Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Dũng khí để trở thành trí thức

Thứ Sáu, 23/11/2018 00:30
HỒ THỊ PHƯƠNG MAI   

1. Hồ Anh Thái xứng đáng được xem là một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của văn học Việt Nam đương đại. Điều gì đã khiến cho tiểu thuyết của Hồ Anh Thái luôn thu hút được sự quan tâm của giới phê bình văn học lẫn độc giả? Trong nhiều lí do, có thể nhận ra, hệ thống hình tượng người trí thức đã được nhà văn xây dựng rất thành công. Quả thật, tiểu thuyết Hồ Anh Thái đã góp một góc nhìn độc đáo, giúp độc giả có thêm cơ sở để hiểu đầy đủ hơn về giới trí thức nước nhà từ sau năm 1975 đến nay.

Hồ Anh Thái đã đến với đề tài trí thức một cách tự nhiên. Chất liệu thì nhiều, nguyên mẫu có sẵn, trải nghiệm không hề ít, điều kiện để so sánh trí thức Việt với trí thức các nước khác lại rất thuận lợi… Tất cả những điều ấy cho thấy Hồ Anh Thái là người có đủ thẩm quyền để viết về giới trí thức, luận về những vấn đề của người trí thức trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay. Là người có ý thức sâu sắc về sứ mệnh của người cầm bút và luôn tỏ thái độ trí thức trước mọi vấn đề của đời sống, hẳn Hồ Anh Thái có quan niệm riêng của mình về một mẫu hình trí thức lí tưởng. Tuy nhiên, nhà văn hiếm khi phát ngôn trực tiếp về mẫu hình lí tưởng ấy. Ông coi trọng việc cung cấp dữ liệu thực tế để độc giả đánh giá hơn là lộ diện bình luận, phân tích trực tiếp về đối tượng.
 
2. Phẩm chất văn chương của Hồ Anh Thái bộc lộ từ rất sớm. Năm 1982, khi mới hai mươi hai tuổi, ông đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Trong cái nhìn của tuổi hai mươi, Hồ Anh Thái đã nhận thấy một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội lúc bấy giờ: sự tha hóa của con người, của giới trí thức trước nhiều cám dỗ. Điều ấy có ý nghĩa quan trọng, bởi nó đã định hình diện mạo của giới trí thức trong sáng tác của ông từ đó về sau.

Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái đã cho thấy thực trạng: một bộ phận trong giới trí thức nước ta (hoặc vô tình mà trở thành trí thức, hoặc cố gắng trở thành trí thức) đã đứt gánh giữa đường. Đáng nói là ở chỗ, sự nỗ lực để trở thành người trí thức đích thực chỉ có ở một bộ phận rất nhỏ. Có người vốn không định trở thành người trí thức lại nghiễm nhiên được thừa nhận. Có người cố trở thành trí thức (dù không yêu mến tự hào gì về nó) chẳng qua chỉ vì lợi ích cá nhân. Hồ Anh Thái ghi nhận một thực tế, những người có phẩm tính trí thức, có mong ước trở thành người trí thức đúng nghĩa, đều bị cản trở bởi một lí do nào đó.

