Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Thứ Bảy, 29/06/2024 09:51

. VŨ THANH LỊCH
 

Từ nhỏ đến lớn, tôi được bà ngoại và mẹ kể vô số câu chuyện về bác P, anh trai giáp mẹ, nhập ngũ năm 17 tuổi và hi sinh trong cuộc chiến biên giới Tây Nam. Sau ngày con trai ra chiến trường, không bao giờ bà tôi gặp lại nữa, có lẽ bởi vậy mà suốt hành trình tôi lớn lên, mọi cử chỉ, hình hài của tôi đều khiến bà nhớ đến ấu thơ của con trai.

Bà tôi ngoài việc đồng áng cấy cày còn có thêm nghề làm bánh đa (bánh tráng). Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán. Mọi công việc thường bà làm một mình, khi thì ngồi với cái cối đá, khi thì ngồi bên bếp lửa, vậy nên bà ngồi ở đâu tôi bám theo ở đó. Bà vừa làm vừa kể cho tôi các câu chuyện dân gian, sau mỗi câu chuyện thế nào bà cũng kể thêm về bác P, tôi chăm chú nghe nên bà kể mãi không dừng, có khi tôi ngồi nghe rồi ngủ luôn trong lòng bà, bà vừa ôm tôi vừa tráng bánh, cũng có khi tôi nằm ở ổ rơm bên cạnh, ngủ thiếp đi trong những câu chuyện đều đều nhè nhẹ của bà… Cứ thế, tôi lớn lên với những câu chuyện không đầu không cuối cứ bập bùng trôi ra từ miệng bà như ngọn lửa gầy đủ duy trì cho nồi nước tỏa hơi nóng để bà tráng bánh, những câu chuyện hằn trong tâm thức tôi hình ảnh một người đàn ông mà không bao giờ có cơ hội gặp mặt. Tôi vẽ bác P trong tâm trí mình theo lời kể của bà: “Bà đặt nó nằm trong ổ rơm, nó nghểnh cổ ra nhìn lò than đỏ, nhìn bà tráng bánh, mắt nó tròn như hòn bi ấy, đen óng, lông mi thì dài như lông mi con gái, da nó trắng như trứng gà bóc, bà mát sữa nên nó bụ lắm, tay chân đóng ngấn như tay mày đây này, nhưng trắng hơn cơ… Nó giống y như mày… mùi nó cũng thơm vầy.” “Sương mới xuống cỏ còn ướt, nhẫm chân lên rồi lại cước hết gót như bác Dệu, bác Dệu da trắng nên mỏng, hơi lạnh tí là cước toẽ hết gót ra, vậy mà gan lì cóc tía, không kêu khóc bao giờ, lúc nào đau quá thì ra ruộng lấy bùn trát vào, nó bảo trát kín vết nứt là chân khỏi đau… Nó giống máu bà, cứ lạnh là nứt gót, đau lắm chứ, bà bị rồi bà biết, vậy mà nó cứ bảo không sao… Sư cha nó, lúc nào nó cũng sợ bà lo, ai thèm lo cho nó, lớn rồi thì tự mà thích nghi chứ.” “Vậy sao bà không để cháu thích nghi như bác ấy?” Tôi vừa ngáp vừa hỏi. Bà bảo tôi chưa đến tuổi, với lại bác ấy là con trai, con trai thì phải rắn rỏi khỏe mạnh chứ con gái thì chẳng cần. Tôi lại hỏi sao bà là con gái mà làm việc suốt ngày đêm. Bà bảo bà làm quen rồi, để tay chân không thì không chịu được, với lại cứ ngồi không lại nghĩ đến bác Dệu… “Bác Dệu mày lúc bé cũng ngồi thúng như mày rồi bà gánh đi chợ, bà bán bánh góc này, nó sang góc kia xem ông đồ Thíu bán thuốc lào, nghe ông ấy đọc Lục Vân Tiên, đọc truyện Kiều rồi bắt chước, vậy mà nó thuộc như cháo chan, giọng nó cũng ngọt, cứ ngân nga đọc cho bà nghe suốt đường đi như vầy này. Có nó ngồi ở đầu quang đọc thơ, bà gánh nó đi vào tận miền Nam được ấy chứ...”

