Tôi sinh ra vào mùa đông Sa Pa, xứ sở sương mù mê hoặc lòng người, nơi đã có nhiều nhà văn, nhà thơ tìm đến và để lại những tác phẩm nổi tiếng mà một trong số đó phải kể đến truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long. Và câu chuyện trong tác phẩm cũng như một kỉ niệm đẹp của tôi về cha, khi ông chính là nguyên mẫu, gợi cảm hứng để nhà văn sáng tạo nên tác phẩm.
Cha tôi tên là Nguyễn Văn Ngọ, sinh năm 1942, ông từng công tác tại Đài vật lí địa cầu Sa Pa từ năm 1968 đến năm 1978. Tại đây ông đã gặp nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam như Tố Hữu, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh… Nhưng đặc biệt nhất là hai lần ông được gặp nhà văn Nguyễn Thành Long trong năm 1968. Nhà văn Ma Văn Kháng đã giới thiệu cha tôi (vốn là học trò của ông) để nhà văn Nguyễn Thành Long tìm hiểu thực tế phục vụ việc sáng tác. Lần thứ nhất cha tôi gặp tác giả Lặng lẽ Sa Pa khi nhà văn Nguyễn Thành Long và nhà thơ Xuân Quỳnh cùng một số văn nghệ sĩ lên thăm Đài khí tượng nơi cha tôi làm việc. Lần thứ hai là khi cha tôi đi xe đạp từ Sa Pa xuống dự một cuộc tọa đàm ở Báo Lào Cai lại bất ngờ gặp nhà văn ở đó. Những gặp gỡ giữa Nguyễn Thành Long và cha tôi đã giúp nhà văn thai nghén nên truyện ngắn được nhiều thế hệ học trò ghi nhớ khi được đưa vào sách giáo khoa cũng như gắn liền với địa danh nổi tiếng Sa Pa.
Ông Nguyễn Văn Ngọ và vợ thời trẻ. Ảnh: GĐCC
Người cán bộ khí tượng đi vào tác phẩm
Năm 1966, cha tôi tốt nghiệp trường Trung cấp Khí tượng tại Hà Bắc và về công tác tại Đài 5 Vật lí địa cầu Sa Pa, trong chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học của Việt Nam với 12 nước khối Xã hội chủ nghĩa. Trước đó cha tôi là cán bộ thuộc Nha khí tượng, sau đó Nha khí tượng chuyển về Viện khoa học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam ngày nay) và đổi tên là Viện vật lí địa cầu. Quá trình cống hiến cho ngành, cha là Bí thư chi đoàn của Đài, Phó thư kí công đoàn, được nhận Bằng khen của Quân khu cho thành tích tự vệ, Bằng khen hạng 2 trong công tác dịp 20 năm Lào Cai sáp nhập Yên Bái thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Cha tôi đã có một cuộc đời nhiều cống hiến mà cống hiến lớn nhất có lẽ đó là sự hi sinh cho gia đình, vì thế nhiều đam mê của cha bị gác lại. Tuy nhiên từ cha đã khơi gợi để hình thành một tác phẩm văn học nổi tiếng, đã khiến chúng tôi rất tự hào về cha.
Tôi còn nhớ, một lần đi học về, tôi nói với cha “Hôm nay con học đến tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa”. Tôi nhớ mãi nụ cười của cha tôi khi ấy, và ông đã bật mí cho tôi biết về quá trình ra đời của tác phẩm. Tôi không ngờ chính ông lại là nguyên mẫu anh cán bộ khí tượng trong tác phẩm từ những câu chuyện và gặp gỡ tiếp xúc với tác giả như đã nói.
Khi tìm hiểu về các tư liệu giúp nhà văn xây dựng tác phẩm có chi tiết trong truyện khi cha cùng nhà văn lên đỉnh đèo đã đi nhờ ô tô của người lái xe tên là Nguyễn Tiến Sơn và tình cờ cũng có một cô gái là kĩ sư nông nghiệp như trong truyện đã viết. Từ những hình ảnh, con người đó, cùng chất liệu khi nhà văn cùng cha tôi chuyện trò, tìm hiểu, Nguyễn Thành Long đã xây dựng thành tác phẩm.
Tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh. Ảnh: ST
Có một chi tiết được nhiều người nhớ đến trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa:
“Trong lúc mọi người xôn xao vui vẻ phía sau lưng, bác lái xe quay sang nhà họa sĩ nói vội vã:
- Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẻ hắn.
Không hiểu sao nói đến đây, bác lái xe lại liếc nhìn cô gái. Cô bất giác đỏ mặt lên!
- Một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi! Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Cách đây bốn năm, có hôm tôi cũng đang đi thế này chợt thấy một khúc thân cây chắn ngang đường, phải hãm lại. Một anh thanh niên ở đâu chạy đến, hè với tôi và khách đi xe đẩy khúc cây ra một bên cho xe đi. Hỏi ở đây mà ai đẩy cây ra giữa đường thế này, anh chỉ đỏ mặt. Thì ra anh ta mới lên nhận việc, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá, anh ta kiếm kế dừng xe lại để gặp chúng tôi, nhìn trông và nói chuyện một lát. Kìa, anh ta kia.”
Chi tiết này được xây dựng từ câu chuyện ông Trần Hữu Thiểm, Bí thư chi bộ, Trưởng Đài vật lí địa cầu khi lên làm thay cho anh em trong cơ quan mà cha tôi kể cho nhà văn. Giữa không gian vắng vẻ, cô quạnh, nơi đỉnh đèo Hoàng Liên, cảm giác thèm khát được giao tiếp đã khiến ông nẩy ra ý muốn là vần khúc gỗ ra đường để được gặp mọi người.
Liên quan tới tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa có chi tiết rất đặc biệt sau này nhà văn kể cho cha tôi nghe, khi viết xong dự thảo truyện ngắn nhà văn đã đọc cho Đoàn dũng sĩ Miền Nam ra thăm Bác Hồ nghe, những dũng sĩ đó nghe xong đã nói: “Chúng tôi tưởng chỉ có ở miền Nam mới là gian khổ nhất nhưng không ngờ ở miền Bắc có những nơi còn gian khổ hơn, dù ở đất liền cũng không khác gì ở trên đảo”.
Những kí ức về cha và tuổi thơ
Cha tôi - người cán bộ khí tượng ngày ấy trong đôi mắt tuổi thơ trong veo của tôi là những chuỗi ngày dài với nhiều đam mê, khám phá và say nghề. Câu chuyện gặp gỡ của cha với các nhà văn, nhà thơ là những kí ức giấu kín, chỉ khi tôi tìm hiểu thì kí ức ấy mới tái sinh. Tôi thực sự ám ảnh bởi khung cảnh nhà văn Nguyễn Thành Long miêu tả trong truyện đã dường như ghi lại tuổi thơ tôi. Nhà tôi ở trên mỏm núi cao, mỗi bước đi là một bậc đá nhỏ, mỗi lần về nhà là phải leo ngược dốc, cũng giống như tình tiết trong truyện, đứng từ nhà tôi trông xuống, mây mù như ngang tầm với chiếc cầu vồng. Trước cửa nhà là cả vườn hoa với những loài hoa mà độc giả đã gặp dưới sự miêu tả trong Lặng lẽ Sa Pa: hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong… Ngày cha tôi còn trẻ, nhiều lần tôi cũng thấy cha cắt hoa tặng cho những người hàng xóm và những người bạn từ xa đến, giống như sự quan tâm, hào hiệp có phần lãng tử của chàng trai trong tác phẩm. Sau mỗi chuyến công tác trở về ông lại tìm thêm nhiều loài hoa mới để trồng. Cây mận hậu sau nhà cùng những giò lan rừng phi điệp tím, lan hoàng thảo màu vàng và cả những cây lay ơn màu trắng… cũng chứa rất nhiều tâm tư của cha.
Ngày nhỏ, tôi cũng thường mục sở thị về nhiệm vụ của cha với những việc đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, tham dự vào những công việc báo trước thời tiết hằng ngày, tôi cũng tò mò vào vườn ngó nghiêng máy móc thiết bị tại Đài Vật lí địa cầu nơi cha tôi làm việc.
