Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Nguyên mẫu lí tưởng cho nhân vật

Thứ Tư, 02/02/2022 06:36

. SƯƠNG NGUYỆT MINH
 

Trong cuộc đời viết văn, có tác giả gặp được “nguyên mẫu lí tưởng” đầm đìa số phận ở đời thực, chỉ cần kể tả lại cũng thành nhân vật truyện ngắn, tiểu thuyết hay. Thật hiếm hoi, không mấy người có cái may mắn ấy. Nhưng, với người viết có nghề, gặp mẫu nhân vật lí tưởng ở ngoài đời, bằng trực cảm và thế giới quan của mình, họ cũng sẽ “chạm khắc”, biến hóa, để nhân vật trở nên điển hình, hoặc dị biệt hẳn, đẩy nhân vật đi xa hơn, chứ không thể cứ xù xì, trần trùi trụi như truyền thần từ hiện thực.

Tôi có người chị gái lành hiền và xinh đẹp.

Chị đẹp đến nỗi tôi là đứa em trai mà cũng thấy chị đẹp nhất làng. Chị đẹp đến nỗi mỗi lần bố tôi hỏi về chuyện học hành của con gái, các thầy cô đều nói “Học lực con bác ở mức khá giỏi, bác ạ”, vậy mà phải thi đến năm thứ ba chị mới tốt nghiệp phổ thông trung học. Chị ôn thi mà giai cả vùng cứ thay nhau đến tán thì tâm trí đâu làm bài? Ôn thi mà cứ bần thần với bộ sách giáo khoa cũ có ghi tên anh X nào đó và lời đề tặng thì làm sao mà học nổi?

Chị đẹp đến nỗi trai làng tôi và các xã xung quanh không kể trưa hè nắng gắt hay đêm đông rét mướt vẫn bịa chuyện kiếm cớ để đến nhà tìm hiểu chị; đến nhà chứ không dám rủ chị ra bờ sông hay đồng cỏ chơi. Cái đẹp của chị gây khó chịu đến mức cứ mỗi lần giai lạ đến là chó nhà tôi cắn, rồi chó hàng xóm cũng hòa âm vang dậy một góc làng. Cái đẹp của chị gây phiền hà khó chịu cho tôi, bởi chị hay sai tôi nấu nước sôi để pha chè tiếp bạn. Có lần tôi ngại củi lửa trưa nắng tháng năm oi bức, có lúc mải chơi quên đun nước, đến khi khách về, bị chị cốc vào đầu đau ê ẩm. Cái đẹp của chị cũng khiến bố mẹ tôi lo âu. Chàng trai nào đến chơi tìm hiểu, bố tôi thường cho phép hai người ngồi đối diện ở bộ bàn ghế dựa kê gian bên, giữa là bộ ấm chén và cái đèn chai. Mỗi lần các bạn trai của chị về là bố tôi lại thở dài hăn hắt, lẩm bẩm một mình: “Khổ. Cứ đứng núi nọ trông núi kia”; “Khổ. Cứ kén cá chọn canh mãi”; “Khổ…” Cái điệp khúc than vắn thở dài của bố và cả mẹ tôi nữa cứ vang lên là bởi 21, 22 tuổi rồi mà chị chưa chịu lấy chồng. Thời ấy, con gái làng tôi tầm tuổi đó chưa làm dâu nhà người thì coi như ế chỏng ế chơ. Mặc, chị cứ sống nhởn nhơ. Chị hoạt động thanh niên, giữ chân thường vụ xã đoàn gì đó. Công việc tất bật, phong trào sôi động, nhưng đôi mắt chị lúc nào cũng buồn vời vợi, có lúc thẫn thờ nhìn về phương Nam xa xôi.

Cho đến một lần bộ đội về làng tôi đóng quân. Chị tôi phải lòng một anh bộ đội lúc nào chẳng biết. Dạo ấy, tôi không cắt nghĩa được tại sao chị không yêu một trong hai anh bộ đội trẻ đẹp trai ở trong nhà tôi, mà lại yêu cái anh bộ đội nhiều tuổi hơn, mồm miệng như tép nhảy, cứ tối tối đọc báo Quân đội nhân dân ở sân kho hợp tác xã cho đơn vị nghe.