Trở thành một trí thức có cống hiến cho xã hội là mong muốn giản dị, chính đáng của một bộ phận công chức trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Vốn tri thức, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm luôn nhắc nhở họ cố gắng, nỗ lực để hoàn thành công việc mà mình đảm nhận. Vì thế, thông thường họ chủ động lựa chọn nghề nghiệp của mình và đặt vào đó rất nhiều hi vọng. Họ muốn trở thành người hữu ích. Nhưng khi đối mặt với hiện thực, họ không khỏi hẫng hụt. Trong Người và xe chạy dưới ánh trăng, nhân vật Toàn vốn rất giàu khát vọng. Anh ta “không chỉ mong muốn mà còn rất quyết tâm: phải gắng gỏi, phải đi tới tương lai bằng đôi chân đang guồng thoăt thoắt trên cỗ xe, đôi chân của chính mình”. Tuy nhiên, sự hồn nhiên, đơn giản và cả sự gắn bó với nghề không giúp Toàn đạt được hoài bão. Vẫn là câu chuyện lí lịch. Trước, người ta coi trọng thành phần công - nông - binh; xuất thân giàu có thì bị quy là tư sản, lí lịch có thể không trong sạch, bị hạn chế cất nhắc, đề bạt. Nay, chuyển sang một dạng khác, người ta chú ý đến việc cha mẹ anh là ai, có quyền thế hay không. Toàn đạt điểm cao nhất trong kì thi chọn nhưng vẫn bị loại ra khỏi danh sách được đi học ở nước ngoài, vì cha anh chỉ là một công nhân bình thường. Trong Dấu về gió xóa, nhà nghiên cứu “có uy tín thì bị bỏ quên, những nghiên cứu viên thiếu chuyên môn lại được giao đề tài, vì người quản lí không cần kẻ giỏi chuyên môn bằng người thường xuyên thăm nom đón ý vây bọc xung quanh thủ trưởng, vì cơ chế tiểu nông cần những người dễ sai bảo, tiện gọi như gia nhân ngay trong nhà”. Hi vọng được giao công trình để nghiên cứu một cách thực sự rốt cuộc lại hóa ra ảo tưởng, “ảo tưởng về người”, “ảo tưởng về chính mình”... Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái đã phản ánh một thực tế quá nhiều bất cập, khiến người trí thức vốn hồ hởi, nhiệt huyết đã dần trở nên nguội lạnh, mòn mỏi, phải tồn tại trong nhạt nhẽo, vô vị. Dẫu biết là cần phải thay đổi nhưng trong bối cảnh chung, người trí thức vẫn chưa tìm được lối thoát cho mình, vẫn phải chấp nhận, chịu đựng thực tế phũ phàng. Trong giới trí thức, có nhiều người lâm vào những cảnh ngộ, những lựa chọn chênh vênh, bi kịch. Họ luôn dằn vặt khi nhận ra đã bị rơi khỏi quỹ đạo của chính mình, lạc vào vòng xoáy của dục vọng. Hoài bão và tài năng của họ đứng trước nguy cơ bị thui chột, bào mòn. Người trí thức ngày nay không đứng trước lựa chọn sống chết như Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng (Vũ Như Tô), cũng không nghèo khổ túng quẫn như Hộ, Điền, Thứ trong sáng tác của Nam Cao (Đời thừa, Trăng sáng, Sống mòn). Nhân vật người trí thức của Hồ Anh Thái một mặt vẫn không thoát ra khỏi vòng vây của hoàn cảnh, mặt khác lại không cưỡng được ham muốn của cá nhân mình. Dù được lựa chọn, nhưng họ đã không muốn hay không dám chọn con đường khó khăn nghèo khổ để nuôi dưỡng tài hoa của mình. Họ chọn sự đổi thay, họ muốn được thỏa mãn nhu cầu bản năng của cá nhân, ngay lập tức. Trong không gian xã hội mới, một bộ phận trí thức không còn muốn hi sinh vì nghệ thuật, vì cái đẹp nữa. Theo quan sát của Hồ Anh Thái, nhiều trí thức thời nay có thể sống thiếu lí tưởng chứ không thể sống thiếu sự thụ hưởng vật chất. Vì thế, thay vì sống với nghệ thuật mà khốn đốn vì cơm gạo áo tiền, họ sống trong hưởng lạc mà mơ về nghệ thuật. Sau cùng, họ bàng hoàng nhận ra mình đã đánh mất những giá trị tốt đẹp mà mình hằng ao ước. Nguyên nhân nào khiến người trí thức đi đến lựa chọn như vậy? Chúng ta đã có những bước tiến nhất định trong việc nâng cao đời sống vật chất cho xã hội nhưng vấn đề định giá giá trị của những sản phẩm tinh thần, của tri thức vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Trong Người đàn bà trên đảo, Tường biết, “Cánh diều của anh đã tung bổng phóng đãng quá đà. Rồi nó đã bị giông gió quật cho tơi tả”. Tường trở nên “hoảng loạn và bế tắc, buồn chán và tuyệt vọng”…

Sau 1986, cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường là sự đổi thay đến chóng mặt lối sống của giới trẻ. Ngòi bút Hồ Anh Thái ngày càng trở nên biến hóa khi thể hiện sự khốc liệt, tàn nhẫn của cuộc đời mới này. Giấc mơ trở thành người trí thức, được sống để thể hiện đúng tài năng, sở trường bị dập tắt bởi những tính toán bon chen tỉnh táo, lạnh lùng và rất thực tế. Điều đáng nói là ở thời điểm trước và sau 1986, Hồ Anh Thái vẫn phát hiện ra chất người trong con người. Dù ngập trong thế giới ma mị của tình, tiền nhưng trong một số nhân vật trí thức của ông vẫn không mất hẳn năng lực nhận thức. Họ nhận ra mất mát, thấy dằn vặt và giằng co giữa hai lối sống, thực dụng và hướng thiện. Khó có thể cho rằng đó là những trí thức đúng nghĩa nhưng sự chênh vênh, đổ vỡ và nỗi đau đớn mà họ nếm trải trước khi đi đến thức ngộ đã khiến độc giả day dứt. Muốn trở thành một trí thức đích thực thật không đơn giản!

