. Thanh Hà
Tính nhân dân là mối liên hệ mật thiết giữa sáng tác nghệ thuật ưu tú với thị hiếu thẩm mỹ, tư tưởng, tình cảm, lợi ích của nhân dân. Ở thế kỷ XVIII các nhà lý luận nghệ thuật Khai sáng phê phán chủ nghĩa cổ điển bởi tính quý tộc bảo thủ, đòi văn nghệ hướng về nhân dân, giáo dục, bồi dưỡng tinh thần công dân cho họ. Đến thế kỷ XIX, chịu ảnh hưởng bởi phong trào đấu tranh của nông dân chống chế độ nông nô, các nhà dân chủ cách mạng Nga kêu gọi nghệ thuật phải phục vụ cuộc đấu tranh chống bất công. Đứng trên quan điểm duy vật lịch sử cho rằng nhân dân vừa sáng tạo ra của cải vật chất vừa sáng tạo ra những giá trị tinh thần, kế thừa những hạt nhân tích cực trong lý luận đi trước, Mác bổ sung và hoàn chỉnh một quan niệm khoa học về tính nhân dân.
Một tác phẩm nghệ thuật có tính nhân dân là phải phản ánh những sự kiện, những vấn đề của đời sống có ý nghĩa đối với vận mệnh, hạnh phúc của nhân dân. Tục ngữ, ca dao, dân ca có tính nhân dân sâu sắc vì đó là tiếng nói, là tư tưởng tình cảm của nhân dân, khuyên bảo, giáo dục con người hướng đến cái đẹp vĩnh cửu của chân, thiện, mỹ. Thơ Hồ Xuân Hương sâu đậm tính nhân dân bởi đó là tiếng nói bênh vực người phụ nữ, đấu tranh chống lễ giáo khắc kỷ, đồng thời đó là tiếng lòng khát khao hạnh phúc, lẽ công bằng…Một tác phẩm không phải cứ nói về dân nghèo mới có tính nhân dân, vấn đề ở chỗ tác phẩm đó có thể hiện được tư tưởng, tình cảm, lợi ích của nhân dân hay không. Nhìn ở góc độ này ta lại thấy “Chinh phụ ngâm” tuy tập trung nói về nhân vật là phụ nữ quý tộc nhưng qua đó để lên án, tố cáo chiến tranh, nêu cao khát vọng hòa bình, thì vẫn là một tác phẩm có tính nhân dân sâu sắc.
Vấn đề có ý nghĩa quyết định là quan điểm tư tưởng và thái độ phản ánh của người nghệ sỹ sáng tạo ra tác phẩm có vì nhân dân, tôn trọng nhân dân hay không.
Đánh giá một tác phẩm có tính nhân dân luôn căn cứ từ hai phương diện cơ bản là nội dung (phản ánh cuộc sống của dân, tâm tư, tình cảm, ước nguyện, quyền lợi…của nhân dân), và hình thức (phù hợp với thị hiếu của dân, được nhân dân ưa thích, trong sáng, giản dị, dễ hiểu…). Đỉnh cao của tác phẩm có tính nhân dân trong quá khứ là “Truyện Kiều”, một tác phẩm “nói mãi không cùng”, càng đọc càng mới. Ứng những điều này vào hiện thực các sáng tạo nghệ thuật hôm nay càng thấy chúng ta cần phải cố gắng nhiều để đưa tác phẩm trở về với đông đảo quần chúng.
Có “tác phẩm” lấy cảm hứng từ những câu chuyện làm tình (được gọi một cách mỹ miều là diễn ngôn tính dục), miêu tả một cách cặn kẽ, chi tiết những cảnh sex khêu gợi sự thấp hèn xa lạ với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt, đáng bị lên án.
Có “tác phẩm” lại tràn ngập những ngôn từ tục tĩu, chợ búa (được núp dưới tên gọi diễn ngôn thế tục)…rất thiếu trong sáng, hoàn toàn khác với sự tinh tế kín đáo của tính cách Việt, cũng nên bị loại trừ khỏi tầm quan tâm của bạn đọc chân chính.
Có ấn phẩm lại thẳng thừng chối bỏ văn hoá Việt đã sinh ra chính tác giả, kiểu như: “Bản sắc văn hoá Việt Nam/ Nó giống như một cái xác chết thối/ Giống như một cái gối cũ/ Như một vết thương bưng mủ…”. Cần phải coi đó là thứ phẩm phản động để gạt nó ra ngoài đời sống văn hoá.
