. LƯƠNG LIỄM
Tôi là một người lính từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và chống quân Trung Quốc xâm lược ở dọc tuyến biên giới phía Bắc. Trong quá trình tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tôi đã được tăng cường hoặc bổ sung qua hàng chục đơn vị khác nhau. Từ đơn vị bộ binh, đặc công, trinh sát đến các đơn vị xe tăng, pháo cao xạ 14 li 5 và 37 li... Cũng có thời điểm tôi ở đơn vị mở đường, gùi gạo, gùi đạn tiếp tế cho các đơn vị chủ lực đang chiến đấu với quân Mĩ - ngụy ở vùng trọng điểm. Mỗi đơn vị đọng lại trong tôi một vài kí ức nho nhỏ. Mỗi đơn vị mang một sắc thái đặc thù riêng, chẳng đơn vị nào giống đơn vị nào. Và chính được kinh qua nhiều đơn vị như vậy đã mang đến cho tôi nhiều kinh nghiệm sống, nhiều kỉ niệm đẹp về anh em đồng đội cùng chung sống và chiến đấu, phục vụ chiến đấu ngoài mặt trận. Tôi cùng vui với những chiến công, những thành tích mà đơn vị đạt được, cùng buồn vì những mất mát, hi sinh của đơn vị, của anh em đồng đội qua mỗi kì chiến dịch. Đặc biệt là tôi được trực tiếp chứng kiến, trực tiếp nghe những câu chuyện rất đời thường anh em đồng đội kể lại. Có những câu chuyện rất vui, rất tếu, có bi, có hùng. Mới nghe tưởng như tếu như bịa nhưng đó lại là những câu chuyện rất thật. Tất cả đều là những gợi ý, tư liệu quý giá cho việc viết lách của tôi sau này.
Có lẽ trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là tiểu thuyết, không thể thiếu được những nhân vật chủ đạo xuyên suốt, được hình thành từ nguyên mẫu ngoài đời thực. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các nhân vật đều có một nguyên mẫu xuyên suốt mà có thể có nhiều nguyên mẫu cho một nhân vật cụ thể nào đó. Đối với những nhà văn chuyên nghiệp, có tài, họ có thể dựa vào nguyên mẫu có thật ngoài đời để sáng tạo ra nhân vật cốt lõi của tác phẩm, nhưng cũng có thể họ dùng trí tưởng tượng, hư cấu một cách logic để tạo ra những nhân vật sống động theo ý muốn của họ. Là một người lính trở về với đời thường sau những năm tháng phục vụ trong quân đội, tôi vốn không quen với việc viết lách. Tôi cầm bút tập tọe viết với mục đích rèn luyện cho trí não chậm lại sự lão hóa và già nua theo tuổi tác. Và cũng là mong muốn ghi chép lại những mẩu chuyện có thật của anh em đồng đội đã cùng tôi tham gia công tác và chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên - Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1968 - 1972. Nếu hỏi trong Chuyện tình lính trận của tôi có hư cấu không, xin trả lời là có, nhưng không nhiều. Những câu chuyện trong tiểu thuyết này là những câu chuyện có thật của anh em đồng đội được họ kể ra gần như nguyên vẹn mà tôi đã được nghe, được chứng kiến và cả chiêm nghiệm theo năm tháng cuộc đời. Bởi vậy một số nhân vật trong tiểu thuyết Chuyện tình lính trận đều bắt nguồn từ những nguyên mẫu có thật ngoài đời; những nguyên mẫu đó đã được cắt ghép để tạo thành những nhân vật xuyên suốt từ đầu đến cuối cuốn sách.
Nhân vật Quang được tôi lấy cảm hứng từ anh Nguyễn Văn Đích, chiến sĩ Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64 Sư đoàn 320. Anh Đích là chiến sĩ bộ binh đã từng tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân (1968). Gia đình anh ở quê chỉ còn bố mẹ già, tuổi cao sức yếu không người chăm sóc. Bố mẹ anh biết được con trai mình trước khi đi bộ đội có cảm tình với một cô gái, là bạn học cùng trường phổ thông. Ông bà đã sang đặt vấn đề với gia đình cô gái và được cô gái và gia đình chấp thuận. Bố mẹ anh đã cưới vợ cho anh khi anh đang… biệt tăm ở chiến trường. Khi mọi chuyện xong xuôi, hai cụ mới gửi thư và ảnh của vợ vào chiến trường cho anh. Nhận được ảnh vợ, anh đem khoe khắp đơn vị. Chuyện tình đẹp như cổ tích ấy gây ấn tượng rất đậm nét trong tôi nên khi xây dựng nhân vật Quang tôi nghĩ ngay đến anh Đích.
