Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Tiếng chim bắt cô trói cột

Thứ Sáu, 14/06/2024 16:31

. HỒ MINH TÂM
 

Chú Tuyển - người thương binh thường lên cơn động kinh khi trái gió trở trời “Alô alô bọt biển gọi mây bay…” ấy mất lâu rồi. Bà Cúc cửa chợ, người cưu mang chú Tuyển mấy năm cuối đời ấy, cũng mất dễ đến vài chục năm rồi. Cái chợ huyện nền đất, chái chợ tạm bợ xác xơ ngày ấy, giờ cũng đã bê tông hóa hết rồi. Cây thị ngàn tuổi giữa làng giờ cũng không còn nữa… Nhưng cái câu chim hót như tiếng người hốt hoảng “Bắt cô trói cột…” thì vẫn còn trong tôi. Giữa đêm, thức hay ngủ, thực hay hư chẳng rõ, đôi lần tôi gặp lại. Tôi gặp lại tôi tuổi lớp một lớp hai trường làng. Tôi gặp lại tôi tiếng cóc nhái ễnh ương mùa đông mù mờ lạnh. Tôi gặp lại làng tôi tiếng chim lạc trăng hè…

Làng tôi là cái làng nhỏ, trước mặt là một nhánh sông, sau lưng là trùng điệp núi đồi. Đôộng Bằng, Đôộng Nhoi… Các dãy núi không còn mấy cây to, chỉ toàn lùm cây này liền lùm cây kia lúp xúp. Những lùm cây ngày lấp loáng xanh, đêm xuống dưới ánh trăng nhờ nhờ trông như những tấm chăn đen trùm lên đầu người ngồi thu lu đói rét. Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông. Núi tạo ra sông, hay sông bồi thành núi, hẳn phải ngược về triệu triệu năm trước mới gặp câu trả lời. Dãy núi ấy dằng dặc xuống Giếng Hóc, Ba Trại rồi dằng dặc kết nối với dãy Đông Trường Sơn. Ba Trại là nơi bộ đội ta dừng chân, cất giữ súng ống đạn dược cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975.

Núi quanh làng thì vậy, chỉ lúp xúp lụp xụp cây nhỏ, nhưng giữa làng lại có rất nhiều cổ thụ, nhiều cây dễ đến dăm bảy trăm tuổi. Những cụ cây ấy ôm/ẩn vào nó nhiều huyền bí. Bà tôi, rồi mẹ tôi cũng thường túc tắc nói như kể: Cây thị chục người ôm ấy lắm ông lắm bà về ở, thiêng lắm. Thường những đêm trăng sáng, trên ngọn cao nhất, ngay cái cành to cỡ vòng tay ôm vắt qua đường, rất nhiều người thấy khi thì tấm vải thiều, khi thì tấm lụa trắng vắt lên. Tấm vải phất phơ dáng thiếu nữ, dang tay giữa trời trăng cứ thất thểu đu đưa… Người yếu bóng vía, lỡ đi qua đó là như bị tấm vải thiều sà xuống trùm lấy đầu, quấn lấy mặt, nên phải cong lưng vụt chạy. Tôi chưa thấy tấm vải thiều hay lụa trắng bao giờ, nhưng cũng vùng chạy mấy lần khi ngang qua gốc cây thị vào giữa trưa hè, hay đêm tối. Tôi vùng chạy vì ngang qua đó bỗng dưng có tiếng đập cánh, có gió lạnh trên đầu. Ghê rợn hơn, có lần tiếng chim kêu mà rõ như tiếng oan hồn thảng thốt “Bắt cô trói cột…” Ngày nhỏ, chẳng nhớ bao nhiêu đêm đứng trăng, tôi nổi da gà vì hoảng sợ khi nghe rùng rợn cái câu “Bắt cô trói cột…” Cứ như con chim ấy muốn chỉ điểm vào chính tôi.

Rồi tôi cũng lớn, cũng thoát làng ra phố, quăng quật tiền nong, nghiêng ngả bạn bầu…

Chẳng hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh, rồi thường trở đi trở lại trong tâm thức, rằng thơ thiêng lắm. Tôi ít thuộc thơ, hầu như chẳng thuộc nguyên vẹn bài nào của mình hoặc của một nhà thơ khác, nhưng Cổng làng dường như chỉ làm mỗi việc tiễn đưa - câu thơ của Lê Xuân Đố khắc họa những cuộc chia tay, viết về mất mát của bao nhiêu trai tráng sau chiến tranh - như một dấu thánh hằn sâu vào nếp gấp vỏ não tôi. Vâng, cổng làng tiễn đi thì thừa mà đón về thì thiếu… Không riêng gì thời chiến, mà thời nay, vì cơm gạo áo tiền, bao thanh niên cũng cố bươn ra thành phố tìm kiếm cơ hội. Cổng làng lưu giữ những cái ngoái đầu, mùa này qua năm khác rêu phủ màu ngóng trông.

