Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Bà Minh của tôi

Thứ Ba, 30/01/2024 10:03

. ĐỖ BÍCH THÚY
 

Cửa hiệu giặt là là cuốn sách duy nhất tôi viết về Hà Nội cho đến thời điểm này, nó được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2014.

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội. Tôi vẫn là một khách trọ, lặng yên ngắm nhìn Hà Nội với tất cả những gì to tát và nhỏ bé đến li ti của nó một cách khách quan, đôi chút xa lạ. Là tôi từ ngoài nhìn vào, có ít nhiều can dự, nhưng vẫn không phải từ trong nhìn ra. Cuốn tiểu thuyết mà tôi đang nói đến là cuốn sách có nhiều nguyên mẫu nhất mà tôi từng viết. Nguyên mẫu là những con phố, bao gồm cả Lê Văn Hưu, Lò Đúc, Thi Sách, Trần Xuân Soạn, Trần Nhân Tông, lẫn Ngô Thì Nhậm, Hàm Long...; là cái cửa hiệu giặt là ở số 15 phố Lê Văn Hưu mà tôi đã từng đứng là quần áo từ tám giờ sáng đến mười giờ đêm. Giờ thì cửa hiệu giặt là ấy không còn nữa. Nhưng đáng kể nhất là những người sinh ra, lớn lên, già đi ở phố; nhiều người nhập cư; một số người chỉ đến buổi sáng sớm và rời đi khi gần trưa để buôn bán... Hầu hết các nguyên mẫu này của tôi vẫn còn sống, vẫn đang làm những công việc mà lúc tôi viết họ đang làm, đang sống cuộc sống vô cùng sinh động phong phú trong đời thực, ở những con phố Hà Nội. Đôi khi tôi đi ngang qua con phố ấy, nơi tôi lấy làm bối cảnh của cuốn sách, vẫn bắt gặp những nguyên mẫu của mình ở đó. Thỉnh thoảng dừng lại chào, hỏi han. Nhưng họ, tất cả bọn họ, đều không hề biết rằng tôi đã dùng họ làm nguyên mẫu cho các nhân vật của tôi. Tôi nói hầu hết họ còn sống là bởi vì người mà tôi nhớ nhất, có nhiều tình cảm nhất lại là người đã qua đời cách đây hai năm. Nguyên mẫu của nhân vật bà Minh.

Trong cuốn sách, tôi đã viết về bà Minh thế này: “Bà Minh ngồi xếp bằng, cái giỏ bọc vải hoa nhí đựng kim chỉ để bên cạnh, trong đó còn có một cái gối bông bằng nắm tay, trên cắm đầy những chiếc ghim một đầu bọc nhựa. Bà phải gấp viền mép trước, dùng ghim gài sẵn một đoạn dài, rồi mới khâu. Bà bảo Oanh rót nước chè trong tích ra mà uống. Oanh đặc biệt thích những khoảnh khắc thế này. Nắng sớm xiên qua ô cửa nhỏ, chiếu vào trong nhà một khoảng. Nắng soi vào tận đáy chén nước chè trong vắt, khiến nó vàng sánh như mật ong, với một ngọn khói mỏng mảnh uốn lượn bay lên không trung. Oanh sẽ ngồi yên ở đó, thỉnh thoảng nhấp một ngụm chè, thỉnh thoảng ăn một viên long nhãn - bao giờ bà Minh cũng có một lọ thủy tinh đựng long nhãn, những hạt long nhãn trong như mã não, ngọt mãi nơi cổ họng - và ngắm nhìn những ngón tay nhanh nhẹn, khéo léo vô cùng của bà Minh. Những ngón tay nhỏ, gầy, trắng, luồn mũi kim nhỏ xíu trên mặt vải mỏng tang. Chốc chốc, cặp kính trễ xuống sống mũi, bà lại buông tay kim để nâng nó lên. Bà Minh hồi trẻ chắc là rất đẹp. Những đường nét còn lại trên gương mặt đầy nếp nhăn nhưng không một chấm đồi mồi cho thấy một tuổi thanh xuân lộng lẫy và kiêu kì đã đi qua. Cặp môi hơi mỏng, sống mũi cao, nhỏ, mắt màu hạt dẻ, cặp lông mày thanh mảnh, cái trán phẳng, tóc dày, bạc trắng, búi thành búi sau gáy, và những cái cặp tăm găm đều tăm tắp hai bên thái dương…”

