Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Nữ thẩm phán “lựa chọn số phận”

Thứ Bảy, 03/10/2020 11:31

Bộ phim “Lựa chọn số phận” (đạo diễn Mai Hồng Phong) đã khép lại với 72 tập phát sóng trên VTV. Đây là bộ phim truyền hình về ngành tòa án với những góc khuất về những người giữ cán cân công lý. Đằng sau bộ phim, ít người biết rằng, nguyên mẫu của Phó Chánh án Hoàng Thị Thùy Dung là một người phụ nữ đặc biệt trong ngành. Chị Là Nguyễn Thị Kim Loan, cựu Phó Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân, thuộc Tòa án nhân dân Tối cao.

Poster phim "Lựa chọn số phận". 

Trong dàn diễn viên chính của bộ phim “Lựa chọn số phận” thì diễn viên, NSƯT Hoa Thúy (vai Phó Chánh án Hoàng Thị Thuỳ Dung) là một trong những diễn viên được đánh giá diễn rất tròn vai và để lại ấn tượng lớn trong lòng khán giả. Nhưng điều ít ai biết vai phó Chánh án Thuỳ Dung lấy cảm hứng và được xây dựng từ chính câu chuyện có thật - câu chuyện về cuộc đời đầy biến cố nhưng cũng rất đỗi tự hào của Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan - nguyên Thẩm phán Toà án quận Đống Đa. Câu chuyện diễn ra dẫn đến sự thay đổi của số phận chị Loan cũng là từ khi chị giữ cương vị thẩm phán ở tòa cấp quận này.

Từ nhỏ chị đã mê các tác phẩm văn học trinh thám, thích xem xử án và từ nhỏ chị đã nghĩ, lớn lên mình sẽ làm trong ngành tòa án. Giấc mơ ấy đã một phần thành hiện thực khi chị đỗ vào Đại học Luật năm 1984. Sau khi ra trường chị về làm việc tại Tòa án nhân dân Quận Đống Đa, Hà Nội. Thế rồi giấc mơ xử án đã được hiện thực hóa khi chị được bổ nhiệm thẩm phán năm 1999. Chị vẫn nhớ như in phiên tòa đầu tiên chị trên cương vị chủ tọa. Thế rồi hàng chục, hàng trăm phiên tòa đã qua đi. Lúc đầu thì chị còn đếm, sau đó thì án chồng án, hồ sơ những vụ án chị xử cứ dày mãi lên và chị cũng không còn đếm nữa. Án nhiều mãi lên, những câu chuyện đằng sau mỗi hồ sơ cũng dày mãi lên, chẳng vụ nào giống vụ nào. Mảng án dân sự mà chị đảm nhiệm đủ thứ chuyện thượng vàng hạ cám, đủ mọi hình thức tranh chấp, đủ mọi thế thái nhân tình. Sau mỗi bản án là một câu chuyện, chị chẳng thể nào nhớ hết, chỉ biết rằng mỗi vụ án mới lại là một câu chuyện mới, trong đó có những câu chuyện mà diễn biến sau khi phiên tòa khép lại khiến chị cảm thấy ấm lòng.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan thời trẻ. Ảnh: NVCC

Niềm vui của người thẩm phán giản dị lắm. Có phiên tòa xử li hôn, người vợ đơn phương xin li hôn và đòi quyền nuôi đứa con mới 27 tháng tuổi vì anh chồng nghiện ma túy, về tình và về luật đương nhiên quyền nuôi con thuộc về người mẹ. Anh chồng phản đối li hôn và không chịu để vợ nuôi con nên không đến tòa theo triệu tập. Thế rồi khi tòa đang xử, với dự định trao quyền nuôi con cho người vợ thì anh chồng xuất hiện dự phiên tòa và đề xuất nguyện vọng nuôi con. Sau khi nghe anh chồng trình bày, xét thấy chị vợ đã bỏ con đi từ khi cháu bé mới 14 tháng, trong thời gian đó anh chồng tuy nghiện ma túy nhưng vẫn có trách nhiệm với con và chăm sóc con tốt, cuối cùng hội đồng xét xử đã quyết định trao quyền nuôi con cho người chồng. Một thời gian sau, tình cờ chị được người thân của anh chồng nói chuyện mới biết, vì được nuôi con nên anh này đã chuyên tâm làm ăn, và dần dần từ bỏ được ma túy. Câu chuyện ấy khiến chị cứ vui mãi.

Nhưng làm xử án niềm vui không nhiều. Cuộc đời đã thế, sân tòa càng thế. Khi mà người ta đã phải tìm đến sự phân giải của tòa là dường như đã hết chỗ cho tình nghĩa, đạo lý. Ở đó là giành giật, là đấu lý, ở đó có những con người sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị. Vì thế công lý mới phải lên tiếng. Nhưng công lý không phải lúc nào cũng phủ sóng được hết mọi ngõ ngách, giải quyết được hết những éo le của cuộc đời. Chị hiểu điều đó. Sau này thì không chỉ hiểu, chị càng thấm thía hơn điều đó hơn. Đặc biệt là sau phiên tòa ấy. Phiên tòa đã làm thay đổi cuộc đời chị.