Chừng mười mấy năm trước, ở Sài Gòn, trong một lần ngồi trà rượu chuyện phiếm với nhau, ông bạn già từng là biên tập viên chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam kể trên, sau khi đọc xong bài thơ mới, mắt rơm rớm, nhẹ nhàng thốt ra và nhắc đi nhắc lại đến ba bốn lần “Thơ thiêng lắm” với âm lượng nhỏ dần nhỏ dần... Chẳng hiểu ông nói với tất cả hay đấy chỉ là thốt ra từ chiêm nghiệm. Ông chỉ nói thế thôi, chứ không dẫn chứng, không khẳng định bằng một trường hợp cụ thể nào. Thế nhưng bốn nhà thơ cùng ngồi rượu trà hôm ấy không ai có ý kiến gì, chỉ gật gù, thuận ý. Thế thôi mà “thơ thiêng lắm” cứ lật trở mãi dọc đường thơ đường đời cùng tôi.

Và, quả là thơ thiêng thật!

Anh Vẹm trong bài thơ Mẹ kể, một trong những bài đã giúp tôi đoạt giải Nhì, giải cao nhất cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức gần đây, có “nguồn gốc xuất xứ” từ chú Tuyển. Chú Tuyển là thương binh hạng nặng, miệng bị kéo lệch bởi cái sẹo dài, khiến mặt cũng bị méo đi, mắt hai con con lồi con lõm. Bởi bị thương vùng mặt vùng đầu quá nặng nên thần kinh bị ảnh hưởng nặng nề, cứ trở trời là chú lên cơn co giật. Tôi còn nhớ cái dáng đi xiêu vẹo, chân trái của chú không nhấc nổi khỏi mặt đất, thành ra dấu chân của chú trên đường làng chẳng phải vết chân tròn, mà là vết cào xước, cào xước đường làng, cào xước những mềm lòng non trẻ.

Những năm tám mươi thế kỉ trước, cả nước đang thời bao cấp, chật vật tem phiếu lương thực, nhu yếu phẩm mọi thứ cung không đủ cầu... Khó khăn mọi bề. Đói khát cho bất kì người nào ở tầng lớp nào, huống chi một người thương binh chỉ trông chờ vào phụ cấp như chú Tuyển. Tôi nhớ hồi đó làng tôi cũng giao cho chú một công việc để chú có thêm công điểm làm cơ sở chia nông sản lúa khoai, ấy là... trông đồng (trông coi bảo vệ ruộng đồng). Nghĩa là chú Tuyển có trách nhiệm xem chừng trâu bò của tụi nhỏ ham chơi có ăn khoai phá lúa hợp tác xã hay không. Nhưng chân chú đi còn chưa vững, làm sao chạy kịp để đánh đuổi trâu bò ra khỏi nương khoai ruộng lúa. Chú không thể có công điểm vì không hoàn thành công việc. Cả làng tôi thời ấy thiếu đói vì lúa không có nước tưới, nước chỉ nhờ trời… Chú Tuyển ngoài thiếu đói thiếu ấm, còn thiếu thêm cái rất cần để vui sống: niềm tin.

Thế rồi, chú Tuyển bỏ làng ra chợ, sống ở chợ bằng nghề “thầy bói”. Lạ, chẳng biết trúng trật gì không, nhưng nghe đâu khách tứ phương nườm nượp kéo về xin thầy mách chỉ quá khứ, tương lai, xin thầy chỉ dạy... Có thể chú đã “chỉ dạy” cho họ bằng hiểu biết trải nghiệm được thành lời từ những phần xương thịt của chú đã bỏ lại nơi chiến trường. Thế nên lời ấy mới linh, lời ấy thuộc về thế giới không đến được.

Làng tôi ngày ấy thật buồn.

“Mả thằng Tuyển” là câu chửi có tính miệt thị khinh thường khi một người nào đó làm sai ý của người khác. Trong mắt mọi người, chú Tuyển là một phế binh “toàn tập”: thân bại, thần kinh liệt, sự sống “thực vật” - cái thuật ngữ mĩ miều của y khoa, mà dịch ra ngôn ngữ đời thường là “sống mà như chết rồi”. Khắc nghiệt quá, tàn ác quá miệng đời. Chẳng phải chỉ miệng người đời không đâu, mà “mả thằng Tuyển” thường cũng được xổ ra từ bà con họ hàng của chú Tuyển.