Môtip cởi trao là một hình tượng nghệ thuật trong ca dao còn cần nhiều những khám phá thú vị về cả mỹ học hình thức lẫn những giá trị biểu cảm nội dung. Thơ hôm nay cũng sẽ có môtíp này. Đây là một ví dụ:
“…em cởi bỏ mọi trang phục pha lê nứt vỡ
cởi bỏ mọi tư duy hình thức đã khô đình nát bến cạn
hoà nhập vào cơ thể ta đang tốc hành về phía ánh sáng
hay đóng cửa /tự huyễn hoặc mình /và chờ chết?
(Em nóng dần lên - P.H).
Dở vì trơ trẽn, tối tăm, bi quan, chán nản. Trao gởi mà chẳng có gì để gởi trao, chỉ thuần là những động tác, hành vi tăm tối. Trong một tập thơ của một nhà thơ trẻ được trao giải cao, cũng sử dụng môtíp này:
“Hai con thạch sùng làm tình không đủ làm ô uế bàn thờ
Cởi truồng trước ngàn con mắt nhện không cảm thấy xấu hổ.
(Làm tròn - ĐDP).
Đúng là “ngàn con mắt nhện không cảm thấy xấu hổ” (vì chúng không tình cảm, không tư duy) nhưng bạn đọc đọc lên lại cảm thấy xấu hổ, vì bị xúc phạm.
Thơ luôn phải đổi mới, đổi mới quyết liệt bắt đầu từ quan niệm của chủ thể tạo ra những góc nhìn mới mẻ về cuộc sống. Đó phải là góc nhìn của sự yêu thương kính trọng nâng đỡ con người. Từ chữ tâm (chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài) người nghệ sỹ mới có thể dùng sức nặng của con chữ như Đỗ Phủ nói Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu (Lời thơ chưa kinh động lòng người thì chết chưa yên) để trải lòng mình, đem hồn mình tri âm hồn người.
Một sự liên tưởng ngược lại, vũ trụ như là người con gái nhưng câu thơ dưới đọc lên thật phản cảm vì đó là hình ảnh người con gái – vũ trụ ấy đang trong “ngày đèn đỏ”:
Những đám mây hành kinh trời xa vòm xanh quần lót, mà đôi chân sông núi thập thò…(V.C.H).
Trong khẩu ngữ dân gian, khi các cô gái đến ngày đó chẳng may phải nói ra thì cũng không dám nói thẳng hành kinh mà có cô ý tứ nói “đến ngày…”, “chu kỳ”, “chuyện riêng của phụ nữ…”. Thế mà trong thơ…!!!
Trong sáng tác của một số ít người viết trẻ xuất hiện những hình ảnh không đẹp, tiếc thay lại được sự cổ vũ quá mức cần thiết của một vài nhà phê bình. Một người viết trẻ gần đây in tập thơ mang tên “Hở” có những câu như: “Tôi hỏi một không tám không/ Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?/ Chị tổng đài giọng nhu mì/ À nhiều màu lắm vặt đi vẫn nhiều” (Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông).
Khái niệm hậu hiện đại ra đời trong lòng các nước tư bản phát triển những năm giữa thế kỷ XX, nở rộ vào những năm cuối thế kỷ. Nó có cơ sở xã hội và ý thức là khi xã hội bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, văn minh tin học bùng nổ, internet kết nối toàn cầu thành một cái làng, chủ nghĩa kỹ trị lên ngôi...từ đó dẫn tới khủng hoảng niềm tin, con người hoài nghi cả Thượng đế (bây giờ không cần Chúa vẫn có thể tạo ra những điều kỳ lạ). Con người không điều khiển ngôn ngữ mà ngược lại, ngôn ngữ lại điều chỉnh người. Dần dần một số nhà nghiên cứu khái quát thành lý thuyết với quan niệm về con người dị thường, ảo giác hoá, con người sống trong hoài nghi, hư vô, bi quan, phi lý...Tương ứng với quan niệm này là cả một hệ thi pháp hậu hiện đại, như chủ đề phi trung tâm, không bản chất, sáng tác ngẫu hứng, lắp ghép, phân mảnh...Hình tượng mang tính phi lý mà nổi lên một “lục vô”: vô lý, vô bản, vô ngã, vô căn, vô hội (không khắc hoạ ngoại hình), vô dụ (không ẩn dụ). Tình tiết chồng chéo. Ngôn ngữ là một trò chơi...Có thể hình dung tác giả hậu hiện đại cầm một cái bình pha lê đập mạnh xuống sàn gạch, mảnh vỡ tung toé!!! Đấy là sáng tác hậu hiện đại.
Thơ là địa hạt của sự sáng tạo cái đẹp, có thể là cái đẹp ở âm thanh, nhưng quyết không thể là cách tạo âm hậu hiện đại khó hiểu như thế này:
Noel, đèn, môi em, zaem, Jesusalem, phaphem, hang Đức Mẹ, Jot, Jotbêhe, mùi quen mà quên (D.T).