Rồi, một ngày nhà tôi có khách. Khách từ chân núi Tam Điệp mang theo một chai rượu cuốc lủi sủi tăm. Mẹ tôi bảo, bố anh bộ đội đến… chơi nhà. Hôm ấy, anh luôn cười vui rạng rỡ, nhưng chân tay thì lóng ngóng, vụng về. Chị tôi thì bẽn lẽn.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói về chị tôi và anh bộ đội, giai khôn dựng vợ gái lớn gả chồng, nếu cứ tuần tự sau chơi nhà là ăn hỏi, nạp tài và… cưới, nhưng ngay cái hôm bỏ trầu ăn hỏi thì… động giời. Chả là có anh bộ đội, dù báo tử đã ba năm, bỗng dưng lù lù trở về, đúng lúc chị tôi sắp đi lấy chồng. Anh ấy định không về nhà ngay, mà về thẳng nhà tôi. Cũng rất may, mới đến đầu làng thì bạn chị đang cấy ở dưới đồng nhận ra anh bạn cũ đeo ba lô bạc màu buộc toòng teng con búp bê tóc vàng sau túi cóc. Bạn chị tôi vội vã bỏ dảnh mạ lội ùm ùm lên đường, rồi lại vội vã đưa anh về thẳng nhà mình, tránh một cuộc đối đầu đột ngột giữa hai chàng cùng sắc phục nhà binh. Lúc này, mọi người mới biết chị tôi có một anh người yêu cũ. Thông tin anh người yêu cũ trở về và đang tạm lánh ở nhà bạn gái chị tôi đã kịp truyền đến bạn bè, và dĩ nhiên cũng đồn vang khắp làng. Người ta thì thầm, hỏi nhau, đoán định về việc anh bộ đội nào sẽ ở lại, anh bộ đội nào ra đi, và chị tôi yêu ai hơn, sẽ chọn người nào... Xem ra, nhiều người thương anh người yêu cũ đã báo tử lại trở về hơn, và xót xa anh người yêu mới vừa dạm hỏi chị tôi hơn. Cha mẹ tôi thì im lặng, chờ đợi, chưa biết xử lí thế nào và dĩ nhiên chị tôi cũng chẳng biết ứng xử ra sao. Cả ba người, chẳng ai có lỗi, tất cả đều đáng thương, đáng chia sẻ, đồng cảm.

Đêm hôm đó, tôi ngủ được một giấc sâu bỗng thức dậy. Tôi dỏng tai nghe những tiếng rì rầm, những tiếng được tiếng mất, và tiếng khóc thỉnh thoảng rộ lên. Trong trí khôn non nớt của thằng con trai mới lớn, tôi vẫn nhận ra anh người yêu mới và chị tôi đang nói chuyện với nhau. Anh chị ngồi ở cái chân cối xay lúa đầu hè, thức suốt đêm nói chuyện. Còn anh bộ đội kia ở cách nhà tôi vài trăm mét, chắc cũng thức trắng đêm.

Hôm sau, có một cuộc gặp gỡ buồn bã, nhã nhặn giữa hai anh bộ đội. Anh nào cũng đã từng vào sống ra chết trong mịt mù đạn bom. Anh nào cũng yêu chị tôi da diết, sâu nặng. Nhưng, cuối cùng một anh phải ra đi, là… anh người yêu cũ bị thương, đã báo tử nhầm. Anh ấy đi là bởi chị tôi không có lỗi, chị tôi đã chờ đợi tận ba năm, và bố anh ấy thương chị tôi nên cũng nhiều lần khuyên chị đi lấy chồng. Anh ấy đi là bởi chị tôi gần như “ván đã đóng thuyền”. Ở làng quê tôi ngày ấy, “ăn hỏi” là có thắp hương báo cáo tổ tiên, có trầu cau đi báo cáo với ông bà chú bác cô dì…; ăn hỏi xong thì nghiễm nhiên thành con nhà người. Trước khi khoác ba lô lên vai, anh ấy còn bảo anh rể tương lai của tôi rằng: “Vì ông là đồng đội, là lính đã đánh nhau ở chiến trường, tôi mới chịu nhường, chứ ông thử là anh bác sĩ dân y, hay anh giáo trường huyện xem, tôi không chịu ra về tay trắng đâu.” Bước đi được mấy bước, trước khi đi hẳn, anh ấy còn quay lại nói với anh rể tương lai của tôi: “Sau này, ông mà đánh vợ, hắt hủi vợ, thì tôi không tha cho ông đâu.”