Không chỉ kể với tôi, bà kể về bác P cả với bóng tối, với những cành củi cùng bà đốt lửa tráng bánh, với đôi quang gánh theo bà ra chợ mỗi ngày. Năm 1992 bà tôi ốm nặng, tôi thường sang ngủ cùng bà. Dù sức khoẻ đã như ngọn đèn sắp hết dầu nhưng bà vẫn không thôi kể về bác P cho tôi nghe. Trong cái túi tam tòng của bà có một bức ảnh đen trắng cắt răng cưa, cỡ 4x6, chụp chân dung chàng thanh niên mười tám tuổi đội mũ cối có ngôi sao trên mũ, cần cổ cao và trắng ngần. Thỉnh thoảng bà lại lôi ra bảo tôi nhìn giúp bà xem ảnh còn rõ hình không, có bị ẩm ố gì không… Hôm bà mất, mọi người tìm thấy trong lòng bàn tay bà vẫn còn cầm tấm hình của bác. Khi viết truyện ngắn Vòm trời của mẹ, tất cả những hình ảnh và câu chuyện của bà, của bác P trở về tràn đầy trong tâm trí tôi.

Ở một góc nhìn khác về nỗi đau của người mẹ mất con, tôi viết Dằng dặc trời trăng vin vào hình ảnh bà những khi đau buồn bực bội với các con hay với bất cứ điều gì diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Đó là những lúc bà ngồi ở một góc giường hoặc co chân thu lu trên cái ghế ở góc nhà, vừa khóc vừa nói một mình: “Thằng P mà còn nó không nói với tôi như thế đâu.” “Thằng P không bao giờ cư xử với tôi như vậy.” Có nhiều lúc tôi thấy bà cũng bất công với các con mình. Và bà mẹ anh Sao trong Dằng dặc trời trăng là ảnh xạ của bà tôi những ngày cuối đời: “Người đàn bà nhỏ xíu như đứa trẻ ngồi tựa lưng vào gốc cau đếm từng giọt trăng rơi xuống ao bèo. Bất kể lúc nào rảnh, như lúc chờ nồi cơm sôi cạn, chờ chảo dầu nóng, chờ cái gàu chìm xuống đong đầy nước… bà cũng nói chuyện Sao. Bà không giấu nỗi nhớ trong lòng mà để nó trôi ra miệng, phủ kín mọi khoảng trống xung quanh. Sau này, tuổi tác nhiều thêm, bà nói cả khi không có người, nói nhiều đến nỗi khoé miệng chi chít nếp gấp, những nếp gấp xô vào nhau, chèn lên nhau lan dần ra khắp cơ thể khiến da dẻ nhăn nhúm lại.”

Sau này, khi bắt đầu làm mẹ, tôi dần hiểu thấu nỗi nhớ thương của bà dành cho người con ra đi không một lần trở lại. Hình ảnh của bà, từ dáng điệu cử chỉ đến những câu nói khi ngậm ngùi xót xa, khi khát khao thương nhớ đã in sâu trong tâm trí tôi như những góc khuất để những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong hòa bình như tôi cảm nhận được phần nào sự tàn khốc mà chiến tranh dội đến tâm hồn những người mẹ. Tôi cũng có cơ hội gặp gỡ những bà mẹ ở nhiều miền quê khác nhau. Khi trò chuyện và nhớ về các con mình, về những người thân yêu, tôi nhìn thấy trong đôi mắt họ đầy những giọt nước bị xé vụn thành vô số vết thương, những vết thương không gì có thể chữa lành.

Sinh ra và lớn lên trong thời bình, viết về chiến tranh là cả một thử thách, tôi chỉ mong mình ghi chép và biểu đạt phần nào những điều mình cảm được, đọc được từ đôi mắt những người mẹ, người chị vì chiến tranh mà đã mất đi một phần máu thịt của mình và cầu mong tìm kiếm những tâm hồn đồng cảm, đồng điệu cùng nhau hướng đến một tương lai hòa bình, một tương lai không tiếng súng. Mường tượng tiếng bom đạn nổ ở đâu đó đây kia, tôi nhớ đôi mắt đau thương hoang hoải của bà tôi và đôi mắt của những bà mẹ mất con vì bom đạn mà xót xa thầm hỏi, còn bao nhiêu đôi mắt bị sát thương, những vết thương không thể liền sẹo…

V.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)