Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Hồ Thế Hà đối thoại với thiên nhiên

Chủ Nhật, 04/11/2018 00:12
. HOÀNG THỤY ANH

Vạn vật xung quanh ta có tiếng nói không? Chúng ta có thể giao tiếp với chúng được không? Và giao tiếp bằng cách nào? Đến với thơ Hồ Thế Hà, chúng ta sẽ tìm gặp được câu trả lời cho riêng mình. 

Hồ Thế Hà vừa làm thơ vừa viết nghiên cứu - phê bình văn học. Lĩnh vực nào ông cũng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã xuất bản tám tập chuyên luận, tiểu luận - phê bình văn học. Riêng về thơ, ông đã in sáu tập. Thơ Hồ Thế Hà thường giản dị, không cầu kì về mặt ngôn từ mà tự nhiên, giàu cảm xúc, giàu tính triết lí và tính nhân văn. Một trong những biểu hiện sinh động của tính triết lí và nhân văn trong thơ Hồ Thế Hà là cái nhìn sinh thái, là ngôi vị vừa bình đẳng vừa tương liên giữa con người và tự nhiên.

Ngay từ tập thơ đầu tiên - Khoảnh khắc, Hồ Thế Hà đã thể hiện tâm thế và trách nhiệm của một sinh thể trong ngôi nhà sinh thái: Hãy gom hết những dịu dàng, bão tố/ Và lắng nghe lá ngàn kể chuyện tình yêu (Có một buổi chiều). Vì thế, khi “gửi niềm tin vào đất đai, cuộc sống”, nhà thơ nhận về mình “hạnh phúc”. Các cặp song song như “tôi” - “cỏ cây”, “tôi” - “thiên nhiên”, “tôi” - “trần gian” đã biểu thị khát vọng của chủ thể thơ trong việc hòa điệu cùng ngôi nhà chung vĩ đại: Mở lòng ra với cỏ cây/ Tôi như lạc giữa vơi đầy thiên nhiên/ Và chiều đã khép bình yên/ Luyến lưu tôi trở lại miền trần gian (Chiều Thiên An). Sang tập thơ Nghìn trùng, cái tâm thế này được tượng hình bằng những câu thơ mềm mại hơn, tự nhiên hơn: Chỉ ao ước được như loài cỏ dại/ Như bông hoa bé nhỏ một góc vườn/ Trong lặng lẽ dâng cho đời thắm biếc/ Mặt đất này từng dìu dắt, yêu thương (Ao ước). Và đến thi tập Xác thu thì dường như cái “ao ước” kia của chủ thể thơ đã được hiện thực hoá: Tôi một mình với cỏ cây/ Với mùa xuân, với vơi đầy Thiên An (Mùa xuân ở Thiên An), Thì nằm thương với cỏ/ Ngủ trong hương hoa quỳ/ Nghe gió trời thủ thỉ/ Chuyện tình nàng ái phi (Với Huế), để rồi người thơ bật thốt những chất vấn, phản tỉnh bản thân và tha nhân: Sao không vô tư như sỏi đá/ Dưới lòng sông trong ngửa mặt nhìn trời?/ Sao không hồn nhiên như bông hoa cỏ/ Dịu dàng nghiêng cánh xuống sông soi? (Lạc loài). Nhưng nhìn chung, nhãn quan sinh thái trong các tập thơ Khoảnh khắc, Nghìn trùngXác thu chưa thật đậm nét. Phải đến thi tập Thuyền trăng và tiếp theo là các thi tập Tơ sương, Xem mơ thì không gian thơ Hồ Thế Hà mới thực sự là không gian sinh thái.

