. VÕ DIỆU THANH
Tôi như một vị quan tòa trong cuộc hôn nhân chơi vơi của đôi vợ chồng - những nguyên mẫu của nhân vật trong truyện ngắn Người đàn bà đi tìm nước của mình. Những con người giữa hiện tại đang vật lộn với hụt hẫng. Lúc đầu tôi trách anh chồng (nguyên mẫu của Hải) sao quá khắc nghiệt với người vợ tận tụy. Chị từ xa vào đây, yêu cái nết hiền từ của một tu sĩ tại gia mà về miền quê biên giới Tây Nam không có bất cứ mối thân tình nào trừ người chồng quen qua mạng, qua những vần thơ hiền lành buông bỏ. Một ước mơ giản dị, không cần tiền bạc, chỉ cần tuổi già hiền từ trao nhau những ân cần thăm hỏi. Anh làm thơ, chị nội trợ. Cuộc đời chay lạt như những người bạn tri âm đang ẩn dật tu hành.
Nhưng đời chồng vợ là đời của những con người đang thật sự sôi sục sức trẻ trong trạng thái cân bằng. Nghĩa là người ta đủ khỏe để rượt đuổi nhau, đọa đày nhau và đủ trẻ đủ nhanh nhẹn để tránh né cũng như chịu đựng những va đập. Chị lại cheo meo trong tâm thế giữa một quá khứ đầy bản lĩnh, đầy sức sống và một hiện tại cạn kiệt thanh xuân và thất bát hạnh phúc. Chắc là căn bệnh tim đã tới mà chị không hay. Chắc là nguồn năng lượng nặng nề của căn bệnh đã đưa chị vào trạng thái thèm một bờ vai. Bờ vai của anh hiện ra như làn nước ngọt trong cơn ảo giác của một người đang đi những bước cuối cùng sức lực giữa sa mạc vô biên. Thực tế bờ vai ấy quá hiền lành quá mong manh trước cơn bão giông tâm lí của người bạn đời ở những ngày ủ bệnh. Khi đến với nhau, căn bệnh tim tiềm ẩn của chị bùng phát. Giữa bão bệnh, bờ vai anh trở thành một bóng ma kinh khiếp.
Tôi mang vai trò hòa giải nên ngồi nghe nhiều về tất cả. Giữa hiện thực tức tưởi nghẹn ngào, thanh xuân chị đổ dồn về những hồi ức đẹp. Bởi nơi này, đất biên giới An Giang là nơi người lính gửi về miền Trung quê chị những lá thư mang ngút ngàn nhớ thương và mong mỏi. Những lá thư viết giữa rừng già Campuchia. Xung quanh anh là bọn Pol Pot rừng rú và khát máu. Tình yêu của tuổi trẻ mạnh mẽ tới mức người ta tin là những hiểm nguy kia sẽ qua đi và người sẽ về. Những lá thư vượt rừng vượt biên giới giữa thời thư từ đi về như kim chìm trong biển. Thư vẫn về. Không biết là đã bao nhiêu lá thất lạc. Nhưng lá thư sau cùng vẫn về.
Trần Dinh là mối tình nên thơ nhất của chị. Mùa hoa rực rỡ dịu dàng của thời con gái đã qua đi mà lỗi không phải ở người trong cuộc. Chiến tranh mà. Cái từ chiến tranh lúc đó nói thật nhẹ nhàng vì nó đến giữa những ngày tháng còn sức sống. Khi sức sống chị cạn dần, hậu chiến thật khủng khiếp. Hình ảnh người liệt sĩ chỉ để lại một cái tên bùng cháy trong chị. Bức thư cuối cùng nhàu nát và phủ màu đất biên cương của anh sống trở lại.
Giữa hiện tại đầy nghiệt ngã chị cứ mãi hồi ức về thời tươi đẹp nhất. “Chỉ có cái chết mới ngăn anh tìm chị.” Bởi vì mọi thứ còn đang rất nồng nàn.
Họ không có một cái gì chung hết. Gặp nhau tình cờ bên đường mà hình bóng người con gái mặc áo blouse trắng đã in vào lòng chàng lính phong sương. Anh lên biên giới khi chỉ vừa kịp hỏi han những người xung quanh về tên và cơ quan chị.
Những lá thư tới tấp gửi về. Không phải là hò hẹn tình yêu mà chỉ là những lời nhắc nhở hỏi han nhau. Một lần về phép (cũng là lần về phép duy nhất) anh đã đạp xe từ quê nhà Nha Trang lên tận trạm xá Ninh Sơn thăm chị. Mấy mươi cây số với đoạn đường mòn đồi núi. Chị đã đi công tác vùng khác. Anh ở lại đó một ngày một đêm chờ chị trong cái lịch nghỉ phép hiếm hoi và ít ỏi của mình. Rồi chị về, họ gặp nhau. Không đủ thân gần để ôm nhau để hôn nhau nên chỉ có thể đi bên nhau ngắm hồ sen. Anh ôm đàn hát tình ca. Bản tình ca Tây Bắc. Anh về biên giới.
Nếu như biên giới sớm bình yên, anh trở về thì cuộc tình của họ cũng chẳng để lại gì. Nếu như những lá thư nhớ thương cứ về rồi một ngày kia bặt tăm, người con gái trông ngóng cũng sẽ quên dần rồi bước vào cuộc tình khác thì ngày hay tin anh tử trận cũng chẳng đọng lại xúc cảm gì nhiều.