Hền hệch nước, Jji, Jjuâng, Hưngbi, BJinh, noel, nôem, nôelle, leng beng…( D.T).
…Mon men hẻm quen. Bước loeng quoeng. Đụng và gặp lèng quèng những ám. Lơ quơ ký hiệu. Vẽ rồng rắn lên ngày xanh xa…( N.H.H.M).
Thơ là nghệ thuật của trí tưởng tượng, là sự tạo hình tạo nghĩa đem lại cho độc giả những bất ngờ thú vị về những hình ảnh cuộc sống non tơ sinh sôi phập phồng hay biểu hiện một cuộc sống héo mòn, “mục ra, rỉ ra”…từ đó làm cho người đọc hiểu mà thêm yêu thương, căm thù hay khát vọng. Chứ quyết không tưởng tượng “vô hồn”:
Tôi lại đi…
Jiữa cái nong hình záng lưng tôi, một mảnh đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân zính zính… những con 8 lộn zọc nhẵn thín nam châm, gói trong hạt thóc zống của không biết.
Tôi khắc biết mênh mông một cái bẹn Epicure ngập chìa chuồng bốn fía con mưa túlơkhơ xanh đỏ con sập sành…(Đ. Đ. H).
Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré…váy hè…Tiện nghi lạc xon. Chất chồng trố trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảng khắc. Mini mông lông. Cởi quần. Chửi thề. Con gà quay con gà quay. Bão loạn. Múa vàng. Te tua. Nhữ giấc. Bão loạn. Rùng rùng. Sặc nước. Giặt tóc. Liên tục địa đầm. Tim, chết, đi, bão loạn. Dứt tung tay. Óc lói…( H. H).
Cá tính là cái riêng, nổi trội để tạo ra tiếng nói riêng, giọng điệu riêng. Khi nhà văn lặp lại chính mình, lặp lại tiền nhân, lặp lại người khác, tức là đã tự mình đi vào ngõ cụt. Nhưng phải là cá tính sáng tạo, tức là phải tạo ra cái mới, tiến bộ, phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ, mới mẻ, độc đáo. Nói thế là vì người nghệ sỹ làm giàu cho xã hội không bằng số lượng của cải vật chất mà bằng các giá trị tinh thần, làm mới các giá trị tinh thần. Bởi, sự thật có khi chỉ là một nhưng phải cần nhiều cái nhìn, nhiều cách cảm, nhiều cách hiểu, nhiều cách lý giải để cho sự thật thêm phong phú về ý nghĩa, thêm sâu sắc về bản chất. Tức là nghệ sỹ không sợ thiếu đối tượng miêu tả, phản ánh mà chỉ sợ thiếu tài năng, thiếu cá tính mà thôi.
Tìm về tận ngọn nguồn của lịch sử âm nhạc thì trong thần thoại La Mã, thần âm nhạc có tên là Apollo mang cả nhiệm vụ là tiên tri, và chữa bệnh. Nghĩa là tận xửa xưa người ta đã quan niệm âm nhạc có chức năng tiên tri (nghe nhạc mà biết trước được những gì sẽ đến), và chức năng chữa bệnh (như đã phần nào đề cập ở trên). Nhìn vào lịch sử văn học dễ thấy, ở thời La Mã các chiến binh trước khi ra trận thường được nghe các khúc nhạc mạnh mẽ mang tính chất khích lệ để có thêm tinh thần chiến đấu. Khi giao tranh, người ta thường đánh trống, khua chiêng một cách dồn dập để cổ vũ các chiến binh xông lên. Khi trở về qua vùng biển Xiren nguy hiểm chàng Uylitxơ trong Ôđixê anh hùng phải nghĩ cách đút nút sáp ong vào tai anh em thuỷ thủ, còn mình thì bảo anh em trói vào cột buồm. Nhờ thế mà anh em không nghe được còn mình cũng thoát được sự quyến rũ mê hoặc của những tiếng hát du dương bởi các tiên nữ muốn chèo kéo các bậc nam nhi ở lại…Tiếng đàn chàng Thạch Sanh. Tiếng đàn này mê hoặc lắm, tài tình lắm. Đàn kêu tích tịch tình tang… để minh oan cho chàng: Ai đem công chúa dưới hang trở về…Và đặc biệt là tiếng đàn ấy làm cho quan quân 18 nước chư hầu lăn quay ra ngủ mà quên đi cái tội định gây chiến bằng gươm đao…Quả là không có tiếng đàn thì nguy hại biết bao nhiêu, có khi người chết, có khi nước mất…!!!
Thì ra cổ kim, đông tây đều rất coi trọng sứ mệnh của âm nhạc vậy!
