Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Nhân vật CIA trong tác phẩm của tôi

Thứ Tư, 21/12/2022 08:27

. THÁI CHÍ THANH
 

Tôi vẫn nghĩ, đã là văn chương thì đều chưng cất lên từ cuộc sống, dẫu đó là thể loại viễn tưởng, cổ tích hay ngụ ngôn, đồng thoại... Thể loại kí và nhất là phóng sự thì càng sát với cuộc sống, với nhân vật, sự kiện nó phản ánh, như nhiều người đã nói, nó phải mang được hơi thở, sức nóng của cuộc sống. Qua lăng kính của người viết, nhân vật ngoài đời vào trang văn như thế nào, bao nhiêu phần trăm là thật, bao nhiêu phần trăm là hư cấu? Thực ra, điều đó cũng không có gì quan trọng, bởi có người viết chuyện thật ngoài đời mà cứ như viết giả, bởi gắn cho nhân vật những chuyện đã từng xảy ra khắp đó đây thiếu logic; trái lại có người viết giả mà vẫn như thật, bởi biết đưa vào trang văn những cái nhân vật không có nhưng phù hợp và nhuần nhuyễn. Cái đó hoàn toàn lệ thuộc vào người viết, nhưng dù hư cấu hay viết dựa trên nguyên mẫu thì cũng phải từ tích lũy vốn sống và nghệ thuật của nhà văn.

Tôi may mắn có nhiều năm ở nước ngoài, trong đó có Mĩ với nhiệm kì 5 năm của cán bộ ngoại giao. Tại đây, tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc, thậm chí kết bạn rất thân với nhiều người, ta có, Tây có. Trong số ấy, có một người bạn rất đặc biệt, một cựu sĩ quan tình báo CIA, người mà tôi lấy làm nguyên mẫu nhân vật cho truyện kí Người đóng quan tài.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp nguyên mẫu nhân vật của mình tại buổi lễ kỉ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mĩ tại Washington (1995 - 2010). Khi ra tiền sảnh để hút thuốc, tôi thấy một người Mĩ đã luống tuổi gật đầu chào tôi, vẻ thân thiện. Bất chợt, ông ta hỏi tôi quê ở đâu bằng tiếng Việt rất sõi, làm tôi rất đỗi ngạc nhiên. Chẳng để tôi trả lời, ông lại khẳng định luôn: “Anh không phải người Sài Gòn, lại càng không phải người Hà Nội, nếu không lầm thì anh là dân miền Trung.”

Tôi không thể nào tin nổi một người Mĩ lại sành tiếng Việt như vậy. Tôi gật đầu công nhận rồi hỏi: “Chắc trước đây anh tham gia chiến tranh ở Việt Nam?” Ông gật đầu, hỏi lại: “Và anh cũng từng là bộ đội giải phóng chứ? Thế hệ anh khó ai thoát khỏi chiến tranh lắm.” Khi ông hỏi tôi thuộc sư đoàn nào rồi kể vanh vách những trận đánh lớn của sư tôi thì tôi quá kinh ngạc, hỏi ông làm gì trong cuộc chiến ở Việt Nam mà rành như ma quỷ vậy. Ông bảo tôi đoán xem. Tôi lắc đầu làm ông bật cười sảng khoái: “Anh không đoán được đâu, tôi là trùm xịa (CIA) đấy... Có - kinh - không?”

Quá “kinh” ấy chứ. Không thể ngờ được! Viên sĩ quan tình báo CIA và chiến sĩ Việt cộng một thời không đội trời chung, bây giờ lại dự lễ kỉ niệm ngày quan hệ ngoại giao của hai nước ngay trên thủ đô nước Mĩ. Thời chiến tranh có giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng khó ai nghĩ đến chuyện này.

Khi chia tay, ông bảo tên ông là Sedgwick Tourison, nhưng cứ gọi tên Việt Nam của ông là Tùng cho dễ. Khi đó, tôi cũng chưa có ý định viết gì về người cựu CIA này, chỉ thấy hay hay vì ông rất cởi mở và hóm hỉnh. Sau đó, tôi cùng vợ lên thăm gia đình ông theo lời mời. Đúng như tôi dự đoán, vợ ông là người Việt, chị Bình, một phụ nữ đã luống tuổi nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp Á Đông rất đằm thắm. Khi chị hỏi vợ tôi đi đường có mệt không, vợ tôi trả lời là chỉ hơn chăm mai (mile) không mệt. Lập tức, ông khẳng định ngay, em gái là người Hà Nội gốc. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông cười, giải thích: Vì giọng Hà Nội âm nhẹ và êm nhưng không chuẩn lắm, như là một trăm mai, em lại bảo là một chăm mai. Còn ông chồng em, người miền Trung, nói rất nặng nhưng mà đúng.