Ý niệm “linh hồn lá được ướp từ tinh chất của mẹ Đất và Nước” có mặt ở ba tập thơ trước đã được Hồ Thế Hà mở rộng, đào sâu ở ba tập thơ tiếp theo: Bốn chiều không gian khép lại/ Lạc giữa màn đen hai ngôi sao xa/ Trôi trong bồng bềnh hư ảo/ Thành chiếc thuyền trăng neo giữa ngân hà (Thuyền trăng). Thi ảnh sống động, đẹp mênh mang. “Thuyền trăng neo giữa ngân hà” ấy chính là thế giới đại đồng, trong đó vạn vật dung hoà, bình đẳng. Nơi ngôi nhà chung ấy, thi nhân cảm nhận sự sống bằng con mắt trong veo, háo hức, hân hoan của mình: Sự sống từ cỏ cây hoa trái/ Đều có gương mặt đón ánh sáng mỗi ngày/ Ngủ dịu dàng mỗi đêm/ Và mỗi sáng mai mắt lại bừng sắc lạ (Những người đàn bà che mặt), Sông khoả thân/ Đất trời giao hoan đêm mười sáu (Tung hứng). Hồ Thế Hà cho rằng, con người phải từ bỏ ý định chinh phục thiên nhiên, phải mở toang cõi lòng nhân hậu, bao dung của mình thì mới có thể hòa hợp tuyệt đối với thiên nhiên, mới nắm bắt được những vận động tế vi, tràn trề sức sống của thiên nhiên, vũ trụ. Ảo tưởng mình là trung tâm của vũ trụ dẫn con người đến việc mặc định vị trí ngoại biên của thiên nhiên. Thơ Hồ Thế Hà hướng đến việc giải ảo, giải trung tâm, kiến tạo một thế giới “tương hợp”: Tôi lặng nghiêng mình chào mỗi ban mai như thế/ Những ban mai yên ả tinh khôi/ Thi pháp ngoài vườn lại ríu rít muôn cây/ Thi pháp môi em cho nồng nàn hơi ấm/ Thi pháp sắc hương cho âm thanh tương hợp (Ban mai).    

Chủ thể trong thơ Hồ Thế Hà tìm đến thiên nhiên không chỉ để an trú, bộc giãi mình mà còn để bảo vệ, nâng giữ thiên nhiên, đúng như tinh thần của Albert Schweitzer khi bàn về “luân lí học tôn trọng sinh mệnh”. Mối quan hệ giữa con người với tự nhiên là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh, đồng đẳng. Con người sống không thể thiếu thiên nhiên và ngược lại, thiên nhiên cũng cần có con người. Với vũ trụ quan ấy, thơ Hồ Thế Hà làm lung lay, hạ bệ vai trò thống lĩnh, làm chủ thiên nhiên của con người. Cái động thái “nghiêng mình” trước thiên nhiên của chủ thể thơ đã làm đầy đạo đức sinh thái trong thơ Hồ Thế Hà: Tôi học ngôn ngữ hoa cỏ đang yêu/ Làn mây đang bay và dòng sông đang chảy/ Ý nghĩ của tôi xin bạn đừng vội mỉm cười/ Vì đó là lúc tôi đang cố gắng ban phát ý nghĩa/ Cho những gì tôi đang nghĩ/ Về những kinh nghiệm yếu tính ngoài tôi/ Về những ý nghĩa hiện sinh tư tưởng trùng phức trong tôi (Ý nghĩ). Trông thiên nhiên để ngẫm đến mình, “học” thiên nhiên để kháng cự lại sự “cũ kĩ”, mòn rỉ, nửa vời của mình: Sự sống chẳng hề chịu bình yên trước những tơ non/ Sao chúng ta mỗi ngày mỗi cũ kĩ? Sao chúng ta không là những bông hoa nở hết mình (Bất chợt trên đường). Cuộc kết nối mình với thiên nhiên trong thơ Hồ Thế Hà không có điểm dừng, nó mãi là một cuộc kết nối mở, đầy mê dụ: Tôi khép lại ánh mắt để mở tâm hồn lắng nghe/ Những hoà âm kì diệu của thiên nhiên/ Vẫn không sao hiểu được/ Lời thánh ca diệu hiền (Xem mơ). 

