Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Hai nhân vật - một nguyên mẫu: Sự gặp gỡ thú vị giữa Victor Hugo và Honoré de Balzac

Chủ Nhật, 08/01/2017 00:09
.  NGUYÊN MINH

Cùng chung cấu trúc nguyên tử cacbon nhưng kim cương rực sáng lấp lánh còn than chì đen sì tối om. Dẫu vậy, gạt đi sự tương phản bề ngoài, cả hai vật thể đều có giá trị lớn với đời sống. Hiện tượng thú vị này của tự nhiên dễ khiến người ta liên tưởng đến trường hợp hai nhân vật của hai nhà văn lừng danh nước Pháp là Victor Hugo và Honoré de Balzac. Từ một nguyên mẫu chung ở hiện thực, nhân vật Jean Valjean trong Những người khốn khổ trở thành hiện thân của ánh sáng thiện lương và lòng bác ái, hoàn toàn đối lập với nhân vật Vautrin ở chuỗi tác phẩm Lão Goriot, Ảo tưởng tan tành, Vinh và nhục của người kĩ nữ… trong bộ Tấn trò đời, kẻ đại diện cho thế lực của bóng tối bạo tàn và cái ác khủng khiếp. Cả hai nhân vật đều có thể coi là hai mẫu hình kinh điển, nơi thể hiện bút lực và tâm huyết của những thiên tài văn học phương Tây thế kỉ XIX.

Đặt Jean Valjean bên cạnh Vautrin giống như đặt thiên thần sánh ngang cùng quỷ dữ nhưng ít ai ngờ, hai nhân vật này đều xuất phát từ một nguyên mẫu - một tên tướng cướp khét tiếng ở Pháp lúc bấy giờ. Hắn chính là Vidocq, kẻ đã trải qua không ít thăng trầm với những lần “lên voi xuống chó” đáng kinh ngạc. Từ một tên côn đồ dưới đáy xã hội, Vidocq đã xoay chuyển tình thế, trở thành người bảo vệ pháp luật, một tên mật thám giàu có, có tài khoản gửi ngân hàng, thậm chí là một người đáng kính, sau này còn có ý định xuất bản hồi kí… Cuộc đời kì lạ của Vidocq in dấu trong số phận của hai nhân vật Jean Valjean và Vautrin nhưng được hai nhà văn xử lí với hai bút pháp hoàn toàn khác nhau. Không khó hiểu khi nhân vật đậm chất hiện thực của Honoré de Balzac được cho là có nhiều điểm giống với nguyên mẫu hơn so với nhân vật đầy tính lãng mạn của Victor Hugo.

Trong Những người khốn khổ, cuộc đời của nhân vật Jean Valjean cũng có nhiều khúc ngoặt giống với Vidocq khi từ một người tù khổ sai thấp kém đã bất ngờ trở thành ngài thị trưởng Madeleine cao quý và giàu có, cũng thoát xác thần kì khỏi vũng lầy tăm tối của thời trai trẻ để bước lên những bậc thang của danh vọng và quyền lực khi bước vào tuổi trung niên. Nhưng đây có lẽ chỉ là những sự trùng hợp bên ngoài. Bởi về bản chất, Jean Valjean chưa bao giờ là tên lưu manh như Vidocq. Sự khốn cùng đã đẩy cậu bé Gian vào cảnh tù tội và hành vi cứu vớt đúng lúc của giám mục Myriel đã “thắp tia lửa đầu tiên” để người thanh niên lầm lỡ ấy từng bước vượt lên trên hoàn cảnh tăm tối. Được xây dựng dưới ánh sáng của chủ nghĩa lãng mạn thuần khiết và lòng tin Cơ Đốc giáo ngây thơ, nhân vật Jean Valjean là sự tiếp nối và kết tinh hình tượng của cả hệ thống nhân vật người khốn khổ đã xuất hiện trước đó trong các tác phẩm văn xuôi của Victor Hugo như Quasimodo (Nhà thờ Đức Bà Paris), người bị kết án (Ngày cuối cùng của người bị kết án), Claude Gueux (Claude Gueux)… Điểm ưu trội hơn so với những nhân vật trước đó chính là sự không đầu hàng của Jean Valjean trước mọi khó khăn gian khổ, sự đấu tranh không ngừng nghỉ của nội tâm giữa cái ác và cái thiện, là sức mạnh bền bỉ đáng khâm phục của một con người dám đương đầu với tất cả sóng gió để tự cứu lấy mình và cứu xã hội xung quanh. Trong quãng thời gian làm thị trưởng của ông Madeleine, thông qua những việc làm cụ thể cho dân chúng ở thị trấn ta không chỉ thấy ánh sáng “cứu nạn” của chủ nghĩa bác ái Gia Tô giáo mà còn cảm nhận rõ nét ánh sáng của lí tính, trí tuệ, của nền triết học Ánh sáng thế kỉ XVIII và tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng thế kỉ XIX. Ông Madeleine là hiện thân rực sáng cho những ước mơ và lí tưởng xã hội của Victor Hugo dưới ảnh hưởng các thành tựu lớn về tư tưởng của thời đại.