Tôi không hiểu sự chuẩn xác đến đâu, nhưng thực sự cảm phục sự hiểu biết ngôn ngữ Việt của ông. Sau lần đó, một bài viết về người sĩ quan CIA đã manh nha trong đầu tôi, nhưng viết như thế nào, bắt đầu từ đâu thì phải chờ đến buổi trả lời phỏng vấn của ông với đại diện Đài Truyền hình Việt Nam ở Mĩ mới khẳng định.

Hôm đó, Đỗ Đức Hoàng cùng nhóm truyền hình lên phỏng vấn ông tại nhà riêng. Phải công nhận là máu CIA đã ăn sâu trong ông. Trước máy ghi hình, ông trả lời thật đĩnh đạc, nhất là những câu hỏi về trách nhiệm của nước Mĩ với hậu quả chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là với nạn nhân nhiễm chất độc da cam, ông nói như được lập trình sẵn, rất hào hùng và đầy bức xúc phê phán chính phủ Mĩ thiếu trách nhiệm và không nhân đạo. Ông và vợ con ông đã, đang và sẽ làm tất cả những gì có thể để đòi lại công lí cho Việt Nam, đời ông chưa được thì con cháu ông sẽ tiếp tục. Nhưng khi hỏi suy nghĩ của ông về thất bại của Mĩ trong cuộc chiến ở Việt Nam, ông lại do dự rồi xin nghỉ để hút thuốc. Tôi biết là ông rất tỉnh, dùng kế hoãn binh để suy nghĩ thấu đáo trước khi trả lời một câu hỏi khó.

Khi đoàn nhà báo ra về , tôi ở lại lai rai cùng ông. Tôi đùa, bảo muốn phỏng vấn nhanh ngài cựu CIA:

- Ấn tượng đẹp nhất về đất nước tôi?

- Là vợ tôi. Không chỉ là ấn tượng mà đó là món quà đẹp nhất của Việt Nam tặng tôi.

- Ấn tượng xấu nhất thời chiến tranh Việt Nam, thưa ông?

- Là hồi mới yêu bà Bình nhà này, lần nào đến nhà, tôi cũng phải chạy qua một quán thịt chó gia truyền, trước quầy treo lủng lẳng mấy cái đầu bị thui, nhe răng như cười với tôi, kinh đến bây giờ.

Chúng tôi cùng cười. Biết được vợ chồng ông nên duyên từ ngày ông còn là CIA ở Việt Nam, hạnh phúc đến bây giờ hẳn là vượt qua rất nhiều sóng gió và không thiếu những chuyện li kì, tôi muốn “khai thác” thêm. Cũng hôm đó, khi ông mời tôi xem kho của báu, gồm toàn đồ cổ khắp thế giới được sưu tập về đấy, đẹp và giá trị vô cùng, tôi xem kĩ và hỏi: “Quá tuyệt vời. Nhưng sao không thấy một cái nào từ Việt Nam nhỉ?” Ông bỗng cười phá lên, rồi gọi to: “Bà Bình ơi! Xuống đây để tôi giới thiệu đồ cổ từ Việt Nam này!” Nhân đang vui, ông lại kể cho tôi nghe về chuyện tình của mình. Quả là ít có câu chuyện tình xuyên biên giới nào li kì hơn thế. Sau khi gia nhập đội quân tình báo CIA, ông được đào tạo tiếng Việt tại Mĩ và sang Nam Việt Nam. Vừa chân ướt chân ráo đến Việt Nam, người sĩ quan tình báo đầy triển vọng ấy trúng ngay “tiếng sét ái tình” với một cô gái bản xứ đẹp đến “mê hồn” mà theo ông thì không sắt đá, thánh thần nào chịu được. Dù cô Bình khi ấy chưa biết ông là CIA, và dù ông rất đẹp trai, lãng tử nhưng cũng như nhiều người Việt khác, cô rất căm ghét những người “mũi lõ mắt xanh”. Kệ! Ông bị cuốn vào chuyện tình, cho đến khi chiếm được trái tim của Bình thì gia đình cô lại phản đối rất “khủng khiếp”, và rắc rối nhất là thượng cấp của ông cũng biết chuyện. Với mỗi sĩ quan tình báo, việc cưới một người đang thuộc đất nước “thù địch” khi ấy là điều không được phép. Đó là những ngày tháng cơ cực nhất nhưng cũng là hạnh phúc nhất của đời ông. Khi biết ông là CIA, biết ông chấp nhận về nước, chịu án binh để bảo vệ mối tình của mình, cũng là lúc trái tim người con gái ông theo đuổi đã “tan chảy”. “Nàng” đã hoàn toàn thuộc về ông, chấp nhận tất cả thử thách, chờ đợi ông dù chưa biết bao giờ mới gặp lại vì hoàn cảnh chiến tranh ngày một khốc liệt. Thuật lại chuyện xưa, ông cười nói: “Cả nước Mĩ và nước Việt đều không thắng nổi con quỷ ái tình của chúng tôi!”