Giờ đây, tôi, cô con gái 45 tuổi của cha vẫn được nghe cha tôi, anh cán bộ khí tượng trong Lặng lẽ Sa Pa, người thanh niên năm xưa giờ đây đã 79 tuổi, kể về những mảnh kí ức lãng mạn, giàu chất thơ và trữ tình. Hình ảnh cũng như những tư liệu về cuộc đời cha tôi cũng đã được nhà văn Ma Văn Kháng viết trong cuốn Phút giây huyền diệu, trong đó nhà văn đã nhắc về cha tôi như một mạch nguồn cho tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thành Long.
Ông Nguyễn Văn Ngọ hiện nay và con gái Nguyễn Lê Hằng. Ảnh: GĐCC
Trong chương trình Chúng tôi nói về chúng tôi của VTV3 cách đây hơn 10 năm có thực hiện nội dung về Sa Pa trong đó nói đến tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa. Chương trình đã tìm đến phỏng vấn cha tôi. Khi VTV3 phát sóng, bác Nguyễn Hữu Tây, nguyên Trưởng phòng Tổ chức của Nha khí tượng năm xưa xem được, từ Bình Dương đã viết thư tay gửi ra cho cha tôi.
Từ cán bộ khí tượng chuyển sang làm báo
Việc gặp gỡ với các nhà văn đã gieo vào cha tôi tình yêu đối với chữ nghĩa. Không ngại gian khổ trong công việc, nhưng những đam mê văn học, đam mê nghề viết đã chuyển hướng để cha từ cán bộ khí tượng trở thành cán bộ Đài phát thanh của huyện Sa Pa. Trong quá trình làm việc ở Đài, nhiều chương trình cha tôi thực hiện, lên ý tưởng đã được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng, như chương trình văn nghệ dân tộc tiếng Mông ở Sa Pa. Từ bút kí Niềm vui trên đồng lúa Soi Chiềng của cha tôi phát trên sóng của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn mà sau đó Hợp tác xã Soi Chiềng ở Cam Đường, Lào Cai đã được công nhận là “Câu lạc bộ 5 tấn” của cả nước…
Ông Nguyễn Văn Ngọ cùng vợ thăm lại địa danh thời tuổi trẻ từng gắn bó. Ảnh: GĐCC
Cha tôi đã đi qua những năm tháng tuổi trẻ, giờ đây tóc đã như mây nhưng giọng nói ấm trầm, truyền cảm có sức hút trên những tần sóng phát thanh ngày nào vẫn như còn ở lại. Tuổi thanh xuân với tình yêu Tổ quốc trong tim, chất chứa nhiều đam mê khao khát, cha đã dành cả cuộc đời làm bạn với cỏ cây, hoa lá, hiểu ngôn ngữ của thiên nhiên, với niềm đam mê cuộc sống, dù là làm cán bộ khí tượng hay gắn bó với làn sóng phát thanh trên quê hương mình.
Chất liệu đã tạo nên tác phẩm một cách kì diệu nhờ tài năng của nhà văn, từ nhiều chi tiết được ghép nhặt để làm nên một Lặng lẽ Sa Pa, và tình cờ cha tôi - anh thanh niên làm ở trạm khí tượng - trong hành trình sống và cống hiến đã có cơ duyên gặp gỡ và trở thành nguyên mẫu của nhà văn Nguyễn Thành Long. Đây là tác phẩm đã làm nên tên tuổi cho tác giả và cũng trở thành kí ức tươi đẹp tuổi thanh xuân cha tôi có.
Lặng lẽ Sa Pa cũng trở thành mạch nguồn tiếp lửa cho chính bản thân tôi, để tôi tình cờ tiếp nối con đường văn chương, báo chí mà cha yêu thích đam mê, góp phần tạo ra một tôi như hiện tại, đang loay hoay giữa những kí tự ngôn ngữ nhiều ẩn số.
NGUYỄN LÊ HẰNG
VNQD