Đó là một vụ tranh chấp tài sản thừa kế được nguyên đơn ủy quyền cho một kẻ thứ ba – kẻ tự tin có thể dùng tiền bạc mua chuộc mọi thứ. Ngay từ lúc đi xác minh, lập hồ sơ, đương sự đã cho đầu gấu đến dọa nạt, gây áp lực. Chị bình thản bảo, “các anh về đi, nếu không tôi sẽ phải gọi công an đấy”. Có lẽ vì cái giọng nói trong veo của một phụ nữ nhẹ nhàng nhưng cương nghị, những kẻ lạ mặt đang hằm hè đe dọa đành ra về. Phiên tòa xử theo đúng luật, đảm bảo quyền lợi của các bên. Chị chẳng phải băn khoăn điều gì khi đã làm hết trách nhiệm của một thẩm phán. Thế nhưng... Kẻ không đút lót được cho người xét xử để mưu lợi đã rắp tâm trả thù vị chủ tọa phiên tòa. Sau phiên xử, một buổi, đang đi trên đường phố tự nhiên chị bị một kẻ lạ mặt ném về phía mình một bọc chất bẩn, may mà chị nghiêng người tránh được. Lúc đó chị cũng chỉ tự nhủ rằng kẻ kia là người không bình thường nên có hành vi như vậy. Nhưng rồi đến buổi sáng ngày 25/7/2005 ấy thì chị mới biết mọi chuyện không phải thế. Sáng ra chị đi làm như mọi ngày, ngay trước cửa nhà, một kẻ lạ mặt mặc quần áo mưa tiến về phía chị, trên tay là một chiếc ca nhựa. Khi hắn hắt “ca nước” ấy vào chị thì mọi thứ tối sầm, trời đất quay cuồng cùng những tiếng la hét thất thanh của chị. A xít. Chị nhanh chóng được đưa vào bệnh viện Xanh pôn. Bắt đầu từ đấy cuộc sống của chị gắn với giường bệnh. Sau những cấp cứu ban đầu chị được chuyển sang Viện Bỏng Quốc gia. Hai môi bị a xít dán chặt vào nhau, gỡ đến đâu tứa máu tươi đến đó, tóc dính bết phải cắt trọc, toàn thân bị bỏng sâu. Mọi sinh hoạt cá nhân tại chỗ, ăn uống phải qua ống xông. Chị trôi trên những cơn mê sảng trong mối lo của người chồng túc trực ngày ngày bên giường bệnh.

Sau 61 ngày đêm điều trị tại Viện Bỏng, những vết thương dần lành nhưng không chỉ gương mặt mà khắp thân thể chị biến dạng, chằng chéo sẹo. Chị bảo, “khi điều trị cho tôi tạm ổn, bác sĩ nói với chồng tôi rằng, chị nhà anh giữ được mạng sống đã là may, anh về nhà đập hết gương đi, đừng để chị ấy nhìn thấy gương mặt mình”. Nhưng làm sao có thể đập hết được những chiếc gương đời? Mỗi người chị gặp, mỗi ánh mắt nhìn chị hàng ngày kia chẳng là một tấm gương sao? Chị đâu thể sống mà không ló mặt ra ngoài, không giao tiếp với ai, đấy là chưa kể đến những người thân yêu xung quanh.

Diễn viên, NSƯT Hoa Thúy trong vai Phó Chánh án Hoàng Thị Thùy Dung, phim "Lựa chọn số phận".

Từ khi được bổ nhiệm thẩm phán, trong mỗi phiên tòa, vị trí chị ngồi là vị trí chủ tọa, ở đó nhìn xuống là các đương sự. Thế rồi trong phiên tòa đặc biệt sau đó, vị trí của chị không còn ở chiếc ghế chủ tọa thân quen đại diện cho công lý ấy nữa, chỗ của chị là chỗ dành cho bị hại. Đó là điều chị chưa bao giờ nghĩ đến.

Chị Loan đã phải trải nhiều ca phẫu thuật, ca dài nhất chị phải nằm bất động trên giường bệnh 72 tiếng đồng hồ. Bắt đầu của hành trình tìm lại gương mặt ấy là sau khi bị tạt a xít, khi chị tạm thời bình phục về sức khỏe, đứa con gái hai tuổi được bố đưa vào viện thăm mẹ, lúc mới gặp đã nhất quyết không chịu nhận chị là mẹ vì “mẹ Loan khác cơ, không xấu thế này”. Đó cũng là giây phút trái tim chị yếu mềm nhất. Suốt thời gian chữa trị đau đớn chị không một lời kêu ca, nhưng khi ấy chị đã chạy vào nhà vệ sinh òa khóc, những giọt nước mắt hiếm hoi cho suốt hành trình dài tìm lại gương mặt.

