. TRẦN DANH CỰ
Có trong tay cuốn tiểu thuyết Hoa chiềng gai, đại tá Nguyễn Bình Nguyên (nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95, Mặt trận Tây Nguyên, nguyên Phó Chỉ huy về chính trị Tỉnh đội Thái Nguyên) nghĩ ngay đến tôi - Trần Danh Cự - bởi tôi và anh là hai trong số những “người trong cuộc” của Trung đoàn 95 có mặt trong giai đoạn tác phẩm tái hiện. Đại tá Nguyên (sợ không mua được sách) đã công phu photocopy lại toàn bộ tiểu thuyết bằng khổ giấy A4, đóng thành 4 cuốn có bìa, bọc gáy hẳn hoi, mang đến tận nhà tôi và gửi cho các đồng đội ở địa phương khác.
Tôi đọc một mạch hai ngày xong cuốn sách của nhà văn Lê Hải Triều, rồi đọc tiếp lần hai với tâm trạng bồi hồi xúc động. Đã nửa thế kỉ trôi qua, kí ức của một thời hoa lửa bỗng ùa về như một cơn lốc. Những tên đất Pley Me, Hòn Rồng, Chư Pông, Măng Yang, Con Từng, Làng O, Làng Lú, hang ông Thuận..., những tên người Bẩy Phùng, Bá Dũng, Trịnh Đình Len, quản lí Hơn, chính trị viên phó Hòa, tiểu đoàn phó Thuận, bác sĩ Mà, y tá Thanh, y tá Thủy... lại hiện về trong trí nhớ. Xin được nhiều lần cảm ơn nhà văn Lê Hải Triều đã dồn tâm huyết, tài năng, công sức trong cuộc tìm kiếm tư liệu như “mò kim đáy biển” để dựng lên một “nhà bia tưởng niệm” bằng sách, ghi lại những chiến công oanh liệt, những gian khổ, những hi sinh mất mát của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95.
Với tư duy tiểu thuyết sắc sảo và sự thuần thục trong bút pháp thể hiện, Hoa chiềng gai một mặt tái hiện một cách chân thực trận chiến khốc liệt giữa ta và địch, một mặt có những miêu tả chi tiết, cặn kẽ những tình tiết sinh hoạt đời thường của quân đội ta. Tiểu thuyết vừa lột tả được tính chất hào hùng, bi tráng của cuộc chiến, vừa thấm đậm tính nhân văn cao cả. Có thể nói, Hoa chiềng gai được viết với tâm thế, cái nhìn của người trong cuộc, đã nói giúp người lính chúng tôi những tâm tư, nguyện vọng, những ước ao đời thường giản dị. Mặc dù còn những hạn chế khách quan, nhưng tác phẩm đã khắc họa được những nét cơ bản nhất, cốt lõi nhất, điển hình nhất cuộc chiến đấu của Đại đội 3, nằm trong đội hình Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 95 nhằm cắt đứt đường 19 - cái cuống họng tiếp tế, từ quân cảng Quy Nhơn lên cao nguyên trung phần của Mĩ - ngụy. Trong tiểu thuyết này, bên cạnh những nhân vật hư cấu, còn có sự xuất hiện của những nguyên mẫu ngoài đời thực, những người con “nổi tiếng” của Trung đoàn 95 anh hùng.
Trịnh Đình Len là một nhân vật như thế. Anh sinh ra trong một gia đình nông dân ở Thanh Hóa. Len tính thật thà, hiền lành, sống nội tâm, nói ít làm nhiều nhưng rất thông minh. Là tiểu đội trưởng “dưới trướng” đại đội trưởng Bẩy Phùng, Len và thủ trưởng của mình đã tạo thành một “cặp bài trùng” nức tiếng về sự táo bạo trong những ý tưởng tác chiến và sự gan góc đến lì lợm trong những tình huống cam go. Chính vì thế chỉ trong vài ba năm Len đã nhanh chóng trưởng thành, từ một tiểu đội trưởng thành cán bộ trung đội rồi đại đội, được anh em trong đơn vị nể phục, quý mến. Sau khi được đại tá Nguyên gửi cho bản photo cuốn Hoa chiềng gai Len hăm hở đọc. Khi hỏi suy nghĩ của anh về tác phẩm, anh bảo, ừ hay đấy. Không biết tay này - tác giả - sao biết lắm chuyện về đơn vị mình thế. Nó làm mình nhớ lại một thời chiến đấu. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy thương nhau và nhiều thứ không thể lí giải được. Rồi vốn thật thà, Len thắc mắc có những cái tên lạ hoắc ở trong đó mà mình không biết.