 
ho anh thai
Nhà văn Hồ Anh Thái

Dưới con mắt tinh đời của tiểu thuyết gia Hồ Anh Thái, có nhiều sự thật đã được thể hiện. Trong đó, nhà văn đặc biệt lưu tâm đến sự giả dối của con người. Sự thật này không mới, độc giả đã thấy trong sáng tác của Ma Văn Kháng (Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú...), Lê Lựu (Thời xa vắng), Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu)... Nhưng ở tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, sự giả dối hiện lên với một diện mạo khác. Khi đối diện với sự giả dối, Ma Văn Kháng đã để cho nhiều nhân vật phát ngôn trực tiếp, thẳng thắn, gay gắt. Nguyễn Huy Thiệp thì tức giận, khinh ghét rõ rệt. Hồ Anh Thái lại dường như rất điềm tĩnh. Nhà văn viết về sự giả dối như thể đó là sự hiển nhiên, không khác được. Trong Người đàn bà trên đảo xuất hiện một đội ngũ “người làm hội họa, người làm phim, người làm nhạc”: Khang “ti toe đôi ba nốt nhạc, tập tọng sáng tác mấy bài hát nhịp phách sơ sài giai điệu buồn tẻ”; Phùng “sấn sổ kể chuyện đi làm phim”, lúc nào cũng “tự xưng là nhà phó đạo diễn”; Dụ vốn là một diễn viên “chuyên đóng vai chạy cờ” nhưng “mở mồm là xối xả như vòi nước mất khóa hãm, trích dẫn Sêchxpia, Môlie, Brech, Stanilapxki”... Thật ra, đó chỉ là một đám bậu xậu, nhắng nhít. Họ “tự vỗ ngực xưng là nghệ sĩ, họ tạo dáng hào hoa cao ngạo” nhưng họ có thể “lao vào cắn xé, chửi thề tục tĩu, giành giật suất ăn và nhu yếu phẩm”. Từ bản chất, “buôn bán nhăng nhít và lừa đảo, đó mới là tác phẩm thực sự của đám này”.

Từ Người đàn bà trên đảo đến Cõi người rung chuông tận thế, đến Mười lẻ một đêm, SBC là săn bắt chuột, Những đứa con rải rác trên đường..., diện mạo người trí thức trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái ngày càng hoàn chỉnh. Mức độ giả dối càng về sau càng trở nên phổ biến, như một căn bệnh trầm kha, khó chữa. Trước những cơ hội lựa chọn, người ta vẫn chọn sự giả dối. Người ta sẵn lòng dối mình, dối người. Nó tựa như “một thứ bản năng, cái bản năng hình thành từ thời bao cấp, bản năng hóa thạch rắn như kim cương, dùng búa đập không vỡ” (Những đứa con rải rác trên đường). Trong Cõi người rung chuông tận thế, các chính khách, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ là những kẻ cơ hội, sẵn sàng “đổ xô đến xúm vào” để lấy lòng một ai đó có thế lực; anh phiên dịch có “những thủ thuật của một chính khách cáo già”; thi sĩ “diễn ngay bộ mặt thiên tài, tỏ vẻ trầm ngâm và đăm chiêu, âm thầm và ngơ ngẩn”... Trong Mười lẻ một đêm, sự giả dối tràn ngập trong giới trí thức với nhiều bức chân dung được khắc họa bằng bút pháp hí họa quen thuộc của Vũ Trọng Phụng. Ấn tượng nhất có thể kể đến chân dung của hai vị giáo sư được đánh số Một và Hai. Trong lĩnh vực chuyên môn, hai giáo sư được coi là đầu ngành, bao năm vẫn sử dụng tài liệu từ những bản dịch ở Đông Âu đầu những năm 1980 rồi copy và paste. Giáo sư Một tham gia hội thảo khoa học, huyên thuyên trên trời dưới đất khiến ai nấy đều hoang mang, ngán ngẩm. Giáo sư Hai vẫn thường “cầm tay cầm chân sinh viên nữ” mỗi khi hướng dẫn luận văn, luận án và “háo danh làm thơ viết nhạc tung tóe”. Trong SBC là săn bắt chuột, người ta chỉ cần biết ghép vần ghép câu thì có thể trở thành nhà thơ, “người đàn bà nông nổi nhẹ dạ hời hợt dễ dãi bản năng phù phiếm” cũng có thể trở thành nhà báo... Tiền bạc không còn là phương tiện mà là mục đích sống, ái tình không còn chân tình mà chỉ là một thú hưởng lạc. Thực dụng, lừa dối, chộp giật, tạm bợ trở thành một thứ “bản năng”, không ai day dứt đau khổ nữa. 