Nhân vật chính Nguyễn Thanh Phương được tôi xây dựng từ cuộc đời của nhiều nguyên mẫu khác nhau, mỗi người một chút. Sự cương quyết không chịu ra Bắc báo công của nhân vật Phương có “sự tích” từ anh Nguyễn Huy Công, một cán bộ cấp trung đội gan dạ, mưu trí. Từ một chiến sĩ mới được bổ sung về Tiểu đoàn 5 trực thuộc Bộ Tham mưu Quân khu Thừa Thiên Huế, chỉ qua vài trận chiến đấu với quân địch ở khu vực Truồi, Nam Đông - Khe Tre và Bạch Mã, anh đã được cấp trên đề bạt cất nhắc từ chiến sĩ lên làm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng rồi được cử đi đào tạo lớp cán bộ đại đội. Tuy nhiên anh đã kiên quyết xin được ở lại đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu cùng anh em đồng đội với lí lẽ rất đơn giản nhưng đầy tính thuyết phục: “Tôi xung phong vào chiến trường là để được trực tiếp chiến đấu với quân địch. Nhiệm vụ chiến đấu chưa hoàn thành, tôi chưa thể rời đơn vị trong lúc này.”
Mối tình của Phương và nữ bác sĩ Bích La trong chuyến hành trình trở lại chiến trường được gợi cảm hứng từ chính chuyến đi của tôi và hai người đồng đội. Vào đầu năm 1972, tôi và một nhóm cán bộ 8 anh em đang dự lớp tập huấn thì được lệnh trở lại chiến trường gấp. Trên đường, chúng tôi đi cùng với đoàn cán bộ dân chính. Suốt chặng đường hành quân từ Bắc vào Nam, đoàn cán bộ quân đội và dân chính đã hòa thành một đoàn quân ra trận. Rồi chuyện tình yêu đôi lứa giữa Nguyễn Văn Hạnh (đoàn quân đội) quê Thái Bình với thôn nữ Nguyễn Thị Tâm (đoàn dân chính) quê Hà Bắc cũng từ đó nảy nở như một thứ keo kết dính giữa hai đoàn. Chỉ tiếc rằng mối tình đẹp như mơ của họ bị chiến tranh vùi dập. Cả hai đều hi sinh, dâng hiến tình yêu và tuổi trẻ cho đất nước. Mối tình đẹp như cổ tích và sự hi sinh bi tráng của họ thôi thúc tôi viết về họ thông qua mối tình của Nguyễn Thanh Phương và Bích La. Trong truyện, tôi có “cải biên” một chút cho Nguyễn Thanh Phương còn sống và chiến đấu để câu chuyện đỡ bi thảm. Mặt khác, nhiều chi tiết chính trong mối tình của hai nhân vật được tôi lấy từ chuyện tình của anh Phan Văn Niêm, cán bộ chính trị công tác tại trung đoàn chủ lực của Liên khu V. Anh có mối tình đầy trắc trở gian truân. Người yêu của anh là một cán bộ cơ sở hoạt động bí mật trong lòng địch. Chẳng may chị bị địch bắt, phải đày đi biệt xứ. Vài năm trong tù, bọn địch không khai thác được gì, chúng buộc phải thả chị ra. Ra tù, chị tìm cách móc nối lại với tổ chức để tiếp tục hoạt động. Được tin anh cùng đơn vị đang hoạt động trên địa bàn quân khu, chị đề đạt với cấp trên nguyện vọng được gặp anh và cấp trên đồng ý. Chị khăn gói về trạm khách quân khu chờ đợi. Khi ấy đơn vị của anh đang quần nhau với quân địch ở vùng giáp ranh Quảng Đà. Trung đoàn chưa thể sắp xếp để anh về gặp chị được. Chờ đợi lâu, chị sốt ruột liền đi xuống đơn vị gặp anh. Trớ trêu thay, lúc chị đi cũng là lúc anh được đơn vị bố trí cho lên trạm khách quân khu gặp chị. Chị đi xuống anh đi lên, không gặp nhau. Đáng buồn hơn là trên đường đi, chị bị một loạt bom tọa độ đánh trúng. Sự hi sinh của chị là nỗi đau vô cùng lớn đối với anh. Chúng tôi ai cũng xót xa, thương cảm cho mối tình thủy chung sâu đậm nhưng đau buồn của anh chị. Mối tình của hai nhân vật Nguyễn Thanh Phương và Bích La cũng chính là một sự tưởng nhớ về anh chị.
Những người đồng chí, đồng đội nói trên có nhiều kỉ niệm với cuộc đời quân ngũ của tôi, được tôi dùng làm nguyên mẫu trong tiểu thuyết Chuyện tình lính trận. Đáng buồn là những người đồng chí, đồng đội ấy đa phần hi sinh trước ngày toàn thắng 30/4/1975. Số còn lại cũng đã khuất núi do tuổi tác và quy luật đời người. Cuốn tiểu thuyết là một nén tâm nhang tưởng nhớ những người đồng chí, đồng đội của tôi một thời không thể nào quên.
L.L
VNQD