Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Viết về những người ta quý ta yêu

Thứ Sáu, 07/10/2022 11:54

. NGUYỄN TRỌNG VĂN
 

Trường ca Tổ quốc - đường chân trời tôi viết vào đầu tháng 5 năm 2010 và được hoàn thành sau 15 ngày. Với một trường ca có độ dài 200 trang mà viết nhanh như thế quả thật khó tin nhưng thực ra tôi đã “viết” trong đầu những 3 năm trời. Số là đầu tháng 4 năm 2007 tôi được cơ quan cử đi công tác ở quần đảo Trường Sa và cụm nhà giàn DK1. Tôi đã đến nhiều điểm đảo của quần đảo Trường Sa, được chứng kiến, được nghe rất nhiều câu chuyện. Có những chuyện khiến ta tự hào và có những chuyện khiến ta phải suy nghĩ. Chuyến công tác kết thúc và không giống như các đồng nghiệp, trong suốt 3 năm tôi không viết nổi một dòng thơ chứ đừng nói đến viết hoàn chỉnh một bài thơ. Những điều tôi thấy, nghe ở quần đảo Trường Sa và cụm nhà giàn DK1 không thể gói gọn trong một bài thơ mà phải là một thứ gì đó lớn hơn rất nhiều. Cứ thế, ngày ngày tôi suy nghĩ, tìm tòi và âm thầm viết trong đầu.

Tổ quốc - đường chân trời được hoàn thành như thế. Theo thiển nghĩ cá nhân, nếu gọi là trường ca e rằng chưa đầy đủ. Thế là tôi cho ra đời một thể loại mới: “trường ca, tùy bút thơ”. Gọi thế bởi những câu chuyện, những sự kiện, những nhân vật có trong trường ca này đều là có thật và tôi tôn trọng sự thật đó bằng cách tên các nhân vật đều được giữ nguyên, câu chuyện hay sự kiện tôi cũng không thêm thắt hư cấu. Tóm lại, nội dung của trường ca này hoàn toàn có thật và chỉ là sự thật.

Trong những nhân vật tôi đã viết có một người được xem là “nguyên mẫu”, đó là liệt sĩ Vũ Quang Chương. Sau khi hoàn thành việc đến thăm các điểm đảo của quần đảo Trường Sa, đoàn công tác của chúng tôi quay về đất liền. Theo lộ trình công tác, đoàn ghé thăm cán bộ chiến sĩ đang chốt giữ trên các nhà giàn trong cụm nhà giàn DK1 thuộc vùng thềm lục địa phía Nam. Đây là một vùng biển có trữ lượng dầu khí khá lớn, đã được Chính phủ ta xác định chủ quyền và đang tiến hành khai thác dầu khí. Do đặc thù là vùng thềm lục địa nên cán bộ chiến sĩ ta ở đây phải sinh hoạt trên các nhà giàn tựa như những chiếc tổ chim câu vậy. Rất khó khăn, gian khổ và cũng rất chênh vênh, nhất là mỗi khi sóng to gió lớn.

Đoàn công tác của chúng tôi chậm rãi tiến vào vùng thềm lục địa. Sáng đó biển và trời rất yên bình. Trên boong tàu lộng gió, thượng tá Nguyễn Bá Lan, cán bộ của Quân chủng Hải quân đi theo đoàn, đã kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện, đặc biệt là chuyện về sự hi sinh của đại úy Vũ Quang Chương. Câu chuyện vô cùng xúc động và để lại trong tôi nhiều dư âm mạnh mẽ. Với tư cách, phẩm chất của người chỉ huy, đại úy Vũ Quang Chương đã nhường cho toàn bộ anh em trên nhà giàn xuống tàu cứu hộ an toàn trước. Anh sẽ là người xuống sau cùng. Lúc đó gió bão quật rất mạnh vào nhà giàn, nhà giàn vốn như chiếc tổ chim câu nhỏ nhoi, mong manh giữa biển giờ càng trở nên nhỏ nhoi, mong manh hơn. Sóng biển cộng với gió bão quất tơi tả vào nhà giàn, nhà giàn rung lắc, vật mình kêu răng rắc, nguy cơ đổ sập có thể tới trong tích tắc. Chính lúc đó, lúc chuẩn bị xuống tàu cứu hộ cùng mọi người, đại úy Vũ Quang Chương quay lại nhìn nhà giàn chào từ biệt, anh chợt nhìn thấy trên đỉnh nhà giàn lá cờ Tổ quốc bay phần phật, gió bão chừng như muốn xé toạc lá cờ. Đại úy Vũ Quang Chương sau giây suy nghĩ đã ra hiệu cho tàu cứu hộ rời khỏi nhà giàn, tránh bị nhà giàn đổ sập để ra đi an toàn. Mọi người vô cùng ngơ ngác trước hành động ấy nhưng họ không còn lựa chọn nào khác. Con tàu cứu hộ rời dây chằng và nổ máy ra đi.