Riêng với nhân vật Bẩy Phùng (tên thật Phùng Văn Bảy) đã được tác giả tập trung xây dựng khá chi tiết, từ lai lịch trưởng thành, tính cách con người, tác phong, tình cảm đến tài chỉ huy mưu trí, sáng tạo trong cầm quân đánh giặc. Lúc đầu anh làm chính trị viên, sau chuyển sang làm đại đội trưởng Đại đội 3. Từ giữa năm 1967 đến cuối năm 1970, đơn vị này được cắm sâu vào vùng địch hậu, bám đường 19 đoạn đèo Mang Yang, tiêu diệt nhiều đoàn xe địch (có đoàn xe 69 chiếc), biến đoạn đường này thành “con đường máu” với quân Mĩ. Đại đội 3 được công nhận là đơn vị “Thành đồng Quyết thắng” và ngày 20-9-1971 được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng. Và cũng trong vòng ba năm ấy, Bảy Phùng từ đại đội trưởng lên cán bộ trung đoàn.
Nói tới Bẩy Phùng, chúng tôi vẫn nhớ đến nước da đỏ au như gà chọi, giọng nói khàn khàn đặc khói thuốc lào của anh. Xung quanh anh có rất nhiều giai thoại. Ví như những chuyện liên quan đến năng lực… chữ nghĩa của anh. Có lần Bẩy Phùng bảo liên lạc nghe anh đọc để viết báo cáo lên cấp trên. Viết xong liên lạc bảo thủ trưởng kí tên. Bẩy ậm ừ một lúc rồi bảo: “Mi cứ viết cho choa con số 7 vào đó là được”. Lần khác khi nhân viên cơ yếu không thể nào luận được một chữ trong bức điện Bẩy Phùng gửi lên trung đoàn để dịch sang mật mã, đành mang tới hỏi lại anh. Bẩy nhìn lại mảnh giấy, lại ậm ừ rồi buông thõng một câu: “Tao cũng… không biết là chữ gì, mày muốn dịch thế nào cho thuận thì dịch”.
Trong sinh hoạt đời thường Bẩy Phùng luôn vui vẻ và hài hước. Những lúc đứng trước hàng quân anh mới dùng hai chữ “đồng chí”, còn lại thì cứ mi mi, choa choa cùng lính với đủ thứ chuyện tán dóc gây cười. Bởi vậy với bộ đội, anh không chỉ là người chỉ huy được mến phục mà còn là người bạn lớn tuổi, gần gũi và thân thiết. Bẩy Phùng vốn có cái tật nói tục. Có một lần đi trinh sát trận địa, trong không khí rất căng thẳng, khi đã tiếp cận rất gần mục tiêu, Bẩy Phùng nhìn thấy một tên lính Mĩ cao to ngồn ngộn, anh liền xì xào bình luận một câu (xin phép không dẫn ra trong bài vì nó rất tục) làm cho mọi người phải bịt mồm mà cười, không khí căng thẳng tự nhiên dịu đi. Lại có lần đứng trước hàng quân, tự nhiên anh văng ra một câu nói tục. Lính ta liền òa lên cười khoái chí. Sau này, khi ngồi tán gẫu với lính, Bẩy Phùng mới chống chế: “Muốn vui thì phải nói tục. Tục hết cỡ thì vui mới hết cỡ. Khổ cái là tục quen mồm rồi, trong cuộc họp tự nhiên nó cứ phụt ra đ. giữ được”. Thế là cán binh lại cười nghiêng ngả với nhau. Chính từ sự gần gũi hòa mình với lính như thế, Bẩy Phùng với Trịnh Đình Len và một số cán bộ đảng viên khác đã hợp lại với nhau thành một chất keo, gắn kết mấy chục con người trong đơn vị thành một khối, lập nhiều chiến công để Đại đội 3 có được danh hiệu Anh hùng như đã nói ở trên.
Ở Trung đoàn 95 giai đoạn ấy không mấy ai không biết tới Bẩy Phùng, anh được coi như một người hùng của đơn vị. Chúng tôi, những cán bộ trên trung đoàn bộ, ai cũng quý mến anh. Và trong Hoa chiềng gai, qua ngòi bút của nhà văn Lê Hải Triều, anh cũng hiện lên với tất cả những phẩm chất anh hùng mà chúng tôi đã chứng kiến. Đây là một sự tri ân, tôn vinh của tác giả đối với một người lính Cụ Hồ anh dũng như anh.
Năm 2005 tôi có dịp quay lại thăm chiến trường xưa, tới các bản làng ven đường 19, rất nhiều già làng vẫn nhớ tới “bộ đội Bẩy” với sự trầm trồ ngưỡng mộ. Rồi đến cái chết của Phùng Văn Bảy cũng là một câu chuyện đắng lòng. Cho tới bây giờ anh vẫn không được công nhận là liệt sĩ, để lại nỗi trăn trở cho những người còn sống như chúng tôi, những đồng đội một thời với anh.
Gấp sách lại tôi cứ bâng khuâng. Giá mà tôi và nhà văn Lê Hải Triều biết nhau từ trước hoặc trong khi anh viết Hoa chiềng gai thì ngôi “nhà bia tưởng niệm” biết đâu lại có thêm nhiều hơn những “đường nét”, “họa tiết” để lại dấu ấn khó phai mờ với những ai đã từng trải nghiệm. Nhưng thôi, dẫu sao Hoa chiềng gai cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình, xứng đáng được trao giải thưởng văn học 5 năm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng (2014-2019).
T.D.C
VNQD