Từ những chuyện có thật như vậy, lại biết hai người có máu phiêu lưu, tôi phải thêm những chi tiết cho truyện tình của họ thêm sống động, chẳng hạn như ông “lừa nàng” gặp gỡ tình cờ ở bãi biển Vũng Tàu, rồi cũng lây từ nàng mà mê nhạc Trịnh, mê những sở thích của người bản xứ... Tất nhiên các chi tiết hư cấu không đi quá xa, và vẫn xoay quanh con người vừa tinh quái, liều lĩnh vừa cháy hết mình cho tình yêu của Sedgwick Tourison. Còn với chị Bình thì các chi tiết hư cấu phải mang vẻ bình dị, thầm kín nhưng chứa bên trong là một cô gái đất Việt rất thủy chung và quyết liệt như vốn dĩ ở chị.

Một lần, khi hai chúng tôi đang ôn lại những kỉ niệm thời lính, ông kể sau 3 năm án kỉ luật, ông lại sang chiến trường Đông Dương, lúc đầu ở Campuchia, sau là Lào, rồi lại về Sài Gòn, vừa trực tiếp khai thác tù binh Việt cộng vừa trực tiếp huấn luyện, tổ chức tung các toán biệt kích ra Bắc làm đội quân ngầm chỉ điểm cho chiến tranh phá hoại hậu phương.

Tôi bắt đầu khai thác những câu chuyện ông tham gia hỏi cung Việt cộng. Ông không nhớ đã hỏi cung bao nhiêu người, nhưng ấn tượng để lại cho ông là sự kính nể những người tù binh ngoan cường, kiên định, sẵn sàng chịu chết chứ không làm tổn hại cho đồng đội, cho đất nước. Ông là một viên tình báo CIA có hạng, thế mà có lần kinh hãi trước sự chịu đựng của một tù binh Việt cộng bị bắt khi đi trinh sát cho một chiến dịch lớn. Ông dùng đủ mánh lưới, dụ dỗ mua chuộc, dùng cật nứa tra tấn, rồi đem cái chết ra dọa... đều không hiệu quả. Ông còn là viên sĩ quan trực tiếp huấn luyện và tổ chức các toán gián điệp biệt kích tung vào hậu phương miền Bắc để phá hoại mà chưa một lần thành công. Ông tặng tôi tập sách Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật dày hơn 400 trang dành 10 năm để hoàn thành. Tôi về đọc kĩ và sau đó đề nghị ông kể thật chi tiết một “vụ biệt kích” ấn tượng nhất. Đó là vụ biệt kích thả sát biên giới Lào và miền Trung Việt Nam, đích thân ông trực tiếp thị sát. Ông kể nhiều nhưng có chi tiết con chó hoang bị mấy đồng nghiệp người bản xứ lừa giết thịt, làm ông vô cùng giận dữ. Chuyện có vậy, nhưng trong truyện kí của mình, tôi nối kết với hình ảnh “cái đầu chó thui lủng lẳng như cười với ông”. Và việc ông tra tấn người tù binh bằng cật nứa được kết nối với câu ngạn ngữ “Liếm như chó liếm máu”: con chó hoang rất tinh khôn bị nhóm biệt kích lừa, cắm cật nứa vào dưới lá chuối bôi mỡ cho chó hoang liếm... tạo nên sự ám ảnh và cảnh báo nhân quả cho những việc ông làm, cũng như toàn cuộc chiến.

Có lần, tôi hỏi vui, anh đẹp trai, lãng tử hẳn là nhiều phụ nữ theo đuổi, nhưng sao lại chung thuỷ với một mối tình. Ông cười, bảo tôi nhầm to, ông là kẻ đa tình, chỉ có điều không hiểu sao cái số ông lại chỉ yêu sâu sắc phụ nữ Việt Nam. Rồi ông như dốc bầu tâm sự với tôi về một mối tình khác cũng đầy phiêu lưu và cảm động.