Bà Minh là một người phụ nữ phúc hậu, hiền dịu, tảo tần, chẳng bao giờ nói một điều gì xấu về ai chứ đừng nói đến va chạm với ai. Ở ngoài cuộc đời thật, nguyên mẫu của tôi cũng vậy. Bà là bác cả bên nội của các con tôi. Từ khi tôi chân ướt chân ráo về làm dâu ở gia đình ấy bà là người hay rủ rỉ với tôi nhất, kể cả những chuyện rất tế nhị. Lúc nào cũng nụ cười vô cùng thanh nhã trên gương mặt nhẹ nhõm và giọng nói mỏng mảnh nhưng ấm áp. Chính bà là người khiến tôi thấy mình ít xa lạ nhất trong gia đình mới. Bà cũng là người luôn an ủi tôi mỗi khi tôi phải gồng lên chịu đựng những chuyện rất khó nói và khó giải quyết. Bà rất yêu cô con gái nhỏ của tôi.

Cho đến tận lúc này, sau hai thập kỉ làm quen với Hà Nội, tôi vẫn thấy rằng chính bà một cách hoàn toàn vô tình đã như thể cầm tay tôi mà dẫn tôi đi loanh quanh để cảm nhận cái hồn cốt của phố xá xưa cũ, chỉ cho tôi nhìn thấy một Hà Nội khác, đẹp đẽ và nhân văn, tinh tế và ý nhị, một Hà Nội sẵn sàng dang rộng vòng tay để bao bọc, dung chứa tất cả những ai muốn nương náu.

Nhà bà ở trong ngõ sâu. Một con ngõ rất đặc trưng của phố cổ Hà Nội. Hẹp đến mức nếu có xe máy ở trong ra thì người ở ngoài định đi vào phải đứng chờ chứ không tránh nhau được. Hai bên là hai bức tường cao vút và tít phía trên là sợi dây phơi luôn treo loằng ngoằng các loại áo quần chăn màn. Rất ẩm ướt nữa chứ. Lúc nào cũng ướt lép nhép và luôn luôn có tiếng chuột vừa đuổi nhau vừa rít lên chin chít. Nhà bà ở trong cùng. Một căn nhà bốn tầng, diện tích mặt bằng mười hai mét vuông. Vốn dĩ nó là nền của cái nhà vệ sinh công cộng nhưng do các gia đình đều cố gắng cải tạo để có nhà vệ sinh riêng nên không dùng đến nữa. Dù sao nó là tài sản chung, nên để làm được nhà bà phải bỏ ra một khoản tiền để mua lại của các hộ khác. Chả biết bây giờ thì thế nào chứ lúc bà xây nhà thì nó không có sổ đỏ. Căn nhà bé tí xíu nhưng rất ngăn nắp. Cái chỗ bà nằm ở trên tầng hai lúc nào cũng thơm tho sạch sẽ. Con bé nhà tôi rất thích bò theo cầu thang lên chơi với bà, lục lọi các loại giỏ, hộp của bà.