Thế mà thời nay…Có con cháu của thần âm nhạc Apollo, của nghệ sỹ Thạch Sanh lại không hề tấu lên, xướng lên các bản nhạc có sức mạnh chữa bệnh, ngăn chặn cái ác…mà hình như có phần ngược lại, kích động cho những cái gì không đẹp cũng chẳng hay. Dĩ nhiên nói ra điều này phải xin lỗi giới làm nhạc chân chính.
Xin chứng minh, hãy vào các quán bán đĩa nhạc, để xem tên các bài hát: Người yêu tôi ông cũng không chừa, Người đàn ông không được quên hết tình nghĩa, Người đàn bà ích kỷ, Kiếp đàn bà thân xác đàn ông, Tình một đêm, Không còn gì để mất, Bên nhau dù không còn cảm giác, Yêu một người sống bên người khác, Anh chấp nhận là người tình thứ ba, Một lần nữa tôi bị lừa, Yêu một người là dại, Ăn bánh trả tiền...Ok, như vậy đi...
Thật là phản âm nhạc, âm nhạc theo cái nghĩa tận ngày xưa là nâng đỡ tâm hồn, giáo dục cái đẹp…Còn lời ca, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là ca từ…Xin nghe một vài lời chẳng đẹp, chẳng trong sáng, dĩ nhiên cũng chẳng tình tứ nữa:
...Yêu một lúc đến hai ba bốn năm cô, là cho yêu như vậy là mới yêu! Người đàn ông tham lam mãi là anh, một bàn tay năm ngón anh chẳng biết chọn ai...
...Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người… Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa(?!).. Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao...
...Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ... Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi... Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất rồi....
Người xưa dùng hai chữ thơ ca đi liền với nhau là có ý nhắc nhở: thi trung hữu nhạc (trong thơ có nhạc), nhạc trung hữu thi (trong nhạc có thơ). Nghĩa là nhạc phải có sự hiệp vần, ngắt nhịp, phối thanh...của thơ. Những lời ca từ trên không hề thơ: không chất thơ, chẳng tính thơ...Đơn giản chúng là ngôn ngữ của sự dung tục.
Đây không phải là cá tính sáng tạo, chẳng phải “nổi loạn phá cách”, chẳng phải “ngông”… mà là một sự ngược đời cũ kỹ. Ở cái bài Cái nường 8x là sự tục tĩu, không cứ phải là nhà thơ hay nhạc sỹ mà một cậu mục đồng choai choai nào đó cũng có thể gọi tên và…“hát” về các bộ phận cơ thể như thế, thậm chí còn “hồn nhiên” hơn. Ở bài Ngũ sắc thì sự kết hợp của từ chỉ nghề nghiệp (ví dụ từ phóng đạn là từ gắn liền với thuật ngữ quân sự) với từ chỉ chức năng, biểu hiện sinh dục, sinh sản (như tinh trùng) thì không thể hay hơn truyện tiếu lầm dân gian…Nếu nói về linga và yoni, tức nhìn các bộ phận sinh dục nam và nữ dưới góc độ văn hoá phồn thực, thì các tín ngưỡng dân gian nói hay hơn nhiều, và dĩ nhiên, văn hoá hơn nhiều cách nói sống sượng trên. Đấy là còn chưa thể, và không thể so sánh với thơ của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, cũng nói về cái ấy, hành vi về chuyện ấy mà thật tao nhã, trong sáng, thánh thiện…
Đây chính là biểu hiện của một vài cá nhân nghệ sỹ không còn cá tính sáng tạo nên đi vào ngõ cụt đành quanh quẩn trong không gian kín mít, đen đặc với “Bẹn ơi, mông ơi, háng ơi, nọn nường ơi…”. Mà thôi!
Không thể “biện minh” nghệ sỹ cần một sự “tự do tuyệt đối” trong sáng tạo nghệ thuật. Không sa vào bàn luận khái niệm thế nào là “tự do tuyệt đối”, chỉ cần hỏi: Tại sao rất nhiều nghệ sỹ khác không cần “tự do tuyệt đối” như thế vẫn có những ca khúc mang tư tưởng thẩm mỹ đích thực, có giá trị sẽ còn sống mãi với thời gian?
Không thể coi đây “là cuộc chơi riêng” của nghệ sỹ. Bởi cũng chỉ cần hỏi: Nếu là cuộc chơi riêng thì “phát hành” làm gì, “tặng” làm gì… và nhận quà tặng để làm gì…?
Mỗi nghệ sỹ cần mài sắc cá tính sáng tạo bằng cách luôn miệt mài học tập kiến thức, trau dồi vốn sống, đi sâu vào thực tế để tìm ở đó cảm hứng và hình tượng mới mẻ để mà nhập thân…Người nghệ sỹ đích thực quyết không thể cho ra những sản phẩm dung tục, ngược đời, cũ kĩ.
VNQD