Lá thư cuối cùng về từ trận địa. Lá thư cuối viết giữa hoang tàn. “Anh đang bị bao vây. Chỉ còn mình anh và chiếc xe trong bụi rậm. Đồng đội anh chết hết rồi. Anh viết cái thư này rồi quăng nó vào trận địa. Nếu đồng đội gặp được sẽ lụm nó và chuyển về em theo địa chỉ ngoài thư.” Người viết thư đang ngồi bên hố tử thần để nguệch ngoạc viết những dòng nhớ thương. Không nhìn thấy trong đó một lối về nào. Không nhìn thấy trong đó lối thoát nào cho người viết. Chỉ nhìn thấy lối thoát rất mong manh cho bức thư cuối cùng. Ai đó sẽ nhặt, ai đó sẽ theo địa chỉ mà mang thư về cho em.
Ai đó giữa rừng già đang bom rơi mưa pháo dội? Hầu hết những con đường trong chiến trận biên giới, dẫu đường cũ hay đường mới, muốn đi lại người ta đều phải phá mìn thật an toàn rồi mới thông xe. Một lá thư giữa bãi chiến trường, giữa những cuộc phá mìn mở đường tồn tại kiểu gì?
Chị không hề biết được chiến trường Campuchia khốc liệt cỡ nào. Chị chỉ thấy một bức thư đầy màu đất xứ người và những dòng trăng trối. Nguyện ước sau cùng không còn là ngày về. Nguyện ước sau cùng không còn là được nhìn thấy người yêu. Nguyện ước sau cùng của người chiến sĩ trẻ là người anh yêu nhận được những dòng chữ sau cùng của anh.
Lá thư đã lăn lộn qua những đâu để về với chị? Không cần biết, chỉ cần biết nó đã về. Nó như linh hồn của người lính tìm về quê hương, về với tình yêu.
Khi chọn chị làm nhân vật Tím cho truyện ngắn Người đàn bà tìm nước tôi không thay đổi hoàn cảnh chị lẫn chồng chị. Tôi vẫn mô tả cảnh họ tàn phá tinh thần của nhau dù vẫn cắm cúi níu giữ nhau trong đọa đày. Tôi chỉ thay đổi nơi chị muốn quyên sinh. Thay vì tôi tả chị ngồi gào thét nghĩ về cái chết trong căn nhà ống giữa một cái chợ nhỏ nội địa thì tôi đưa chị ra bờ sông biên giới, nơi có thể hồi ức về người lính đã nằm xuống ở xứ người. Tôi cho chị gặp gỡ một nhân vật phụ nữ đồng cảnh ngộ như chị nhưng trẻ hơn, thiếu thốn tình cảm hơn cũng dựa vào nguyên mẫu là chị. Một nguyên mẫu tạo ra hai nhân vật có hai thân phận khác nhau. Một người đau khổ vì đang ở giữa một quá khứ đẹp và hiện tại ê chề. Một người đau khổ trong hiện tại mà ngay cả một quá khứ đẹp cũng chưa từng được hưởng. Họ gặp nhau trên lưng chừng con nước biên giới. Tím tìm nước để chết. Cô gái kia tìm nước để cân bằng tâm trạng của mình trong bức bách. Họ nhìn nhau và hỏi nhau coi rốt cuộc ai sướng hơn ai.
Kịch tính hôn nhân của Tím, Hải hoặc cô gái kia là cái cớ để tôi kể về Trần Dinh. Với nhân vật Trần Dinh tôi giữ y nguyên mẫu, kể cả hoàn cảnh lẫn tình yêu, những lời anh viết trong thư, kể cả tính nết anh. Người lính trong sáng như vậy, quyết liệt như vậy. Tình yêu kia không có hậu nhưng tình yêu kia bất tử. Tình yêu người lính lồng lộng. Tôi thấy mọi thứ giữa thực tại quá hẹp hòi. Kể cả những lí thuyết non nớt của tôi. Kể cả những cuồng loạn của chị. Kể cả những căng thẳng tối tăm của người đạo sĩ chồng chị. Tất cả đều như một thứ khói lù mù và bật lên đóa hoa tình yêu của người lính rực rỡ mãn khai thơm ngào ngạt. Tôi không biết mình đã vẽ được sức sống đúng cho những gì Trần Dinh đã kì vọng hay không. Lưu lại được mối tình đó tôi thấy Trần Dinh sống trở lại. Tôi xin chị được đặt đúng tên anh cho nhân vật trong truyện. Tôi gọi tên anh bằng thành tâm. Để nếu ai đó có yêu, tôi cũng xin hãy yêu bằng trái tim trong trẻo đó.
Trần Dinh đã về đâu? Quê anh chốn nào? Người thân anh là ai? Có lẽ anh biết, có lẽ anh đủ tinh anh để quay về hoặc đến một nơi nào đó anh muốn.
Chị đã rời An Giang về Đắk Lắk dưỡng bệnh. Chị đã bình tâm để nhớ về Trần Dinh với khối tình trọn vẹn đúng như cái kết của câu chuyện tôi viết. Có lẽ chị đọc truyện rồi quyết định theo đó, cũng có lẽ chị thấy đó là con đường tốt nhất cho mình. Người đạo sĩ trở lại cuộc sống hiền lành đơn độc của anh. Giống như là sau cú rơi của trái bom xuống một dòng sông bình lặng, dòng sông bị tổn thương một chút rồi nó cũng trở lại được hiện trạng trong lành của nó. Nhưng những sóng gió kia vốn dĩ không hề phí hoài. Nó đã đánh động vào tâm tình tôi để tôi khai quật một khối tình đẹp đã bị vùi chôn. Trần Dinh sống lại, chỉ cần vậy.
V.D.T
VNQD