Không chỉ dừng lại ở sự trân trọng thiên nhiên, thơ Hồ Thế Hà còn hướng đến thông hiểu, sẻ chia đối với những chấn thương của thiên nhiên do chính con người gây nên: Ai bắn vào thinh không mũi tên/ Vách mây thương tích/ Bầu trời chảy máu dạ dày cấp (Thương tích). Thế giới người càng công nghiệp hoá, càng (tưởng) văn minh hoá thì càng phá hỏng thế hoà hợp với sinh thái. Hay nói cách khác, bất hoà hợp trong đối thoại liên loài tất yếu phá vỡ nguyên tắc điều bình, làm nảy sinh những tình huống tiêu cực. “Nghiêng mình” trước thiên nhiên, “học” thiên thiên, với Hồ Thế Hà đó là những động thái giúp con người di dưỡng tâm hồn, làm giàu nhân tính: Tôi học ngoài vườn, thi pháp cỏ hoa/ Thi pháp ngọn gió và ánh nắng/ Thơm hương, thổi mát và toả sáng/ Thanh lọc, bao dung đến tận cùng hào phóng/ Ai bảo thiên nhiên vô cảm trước cõi người? (Hoàng hôn). Ở đây, độc quyền ngôn ngữ loài người bị phá dỡ. Diễn ngôn của con người và diễn ngôn của thiên nhiên bình đẳng, ôn hòa, nếu không muốn nói là con người khiêm nhường hạ thấp vị thế của mình trước thiên nhiên. Chỉ khi không phân biệt chủ thể và khách thể, thì lúc đó những nỗ lực học hỏi thiên nhiên của con người mới thực sự hữu hiệu. Ngược lại, nếu chỉ trú ngụ trong đặc quyền tự phong của mình, con người sẽ tự giới hạn những tri nhận của mình về vạn vật. Dưới cái nhìn bác ái của Hồ Thế Hà, một ngọn cỏ, một bông hoa, một quả núi, một vầng trăng… đều tự thân mang “ý nghĩa”, “yếu tính”, “thi pháp” riêng. Chúng không bị vật hóa bởi cái nhìn trịch thượng, kẻ cả của con người, bởi tham vọng chinh phục, thống trị, cải tạo của con người. Nhìn “cây bàng thay lá” không chỉ biết một mùa trong tứ thời sắp qua mà quan trọng hơn, Hồ Thế Hà nghe được tiếng lòng của nó, cảm được niềm “nhớ”, nỗi vấn vương của nó: Cây bàng thay lá/ Trái bàng núp sau mưa/ Khóc một mùa cho đã nhớ (Mùa). Hay, Hồ Thế Hà nhìn thấu nghi lễ giao hoan đầy linh diệu, “run rẩy” giữa hoa quỳnh với thời gian và không gian: Hoa quỳnh rung trên từng cánh mở/ Đêm trút phút giây run rẩy/ Vào sắc trắng linh hồn (Run rẩy). Quan sát bằng tâm thế của một người có ý thức điều chỉnh nhận thức, tôn trọng từng sinh thể, Hồ Thế Hà nhìn ra vạn vật luôn hợp quần, kết mạng, cùng nhau vận động trong từng sát-na để làm nên “sự sống”: Những âm thanh từ gió/ Từ nước/ Từ lửa/ Từ mặt trời, mặt trăng/ Từ những lặng thinh thành đồng vọng/ Thành sự sống (Âm thanh từ gió). Như vậy, những nỗ lực xoá bỏ độc quyền của con người trong thơ Hồ Thế Hà đã chứng minh thế giới tự nhiên có kênh biểu đạt và giao tiếp rất phong phú và đa dạng. Và đó cũng là lí do khiến Hồ Thế Hà luôn khát khao được trở về hoà điệu trong ngôi nhà sinh thái - cội nguồn bản tính sinh vật của con người: Và kì thú hơn tất cả/ Là sự phiêu lưu của một tâm hồn sáng trong như ngọc/ Đang lùi xa vào những cánh rừng huyền bí, những khu vườn cổ tích/ Có khi lặn sâu vào đại dương/ Hay vút bay vào vũ trụ/ Để được lang thang cùng chim muông, hoa cỏ, nước và trăng sao (Những khu vườn cổ tích).

Như vậy, thiên nhiên trong thơ Hồ Thế Hà không hề “lặng thinh”, vô tri vô giác. Chúng luôn đối thoại với con người, phản tỉnh con người cần phải kiến tạo cách đối thoại tối ưu, tương thích để đảm bảo nguyên tắc sinh thái. Con người chỉ thật sự lớn, thật sự bình yên, “vô ưu”, “vô tư” khi biết trân quý thiên nhiên, căng mở hồn mình để kết hoà cùng thiên nhiên. Cách thế ứng xử với thiên nhiên của Hồ Thế Hà là một biểu hiện sinh động cho đạo đức sinh thái, văn hoá sinh thái, thẩm mĩ sinh thái: Người hỏi ta sao vô ưu/ Bạn hỏi ta sao vô tư/ Ta bình sinh rót trăng vào chén (Bình sinh).   
 
H.T.A   

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)