Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Nguyên mẫu nhân vật Bố Già của Mario Puzo

Thứ Ba, 11/08/2020 16:39

. TRẦN HỒNG HOA

Năm 2017, bộ phim Người phán xử được đưa lên giờ vàng VTV đã được bạn xem truyền hình đón nhận nồng nhiệt, trong đó nhân vật chính - ông trùm Phan Quân - tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ với công chúng bằng vẻ ngoài kiêu bạc đặc thù của giới giang hồ đi kèm với những phát ngôn để đời kiểu “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không không quan trọng”. Nhưng Phan Quân hay bất cứ nhân vật mafia nào khác trên màn ảnh thế giới có lẽ đều chịu ánh hào quang của một ông trùm lừng lẫy bước ra từ văn học, đó là Bố Già trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Mĩ Mario Puzo. “Truy tìm” nguyên mẫu của nhân vật ngoài đời, ta có thể gặp những câu chuyện hấp dẫn và li kì không kém hành tung của nhân vật này trong tiểu thuyết.

Từng thú nhận viết cuốn sách này vì tiền, Mario Puzo, cha đẻ của Bố Già không bao giờ tưởng tượng được ông lại thành danh nhờ một tác phẩm viết về giới mafia. Puzo đã tâm sự về việc viết Bố Già như sau:

“Một lần tình cờ có một đồng nghiệp ghé đến chỗ tôi. Tôi đã đưa bản thảo Fortunate Pilgrim (bản tiếng Việt là Đất khách quê người) cho anh ta đọc. Một tuần sau anh ta quay lại và tuyên bố: “Mario là một nhà văn vĩ đại!”. Tôi rất phấn chấn và đã thết anh bạn một bữa thịnh soạn tại nhà hàng. Trong khi ăn, tôi kể cho anh nghe những câu chuyện về mafia và đọc một vài đoạn trong bản thảo The Godfather (bản tiếng Việt là Bố Già). Bạn tôi đã bị sốc. Một tuần sau anh ấy lại đến và nói rằng đã lên lịch hẹn cho tôi gặp một chủ xuất bản.

Tại cuộc gặp đó, tôi cũng kể rất nhiều về mafia. Ông chủ xuất bản rõ ràng là rất thích. Vì vậy ông ta đặt tôi viết một cuốn tiểu thuyết về những chuyện đó và ứng trước cho tôi năm nghìn đôla. Chuyện xảy ra như thế đấy”. Nhà văn luôn đánh giá tác phẩm này không có giá trị cao bằng một số tác phẩm khác của ông. Trước khi viết Bố Già, tác phẩm đầu tay của Puzo mang tên Đấu trường đen kể về cuộc đời của một chàng cựu binh Mĩ trong bối cảnh thành phố Berlin hoang tàn sau chiến tranh với những vụ áp phe, buôn lậu, lừa đảo…

Tuy nhiên tác phẩm này không được đánh giá cao và người ta không quan tâm Mario Puzo là ai. Chỉ đến năm 1969, sự xuất hiện của Bố Già mới giúp Puzo trở thành một nhà văn nổi tiếng khắp thế giới. Trong nhiều thập kỉ, tiểu thuyết Bố Già luôn đứng ở vị trí đầu bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất hành tinh. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và lập kỉ lục xuất bản đáng ngưỡng mộ: phát hành đến 11 triệu bản trong năm 1969 và 21 triệu bản tính đến tháng 7/1999.

Trung tâm của tiểu thuyết là nhân vật ông trùm Don Vito Corleone với chồng chéo những mối quan hệ phức tạp và kì bí của thế giới xã hội đen, những vụ thanh trừng, truy sát, trả thù của giới giang hồ được lồng ghép trong những câu chuyện cảm động về gia đình và tình yêu… Sức hút của nhân vật ông trùm được tạo ra bởi cách viết vừa lãng mạn vừa sắc sảo, vừa chứa chan tình cảm của Puzo.

Độc giả sẽ thấy khó tin khi bản thân Puzo nói rằng ông chưa bao giờ tiếp cận với một tay gangster bằng xương bằng thịt, rằng Bố Già là một nhân vật do nhà văn “bịa” ra mà thôi. Trong cuốn Bố Già, Puzo cũng cẩn thận ghi chú rằng: “Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu và bất kì sự trùng hợp nào nếu có đều là ngẫu nhiên…”. Trí tưởng tượng phong phú và ngòi bút hư cấu tuyệt vời của một thiên tài đã giúp nhà văn xây dựng được một điển hình nghệ thuật sống động, khiến chúng ta có cảm giác như có thể gặp nhân vật ở bất cứ nơi đâu trong cuộc đời này.

Nhiều tư liệu gần đây về mafia cho biết nguyên mẫu của Bố Già ngoài đời là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh đầu tiên của giới mafia Italia di cư sang Mĩ. Ông này cầm đầu giới giang hồ ở Sicily (Italia) và sau đó là thống soái của nhóm “Bàn tay đen”, tiền thân của mafia Mĩ. Có thể thấy, ông trùm ngoài đời và ông trùm trong tiểu thuyết có tên na ná nhau, có xuất thân khá tương đồng và có những thành tích giang hồ bất hảo.