Càng về sau cái nhìn của Hồ Anh Thái về giới trí thức càng trở nên sắc nhọn. Trước đây, người trí thức vẫn còn tự trọng, còn cảm thấy đau xót trước thực tế phũ phàng, thấy xấu hổ khi nhận ra mình nhầm lẫn. Về sau, nhiều người đã đánh mất những cảm giác rất người ấy. Sống lâu trong giả dối, sự giả dối sẽ nhiễm vào máu thịt con người ta lúc nào không hay. Khi đó, người ta sẽ mặc nhiên chấp nhận, thích ứng, và trở thành một phần trong đó. Không còn băn khoăn, không muốn phản kháng, người ta cứ sống như thể hiển nhiên phải thế. Thậm chí, không còn nhận ra mình đang giả dối. Tệ hơn, người ta bám vào đó để trục lợi. Đây chính là tình trạng nguy hiểm cho đời sống xã hội. Trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng, luôn có một thế lực ngăn trở người trí thức trên hành trình dấn thân, cống hiến. Nhân vật trí thức của Ma Văn Kháng lắm khi vật vã và bế tắc vì đã bị những kẻ hãnh tiến dốt nát, những quan niệm cổ lỗ bóp nghẹt. Người trí thức trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái cũng không tránh khỏi tác động ấy. Nhưng, trong khi nhiều nhân vật trí thức của Ma Văn Kháng quyết liệt đến cùng, người trí thức trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái lại có sự biến đổi theo thời gian. Một số nhân vật trong các tác phẩm được viết cuối thế kỉ XX còn day dứt, đau khổ, cố gắng để vượt ra, vượt lên thách thức. Ở những tác phẩm ra đời sau đó, nhân vật người trí thức hoặc trở thành vụ lợi, sành sỏi với nhiều mánh khóe ma mãnh; hoặc trở thành ngơ ngẩn, kì cục, lạc lõng. Lối sống hời hợt, dễ dãi tràn lan, hiện hữu khắp nơi khắp chốn. Trong SBC là săn bắt chuột, cô làm báo có thể “hẹn hò làm thơ trong chăn gối với suốt lượt các nhà ghép vần ghép câu”. Anh làm thơ thì phải “có tí hơi men, mắt sùm sụp buồn ngủ, đầu ù ù chả nghĩ ra cái gì sáng láng thì lúc đó mới là giờ vàng sản xuất ra thơ”, mà thơ thì “nó phải ú ớ, nó phải ngô nghê, nó phải điên khùng, nó phải rồ dại, nó phải nước phải lửa, thế mới ra thơ siêu phàm”. Ông giáo sư “cả một đời đứng cao cao trên bục giảng, ông chỉ có đi dạy dỗ, thành ra hoang tưởng, nhìn thiên hạ ai cũng chỉ là học trò”, “hễ có nữ sinh nào đến nhà là đều kết thúc trên chiếc giường hướng dẫn luận văn của ông”... Khi con người ta không thể chống lại rào cản, thì họ tìm cách thích ứng. Thích ứng với hoàn cảnh dẫu sao vẫn dễ dàng hơn là chống lại nó. Điều này lí giải vì sao sự giả dối ngày càng phổ biến. 

