Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Giữa điệp trùng biên giới, tôi đã gặp nhân vật của mình

Thứ Năm, 14/07/2022 10:54

. PHẠM VÂN ANH

 

Trong hành trình văn học của bản thân, tôi có nhiều kỉ niệm với nhiều vùng đất, con người và đặc biệt gần gũi, yêu thương, thấu hiểu quân dân nơi biên cương Tổ quốc. Đó cũng là lí do thúc giục tôi cần phải có một tác phẩm tri ân bao thế hệ đã kiên gan gắn bó với biên thùy, trải qua bao gian khó, khắc nghiệt và tai ương, giặc giã để bảo vệ cương thổ quốc gia suốt mấy ngàn năm lịch sử.

Năm 2012, trong quá trình làm phim về cột cờ Lũng Cú, tôi vỡ òa cảm xúc khi biết ở đầu kỉ nguyên trước, thái úy Lý Thường Kiệt đã dựng một cây sa mộc làm cột cờ và truyền cho đồng bào nơi cực Bắc một khẩu trống đồng để báo động khi biên cương có giặc. Trải ngàn năm, trên đỉnh núi Rồng vẫn luôn có một cây sa mộc lớn cho đến khi được thay thế bằng cột cờ như hiện nay. Tôi nảy ra ý định dùng cây sa mộc làm một hình tượng điểm tựa để kể câu chuyện của xúc cảm về biên cương Tổ quốc, trở thành mạch nguồn, nhân vật trung tâm xuyên suốt bản trường ca. Và bắt đầu từ đây, nó biểu tượng cho ý chí kiên trung của dân tộc vững vàng bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của đất nước ta.

Khi sáng tác trường ca Sa mộc, tôi có cảm giác mình đang đi trên dây, nếu không cẩn trọng, bình tĩnh và tinh tế thì có thể thất bại bất cứ lúc nào. Nhưng tôi luôn tự động viên mình rằng, đất Việt rộng dài, người Việt trung hậu chính là vỉa quặng quý để tôi “đãi thành vàng” trong mỗi tác phẩm của mình. May mắn được nhặt những hạt vàng từ vỉa quặng ấy, tôi có trách nhiệm khiến cho chúng trở lên lấp lánh và bản thân tôi sẽ tạo dựng một con đường sáng tạo mang dấu ấn riêng mình. Đã có nhiều băn khoăn về mặt thi pháp của trường ca, song tôi lựa chọn kết hợp giữa khát vọng bứt phá, cách tân trong văn chương với những cảm xúc truyền thống, cách nói, cách nghĩ bình dị, mộc mạc nhằm giúp cho độc giả vùng biên cùng đồng đội của tôi dễ dàng tiếp cận và cảm nhận tác phẩm.

Trong quá trình hình thành trường ca, tôi ý thức sâu sắc rằng không chỉ có con người mà bất kì một sự kiện, một địa danh hay một hoạt động nào cũng đều có đời sống và số phận của riêng nó. Lấy cây sa mộc làm biểu tượng trung tâm, toàn bộ câu chuyện của trường ca xoay quanh hình tượng này. Sa mộc là loài cây cùng họ với thông, phi lao, dương liễu..., lá kim, dáng thẳng, cành ngang theo từng lớp, tán cây hình chóp nón, cây to sống lâu năm cao tới gần sáu mươi mét, vỏ cây sần sùi. Loại cây này thường được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên, những nơi có biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Sa mộc có sức sống bền bỉ, dẻo dai trên các triền núi đá với thời tiết và khí hậu rất khắc nghiệt.

Hẳn là vì thế, không ít người coi loại cây này như là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và lâu bền, bất chấp phong ba, bão táp, thiên tai và cả nhân tai của dân tộc Việt nói chung và các dân tộc thiểu số sống ở vùng phên giậu của Tổ quốc nói riêng. Sa mộc chính là chứng nhân lịch sử từ thuở hồng hoang đến thời hiện đại đã cho tôi cảm xúc bật thành lời thơ ngay từ chương đầu tiên của trường ca, tạo tính biểu tượng của cây sa mộc như những thân cây độc hành xé đá sinh sôi… Không thể không liên tưởng rằng vùng đất đặc trưng trồng cây sa mộc chỉ kéo dài hơn một ngàn ba trăm cây số trên toàn bộ hơn bốn ngàn năm trăm cây số đường biên đất liền của xứ sở chúng ta, nhưng đó cũng là hơn ngàn cây số chất chứa chịu đựng nhiều nhất thăng trầm của thời hiện đại.

Nhìn cây, tôi liên tưởng đến những trang sử quật cường của dân tộc ở những miền biên viễn đã ít nhiều bị lớp bụi thời gian che mờ, làm khuất lấp và trở thành huyền tích, dã sử. Bản thân nảy ra suy nghĩ, phải chăng cùng với đá ngàn năm thì cỏ cây biên giới, nhất là những loài cổ thụ như sa mộc, chính là chứng nhân của những sự kiện đó. Và chính từ suy nghĩ “chứng nhân lịch sử” cùng cái âm hưởng “độc hành xé đá” như thế, tôi đã khai triển mạch thơ mô tả toàn tuyến biên giới đất liền, từ Bắc xuống Nam. Sa mộc cho tôi một hình dung sinh động để lựa chọn giọng kể theo phong cách hùng ca, vạch dựng cõi biên cương đầy màu sắc nhân chủng và văn hóa tộc người: một đường-biên-thùy-bằng-người, lấp lánh bao nhiêu vẻ đẹp rực rỡ của phong tục lạ thường, bao nhiêu lễ hội sơ nguyên huyền hoặc, với các huyền thoại và huyền sử.