Mọi người trên tàu nhìn về nhà giàn lòng đầy lo lắng và họ đã chứng kiến một hành động đẹp nhất trong đời. Lúc đó đại úy Vũ Quang Chương vừa chạy vừa leo lên đỉnh nhà giàn, anh kịp thu được lá cờ Tổ quốc. Trên nhà giàn đang nghiêng ngả và bốn bề là biển bão mịt mùng, đại úy Vũ Quang Chương nhanh chóng gấp gọn lá cờ lại. Anh nhét nó vào trong áo rồi cẩn thận quấn thêm dây cho lá cờ khỏi tuột rơi.

Đại úy Vũ Quang Chương hít một hơi thở sâu rồi ôm trọn lá cờ nhảy xuống biển.

Thượng tá Nguyễn Bá Lan kể đến đây thì bật khóc, những tiếng nấc nghẹn ngào của người đàn ông xứ Nghệ có nước da của biển đã làm chúng tôi lặng đi. Hồi lâu anh cho biết bản thân chính là người chỉ huy con tàu cứu hộ năm đó và hình ảnh đại úy Vũ Quang Chương ôm chặt lá cờ trong lồng ngực thản nhiên buông mình xuống biển làm anh chẳng thể nào nguôi khuây được.

Và tôi đã dành những tình cảm trân trọng yêu quý nhất để viết câu chuyện này trong trường ca: Quấn chặt lá cờ/ Vào sát ngực mình/ Bên phía trái tim/ (Vật duy nhất còn lại trên nhà giàn - 2A/DK1/6)/ Đại úy Vũ Quang Chương/ Gồng mình/ Hít hơi thở cuối/ Anh mỉm cười thấy đồng đội đã xuống tàu cứu hộ an toàn/ Anh mỉm cười…/ Một con sóng chồm lên/ Cờ Tổ quốc còn nguyên trên ngực/ Chỗ anh đứng/ Sóng liên hồi kì trận/ Sóng liên hồi/ Từng đợt lại chồm lên/ Anh mỉm cười/ Đâu cũng quê hương/ Biển thẳm sâu ru anh vào bất tận/ Anh không chết (!)/ Đấy/ Là/ Lúc/ Anh, người lính trận/ Người lính tiên phong được - trao - nhiệm vụ - cắm cờ/ Chuyện kể rằng, vào mỗi lúc trăng khuya/ Giữ biển mênh mông có người chiến sĩ/ Anh thong thả nhẹ bơi theo từng con sóng nhỏ/ Cắm lá cờ trong từng mét biển khơi/ Cắm lá cờ Tổ quốc - Mẹ hiền ơi...

Đó là một hành động anh hùng của một con người dũng cảm. Sau đó tôi đã viết một bài báo ngắn đăng ở mục “Tiếng nói nhà văn” trên báo Văn nghệ như một “đề nghị” với Nhà nước về việc cần phong danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Vũ Quang Chương. Bài báo được dư luận quan tâm và đồng tình.

Mấy năm sau, trong một cuộc gặp mặt hội viên tại Bảo tàng Văn học Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tôi thấy có người đang gọi mình. Tôi nhận ra đó là nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình Vũ Bình Lục. Tôi lại gần chào thì ông hồ hởi nói: “Chương được phong Anh hùng rồi!” Hơi bất ngờ nên tôi hỏi lại: “Bác bảo ai cơ?” Ông vội nói rõ: “Đại úy Vũ Quang Chương đấy!” Tôi hiểu ra và nói: “Kể cũng hơi muộn. Anh ấy hi sinh từ năm 1998 vậy mà mãi đến năm 2013, tức là tròn 15 năm sau, mới được phong Anh hùng!” Và tôi nói thêm: “Trong thâm tâm, em tin rằng đại úy Vũ Quang Chương không chết. Anh ấy đang ở đâu đó trên Biển Đông với lá cờ Tổ quốc!” Nhà thơ Vũ Bình Lục xúc động nói: “Gia đình mình cũng tin như thế!” Tôi ngạc nhiên bởi câu nói này. Ông vội cho hay: “Vũ Quang Chương là con của anh trai mình. Mình là chú của Chương.” Nghe ông nói thế tôi vội ôm lấy ông và nói: “Đó là một tấm gương tuyệt vời giữa thời bình này!”

Nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình Vũ Bình Lục nói tiếp: “Nhờ trường ca Tổ quốc - đường chân trời và bài báo của Nguyễn Trọng Văn đấy!” Tôi trả lời: “Hành động anh hùng ấy nếu ai được biết cũng sẽ làm, sẽ viết như em.”

Tôi rời bảo tàng của Hội Nhà văn với niềm vui và nỗi bâng khuâng khó tả.

N.T.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)