Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Viết về người lính như cái nghiệp của tôi

Chủ Nhật, 23/08/2020 06:05

Viết về người lính, như là một cái nghiệp của tôi. Khởi đầu từ những việc xung quanh, mình nhìn thấy, mình tiếp cận, nhiều lúc là dằn vặt, ngẫm ngợi. Rồi thành đam mê cùng những day dứt khôn khuây. Không biết người khác thế nào, chứ riêng tôi, không thể giấu mình trước những người lính, càng không thể lặng im trước đời sống mọi mặt của họ. Trong những cuốn sách đã viết, dù tiểu thuyết dài hoặc những bài ngắn vẫn cứ thấp thoáng bóng những người lính. Những người lính như chờ đợi, khuyến khích, biết những gì tôi nghĩ, việc tôi làm, cả những thất bại và đau đớn đời thường dường như họ cũng biết.

Công việc của nhà văn mặc áo lính, ngay từ những dòng đầu tiên của nghiệp văn tôi đã viết về những người lính. Tôi chưa bao giờ có một chút băn khoăn rằng tại sao tôi lại viết về họ. Khi cầm bút, tôi rất ít lựa chọn. Chính những người lính đã dắt ngòi bút của tôi đi. Tôi cũng ý thức được, những người lính theo dõi tôi kĩ càng nhất. Không riêng ở bề mặt câu chữ, các sự việc mà tôi động bút đến, mà quan trọng là sự trung thực có được ngòi bút của tôi thể hiện mạch lạc và chín muồi không. Mọi hành vi, mọi ý nghĩ lúc nào cũng trở đi trở lại trước trang giấy trắng.

Những trang viết của tôi, tôi dành tất cả để trình bày cuộc sống người lính như nó vốn có, không thêm thắt, không tước bớt vẻ đẹp hay những xù xì góc cạnh. Tôi không bị sức ép nào khi trình bày cuộc sống người lính. Tôi không thích sự làm dáng trước những mảnh đời trung thực. Tôi hiểu thế giới những người lính một cách rõ ràng và trong sáng nhất, trình bày cặn kẽ nó ra, ở các khía cạnh, các cung bậc khác nhau của cảm xúc với vốn từ ngữ của mình.

Do đặc thù công việc có thể hiểu như một cơ duyên, tôi hầu như chưa bao giờ phải đi tìm các nhân vật của mình. Họ tự đến với tôi. Khi thì chủ động khách quan khi thì tình cờ như những món quà. Tôi luôn trân trọng và khâm phục các nhân vật của mình. Họ bao gồm nhiều lứa tuổi, công việc khác nhau, tâm tư khác nhau. Cả cái vẻ bên ngoài cả suy nghĩ bên trong, không ai giống ai cả. Nhưng họ giống nhau ở một điểm là cuộc đời họ gần như ngay lập tức ngấm sang cuộc đời tôi. Có những người tôi và họ trò chuyện với nhau ít lắm, thậm chí chỉ dăm ba câu không đầu không cuối rồi thì biệt tăm, mà sao tôi vẫn nhớ về họ, vẫn thể hiện họ trên trang viết với những gì thật nhất. Điều này nhiều khi tôi không giải thích nổi. Chỉ thấy rằng, khi viết về những người lính, tôi hứng khởi và đắm say một cách kì lạ.

Những trang văn tôi viết về người lính thường là những thôi thúc từ trái tim. Trái tim con người có lí lẽ riêng mà đôi khi chúng ta không dễ gì thể hiện ra mạch lạc trên trang giấy. Tôi miệt mài đưa những thôi thúc ấy lên. Nhìn những dòng chữ hiện dần, hiện dần, một niềm tin đến mê đắm cứ trào lên. Những nhân vật hiện hình trên trang giấy. Những nhân vật thương yêu đến nỗi tôi không thể dứt được ra.

Họ như là tôi, từ tôi bước ra vậy.

Trong những nhà văn Quân đội đồng thời, tôi là người thường xuyên đi đơn vị. Đi do yêu cầu nhiệm vụ đã đành, nhưng không ít lúc là tự tìm xuống với bộ đội, ăn ở có khi nửa tháng ở đơn vị, có chuyến đi xuyên Việt mười mấy tỉnh thì đa phần tôi ở các đơn vị Quân đội, đến với người chiến sĩ.

Cũng không ai ép tôi phải viết về người lính. Cấp trên chỉ gợi ý, động viên chứ tuyệt nhiên không phân công phải viết thế này, thế khác. Lắm lúc nghĩ mình thật tự do tự tại. Đi đâu thì đi. Viết gì thì viết. Có chặp dài không viết hoặc có lúc viết đăng tù tì phải viện dẫn cả bút danh cũng là tự mình tổ chức ngòi bút của mình. Tự do là ở đấy chứ ở đâu.

Nhưng đi thì không như thế. Cứ dăm bữa nửa tháng không xuống đơn vị thấy bứt rứt trong người. Những chuyến đi cũng thật ngẫu nhiên. Nhiều khi chỉ ới nhau cái là hành quân, nhảy xe nhảy tàu, thậm chí xe ôm với chiếc túi tàng tàng đựng vài thứ đồ lặt vặt là ào xuống các đơn vị với bộ đội.