Đó chuyện tình đơn phương của ông với một phóng viên TTX Việt Nam khi sang công tác ở Mĩ. Cô đã phối hợp với ông dịch một số tác phẩm tiếng Anh sang tiếng Việt. Theo lời ông kể thì đó là một người phụ nữ giỏi giang xinh đẹp, tuy không trẻ nữa nhưng quyến rũ, luôn tỏa ra một thứ duyên ngầm hút hồn. Tôi hỏi, chị nhà có biết không. Ông cười, biết thì có biết vì vợ tôi và “nàng” rất quý nhau, nhưng làm sao vợ tôi biết được những gì cháy trong tim tôi. Kể cả khi “nàng” đã về nước, chúng tôi vẫn gửi bưu thiếp sinh nhật, ngày lễ cho nhau... Điều này ông có nhầm lẫn gì chăng, tôi cứ thắc mắc khi chứng kiến một chuyện cảm động. Ông bị ung thư, khi phát hiện ra thì đã vô phương cứu chữa. Vợ chồng tôi đến thăm ông, thật bất ngờ, gặp cả cô gái phóng viên TTX “của ông” ở đấy.

Thì ra, chị Bình cho biết, thời gian sống của chồng chị không còn nhiều, nên chị muốn làm những gì có thể cho ông. Chị biết ông rất yêu quý chị Loan - cô phóng viên TTX Việt Nam, và để ông ra đi được toại nguyện, chị đã liên lạc báo tin và mời chị sang thăm ông lần cuối. Sáng hôm ấy, trước khi ra sân bay đón Loan mới cho ông biết tin, ông vui và cảm động lắm. Nghe chuyện, tôi bật khóc. Không chỉ khóc mừng cho ông bạn tôi được gặp lại điều ao ước trước khi chia tay cõi đời, mà còn vì quá xúc động trước tấm lòng cao thượng và nhân văn của một người con gái Việt Nam sống gần trọn đời trên đất Mĩ.

Đó là chuyện đã xảy ra, nhưng trong truyện kí của mình, chắp nối qua những lần ông từng đến Việt Nam, tôi phải viết thêm mối tình đó nảy nở từ ngày ông giả danh nhà báo tham gia trong lần trao trả tù binh ở cầu Thạch Hãn năm 1973, rồi năm 1990, ông có mặt trong đoàn người Mĩ đến đàm phán về việc trao trả hài cốt và tìm người mất tích trong chiến tranh…

Vĩnh biệt một người bạn đã từng là kẻ thù làm cho tâm trạng tôi ngổn ngang trăm mối, nhưng bao trùm lên là buồn. Cũng hôm ấy, Sedgwick Tourison kịp trao gửi tôi một tập bản thảo viết dở. Về nhà tôi lấy ra đọc. Truyện viết về một làng quê ở Hà Tĩnh trong những năm chiến tranh phá hoại của không quân Mĩ. Gia đình nọ làm nghề đóng quan tài, khi người trong làng có người chết thì gia đình ấy lại có thu nhập. Trong chiến tranh, gia đình ấy phát đạt vì rất nhiều người chết do bom đạn, đến nỗi có lúc không thể đóng quan tài kịp. Rồi gỗ cũng hiếm dần, cho đến một ngày nọ, vợ con của ông chủ gia đình ấy cũng bị chết bom, ông phải lấy cả tủ, cả cánh cửa nhà để đóng. Rồi buồn thay, một ngày nọ, khi ông cũng bị chết bom thì không ai đóng quan tài cho ông cả.

Khiếp quá, tôi buồn đến rợn người khi hồi ức về cuộc chiến tranh mà mình từng tham gia lại ập đến. Chợt có dòng viết bằng bút bi cuối bản thảo: “Anh có thể viết cái kết giúp tôi được không, vì tôi không sao viết được.” Bản thảo viết bằng bút bi xanh, gạch xóa, viết chèn rất nhiều chỗ... Ông đã đau nỗi đau tận cùng của người Việt trong chiến tranh do Mĩ gây ra, mà ông là một trong những người lính Mĩ thời đó, rồi cũng bị chính chất độc da cam mà quân Mĩ sử dụng ở Việt Nam kết thúc cuộc đời. Ông đã gửi gắm, đã viết bằng những gì có thể sau cuộc chiến. Nhưng sẽ chẳng bao giờ thành công cả, bởi đoạn kết tôi cũng không thể chắp bút được, và hẳn nhiều thế hệ sau cũng không làm được. Nhưng tôi xin được lấy cái tên truyện dang dở của ông để làm tiêu đề cho một truyện kí viết về ông.

Truyện kí Người đóng quan tài ra đời như thế. Cốt truyện là người thật, việc thật, bản thân câu chuyện vốn đã li kì, nên tôi không phải hư cấu nhiều, chỉ thêm ít chi tiết cho hấp dẫn và đổi tên một số nhân vật vì liên quan đến người thân của họ.

T.C.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)