Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Lũ lụt: nhìn từ tục ngữ, ca dao và thơ Việt

Chủ Nhật, 30/09/2018 00:58
. ĐỖ ANH VŨ               
 
Nói về những tai họa do thiên nhiên mang đến, người Việt thường bị ám ảnh bởi hai yếu tố thủy và hỏa, được hiện thực hóa qua thành ngữ thủy hỏa đạo tặc. Nước lớn tạo nên sức tàn phá khủng khiếp, không loại trừ bất cứ một quốc gia, dân tộc nào. Thậm chí, cả loài người từng hứng chịu một trận đại hồng thủy như huyền tích mà Kinh Thánh kể lại, sau này tiếp tục được khoa học hiện đại chứng minh là có thật. Bài viết này, vì thế, thử bàn về lũ lụt ở trong thơ người Việt, đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tai họa do nước mang lại được miêu tả trong thi ca, theo một hành trình từ tục ngữ, ca dao đến văn chương bác học.
 
1. Trong tục ngữ, ca dao, ông cha ta đã đúc kết những kinh nghiệm quan sát các hiện tượng tự nhiên để đưa ra những dự báo về lũ lụt, mưa bão: Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão; Tháng bảy kiến đàn, đại hàn hồng thủy. Như vậy, tháng bảy âm lịch được xem là tháng có khả năng xảy ra mưa bão nhiều. Nhưng ở xứ ta, mưa bão có lẽ không chỉ đến vào tháng bảy mà còn có thể rải rác và kéo dài đến tận tháng mười. Một số câu ca khác đã chứng tỏ điều này: Ông tha mà bà chẳng tha/ Vẫn còn lũ lụt mùng ba tháng mười; Tháng sáu nam dòn/ Tháng bảy mưa bãi/ Tháng tám mưa giông/ Tháng chín mưa ròng/ Tháng mười lụt lớn

Thời trung đại, thế kỉ XV, tác giả Nguyễn Húc dưới triều vua Lê Thái Tổ (1429) đã ghi lại trận lũ hung hãn vào mùa thu ở phủ Triệu Phong: Gió thu nổi trận ào ào/ Phập phồng mái lá, rào rào mặt sông/ Trận mưa ập xuống hãi hùng/ Tràn khe ngập suối mịt mùng trời mây. Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII ít thấy lũ lụt được miêu tả trong thơ. Nhưng cho đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX thì lũ lụt tiếp tục trở lại với mật độ khá dày đặc. Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ miêu tả lũ lụt trong thơ nhiều hơn cả ở giai đoạn này: Tỵ trước Tỵ này chục lẻ ba/ Thuận dòng nước cũ lại bao la/ Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách/ Tiếng sóng long bong vỗ trước nhà/ Bắc bậc người còn chờ Chúa đến/ Đóng bè ta phải rước Vua ra/ Sửa sang việc nước cho yên ổn/ Trời đã sinh ra ắt có ta (bài Vịnh nước lụt). Hai năm Tỵ mà tác giả nhắc đến là năm Quý Tỵ (1893) và Ất Tỵ (1905), cách nhau 12 - 13 năm, vùng Nam Hà đều lũ lụt lớn do vỡ đê sông Hồng, mùa màng mất mát, nhiều người chết đói. Tuy thế, trong bài thơ trên, giọng điệu tác giả vẫn còn khá bình tĩnh tự tin, nghĩ rằng có thể vượt qua được cũng như khẳng định trách nhiệm và bổn phận của mình. Nhưng đến bài Nước lụt Hà Nam thì giọng điệu đã chuyển thành ai oán, buồn thương, xót xa cho cuộc sống của nhân dân: Quai Mễ Thanh Liêm đã lở rồi/ Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi/ Gạo dăm ba bát cơ còn kém/ Thuế một vài nguyên dáng vẫn đòi/ Tiếng sáo vo ve chiều nước vọng/ Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi/ Đi đâu cũng thấy người ta nói/ Mười chín năm nay lại cát bồi. Trong cơn hoạn nạn, nhà thơ viết những lời ân tình hỏi thăm bè bạn: Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu/ Lụt lội năm nay bác ở đâu/ Mấy ổ lợn con rày lớn bé/ Vài gian nếp cái ngập nông sâu (bài Nước lụt hỏi thăm bạn).      

Một số nhà nho khác trong giai đoạn này như Nguyễn Sĩ Giác, Lê Trung Đình, Ngô Đức Kế cũng có những miêu tả sống động về lũ lụt, thể hiện tấm lòng thương cảm với cuộc sống lầm than của muôn dân, mong sao vận hạn sẽ qua mau, những hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ: Đê vỡ nhà trôi nước ngập sâu/ Thôn quê khôn xiết nỗi cơ cầu/ Mùa không, đồng trắng pha màu nước/ Năm đói, người xanh rõ sắc rau/ Một mẫu vườn hoang cây đổ kín/ Bốn bề mưa lạnh dế kêu sầu/ Những thương khắp tỉnh trung châu lụt/ Ai biết Thần Châu ngập đã lâu! (Cảnh lũ lụt năm Ất Mão ở Bắc Hà - Nguyễn Sĩ Giác); Mưa từng chặng nước từng hồi/ Bốn mặt non sông nước phủ rồi/ Lũ kiến bất tài tha trứng chạy/ Đám rêu vô dụng kết bè trôi/ Lửng lơ rừng thẳm không chim đậu/ Ngất ngưởng lầu tây có chó ngồi/ Nỡ để dân đen vùi máu đỏ/ Nào ông Hạ Võ ở đâu ôi (Nước lụt - Lê Trung Đình); Này những ai, này những ai/ Ai có nghe rằng việc thủy tai/ Tỉnh Bắc, tỉnh Đông, cùng tỉnh Thái/ Ruộng ngập, nhà chìm, thây chết trôi (Ngô Đức Kế). Sau Ngô Đức Kế, Tản Đà thi sĩ cũng buông những lời mong mỏi, van cầu: Hỡi ai ai! Là những người/ Ông ở trong nước, bà ở ngoài nước/ Có nhiều cho nhiều, ít cho ít/ Cứu kẻ bần dân lúc thủy tai.
 