Điều lí thú là khi tìm hiểu về loài cây sa mộc, tôi nhận ra rằng từ ngàn xưa, ở những vùng biên viễn, ở đâu có con người cư ngụ là ở đấy có loài cây này. Người Kinh nhớ sa mộc kiêu hãnh/ Người Hán gọi lãnh sam/ Giữa bản Tày, Nùng cây là máy-vạc/ Màu nhuộm co-may thắm sắc váy Dao/ Thang thuốc vị vân du thơm lời xòe Thái/ Thủy tùng, xà nu đi vào huyền thoại bazan/ Ra biển thành phi lao, dương liễu... Dù cho mỗi vùng miền, mỗi dân tộc có cách gọi tên sa mộc khác nhau, nhưng bản tính ngay thẳng và sức sống bền lâu của sa mộc thì không bao giờ thay đổi. Thậm chí, loài cây này có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như đời sống thường nhật của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cũng từ cảm hứng sa mộc mà tôi thức cảm được “khí tiết người xưa thơm hôm nay”. Và trong trí tưởng tượng, liên cảm của một người viết, tôi muốn miêu tả những bậc lá của cây là những “bậc thang trời”, như một cách ẩn dụ về những viễn tầng văn hóa, người chiến sĩ biên phòng như được tắm trong hồi quang lấp lánh của văn hóa các dân tộc miền biên ải. Trong tâm trí tôi, sa mộc không chỉ là biểu trưng cho ý chí quật cường, lòng dạ kiên trung của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống dọc miền biên ải, mà còn trở thành biểu tượng của những cột mốc sống nơi biên cương.

Ở nơi ấy có đồng bào các dân tộc luôn phải gánh chịu thiên tai khắc nghiệt và cả những vòng xoáy nhân tai bất ngờ. Họ sẵn sàng làm những điều được cho là “phá lệ”, miễn sao giữ được miền đất ngàn năm do ông bà tổ tiên để lại mà hôm nay chúng ta gọi là Tổ quốc. Đi nhiều, biết nhiều, học hỏi nhiều nên yêu thương cũng nhờ đó mà đong đầy trong tôi, để tôi có thể hiểu và cảm nhận được minh triết của con người đã từng hàng ngàn năm sống ở dải đất này cũng như là minh triết của vũ trụ vậy.

Ở khía cạnh khác, với tôi, cây sa mộc không chỉ tượng trưng cho rừng núi và các sắc dân biên thùy mà còn là tượng trưng cho người lính biên phòng, và rộng ra là tất cả những người lính đã chiến đấu hi sinh giữ gìn cương thổ quốc gia. Văn chương cho tôi cơ hội cảm nhận thấu đáo và sâu sắc đối với nhiều vấn đề, nhiều kiểu người trong xã hội, từ đó thôi thúc tôi chia sẻ nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn. Do đó, Sa mộc có đề cập đến nhiều nhân vật, nhiều câu chuyện dã sử, phong tục tập quán, văn hóa và nhấn sâu vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 xoay quanh trục lõi là loài cây.

Mượn hình tượng sa mộc, tôi mong muốn vẽ bức tranh người chiến sĩ biên phòng bằng thơ, như một điểm nhấn, một vì sao trên bầu trời biên cương của Tổ quốc. Họ là thế hệ cha anh của tôi, và cả những đồng đội của tôi hôm nay. Họ từ mọi miền đất nước cần phải “lớn vội” vì sự nghiệp bảo vệ bờ cõi non song của ông cha để lại đang chờ các anh. Với tôi, những người lính biên phòng luôn bao dung, chịu đựng, hi sinh, dũng cảm, thẳng ngay như cây sa mộc vốn trời sinh ra thế: Sa mộc ưỡn ngực trai/ Đồn xa xanh áo lính/ Mồ hôi ươm chồi biếc/ Da sạm hong mùa vàng...

Từ biên giới, tôi cảm nhận rõ nét cây và người đã hòa quyện vào nhau, gắn kết, che chở nhau qua gian khó. Trong thời chiến: Tuyết gắn huy chương ngực lá xanh/ Người lính khắc tên thân thẳng/ Sau trận đánh vùi say giấc trẻ/ Báng súng đẫm sương/ Ngón tay thức trọn đêm trên điểm hỏa/ Gửi mất còn nơi đất quê hương. Còn giữa thời bình đồng đội tôi vẫn vững vàng bước tuần tra qua nắng lửa, tuyết dày: Ai nói cỗi cằn làm tàn lụi yêu thương/ Vùng hiểm yếu sáng tình đất nước.../ Lang thang miền dã sử/ Gọi ngàn năm mây bay/ Sa mộc đêm chốt lạnh/ Thức cùng non sông này.

Một điều có ý nghĩa khác nữa là quá trình sáng tạo Sa mộc đã gợi mở cho tôi sức nghĩ, sức viết, sự tinh nhạy và nguồn cảm xúc ấm áp, thúc đẩy tôi luôn quyết tâm làm bằng được những điều mình yêu thích và điều mình tin tưởng, hướng tới mĩ cảm của cuộc sống cũng như của nghệ thuật. Đồng thời những trải nghiệm, những khoảnh khắc, cơ hội được sống cùng lịch sử, văn hóa và nhân sinh quan đầy sống động và minh triết của các dân tộc anh em đã phần nào được tôi chuyển tải qua những tác phẩm của mình. Qua trường ca, tôi muốn nhắn nhủ với mọi người rằng, hãy đến với biên cương để cảm nhận, yêu thương và thêm trân trọng yêu quý một vùng núi sông khoáng đạt với những con người đã và đang thức cùng non sông, thức vì bình yên Tổ quốc: Khắc đi là khắc đến/ Hội núi mở thong dong/ Khắc yêu thì khắc khoải/ Dặm dài non nước biên phòng.

P.V.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)