Từ thế giới mafia ngoài đời bước vào tiểu thuyết, nhân vật Vito Corleone đã khiến độc giả choáng ngợp bởi sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong thế giới ngầm phức tạp và kì bí. Ngay từ chương đầu tiên, ông trùm đã gây ấn tượng bởi khả năng xử lí những vấn đề nan giải một cách nhanh chóng bất ngờ, không hổ danh là “ông trùm mafia New York” quyền lực và máu lạnh. Bố Già trong mắt bạn bè gần như là “đấng cứu thế” giúp họ thoát khỏi những tình huống oái oăm và nỗi oan ức mà luật pháp cũng không giải quyết được.

Bên cạnh cái tên Don Vito Cascio Ferro, một số tư liệu về mafia còn nhắc đến vài cái tên nổi bật khác, đều là những ông trùm máu mặt của giang hồ Mĩ, là nguồn cảm hứng chủ đạo để nhà văn xây dựng nên nhân vật chính. Ví dụ như Carlo Gambino - một ông trùm xảo quyệt mà mọi người thường gọi là gã cáo già.

Người ta nói về Carlo Gambino như một kiện tướng trong việc tung ra những đòn thế chết người, có khả năng nhìn thấy nước cờ trước đối thủ, có thể vượt qua đối thủ mà vẫn khiến kẻ thù phải tâm phục khẩu phục. Đặc điểm này rất trùng khớp với nhân vật Bố Già, một người đàn ông thâm trầm, sâu sắc, luôn cân nhắc kĩ lưỡng khi tung ra những đòn quyết định trước đối thủ của mình và khiến cho chúng phải tim đập chân run để chấp nhận chung cục.

Dù thiên hạ tung ra rất nhiều đồn đoán về nguyên mẫu của nhân vật Bố Già nhưng bản thân nhà văn đều phủ nhận. Không dưới một lần, ông đã khẳng định nguyên mẫu cho nhân vật Bố Già chẳng phải ai xa lạ mà chính là… mẹ ông - một phụ nữ Italia nhập cư phải làm mọi thứ để có thể nuôi sống con cái và giữ cho gia đình hòa thuận. Trong lời đề tựa cho quyển The Fortunate Pilgrim trong lần tái bản năm 1996, Puzo viết:

“Tôi luôn xem quyển tiểu thuyết thứ hai của mình, The Fortunate Pilgrim, là quyển hay nhất, cũng là quyển cá nhân nhất. Trải qua rất nhiều chuyện bất ngờ, quyển sách đã có một cuộc đời thú vị.

(…) Vì mỗi khi nhân vật Bố Già mở miệng, tôi lại nghe thấy giọng của mẹ mình trong đó. Tôi như nghe được sự khôn ngoan, rắn rỏi và tình yêu vô bờ dành cho gia đình lẫn cuộc sống. Đúng vậy, sự dũng cảm của Don Vito và sự trung thành với gia đình đích thị là sao y bản chính của mẹ tôi. Thông qua các nhân vật trong The Godfather, tôi đã nghe thấy giọng của các anh chị mình, với sự khoan dung rất trần thế. Và bây giờ tôi nhận ra, không có Santa Lucia (nhân vật nữ trong The Fortunate Pilgrim), tôi đã không thể viết nổi The Godfather”.

Lời khẳng định của cha đẻ tiểu thuyết Bố Già có thể làm nhiều người bất ngờ khi nguyên mẫu của một ông trùm mafia khét tiếng lại là một người phụ nữ. Nhưng chỉ khi đọc tác phẩm này, ta mới hiểu Mario đã gửi gắm biết bao tình cảm của mình dành cho người mẹ thông qua nhân vật Don Vito. Bố Già là một ông trùm đặc biệt không chỉ bởi sự lãng mạn hóa hiếm hoi giữa không khí căng thẳng đến ghê rợn của xã hội đen nước Mĩ, không chỉ bởi những đức tính đáng quý như sự trung thực và công bằng, sự nghĩa hiệp và dũng cảm… mà còn ghi điểm với người đọc nhờ tinh thần trọng nghĩa, trọng tình, coi gia đình là tất cả.

Với Bố Già, tình thân là thứ quan trọng nhất để ông bảo vệ và gìn giữ, dù những đứa con không phải lúc nào cũng sống như ông mong muốn; ông sẵn sàng hi sinh bản thân mình để đánh đổi tính mạng và danh dự cho con cái. Nhân vật Bố Già trong hình dung của chúng ta đã không còn là kẻ đầu sỏ máu lạnh mà là một người cha nhân hậu và ấm áp, một người bạn cao thượng và nhiệt tình. Đó cũng là nét đặc sắc tạo nên sức hấp dẫn cho nhân vật ông trùm của Mario.

Mafia đã trở thành đề tài ám ảnh Puzo suốt đời. Những cố gắng của ông nhằm bứt phá ngòi bút khỏi “thế giới ngầm” ấy đều nhận về kết quả thảm hại. Phần lớn những cuốn sách mà Mario viết về đề tài khác đều không gây tiếng vang. Năm 1984 ông trở lại đề tài mafia với cuốn Sicilian khúc ca bi tráng. Năm 1996, Puzo quay lại văn đàn bằng tiểu thuyết Bố Già cuối cùng.

Ngay sau đó, một seri phim truyền hình cùng tên đã ra đời. Tác phẩm này cũng kể về gia đình Bố Già Corleone nhưng ở thời điểm 30 năm sau. Trước khi qua đời không lâu, ông còn kịp hoàn thành một tiểu thuyết nữa về mafia - Luật Omerta. Cuốn sách này được ấn hành vào năm 2000, kết thúc rực rỡ chuỗi tác phẩm viết về đề tài mafia mà Bố Già chính là tác phẩm đầu tiên gợi nguồn cảm hứng.

T.H.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)