. Nguyên Thanh
Người Việt ta rất biện chứng và sâu sắc khi nói: “Người đôi ba đấng của chín mười loài”. Ngay sách rất cần cho đời sống, là món ăn tinh thần không thể thiếu, cũng có ba bảy loại sách. Rất nhiều sách quý, sách tốt, sách hay cũng đồng thời có không ít sách dở, sách hại, sách nhảm nhí. Đáng tiếc là có hiện tượng sách hay, sách tốt thì chịu phận nằm phủ bụi trên giá, còn sách dở, sách nhảm nhí lại được vồ vập đón nhận.
Chúng tôi muốn nói tới loại sách ngôn tình đang tràn ngập trên các sạp bán sách báo, và bán rất chạy…
Đối tượng đọc thường là các thanh thiếu niên. Có bạn còn khoe trên facebook đã đọc một trăm cuốn trong năm. Đầu tháng 4 năm 2015 ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có các buổi giao lưu với một tác giả trẻ truyện ngôn tình người Trung Quốc, thì hàng nghìn bạn trẻ Việt Nam đến gặp gỡ thể hiện sự hâm mộ. Nhìn cảnh ấy các nhà văn chân chính xứ ta không tránh khỏi sự ngậm ngùi, các nhà quản lý văn hóa của ta không thể không day dứt suy ngẫm. Trong khi đó, theo thống kê thì người Việt đọc sách vào hàng thấp nhất trong số các nước đang phát triển. Tại sao vậy? Bởi có sự kết hợp của mặt trái kinh tế thị trường với sự loạn chuẩn trong văn hóa đọc của một số bạn trẻ. Có thể ví sách độc hại như một thứ cỏ dại đang chen lấn với những cây hoa trong vườn hoa văn hóa dân tộc, mà nếu không nhổ bỏ sẽ sớm là mối nguy hại…
Truyện ngôn tình có xuất xứ từ dòng văn học “Linglei” ở Trung Quốc từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu được hiểu đó là một dòng văn học đương đại đi theo “cái khác lạ” cổ súy cho lối sống bất cần, phản ứng lại những khuôn phép xã hội. Truyện ngôn tình (tình cảm sướt mướt, tình yêu ủy mị, tình dục cởi mở…) chỉ là một nhánh nhỏ của “Linglei”. Sang thế kỷ XXI, dần dần nó tự/được điều chỉnh để khuyến khích giới trẻ hướng theo sự “năng động”. Mặt trái của văn học “Linglei” là đi vào đề tài sex, ma túy, lối sống hưởng thụ, những bi kịch cuộc đời, đổ vỡ tình yêu, sự khắc khoải, trống vắng nội tâm khi thất tình… Mà những trạng thái này rất thường gặp trong tâm hồn thanh thiếu niên mới lớn, còn ít trải nghiệm sống, chưa đủ bản lĩnh văn hóa…
Sách ngôn tình tràn vào Việt Nam theo con đường tất yếu của tiếp biến văn hóa, càng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn khi nước ta và Trung Quốc liền kề nhau, lại “đồng văn, đồng chủng”. Nó càng có cơ hoành hành khi một số người vì lợi nhuận đã thuê dịch, in và bán để kiếm lời, kết hợp với quản lý xuất bản phẩm, kiểm duyệt ở ta có phần dễ dãi, và nhất là nó được đón đọc!!!
Trách nhiệm ngăn chặn thứ văn hóa xấu xí ấy không của riêng ai. Xin kể lại một vài chi tiết trong sử thi “Ô-đi-xê” vĩ đại, phần “Uy-lit-xơ trở về” để thấy cuộc đấu tranh này đã có từ rất xa xưa nhưng không hề cũ với hôm nay. Lần ấy đoàn quân của Uy-lit-xơ phải qua xứ sở của nữ pháp sư Circe xinh đẹp. Nếu ai non yếu thiếu bản lĩnh sẽ bị quyến rũ bởi giọng hát mê hoặc của pháp sư mà không chối từ uống rượu pha mật ong để rồi bị biến thành lợn. Nhờ sự giúp đỡ của thần Héc-mét mà Uy-lit-xơ hóa giải được độc kế bằng thứ thảo dược quý và hành động đâm thẳng kiếm vào kẻ định gây tội (vì có phép thuật nên pháp sư không thể chết). Lần khác phải đi qua hòn đảo của loài phù thủy Sirens trấn giữ. Chúng có giọng hát vô cùng du dương để hấp dẫn, “thôi miên” những người đi biển, dẫn dụ họ đâm thuyền vào những bãi đá ngầm rồi bắt họ lên đảo mà ăn thịt. Uy-lit-xơ nghĩ cách lấy sáp ong bịt tai các bạn và nhờ người khác trói mình vào cột buồm…Nhờ đó mà thoát nạn.
Thì ra người xưa đã phải chiến đấu chống lại thứ “nghệ thuật” có vẻ ngoài “mê hoặc” nhưng lại mang bản chất hại người, giết người như vậy. Ẩn ý mà tiền nhân nhắn lại đời sau là: Phải có thứ “thảo dược quý” tức là phải có nghệ thuật hay (tức sách hay) thì mới có thể “cạnh tranh” rồi đánh bật được thứ “nghệ thuật” độc hại (tức sách ngôn tình có hại); phải kiên quyết dùng luật pháp ngăn chặn (như chàng Uy-lit-xơ đâm thẳng kiếm vào kẻ định gây tội vậy). Hai là “lấy sáp ong bịt tai” tức phải tuyên truyền, giáo dục, làm rõ sự hay dở, thậm chí phải “cưỡng chế” (trói vào cột buồm) để không ai nghe “lời hát” chết người kia…
Đúng là nghệ thuật đích thực vì con người, dù có từ cổ xưa (“Ô-đi-xê” có từ khoảng thế kỷ IX-VIII trước Công nguyên) vẫn có ý nghĩa giáo dục còn “nghệ thuật” đương đại dù mới mẻ nhưng phản nhân văn, vẫn có thể gây hại.
Quả là thâm thúy và sâu sắc thay!
VNQD