Về sau, chị bạn của chị tôi kể, cũng có một cuộc chị tôi và anh người yêu cũ gặp nhau. Anh người yêu cũ bảo chị tôi rằng: “Tất cả đều do chiến tranh thôi. Mọi sự đã thế rồi. Cố mà sống với nhau cho vuông tròn.”

Câu chuyện tình éo le rắc rối trong chiến tranh của chị tôi cứ ám ảnh tôi mãi, theo tôi vào quân ngũ, về cả những đêm dài không ngủ, đến cả lúc gieo neo hay khi no đủ. Từ câu chuyện này có thể dựng một truyện ngắn không khó, chỉ cần đặt vào một không gian nghệ thuật, chỉ cần đưa tâm lí nhân vật và lời thoại vào. Còn để ra được một truyện ngắn của người viết có nghề cũng chẳng khó, chỉ cần thêm mắm thêm muối, thuật ngữ chuyên môn gọi là hư cấu: để ông chồng đưa con trai đi xin việc bất ngờ gặp đúng ông giám đốc thương binh, từng là người yêu cũ của vợ mình, và hồi tưởng; hoặc cho hai đứa con của họ yêu nhau, rồi câu chuyện diễn ra…

Vậy mà, tôi đã ngồi vào bàn viết nhiều lần, nhưng lần nào cũng bất lực. Bất lực là bởi mỗi lần khua bút lại thấy câu chuyện như đã đọc ở đâu đâu ấy rồi. Hóa ra, mô-típ chuyện anh lính từ nơi khói lửa đạn bom trở về nhà thì người yêu đi lấy chồng, đi yêu người khác, hoặc người vợ lỡ chửa hoang... rất phổ biến thời hậu chiến, có thể tìm đọc không khó trên tạp chí Văn nghệ Quân Đội, báo Văn nghệ những năm 1976 - 1978. Tôi cứ loay hoay vượt qua cái rào cản như bê tông chắn lối này.

Thế rồi, một ngày đẹp trời, tôi chợt nhớ đến chị thanh niên xung phong chơi với chị gái trên tôi hai chị. Chị mồ côi cha mẹ, bố tôi thương chị nhận làm con nuôi, dĩ nhiên tôi gọi chị là chị nuôi. Chị như một người con, “đi về” nhà tôi từ bấy đến nay. Cả tuổi trẻ của chị ở Trường Sơn bom đạn. Chị nuôi được về tranh thủ đúng lúc chị gái tôi sắp cưới. Chị nuôi hơi gầy, nước da mai mái vì bị sốt rét rừng. Chị cho tôi cái quần quân phục màu lá cây. Dạo ấy còn chiến tranh và bao cấp, cả miền Bắc đói nghèo trong rơm rạ. Mẹ tôi đem cái quần nữ binh đến thợ may làng sửa lại đũng cho tôi mặc. Con trai mới lớn ngộc nghệch cứ thế mặc, dù có đứa ê tôi mặc quần con gái, ngượng nghịu một chút rồi cũng qua đi… Kỉ niệm cũ về chị nuôi thanh niên xung phong cứ rộn ràng trở lại. Cho đến một khoảnh khắc bỗng chốc chớp lóe trong đầu tôi: “Sao không cho chị là quân y sĩ Trường Sơn trở về làng vào truyện ngắn nhỉ? Về đúng lúc người yêu của chị đi lấy vợ nhỉ?” Ra rồi. Khác rồi. Khác tất cả những cái từng đọc rồi... Nhưng phải đến hôm sau, tôi đi xe bus từ nhà đến tòa soạn làm việc, hàng ghế trước có hai chị nạ dòng nói chuyện râm ran, trong câu chuyện của họ có nhắc đến… sông Châu. Sông Châu? Có một cái gì đó vang vọng trong đầu tôi, đưa tôi đến một không gian sông nước nguyên sơ huyền diệu, mênh mang, và tôi chợt nhớ đến con sông quê nhà.