 
Nhung nguoi khon kho 3 resize image002

Nhưng cuộc đời của ông Madeleine đã không dừng lại trong ánh hào quang của tiền tài và danh vọng (như Vidocq ngoài đời được thụ hưởng một cuộc sống sung sướng). Xã hội không tưởng dưới sự cai quản của ngài thị trưởng nhanh chóng kết thúc khi ông quyết định đánh đổi tất cả để làm rõ sự thật về thân thế của mình. Tầm vóc của nhân vật đã được nâng lên một tầm cao mới khi trong cái đêm giằng xé tư tưởng quyết liệt của Jean Valjean, Victor Hugo đã nhìn thấy ở con người khốn khổ này cuộc đấu tranh nội tâm cao cả như của Đức Chúa Trời xưa kia khi quyết định tự nộp mình cho bọn Pha-ri-điêng: “Một nghìn tám trăm năm trước, người đàn ông khốn khổ này, trong khi những cành ô liu lay động trước gió tàn nhẫn của vô biên, con người bí ẩn thâu tóm trong mình mọi sự thiêng liêng và mọi nỗi đau khổ của nhân loại, cũng đã nhiều lần lấy tay gạt chén tân khổ đáng sợ đã hiện ra trước mắt người, chan chứa bóng tối và tràn ngập đêm đen, giữa những khoảng không thăm thẳm đầy sao...”. Cũng sau đêm này, một điều khác đang chờ đợi Jean Valjean, đó là nghĩa vụ thực hiện lời hứa nuôi dạy Cosette đúng với nguyện vọng của Fantine trước khi mất. Ông đã từng bước giành lại tự do cho mình và mang đến cho người con gái nuôi một gia sản và một địa vị xã hội đủ để cô kết hôn với người mình yêu một cách đầy hạnh phúc. Nhưng đúng lúc lời hứa sắp được hoàn thành, để đạt tới đỉnh cao của sự chuộc tội, Jean Valjean lại một lần nữa trả lại tất cả: tự do, danh dự, tên tuổi… và đến lúc đó ông mới hoàn toàn thanh thản để trở về với Chúa. Có thể nói, Jean Valjean không chỉ là hình mẫu hoàn hảo của thiên lương và sự cao cả vô bờ mà ngay trong nhân vật này đã chứa đựng hết những hạn chế trong tư tưởng của Victor Hugo về phương thức lí giải hạnh phúc xã hội theo quan điểm lãng mạn. Ông từng đưa ra quan điểm: “Dân chúng đau khổ, dân chúng đói, dân chúng lạnh. Vì nghèo đói, họ đã đi đến tội ác hoặc sa đọa tùy theo giới của họ. Hãy thương lấy dân chúng” (lời tựa truyện Claude Gueux năm 1834). Và ở Những người khốn khổ, Victor Hugo càng thể hiện đức tin vào lòng bác ái, tình thương yêu con người theo cách của kinh Phúc âm có thể cải tạo được cá nhân và đem lại hạnh phúc cho xã hội.