Kẻ thủ ác đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng hậu quả hắn đồng phạm gây ra thì không những làm tổn hại sức khỏe, biến đổi gương mặt mà còn làm thay đổi cuộc đời chị, đặt chị vào một cuộc đua khác để tìm lại chính mình. Có lẽ động lực lớn nhất để chị làm điều đó chính là khi đứa con gái bé bỏng sợ hãi không nhận mẹ ngay cả sau khi chị ra viện, khi đó chị thấy rằng mình phải tìm lại gương mặt bằng mọi cách. Trở về đời sống thường nhật với bộ trang phục như chị nói là “trang phục ninja”, trùm kín từ đầu đến chân, đó chỉ là lần ra viện thứ nhất. Bắt đầu từ đấy là hành trình tìm lại gương mặt với những lần phẫu thuật liên tiếp. Phẫu thuật. Phẫu thuật. Và phẫu thuật. Phẫu thuật nhiều đến nỗi chị chẳng thể nhớ nỗi cụ thể từng lần. Nhưng tổng số 43 lần thì chị nhớ. Tôi hỏi, chị suy nghĩ gì trong những lần phẫu thuật đó. “Làm gì suy nghĩ được gì, chỉ cố gắng để chống chọi với sự đau đớn thôi em ạ”, chị nói. Đúng thế, mỗi lần dao kéo chạm vào thân thể là như cào như xé. Không riêng gì gương mặt, phần thân của chị, để tránh sẹo lồi và giúp da tái tạo, theo hướng dẫn của bác sĩ chị đã phải ép mình trong khuôn cao su chuyên dụng. Mùa hè còn dễ chịu, đến mùa đông cao su lạnh lại phải làm ướt đã khiến toàn thân chị run cầm cập. Chị đếm từng ngày trôi qua, từng tháng trôi qua, từng mùa đông mùa hạ trôi qua. Mỗi ngày thức dậy việc đầu tiên chị nghĩ đến là chữa bệnh, và ý nghĩ cuối cùng trước khi ngủ cũng là chữa bệnh.

Dù phải dừng công tác để điều trị, nhiều lúc chị vẫn nhớ nghề đến cồn cào. Chị nhớ đồng nghiệp, nhớ từng phiên xử, nhớ những gương mặt đương sự đi qua những vụ án chị từng tham gia. Lẽ nào chị sẽ phải chia tay với việc xử án, công việc chị đã chọn làm lẽ sống? Lẽ nào thông báo trúng tuyển cao học vừa nhận được đúng 3 ngày thì bị tạt a xít cũng phải gác lại mãi mãi? Anh Nguyễn Văn Điệp chồng chị kể lại rằng, khi nằm trên giường bệnh, trong cơn mê sảng chị vẫn gào lên, “liệu em có còn xử án được nữa không?”. Chị luôn tâm niệm một điều, nghề xử án chị đã chọn, và dù thế nào thì chị cũng không bao giờ ân hận. Vừa chữa bệnh, chị vừa tiếp tục học cao học. Sau khi sức khỏe tạm bình phục, chị Nguyễn Thị Kim Loan được trên phân công về công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, làm việc tại Viện Khoa học xét xử. Sau đó chị được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân. Tháng 5 năm 2020, chị Loan nghỉ hưu theo chế độ. 

Diễn viên, NSƯT Hoa Thúy và chị Nguyễn Thị Kim Loan. Ảnh: NVCC

Mới đây, một cuộc hội ngộ xúc động của diễn viên phim “Lựa chọn số phận” và nguyên mẫu ngoài đời đã diễn ra. Tất cả mọi người chứng kiến buổi gặp gỡ đều vô cùng xúc động và không ai cầm được nước mắt. Diễn viên, NSƯT Hoa Thúy, người vào vai Phó Chánh án Hoàng Thị Thùy Dung trong quá trình tham gia bộ phim đã có những dấn thân tìm hiểu về ngành tòa án, lại được gặp nguyên mẫu vai diễn của mình đã không giấu nổi sự xúc động. Hoa Thúy chia sẻ: “Những người làm thẩm phán phải có một thần kinh thép và tình yêu rất lớn với nghề. Như vậy, họ mới vững tâm vượt qua những áp lực, nguy hiểm rình rập để bảo vệ lẽ phải. Và chị Nguyễn Thị Kim Loan là một thẩm phán như thế”.

Sự thành công của bộ phim không chỉ dừng lại ở những con số thống kê lượng khán giả, đôi khi những giá trị nhân văn cao cả không chỉ hiện diện trên phim ảnh, mà thực tế, nó đã từ đời thực vào phim, để rồi ánh xạ lại cuộc đời bằng những niềm tin vào công lý và lẽ phải.

NGUYỄN XUÂN THỦY

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)