Cái mặt tôi cũng lạ. Cán bộ nhân viên các nhà khách quân khu quân đoàn chẳng mấy khi hỏi giấy tờ, do quen mặt một nhẽ, nhưng khi cả vệ binh các đơn vị cơ sở cũng rất ít khi hỏi giấy tờ công tác này kia của tôi. Nếu được đón đưa thì khỏi bàn, nhưng khi tự xuống hoặc dẫn đoàn xuống, cứ mặt tôi ló ra, cười cười, nói mấy câu lính tráng là các cậu vệ binh mời chào ríu rít lắm. Đã đi đơn vị bao nhiêu chuyến, tôi thực không thể nhớ hết. Nhưng không ít những chuyến đi, chắc chắn là nhớ cho đến lúc nhắm mắt.

Nhà văn Phùng Văn Khai (thời gian còn làm việc tại Truyền hình Quân đội nhân dân) trong chuyến công tác Trường Sa, chụp ảnh cùng nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh tại đảo Phan Vinh. Ảnh: NVCC

Điều khiến tôi day dứt nhất sau mỗi chuyến đi là cuộc sống của người chiến sĩ hôm nay vẫn còn quá nhiều khó khăn, vất vả. Làm văn làm báo, nói một câu tưởng thế là xong, coi như mình nói tiếng nói của anh em, cấp trên thể nào chả biết, có khi biết từ tám hoánh và rồi thời gian tới chắc chắn anh em sẽ bớt khó khăn, vất vả hơn. Chả nhẽ các thế hệ cán bộ chiến sĩ phấn đấu và hi sinh nhiều như thế, thành tựu anh em hôm nay được hưởng lại ít ỏi đến mức phải kêu lên thì còn ra làm sao? Cuộc sống bề bộn, sôi động hôm nay, đến bao giờ khó khăn, thách thức bớt dồn lên đôi vai người chiến sĩ? Những câu hỏi xô vào trí não sau mỗi chuyến đi, nhất là đi về các đồn biên phòng xa hút hắt, gặp những người lính trạc tuổi tôi, trên dưới bốn mươi, quê xa hàng ngàn cây số, bố mẹ đã già, vợ con chưa có, người yêu cũng chưa có, một vài năm mới về phép một lần. Tôi như thấy mình có lỗi. Tôi thấy dường như chúng ta còn phải làm nhiều lắm cho mỗi người lính, khi mà hàng ngày hàng giờ, trăm ngàn khó khăn vẫn bủa vây họ.

Một day dứt, thậm chí là dằn vặt luôn trở đi trở lại mỗi khi tôi đối diện với những người vợ lính có chồng hi sinh, nhất là hi sinh trong thời bình. Gia đình, dòng họ tôi không hiểu sao rất nhiều liệt sĩ. Đất nước rộng dài. Mấy cuộc chiến tranh dằng dặc. Không đất nước nào nhiều nghĩa trang liệt sĩ như đất nước Việt Nam. Ngay thời bình, tôi đã chứng kiến không ít những đồng đội hi sinh, có những hi sinh khá thầm lặng.

Những người vợ liệt sĩ, dù ở lứa tuổi nào chăng nữa cũng đều dội trực diện vào tâm tư, luôn ám ảnh, thúc giục ngòi bút của tôi. Có những cuộc, sau sáu bảy năm các anh hi sinh, những người vợ hăm mốt hăm hai ngày nào, con thơ còn tơ tóc, giờ đây chúng lớn lên, được giải thích, được hưởng cái này cái khác nhưng riêng tôi vẫn thấy có cái gì đó không trọn vẹn. Đời những người phụ nữ góa chồng luôn dài khác thường. Những người vợ bộ đội có chồng hi sinh cũng không ngoại lệ, có khi còn mông mênh dằng dặc hơn.

Tôi luôn ám ảnh và tìm xuống với các đơn vị toàn quân vì những lí do như thế.

Sau những bài viết về người chiến sĩ, tôi nhận được rất nhiều sẻ chia, động viên, biểu dương, và cả những thân tình. Hạnh phúc của người viết với tôi chỉ giản dị thế. Tôi vẫn luôn nhắc mình phải viết khác đi, phải đổi mới, phải tân trang, phải lạ hóa ngòi bút mới hòng có chỗ đứng trên văn đàn. Nhưng một tiếng nói khác, nhỏ thôi, tha thiết nhắc tôi hãy cứ là mình, cứ thể hiện những suy nghĩ thật của mình, của người chiến sĩ - những đồng đội xung quanh lên mặt giấy. Những điều người chiến sĩ cần thực ra không xa xôi diệu vợi, càng không to tát gì mà là những thứ rất nhỏ: một câu nói chân thành, một cái bắt tay ấm nóng, một chén rượu ngô đêm đông biên giới, một dòng tin quê nhà giữa bão lụt, mẹ cha khỏe mạnh, con học giỏi, vợ tần tảo sớm hôm… Những điều ấy, các anh bảo vẫn tìm thấy trong trang viết của tôi.

Người chiến sĩ vẫn chờ, lẽ nào tôi khác được!

PHÙNG VĂN KHAI

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)