền Bắc để đối mặt với quân chủ lực của ta.

Tiểu đoàn 47, quân địa phương Vĩnh Linh chính là đơn vị đầu tiên vượt sông Bến Hải vào Cam Lộ (bắc Quảng Trị) với nhiệm vụ “chọc tức” Mĩ - nguỵ để chúng bung ra. Phải đến giữa năm 1966 thì các binh đoàn chủ lực mới tràn vào và mặt trận bắc Quảng Trị mới thật sự bùng nổ. Đây là những năm tháng bi hùng nhất của chiến trường Quảng Trị. Với nhiệm vụ đó, thời gian đầu tiểu đoàn 47 của chúng tôi được chia nhỏ thành nhiều tổ phối hợp với cán bộ địa phương thọc sâu xuống từng ấp, gây dựng cơ sở, trừng trị ác ôn, phát động nhân dân khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng. Quật Xá là ấp mà tôi vào ra nhiều nhất. Những ngày tháng đó, tôi đã được quen biết và cùng hoạt động với nhiều cán bộ cốt cán của huyện uỷ Cam Lộ, người thì vài ba tháng, người chỉ một hai lần cùng đi vào cơ sở, nhưng tất cả đều để lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm đến hàng chục năm sau vẫn không thể lẫn nhoà. Đó là anh Đen, anh Kha, chị Sáng... và đặc biệt nhất là anh Biên.

 
bendo

Biên - một con người thô tháp, xương xẩu, hai vành môi to, đôi mắt cũng to và rất sáng. Nhìn anh có vẻ hơi dữ tướng, nhưng rất xởi lởi. Tôi được gần anh chỉ trong một tháng, cùng vào ra ấp Quật Xá khoảng mươi lần. Hồi đó Biên nổi tiếng nhất vùng, bọn địch ở Cam Lộ đã treo giải thưởng hàng trăm cây vàng cho ai hạ sát được anh. Cái danh xưng “Cọp xám đường 9” mà bọn lính địa phương đồn thổi chính là nói về Biên. Cách anh vào ấp truy bắt bọn ác ôn, cách anh tiếp xúc với cơ sở, đối với tôi lúc đó như là một nhân vật của Lương Sơn Bạc trong Thủy hử. Biên là huyện ủy viên, trưởng ban dân vận, là người trực tiếp dẫn tổ bộ đội chúng tôi hằng đêm vào ấp. Một tháng được đi với anh, tôi coi anh thật sự là một anh hùng.

Đơn vị tôi sau đó được điều động rời khỏi địa bàn Cam Lộ về Gio Linh đánh cứ điểm Dốc Miếu. Gần một tháng, chúng tôi mới được quay trở lại địa bàn cũ. Tôi vội vàng hỏi thăm Biên thì thật bất ngờ, người ta nói anh đã bị bắt. Và bàng hoàng hơn là tin Biên đã chiêu hồi. Một người khác đã thay Biên làm dân vận và dẫn dắt chúng tôi vào ấp. Nhiều lần tôi cố gạ hỏi chuyện Biên chiêu hồi nhưng vị trưởng ban mới này cố tình không bắt chuyện. Tôi đã nghĩ có lẽ vì nguyên tắc bí mật trong hoạt động cơ sở nên người ấy không nói. Thật sự tôi không thể nào tin một con người như Biên lại dễ dàng đầu hàng địch như vậy.

Cuối năm 1967, tôi tham gia đội tuyên truyền văn hóa Vĩnh Linh đi biểu diễn tại đại hội mừng công Quân khu 4 ở miền tây Nghệ An, bất ngờ gặp đoàn cán bộ huyện Cam Lộ, trong đó có anh Đen. Tôi hỏi tin tức về Biên, anh tỏ ra lúng túng. Tôi cứ gặng mãi, cuối cùng anh nói rằng chính anh cũng không hiểu được chuyện gì đã xảy ra, rằng Biên đã được địch thả về ở tại làng, lại còn cưới thêm một người vợ khác (ngoài người vợ đang ở Vĩnh Linh). Từ đó về sau, dù cuộc sống ngổn ngang với bao nhiêu biến động, trong tâm thức của tôi vẫn đau đáu nỗi niềm về một con người, một số phận mà tôi linh cảm có điều gì đó rất không rõ ràng.

Mười lăm năm sau, tôi tình cờ gặp lại người trưởng ban dân vận thay thế cho Biên, lúc này đang giữ một trọng trách ở thị xã. Điều kì lạ là người đó đã lảng tránh câu hỏi của tôi về Biên, thậm chí còn tỏ ra ngơ ngác như không thể nhớ nổi Biên là ai. (Theo nhiều người ở huyện ủy kể lại, chính Biên đã bí mật vào ấp đón lớp thanh niên con cái của các cán bộ cách mạng huyện về căn cứ rồi gửi ra miền Bắc học tập để tạo nguồn, trong số đó có người này). Một cán bộ từng là tiền nhiệm, lại có công với mình như thế, lẽ nào anh ta lại không nhớ ra?

