, NGUYỄN VĂN HỌC
Trong số những tiểu thuyết đã xuất bản, Linh điểu là cuốn tôi viết trong niềm day dứt nhất, bởi trong đó hội tụ nhiều nguyên mẫu ngoài đời nhất mình đã từng gặp. Những nhân vật, tất nhiên, được khúc xạ để khi bước vào tác phẩm khiến độc giả cảm thấy sự khác lạ, hấp dẫn, thông qua việc “làm mới” bằng cách dồn vài tính cách vào một để họ trở thành nhân vật điển hình của cuốn sách.
Sinh ra ở miền quê cuối huyện Phú Xuyên (Hà Nội), gần dòng sông Hồng, tôi được “gặp” những cánh đồng xanh bát ngát, nơi đó thường được thắp thêm vẻ lãng mạn bằng những đàn cò vạc rập rờn, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Có thật nhiều cảm xúc để viết về quê hương mình là điều mà mỗi nhà văn đều mong muốn, nhất là giờ đây môi trường sinh thái trở thành một đề tài dần thu hút người viết, khi vấn đề ô nhiễm môi sinh đang trở thành mối lo của toàn cầu. Rồi phải đến khi đi làm báo, gặp thảm cảnh người ta tàn phá, tận diệt thiên nhiên, trong đó không ít đối tượng dùng lưới, súng tự chế, súng săn để bắt chim hoang dã, tôi càng khát khao, càng thêm quyết tâm viết một cuốn tiểu thuyết về môi trường, góp một tiếng nói nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ tự nhiên. Chim chóc được coi như những “ca sĩ bầu trời” - thực thể làm đẹp cuộc sống, góp phần tạo nên vẻ lãng mạn của thiên nhiên, nhưng chim chóc luôn bị săn đuổi, nếu không trở thành mồi nhậu cho “đệ tử Lưu Linh” thì cũng trở thành nạn nhân của nhiều cuộc phóng sinh theo phong trào. Trái ngược điều đó, có không ít tấm gương hiến đất, lập vườn, làm nhà cho cò vạc ở. Họ coi cò vạc như con, hết lòng bảo vệ, thậm chí bất chấp việc tính mạng bị đe doạ vì đương đầu với bọn săn bắt, những “cò tặc” dã tâm, đặt lợi ích cá nhân mình trên hết. Trong số hàng chục tấm gương, tôi rất nể phục nhà giáo Đặng Đình Quyển ở huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) - người đã trồng cây làm nhà cho cò vạc ở suốt hơn 30 năm và “người mẹ cò” Vũ Thị Khiêm ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) - người suốt 56 năm bảo vệ khu vườn rộng 5 ha để cho hàng vạn con cò có chỗ trú ngụ, sinh con đẻ cái. Bà Khiêm vừa bước sang tuổi 80, tóc đã bạc, đôi chân giờ không còn nhanh như trước. Vậy mà ngày nào bà cũng vài lượt “tuần tra” để giữ cho vườn khỏi bị xâm hại. Bằng sự nể trọng, hiểu biết về những “hiệp sĩ thiên nhiên”, tôi đã có thể xây dựng được hệ thống nhân vật cả chính diện lẫn phản diện cho tiểu thuyết Linh điểu.