Tôi nhớ những ngày mùa đông. Chả hiểu sao mỗi khi nghĩ về những con phố nhỏ của Hà Nội tôi lại luôn nhớ mùa đông nhất. Trước cửa có cây long não, lá rụng bằng sạch. Trông nó trơ trụi như chết rồi. Sáng ra gió rít ào ào. Nghe tiếng gió rít đã biết ngoài trời lạnh lắm. Bà thì dù thời tiết thế nào, đông hay hè cũng dậy rất sớm. Bà đi ra ngõ để mua rau củ quả, thực phẩm của mấy người quen, vì buổi sáng đồ tươi ngon. Tôi đẩy cái cửa sắt khô ken két để dắt xe máy ra ngoài, tranh thủ dọn dẹp cửa hàng trước khi đi làm. Kiểu gì cũng thấy bà lúc thì tay xách nách mang đủ thứ, lúc thì đã kịp cất đồ đi và lại từ trong nhà đi ra. Bà đứng ở cửa hỏi tôi mà cũng là gióng giả để nếu con bé nhà tôi đã dậy thì nghe thấy: “Rét thế này con Bống có đi học không? Hay là ở nhà chơi với bác?” Con bé nhà tôi sẽ thò cổ từ trên gác xuống và nói với giọng bà cụ non ngái ngủ: “Cháu mà nghỉ học thì chết đòn bác ạ!” Bà bật cười.

Lúc nào bà cũng rất tươm tất. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy áo quần bà nhàu nát hay tóc bà rối. Thỉnh thoảng bà đi ăn cỗ cưới hay đám giỗ gì đó thì bà diện lắm. Quần sa tanh đen óng, bên trong áo cánh, rồi đến áo gile len màu mỡ gà, rồi bên ngoài là áo khoác nhung the. Bà quàng một chiếc khăn nhung tam giác có viền bô đê. Tóc trắng mượt mà như mây, chải rất cẩn thận, mỗi bên dùng đến dăm bảy cái cặp tăm để kẹp cho gọn. Bà quàng khăn rồi mà vẫn lấp ló đôi khuyên tai vàng có hạt ngọc màu xanh. Tay cũng đeo vòng ngọc. Rồi bà đi ăn cỗ về kiểu gì cũng có một chút quà cho con bé nhà tôi. Một gói mứt sen nhỏ, một chiếc bánh cốm hay bánh phu thê, có khi là một quả bóng bay. Thành lệ nên lần nào thấy bà mặc diện ra khỏi nhà con bé cũng dặn bác nhớ mang quà về cho cháu nhé.

Bà nấu ăn ngon lắm. Chao ôi bao nhiêu món ăn cầu kì. Ngày xưa cha mẹ bà cũng đâu giàu có gì. Nhưng cha bà, tức ông nội của con gái tôi, nghe nói cũng là người hay chữ. Ông là thợ may rất giỏi nữa. Không biết bà học nấu nướng từ ai vì mẹ bà mất sớm. Bà cũng hưởng cái khéo tay của cha, khâu vá thêu thùa rất tài tình. Có lần tôi nhờ bà thùa khuyết chiếc áo khoác vì lúc trước nó chỉ dùng để khoác, không có khuy. Lúc bà đưa chiếc áo tôi cứ xuýt xoa mãi. Bà nói, thùa khuyết áo giống như vẽ con mắt vậy. Khó nhất là tạo ra cái đuôi mắt dài, mảnh, khoé mắt phải thật tròn trĩnh mịn màng. Xưa các cụ bảo vụng tay thì sẽ thùa khuyết thành con mắt toét.

Sức khoẻ bà không tốt. Nghe nói bà đã bị cắt đi mấy mét ruột từ hồi còn trẻ. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi hai đứa con một trai một gái. Rồi một ngày, khi tôi và các con đang đi miền núi thì nghe tin bà mất. Bà vừa phẫu thuật đặt stent tim, chưa kịp thích nghi với một trái tim khoẻ mạnh hơn thì qua đời. Tôi chỉ có thể nói lời tiễn biệt từ xa và cảm thấy thật buồn bã.

Tôi cứ nghĩ, giả sử sau này nếu tôi có lại xây dựng một nhân vật phụ nữ gốc Hà Nội có lẽ tôi sẽ lại nhớ đến bà, hình dung về bà, dùng những tình cảm ấm áp mà mình có với bà để xây dựng nhân vật ấy. Một người rất xa lạ rồi cũng có ngày thân quen, một người ở rất gần bên cạnh rồi cũng đến ngày lìa xa, chính là bà - người Hà Nội đích thực mà tôi đã gặp trong cuộc đời này.

Đ.B.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)