Không dừng lại ở đó, Hồ Anh Thái còn chú ý đến trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với thực trạng xã hội hiện nay. Cùng trong một bối cảnh, tại sao vẫn có người không bị lung lạc? Người ta sống như thế nào một phần là do sự lựa chọn, do tư chất và khí chất của mỗi người quy định. Và rốt cuộc, ta dự phần tạo ra sự hỗn loạn của xã hội, ta cũng có phần trách nhiệm trước sự hỗn loạn ấy. Ta vừa là nguyên nhân lại vừa là nạn nhân. Sự lặp lại này không hề là sự đùa giỡn nữa. Nó đã trở thành bi kịch của giới trí thức ngày nay. Không còn bi kịch lạc thời như người trí thức của Nguyễn Khải, không còn mộng để mà vỡ như người trí thức của Nguyễn Huy Tưởng. Ngày nay, có một bộ phận trí thức không nhỏ đang xây cho mình một thế giới mới. Thế giới ấy dù biến đổi liên hồi nhưng vẫn khép trọn trong hai chữ tiền, tình. Đó là cách họ làm hòa với thời cuộc. Đó cũng là cách họ tạo ra thời cuộc. Không ngơ ngác, lạc lõng nữa, họ đang diễn, rất sâu, như một phần tất yếu của cuộc đời. Trong nhiều tác phẩm của Hồ Anh Thái, tiểu thuyết Mười lẻ một đêm tập trung nhất về hiện tượng này. Câu chuyện giữa cô giảng viên đại học và người tình bị nhốt trên tầng sáu chung cư khiến nhiều người tỉnh mộng. Lẫn trong những câu chuyện họ nói với nhau là những hồi tưởng, liên tưởng, kết nối liên tục. Từ đó, một xã hội nhốn nháo hiện ra, với sự “góp công” rất lớn của giới trí thức. Hồ Anh Thái đang nói bằng lời của mình để giúp độc giả nhìn thấy một hiện thực mới, một trào lưu mới.
 
3. Nhìn bề ngoài, lẫn với những bức chân dung đẹp, người đọc nhận thấy có những bức chân dung với những biểu hiện hài hước, lố bịch. Thế nhưng, đằng sau vẻ hài hước cười cợt ấy, nhà văn lại hướng đến thể hiện một quan niệm hết sức nghiêm túc về người trí thức. Quan niệm ấy không được đúc kết trong những phát ngôn cụ thể mà được thể hiện bên trong, đằng sau những gương mặt đã được ông xây dựng. Có khi nó thể hiện qua tiếng thở dài nén chặt, có khi qua cái cười mỉm đầy ngụ ý, có khi qua sự giễu nhại đầy hài hước, có khi lại qua thái độ như thờ ơ, như có như không... Nhiều khi độc giả không khỏi băn khoăn, rằng rốt cuộc thì thế nào mới là một trí thức đúng nghĩa như Hồ Anh Thái mong đợi? Xã hội này có phải chỉ toàn là những kẻ rệu rã, cơ hội, lệch lạc? Tại sao thế giới nhân vật của ông lại đầy rẫy những người nhố nhăng, bạc nhược hay nhỏ nhen, giả trá?... Đây hẳn là dụng ý nghệ thuật của Hồ Anh Thái. Như một chiếc gương lớn, chừng đó chân dung về những người được cho là trí thức đã cho thấy một cách chân thực hiện trạng xã hội mà chúng ta đang sống. Cũng từ chiếc gương này, người đọc phần nào hình dung ra một bức chân dung khác mà Hồ Anh Thái hướng đến với mong muốn rất nghiêm túc, chân thành. Người trí thức phải biết từ chối dục vọng thấp kém của bản thân, như Đức Phật năm xưa đành đoạn dứt áo ra đi tu đời hướng đạo. Sự đoạn tuyệt này không hề dễ dàng nhưng lại vô cùng cần thiết vì chỉ như thế người ta mới có thể chạm tay tới những giá trị đích thực của cuộc đời. Người trí thức cần được sống trong một không gian xã hội lành mạnh, ở đó có sự hài hòa giữa yếu tố vật chất và tinh thần, để họ có thể cất lên tiếng nói thành thực của mình, góp phần cải biến xã hội. Người trí thức không chỉ biết ước mơ mà còn biết theo đuổi ước mơ ấy đến cùng, có thể biến ước mơ thành mục đích sống để suốt đời trăn trở, nung nấu, kiếm tìm. Người trí thức cần biết gạt bỏ sự lọc lừa giả trá, biết thoát ra để hướng đến những nền tảng nhân văn. Để thành công (nếu có thể), người ta cần rất nhiều dũng khí để dấn thân và tranh đấu, cho ước mơ của mình cũng là cho đời sống, cho xã hội này... 
 
H.T.P.M

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)