Là một cậu học trò lớp hai, tôi chỉ đứng xa mà lóm nhìn những cơn vật vã khi chú Tuyển bị động kinh.

… alô alô cỏ xanh gọi mặt trời

mặt trời nghe rõ trả lời

alô alô cỏ xanh gọi tóc xanh

ai còn đó trả lời

alô alô bọt biển gọi mây bay

mưa nghe rõ trả lời

alô... alô… rồi anh thõng tay

từ miệng anh trào một dòng

bọt biển

gió mạ non thẽ thọt gần xa...

Bài thơ như một nén hương nhỏ, tôi chia sớt những cơn đau vật vã, những co giật thắt ruột thắt gan của chú Tuyển. Tôi đã bớt nợ chú và nhiều người như chú. Khi tôi viết bài thơ, hình ảnh của chú, hình ảnh những vết xước đường làng, ánh trăng mờ ảo giữa làng quê… ập về.

Con chim đơn độc trên ngọn tre khô, một chấm đen giữa trời, cứ nhìn trăng vằng vặc lúc nửa đêm mà hót. Những đêm hè trăng sáng Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế… cứ lật trở tôi những chiêm bao.

Tôi nghĩ con chim trên ngọn tre khô ấy đã hót “Bắt cô trói cột…”, nhưng không phải. Thủ phạm luôn miệng hô “Bắt cô trói cột…” tôi chưa thấy bao giờ. Tôi chưa biết nó là con chim gì, hình thù ra sao. Nhưng tiếng hót của nó luôn tạo cảm giác hoang liêu, rùng rợn. Nghe như oán thán, như giãi bày…

Hồi bé, nhiều đêm tôi không ngủ được vì sợ tiếng hót “Bắt cô trói cột…” ấy.

Bẵng đi rất lâu, dễ đến ba bốn chục năm tôi không hề được nghe lại “Bắt cô trói cột…” Tôi quên hẳn trong thế giới kì bí này có bài hát Bắt cô trói cột.

Nhưng, lạ thay (lạ nhưng lại là điều có thật, tôi còn lén đến gần giàn hoa giấy và ghi âm được cả tiếng chim vào điện thoại), khi bài thơ Mẹ kể được đăng lên Văn nghệ Quân đội chừng vài tháng, thì con chim ấy bay về.

Một buổi sáng sớm ở Bình Định, nơi tôi điều hành một công ty điện gió, bốn bề chỉ cát, cây cỏ lúp xúp và trụ điện gió, trong cơn ngái ngủ, thoang thoảng giai điệu “Tú tu tú tụ…”, “Khó khăn khắc phục…” hay “Bắt cô trói cột…” cứ vang lên. Tôi nghĩ đấy là tiếng vọng từ tiềm thức... Nhưng không, tôi vùng dậy đến thật nhanh thật gần nơi có tiếng chim, cố nhìn kĩ vào các lùm cây lúp xúp ngoài cửa sổ để xem con chim ấy như thế nào. Ba buổi sáng như thế, ở bên ngoài cửa sổ cứ tầm 6 giờ là giai điệu “Bắt cô trói cột…” lại vang lên, như đánh thức tôi, như con chim ấy gọi tôi vậy.

Hết phía cửa sổ, thì đến lượt trước lùm hoa giấy, con chim ấy hót tặng tôi thêm hai buổi sáng nữa… rồi đi. Buổi sáng cuối cùng nó hót rất lâu, và tôi mang cả điện thoại ra ghi âm lại, quay lại lùm hoa giấy nơi có tiếng kêu “Bắt cô trói cột…” phát ra. Tuyệt nhiên vẫn không thấy con chim. Dù cố quan sát rất kĩ, và mọi thứ rất thuận lợi để nhìn, con chim ấy vẫn không xuất đầu lộ diện. Chỉ tiếng của nó “Khó khăn khắc phục…” hay “Bắt cô trói cột…” gì đó thì to và rõ. To và rõ đủ làm tôi hoang mang.

Không lẽ là linh hồn chú Tuyển? Hay chú đã đầu thai thành con chim ngày ấy để được bay khắp đó đây, bù đắp cho đôi chân và thân xác bị thương tật đã bó buộc mọi tốt tươi của chú nơi xó xóm?

H.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)