Nhưng mọi sự diễn ra ở cái bến sông Châu trong truyện ngắn không hẳn giống y hệt hai chị tôi và người quê tôi sau chiến tranh. Hiện thực là anh người yêu cũ đã báo tử trở về nhà, bị thương nhưng hai chân còn lành lặn. Còn trong truyện là dì Mây cũng đã báo tử, trở về bến sông, chỉ còn một cái chân. Ngoài đời, anh ấy trở về đúng hôm nhà trai đến bỏ trầu ăn hỏi ở nhà người yêu. Còn trong truyện là “ngày dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ”…

Nhà văn Ma Văn Kháng đã từng viết rằng: “Nguyên mẫu nào cũng phải trải qua một quá trình nhào nặn không đơn giản trong trí não và ngôn ngữ của nhà văn thì mới có cơ trở thành một thực thể văn chương, hài hòa trong hệ thống hình tượng của tác phẩm. Để sau cùng, ở trang sách in, so với đầu vào có khi nguyên mẫu chỉ còn là một điểm xuất phát, một gợi mở, một ý niệm sơ khởi, với đôi ba nét nhang nhác, hoặc khá lắm là một kẻ vừa lạ vừa quen. Không có gì phải băn khoăn cả! Tất cả phải phục tùng ý đồ của nghệ thuật.”

Truyện ngắn Người ở bến sông Châu hình thành bắt đầu từ nhân vật hai người chị của tôi không phải là trường hợp “nguyên mẫu chỉ còn là một điểm xuất phát, một gợi mở, một ý niệm sơ khởi, với đôi ba nét nhang nhác”. Có lẽ nhân vật trong truyện ngắn này “là một kẻ vừa lạ vừa quen” thì đúng hơn: nhân vật không quá xa, mà cũng chẳng quá gần với nguyên mẫu. Nhưng, nếu thế thì vẫn là chuyện thông thường, chẳng có gì đặc sắc, khác lạ. Cái chớp sáng của Người ở bến sông Châu, tôi nghĩ là nằm ở chỗ “ngày dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ”, chứ không phải “anh Mây” khoác ba lô về nhà, “chị San” đi lấy chồng. Điều này, chính nhà văn Khuất Quang Thụy đã nói hộ tôi trong bài viết Cuộc hành trình không bờ bến trên báo Văn nghệ:

“Đây là một câu chuyện hơi khác với những điều thông thường mà chúng ta vẫn đọc được trong các tác phẩm văn học trong nước từ trước đến nay khi viết về những cuộc trở về của người lính sau chiến tranh. Mô-típ quen thuộc ta vẫn gặp là một người lính sau khi đã vượt qua bom đạn và cái chết trở về thì người con gái mà anh ta yêu hay người vợ mà gia đình vội vàng cưới cho trước khi ra trận... không còn giữ được sự thủy chung, hoặc ngoại tình, hoặc đi lấy chồng khác, hoặc khá hơn là không chết người trai khói lửa/ mà chết người gái nhỏ hậu phương... Còn Người ở bến sông Châu thì khác, người từ chiến hào trở về là một cô gái, còn người ở lại bến sông Châu lại là một người con trai. Và, ngay trong câu đầu tiên của thiên truyện “Ngày dì Mây khoác ba lô trở về làng, chú San đi lấy vợ”, vấn đề không phải ở chỗ có sự đổi vai trò, đổi giới tính của người ra đi và người ở lại, mà vấn đề ở chỗ đây cũng là một nét hiện thực độc đáo của chiến tranh Việt Nam, nhưng chưa được, hoặc ít được người ta chú ý tới.”

Vâng, cái hiện thực độc đáo của chiến tranh Việt Nam là đây. Tôi đã mất quá nhiều thời gian, cứ loay hoay mãi trước bức rào cản anh lính trở về, người yêu đi lấy chồng hoặc người vợ ngoại tình, mãi rồi mới vượt qua để tiếp cận cái hiện thực những người con gái Việt Nam ra trận đã mất mát, trở về cũng mất mát, hai lần mất mát.

S.N.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)