Một lần, khi nghe tôi hỏi về những khó khăn trong công việc bảo vệ đàn chim, nhà giáo Đặng Đình Quyển ví von: “Giá tôi có đôi cánh như chim, tôi sẽ dễ dàng bay qua bay lại, kiểm soát bốn phương tám hướng và ngăn súng săn, lưới bủa của những kẻ săn cò vạc quanh vườn. Tôi bảo vệ cò vạc trong nỗi cô đơn khủng khiếp.” Từ tấm bé tôi thường hay mơ giấc mơ khá lạ, thấy mình biết bay và chỉ bay là là sát mặt đất, đám ma quỷ tìm cách túm chân lôi xuống nên phải cố vùng vẫy để có thể thoát khỏi chúng bay lên cao hơn mà không được. Trong thực tế, có những người muốn làm người tốt nhưng không được, muốn bảo vệ cò vạc song cứ bị cản trở, bị đánh đập, dọa nạt; có người bị cướp mất ước mơ, chân trời rộng mở mà chẳng thể tung cánh bay lên… Và như thế, cô “linh điểu” - nhân vật Diệp Vân - được hình thành từ cuộc gặp gỡ nhà giáo Đặng Đình Quyển và sự kết nối của những giấc mơ về đôi cánh. Diệp Vân là cô gái có nhiều ước mơ, có khả năng nghe được tiếng chim chóc khi chúng còn ở rất xa, có sự nhạy cảm đặc biệt với loài chim. Cô gái bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường nên đã mọc ra hai vết sẹo lớn ở hai vai. Đến thời thiếu nữ, có nhan sắc, từ hai vết sẹo bên vai mọc ra đôi cánh tinh tuyền, như đôi cánh của thiên thần, cho cô niềm ao ước, khát vọng, sức mạnh, nhưng cũng khiến cô gặp phải nhiều phiền toái.
Diệp Vân có đức tính nhân hậu như bà Tim, một người bán nước chè ở ngã tư Tô Hiến Thành - Bà Triệu (Hà Nội), người hơn 30 năm mua thóc thết đãi chim chóc. Hiện nay bà Tim và con gái vẫn làm công việc rất bình dị ấy trong dòng phố phồn hoa. Diệp Vân trong tiểu thuyết Linh điểu bị mẹ ruột bỏ rơi ở cổng nhà một gia đình hiếm muộn nhưng có của ăn của để, do người mẹ bị gã trai ở thành phố lừa có thai. Diệp Vân trở thành thành viên của ngôi nhà ấm áp, giàu tình thương và dần lớn lên. Một đêm sau trận bão, cô đã cứu một con cu gáy bị cụt chân. Kể từ đó, cô thành hiệp sĩ của chim chóc. Chim chóc từ các vườn chim, vườn cò, các cánh đồng khắp nơi bị săn bắt, nhiều con bị thương, gào khóc. Chim chóc tìm về với cô. Cô cùng chị gái (con mẹ nuôi) tham gia câu lạc bộ bảo vệ động vật hoang dã. Càng tham gia càng thấy chim chóc, những sinh vật là ca sĩ bầu trời, bị bủa vây bằng nhiều cách khác nhau ở chính những nơi từng bình yên, nơi chúng từng làm đẹp cho cuộc sống, rồi bị tước mất mạng sống. Trong hành trình tìm kiếm sự giúp đỡ, bảo vệ các vườn cò, cô luôn tuyệt vọng. Tuyệt vọng bởi chính vườn cò của bà ngoại cô đã bị xóa sổ trong khổ đau. “Cò mẹ” là bà Thi cuối cùng chết trong khi bảo vệ cò vạc. Diệp Vân luôn có mong ước lớn lao là có thể vượt thoát khỏi sự trì níu tầm thường của cơ thể, đến với không trung, với bầu trời. Đôi cánh cô dù dang rộng cũng chỉ giúp cô là là trên mặt đất. Cô vẫn là cô. Cô muốn bảo vệ vườn cò, nhưng chẳng có cách nào. Cô cùng nhóm bè bạn không đủ sức kháng cự rất nhiều kẻ nhẫn tâm, những tấm lưới bạc ác, họng súng hơi và sự dã man của quán nhậu. Nhưng cô ít nhất cũng cải hóa được những kẻ tận diệt, đặt biệt là Hùng, một thanh niên khét tiếng nghịch ngợm, cậy thế, sẵn sàng đốt cả vườn đồi để tìm chim chóc giết thịt, nhắm rượu.