Từ cùng một chất liệu nhưng nhà văn hiện thực kiệt xuất Honoré de Balzac có phương thức tái hiện và xây dựng nhân vật Vautrin hoàn toàn khác với Jean Valjean, giúp nhân vật tiệm cận gần hơn với bản chất thật sự của nguyên mẫu Vidocq. Bằng thủ pháp “nhân vật tái hiện” đầy sáng tạo và hiệu quả, Balzac đã cho nhân vật Vautrin trở đi trở lại trong hơn hai mươi tác phẩm của bộ Tấn trò đời với những vị trí chính - phụ khác nhau nhưng đều nằm trong một logic phát triển tính cách thống nhất và xuyên suốt. Xuất hiện lần đầu trong truyện Lão Goriot, Vautrin nhanh chóng gây sự chú ý khi đưa ra những phát ngôn - những lời khuyên “chí tình” cho Rastignac, qua đó bộc lộ rõ bản chất lưu manh “chuyên nghiệp” và sự tàn nhẫn trắng trợn của hắn: “Phải tiêu diệt lẫn nhau như những con nhện cùng trong một cái bình… Phải lao vào đống người ấy như một viên đạn đại bác hay phải len lỏi như bệnh dịch hạch. Lương thiện chẳng được việc gì ráo”. Tiếp đó, ở Ảo vọng tiêu tan, người đọc không khỏi lạnh sống lưng khi đọc những lời răn dạy của gã côn đồ cho chàng thanh niên đầy tham vọng đổi đời Lucien: “Khi anh ngồi vào bàn chơi bạc, anh có bàn cãi về điều kiện không? Luật lệ chơi bài đã định rồi, anh chỉ còn việc thừa nhận… Kẻ tham vọng nào muốn chiến đấu bằng những phương châm đạo đức, trong một trường đấu mà đối phương bất chấp tuốt, thì chỉ là một đứa trẻ…”. Điều trớ trêu là sau khoảng hai chục tác phẩm trong Tấn trò đời, kẻ ngoài vòng pháp luật này sẽ trở thành… người bảo vệ luật pháp. Ở chương “Sự hiển hiện cuối cùng của Vautrin” trong Vinh và nhục của người kĩ nữ, Honoré de Balzac đã ngầm nhắc đến kết cục sung sướng của nhân vật qua đoạn đối thoại giữa Rastignac và Vautrin: “Nhưng ông sẽ làm gì bây giờ?” - “Làm người cung ứng cho nhà giam, thay vì làm kẻ bị ngồi trong đó”. Lời đáp mỉa mai của Vautrin tuy mâu thuẫn nhưng rất phù hợp với xã hội thối nát mà y đang sống. Rõ ràng, từ gợi ý ban đầu về một tên tướng cướp ranh ma, gặp thời, Honoré de Balzac đã xây dựng nên một nhân vật lưu manh điển hình, khiến người đối diện vừa khiếp sợ, vừa không thể không khuất phục.

Trước Vautrin, hình tượng tướng cướp đã xuất hiện trên văn đàn và để lại nhiều hiệu ứng thú vị như tên cướp của Schille, Walter Scott… Nhưng có lẽ, nhân vật này không chỉ là sự tiếp nối của hệ thống nhân vật trước đó mà là một nhân vật mang “vóc dáng khác thường của loại người bất hợp pháp” và “với tư cách là một nghệ sĩ, với tính cách của Honoré de Balzac, rõ ràng nhà văn vẫn mãi thán phục Vautrin” (theo nhận xét của nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào). Không phải ngẫu nhiên mà Vautrin luôn xuất hiện đúng lúc những chàng trai trẻ - những người đại diện cho thế hệ trẻ sau Cách mạng tư sản  - đang hoàn thành bước chuyển từ ảo tưởng sang hiện thực. Có nhà nghiên cứu cho rằng vai trò của Vautrin cũng giống như chức năng của con quỷ Mephistopheles trong tác phẩm của Goethe. Những điều mà Vautrin tổng kết và khuyên nhủ các chàng trai cũng là bản cáo trạng đanh thép đối với xã hội tư sản đương thời. Sự đổi chiều trong số phận của Vautrin (cũng giống như Vidocq ngoài đời) thật ra không phải là điều gì quá bất ngờ bởi bản chất lưu manh khốn nạn của chúng hoàn toàn phù hợp với trật tự xã hội Pháp nhốn nháo, thối nát lúc đó, nơi cái ác ngự trị và hoành hành, nơi cái xấu có thể chễm chệ lên ngôi mà không gặp rào cản.

Là một nhà văn lãng mạn chủ nghĩa bậc thầy, Victor Hugo đã xây dựng nhân vật Jean Valjean như một ảo ảnh của cái Đẹp và cái Thiện. Là một trong những chủ soái của dòng văn học hiện thực, Honoré de Balzac đã mạnh tay ban cho nhân vật Vautrin những nét sắc đậm nhất của cái Ác và cái Xấu. Từ cùng một nguyên mẫu nhưng mỗi nhà văn đã mang đến cho nhân vật của mình những sắc diện hoàn toàn mới mà ở thái cực nào, nhân vật cũng bộc lộ được hết chiều sâu tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm. 
 
 N.M
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)