Từ nguyên mẫu đến nhân vật

“Lính trơn” và những câu chuyện về tướng Nguyễn Chơn cùng đồng đội

Thứ Sáu, 21/01/2022 13:46

. MAI TIẾN NGHỊ
 

Tôi đến với văn chương khá muộn lại trái nghề. Mãi tháng 11 năm 2006 mới có được truyện ngắn đầu tay. May mà truyện ngắn ấy được giải trong cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ nên tôi mới hứng khởi để dấn thân vào con đường viết lách.

Cuộc đời cho tôi an phận với hai cái nghiệp: nghiệp lính và nghiệp dạy học. Hai công việc gần như trái dấu nhưng lại rất cần thiết trong hai thời chiến tranh và hòa bình để tôi bằng lòng với việc làm lính trơn và thầy giáo làng. Những điều tôi đã viết và sẽ viết chắc chắn chỉ tập trung vào hai đối tượng là người lính và người thầy giáo. Dù viết về vấn đề gì thì người đọc vẫn thấy có hình ảnh của nhân vật là người lính hoặc người thầy. Y như cuộc đời đã định sẵn cho tôi một hướng đi không thể khác.

Cầm bút tròn mười năm tôi mới thực hiện được dự định ấp ủ từ khi ra quân là viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, về quãng thời gian mình là lính: tiểu thuyết Lính trơn.

Tôi chọn cách viết chân thực nhất với vốn sống là những kỉ niệm khó quên của bản thân trong chiến tranh, về những đồng đội gần gũi nhất. Chính vì thế mà tiểu thuyết gần như là một hồi kí với những sự việc bản thân đã trải qua và những con người đã từng gặp gỡ, từng kề vai sát cánh bên chiến hào. Nguyên mẫu các nhân vật gần như còn trọn vẹn cả những tính cách, hành động, lời nói. Đa số nhân vật được giữ nguyên tên tuổi. Chỉ có vài ba nhân vật được đổi tên vì ngoài những đặc điểm vốn có của họ thì tôi còn đưa thêm những đặc điểm mang tính khái quát hơn mà mình cập nhật từ những chuyện các đồng đội kể về họ.

Khi tiểu thuyết Lính trơn được các đồng đội của tôi đọc thì họ hỏi ngay: Có phải cái nhan đề Lính trơn là ý tác giả muốn kể về lính của ông Chơn không, vì ông Hùng trong tiểu thuyết rất giống tướng Nguyễn Chơn, mà ông Chơn là sư đoàn trưởng sao người viết dám đổi tên và hạ cấp xuống thành trung đoàn trưởng?

Tôi vốn là lính của Sư đoàn 2 Quân khu 5 dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Nguyễn Chơn. Cánh lính trơn dưới đại đội chiến đấu trực tiếp chả mấy khi được gặp sư trưởng. Nhưng tất cả cán bộ chiến sĩ đều kính trọng gọi sư trưởng anh hùng của mình là “ông già” với cái nghĩa như cha đẻ trong gia đình mặc dù năm 1971 ông mới hơn năm mươi tuổi và chưa có vợ. Với niềm tự hào kính trọng sâu sắc đến như vậy nên trong đám lính chúng tôi hay kháo nhau những giai thoại về “ông già” sư trưởng. Từ những chuyện rất riêng tư đến chuyện đánh nhau như tự dẫn quân đi trinh sát, chuyện lập sở chỉ huy ngay sát nách sở chỉ huy của đối phương và chuyện xử lí các tình huống tác chiến…

Cách đánh của “ông già” ngày còn ở Trung đoàn 1 trở thành cách đánh chung của tất cả các đơn vị trong sư đoàn. Khi tập kích một cứ điểm thì bao giờ cũng có trận mở màn “bóc vỏ” tiêu diệt hoặc bao vây các căn cứ đối phương ở vòng ngoài. Mục tiêu chính lúc này bị cô lập hoàn toàn nên sớm muộn cũng bị thất thủ. Tuy nhiên ta cũng không dễ dàng khi gặp phải các đối thủ thuộc sắc lính dù, biệt động, thủy quân lục chiến… Họ cố thủ rất ngoan cố, lại được pháo binh và không quân yểm trợ đắc lực nên có thể gây khó khăn nhiều cho bên ta, gây thương vong cũng không ít. Tuy vậy, trong mọi tình huống tác chiến, “ông già” đều có tính toán trù liệu chính xác. Sở chỉ huy lại sát gần nơi tác chiến nên mọi tình huống đều được giải quyết nhanh chóng, đảm bảo cho chiến thắng. Làm lính của anh hùng Nguyễn Chơn lúc nào cũng thấy tự hào nhưng cũng nhiều lần sợ mất mật vì sự táo bạo của người chỉ huy.

Có lẽ việc “ông già” trên năm mươi tuổi mà không chịu lấy vợ (mặc dù ngay trong đơn vị có nhiều lính gái) trở thành mối quan tâm của cánh lính trơn. Chả biết có thật hay không mà lính tráng rỉ tai nhau, rằng cấp trên có ý gán ghép cho ông cô này cô kia nhưng ông không chịu, rằng “ông già” chỉ thích đàn ông và rất ngại tiếp xúc với đám lính gái. Rồi người ta dẫn ra bằng chứng cần vụ của ngài đều là những tay khỏe mạnh nam tính nhưng chỉ mấy tháng lại thay vì những anh chàng này không chịu được sự “quý mến” của ông nên nằng nặc xin xuống đơn vị.