Thêm mười năm nữa, khi vị trưởng ban dân vận năm nào đã giữ trọng trách rất cao ở tỉnh, trong một lần vui vẻ “ôn cố tri tân”, tôi lại gợi chuyện về Biên. Vị ấy lại đánh trống lảng, làm bộ cố nhớ mà không nhớ ra. Mối nghi ngờ trong tôi càng tăng. Tôi quyết tâm tìm ra địa chỉ của Biên. Khổ một nỗi là không biết tìm manh mối từ đâu. Cuối cùng, có lẽ là ý trời, một hôm tôi gặp lại người bạn tên là Quy tại quán cà phê. Quy trước kia là cán bộ từ Đoàn 31 tăng cường cho Cam Lộ, hết chiến tranh làm công tác quản lí văn hóa, văn nghệ (khi tôi làm Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Quảng Trị thì anh là Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin thị xã Đông Hà). Trong câu chuyện bên bàn cà phê về những năm tháng hoạt động ở Cam Lộ, tôi vô tình lại hỏi về Biên. Không ngờ Quy là người hiểu rất rõ. Anh đã kể cho tôi nghe nỗi oan ức không sao tưởng tượng được của một con người mà anh cũng rất ngưỡng mộ. Quy nói là biết địa chỉ của Biên và sẵn sàng dẫn tôi đi. Ngay sáng hôm sau, chúng tôi lên đường. Và chỉ một buổi sáng hàn huyên tâm sự, tất cả sự nghi ngại qua bốn chục năm đã được sáng tỏ. Bị bắt, mặc dù rất kiên cường và trung thành, nhưng do bọn địch hết sức thâm độc, lại có kẻ muốn tranh công, chiếm đoạt vị trí cũng như danh tiếng của anh đã lập mưu hại anh… mà Biên đã phải chịu cảnh hàm oan đằng đẵng hết cả kiếp người. Những chi tiết về sau tôi đã viết trong Bến đò xưa lặng lẽ: khi Đọt (nhân vật của tiểu thuyết) trốn được ra căn cứ, tìm được ban dân vận, thì cái anh trưởng ban mới (bằng cách nào đó có trong tay mảnh giấy mà anh ta nói là thư tay của bí thư huyện ủy) đã yêu cầu đưa ngay Đọt ra miền Bắc để “điều dưỡng”, từ đó bị cầm tù theo cách giám sát, điều tra chứng cứ phản bội… là những chi tiết có thật mà Biên kể. Tôi hỏi Biên: “Anh có còn giữ được lá thư tay ấy không?”. Biên nói, “Lúc đó tôi vừa thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng, gặp được anh em là mừng hết sức, lại được huyện ủy quan tâm cho ra Bắc điều dưỡng nữa là sung sướng đến nghẹn ngào rồi, tôi đâu có nghi ngờ gì lá thư của anh Nghĩa mà giữ lại”. Ông Nghĩa là Bí thư huyện ủy Cam Lộ thời kì đó, nay đang nghỉ hưu ở Đông Hà sát cạnh nhà tôi. Tôi về gặp ông Nghĩa hỏi chuyện này. Ông Nghĩa với giọng rất buồn nói: “Chuyện về đồng chí Biên tôi đã biết. Hồi đó, tôi không được ai báo cáo về việc Biên đã trốn ra được, nên không hề có chuyện viết thư tay. Sau này, mấy lần tôi có bảo Biên viết kiến nghị, tôi còn sống đây, tôi sẽ xác nhận cho. Nhưng tính khí cậu ta rất cố chấp, lại cứng đầu lắm, nói đến chuyện cũ là lồng lên, rồi văng các thứ tục ra. Tôi cũng chẳng biết làm sao được nữa. Vì thế mà bữa nay người ta chỉ có thể giải quyết chế độ hưu trí cho cậu ấy, còn phục hồi đảng tịch thì chịu…”. Gặp ông Nghĩa xong, tôi quay trở lại Quật Xá, tìm gặp vài cơ sở cũ mà tôi từng quen biết khi còn hoạt động để xác nhận những điều Biên kể. Bây giờ tất cả đã già, chẳng ai phải lo sợ chuyện gì nữa, vì thế họ đã xác nhận sự thật. Tôi bàng hoàng trước chuyện tày đình về một số phận bị vùi lấp. Một sự oan ức cứ như là định mệnh của đời anh. Đấy chính là nhân vật Đọt trong tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ. Nếu bạn đã đọc cuốn tiểu thuyết đó thì xin hãy tin thế này, phần đầu nói về nhân vật Đọt từ tuổi thơ chăn bò đến giai đoạn chống Pháp, rồi cùng trốn ra Hói Cụ với nhân vật Li… là hư cấu. Còn từ đoạn Đọt theo Khảm trở lại chiến trường Cam Lộ, đảm nhận chức trưởng ban dân vận của huyện ủy rồi bị bắt, bị địch bày thủ đoạn nham hiểm để li gián nội bộ ta, sau đó được thả về mà thực chất là giam lỏng giữa làng Quật Xá, giả vờ cưới Lương, rồi trốn ra căn cứ và không ngờ bị “bên ta” cài bẫy để đưa ra Vĩnh Linh, bị giam lỏng để điều tra với danh nghĩa “thu dung”, và cả việc sau khi hết chiến tranh được trở về nông trường chăn bò còn bị oan, bị nghi là giết trộm bò… tất cả đều là sự thật, sự thật đến chi tiết của một con người có tên là Biên - một “hảo hán” mà tôi rất ngưỡng mộ.
*
*    *
Khi tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ được trao giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội - nhân có công việc vào Quảng Trị đã bảo tôi dẫn đến thăm nguyên mẫu của nhân vật Đọt. Tôi đã dẫn nhà thơ lên Tân Lâm gặp ông Biên. Tiếc rằng vào thời điểm đó, ông Biên đã có phần lẩm cẩm. Nghe tôi giới thiệu nhà thơ Hữu Thỉnh, ông ấy hứng lên mang cuốn sổ tay ra đọc thơ. Rất nhiều thơ. Ông say sưa đọc cái gọi là thơ đó đến mức nhà thơ Hữu Thỉnh chỉ còn biết cười, rồi ôm lấy cả tấm thân gầy của ông, không thể hỏi thêm chuyện gì nữa…                                                                                    
 X.Đ

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)