Song một mình Diệp Vân chẳng thể làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên có sức nặng. Cô phải được đặt cạnh những nhân vật khác nữa. Cô được xây dựng để trở thành cháu ngoại nhân vật bà Thi trong tiểu thuyết, trở thành một trong những nhân tố chính trong hệ thống nhân vật bảo vệ thiên nhiên. Bà Thi được lấy nguyên mẫu từ bà Vũ Thị Khiêm đã nói ở trên. Bà Khiêm ở ngoài đời tội nghiệp hơn bà Thi trong tiểu thuyết. Khi cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt cướp đi người chồng yêu thương, cô gái Khiêm năm đó mới ngoài 20 tuổi trở thành vợ của liệt sĩ, một mình nuôi con và trải qua bao khó khăn, vất vả, sự nguy hiểm nơi khu vườn. Khi hai con lớn lên, lập gia đình thì người con trai bà lại bất ngờ qua đời vì tai nạn. Bà tiếp tục nuôi các cháu lớn lên trong tình thương bên khu vườn. Trong tiểu thuyết, có lẽ chỉ cần kể chi tiết người thật việc thật về bà cũng đã có một nhân vật tuyệt hay. Song, chẳng lẽ để bà cô đơn nơi làng quê cô quạnh? Phải “chế” thêm nhân vật ở bên bà.
Đảo cò Chi Lăng Nam, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện (Hải Dương) là nơi người dân đoàn kết, cùng nhau bảo vệ loài cò, làm đẹp quê hương. Ông Lê Văn Huy, nguyên Trưởng công an xã Chi Lăng Nam có một thời gian làm trong Ban quản lí đảo cò, là người có nhiều sáng tạo trong việc bảo vệ, nhiều lần bắt được “cò tặc”. Ông được chọn là nguyên mẫu để xây dựng nhân vật chú Quý trong tiểu thuyết, ủng hộ và đỡ đần bà Thi trong nhiều trận đối mặt bọn “cò tặc” ác ôn.
Khi tiểu thuyết in xong, tôi có gửi một cuốn tặng ông Lê Văn Huy. Đọc xong, ông gọi điện bảo: “Văn mượt lắm, viết đúng về cuộc giằng co giữa người và cò lắm!” Rồi ông ví von: “Anh đã chứng minh, khi con người gieo lòng thiện, những hạt bác ái trên cánh đồng tình yêu, thì thiên nhiên sẽ bao bọc, gần gũi con người, tôn vinh con người.” Tôi bảo: “Anh nói hay như nhà văn.” Ông Huy đáp: “Dân chúng tôi bỗ bã, chất phác nhưng được cái nhiệt tình.” Còn bà Vũ Thị Khiêm, bất cứ ai gặp, khi nói chuyện bà đều giữ một thái độ niềm nở, nhiệt thành. Mấy năm trước vẫn có người về trả giá cao để mua vườn cò, nhưng bà dứt khoát lắc đầu, còn trồng thêm cây cho cò vạc trú ngụ. Hôm tôi đến thăm, khi chuẩn bị ra về thì bà nói với tôi: “Cháu gái tôi nó bảo, trong sách anh để nhân vật chết, còn ngoài đời, tôi vẫn sống đây. Tôi mong vườn ở với gia đình tôi mãi.”
Về đến nhà, ngẫm lời những nguyên mẫu nói, tôi chợt thấy tiểu thuyết của mình chẳng thấm vào đâu so với sự sinh động ngoài đời sống. Rồi chính tôi giật mình về những vấn đề có tính thời sự được đề cập trong tiểu thuyết: từ nạn bạo hành gia đình đến bi kịch ngoại tình, đói nghèo và lòng tham, đồng tiền và thói ích kỉ, đặc biệt là sự kì thị của xã hội đã khiến những thân phận đáng thương trở nên cô đơn, lạc lõng, mất cả tình yêu và hạnh phúc mà họ xứng đáng được hưởng. Trong tôi cũng quặn lên một nỗi hoang mang khi môi trường bị bức hại ngày càng khủng khiếp.
N.V.H
VNQD