Mãi đến cuối năm 1974, sau chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức, cánh lính trơn chúng tôi mới được gặp mặt “ông già” Nguyễn Chơn trong một lần ông xuống trung đoàn. Đó là một người đàn ông còn trẻ so với tuổi, đẹp trai và rất nam tính, mắt sáng, tác phong rất khoáng hoạt. Ông nói với cánh sĩ quan trung đoàn bộ rằng ta đã đánh và giữ được Nông Sơn - Thượng Đức thì Đà Nẵng chỉ là quả chuối đã bóc vỏ, việc giải phóng Đà Nẵng chỉ còn vấn đề thời gian… Cánh lính trơn chúng tôi ngạc nhiên nghi ngờ. Từ chỗ chúng tôi đứng chân đến Đà Nẵng theo đường chim bay cũng phải dăm chục cây số lại dày đặc đồn bốt cứ điểm của đối phương. Có giải phóng được cũng mướt xác... Ấy vậy mà lời tuyên bố ấy đã thành sự thật vào tháng ba năm 1975. Từ đấy mới nhận ra rằng mình chỉ suốt đời làm lính trơn vì không biết gì về chiến thuật, chiến lược và càng thần tượng “ông già”.

Đặc biệt “ông già” có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề biển đảo của Tổ quốc. Ngay sau khi sư đoàn giải phóng xong Đà Nẵng, ông đã đưa một tiểu đoàn của Trung đoàn 38 chuyển sang huấn luyện phối hợp với hải quân ra giải phóng Trường Sa. Ý chí kiên cường, tinh thần cảnh giác cao, biết chớp thời cơ để chiến thắng được truyền tới tất cả cán bộ chiến sĩ trong sư đoàn.

Trung đoàn trưởng Hùng trong Lính trơn đã được xây dựng với những nét tính cách hao hao “ông già” Nguyễn Chơn bởi ông không chỉ là thần tượng của cánh lính chúng tôi mà còn là thần tượng của các thế hệ cán bộ sĩ quan trong sư đoàn ngày ấy. Họ đã học tập tác phong, nếp sống chiến đấu của “ông già” trong thực hiện nhiệm vụ chỉ huy đơn vị. Vì vậy nếu đồng đội tôi cho rằng tướng Nguyễn Chơn là nguyên mẫu cũng có lí bởi những giai thoại về ông đã nằm lòng trong tôi nên những trang viết thấp thoáng hình bóng vị chỉ huy kính yêu cũng là điều dễ hiểu.

Rất mừng là đồng đội của tôi khi đọc Lính trơn họ nhận ra ngay, chỉ đích danh quê quán, tính cách thật những nhân vật trong đó dù rằng nguyên mẫu đã được đổi tên và có hư cấu thêm những hành động tính cách của người khác vào cho nhân vật tròn trịa hơn. Khi đọc những trang viết về sự hi sinh của pháo thủ số 1 tên là Lợi thì một đồng đội đã bảo ngay, nhân vật này tên thật là Lãng quê Hải Phòng chứ không phải tên là Lợi người Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Có thể nói đó cũng là sự hưởng ứng động viên những gì mà tiểu thuyết Lính trơn đã làm được với tiêu chí của tác giả nhằm ghi lại những kỉ niệm của bản thân trong nghiệp làm lính.

Thực ra tiểu thuyết Lính trơn đã được hình thành trong tâm thức tôi ngay từ những năm 2000. Rất nhiều chi tiết trong đó đã được xuất bản dưới hình thức những mẩu chuyện nhỏ kể về chiến tranh và đã được in trên các báo. Còn nhớ năm 2012, mẩu chuyện Hòa hợp dân tộc đề cập những ngày thực hiện Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, hướng tới hòa hợp hòa giải dân tộc hồi đầu năm 1973 được gửi báo Thanh niên. Một biên tập viên của báo sinh năm 1970 đã băn khoăn là sao ta và ngụy vừa đánh nhau chí tử lại có thể chung nhà hòa hợp hòa giải, ngồi nói chuyện với nhau một cách thân thiện được. Lập trường giai cấp, ý thức cảnh giác và quan điểm cách mạng có vấn đề chăng? Băn khoăn này được hỏi trực tiếp Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung lúc ấy đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Và như một sự trùng hợp ngẫu nhiên: những năm 1973 - 1975, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã cùng ăn cùng ở cùng sát cánh chiến đấu với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 31 Sư đoàn 2. Sau khi được ông khẳng định chuyện kể là có thật thì báo Thanh niên mới cho in.

Bản thân người viết cũng nhận ra Lính trơn chưa phải là tiểu thuyết “đích thực”. Có lẽ bởi tính chân thực không cường điệu, ít hư cấu. Hơn nữa do tài năng có hạn và những sự việc thật, con người thật đã lùi vào dĩ vãng hơn bốn chục năm, khi viết trong tâm trí đã mờ khuyết những cảm giác thật, những ám ảnh khi xảy ra sự việc… nên người viết chưa chuyển tải đầy đủ đến người đọc những cảm giác, những ám ảnh thực sự của ngày xưa. Nhưng bản thân tự an ủi rằng mình đã hoàn thành được công việc hằng ấp ủ đó là viết ra để nhớ, để tri ân những đồng đội đã sát cánh bên mình trong những ngày tháng mà cuộc đời một lính trơn đã trải qua.

M.T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)