2. Trong thời kì Thơ mới (1932 - 1945), mưa lũ có in dấu ít nhiều trong thơ của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính. Mở đầu bài thơ Định mệnh, ông viết: Mưa ba hôm ngập thị thành/ Khóc ba hôm cả lòng anh ngập rồi. Từ mưa lớn của thiên nhiên đã chuyển sang mưa lũ của tâm hồn, của lòng người. Cũng tương tự như cảm giác trên là tâm trạng thi sĩ trong một bài thơ khác, chữ lụt xuất hiện nhưng không diễn tả về nước mà về sương và lá - cảm giác lũ lụt trong một tâm hồn bơ vơ, cô đơn và hoang mang: Tôi tưởng rồi tôi quên được người/ Nhưng mà thảm lắm! Tú Uyên ơi!/ Tôi vào sâu quá! Vào xa quá!/ Đường lụt sương mờ lụt lá rơi… (bài Diệu vợi). Sau 1975, một thi sĩ lục bát đậm chất đồng quê khác là Đồng Đức Bốn cũng tả về lũ lụt trong thơ qua sự kiện vỡ đê. Khác với những người đi trước, Đồng Đức Bốn chuyển sự quan tâm từ cuộc sống hiện thực sang cuộc sống tâm linh, đau đáu về mộ phần của những người đã khuất trong cơn mưa bão, cụ thể là phần mộ của chính cha mình: Ối mẹ ơi vỡ đê rồi…/ Đồng ta trắng xóa cả trời nước trong/ Trâu bò thất thểu long đong/ Trên bè tre rối bòng bong xoong nồi/ Ối mẹ ơi vỡ đê rồi/ Mộ cha liệu có lên trời được không/ Sao chưa thấy chiếc thuyền rồng/ Chở con với mẹ qua giông bão này (bài Vỡ đê). Bài thơ in dấu sự kiện lũ lụt năm 1986, khi hàng loạt các tỉnh miền Bắc bị vỡ đê như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng…, nhiều tỉnh miền núi và trung du thiệt hại nặng nề như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Ninh, Phú Thọ… Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng với hàng chục ngàn hecta lúa và hoa màu bị mất trắng. Lũ lụt đã làm 121 người chết, 491 ngôi nhà bị cuốn trôi, 12.571 ngôi nhà bị ngập. Trận lũ lịch sử này cũng đi vào một tiểu thuyết nổi tiếng là Thời xa vắng của Lê Lựu, tác phẩm gây tiếng vang lớn đương thời, được chuyển thể thành phim năm 2003 và đoạt giải Cánh diều bạc năm 2004.   
 
3. Tôi muốn dành một phần riêng để viết về sự chuyển di lũ lụt từ tác phẩm văn xuôi sang thơ trong một trường hợp đặc biệt của văn học Việt Nam. Truyền thuyết nổi tiếng Sơn Tinh - Thủy Tinh vốn có tự lâu đời, phản ánh sự chống chọi và chiến thắng thiên tai lũ lụt của người Việt, đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy nhiều năm qua và hiện là một tác phẩm nằm trong chương trình Ngữ văn 6, tập 1. Phần tả về Thủy Tinh gây lũ lụt gói gọn trong khoảng năm câu: Thần hô mưa gọi gió, làm thành giông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh. Nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước... Từ câu chuyện thần thoại này, đã có tới hai thi phẩm nổi tiếng cùng nhan đề được viết nên bởi hai thi sĩ tài danh trong lịch sử thi ca Việt Nam, cách nhau bốn mươi mốt năm. Đó là Sơn Tinh Thủy Tinh trong tập Ngày xưa (1935) của Nguyễn Nhược Pháp và Sơn Tinh Thủy Tinh (1976) của Huy Cận. Sơn Tinh Thủy Tinh của Nguyễn Nhược Pháp cũng chính là bài thơ mở đầu tập Ngày xưa, gồm 165 câu thất ngôn. Cảnh tượng mưa lũ xuất hiện hai lần trong tác phẩm, lần thứ nhất là khi Thủy Tinh làm phép thuật mang tính chất trình diễn, khoe tài trước mặt Hùng Vương và Mỵ Nương: Thủy Tinh khoe thần có phép lạ/ Dứt lời, tay hất chòm râu xanh/ Bắt quyết hò mây to nước cả/ Dặm chân rung khắp làng gần quanh/ Ào ào mưa đổ xuống như thác/ Cây xiêu, cầu gẫy nước hò reo/ Lăn, cuốn, gầm, lay, tung sóng bạc/ Bò, lợn và cột nhà trôi theo. Lần thứ hai là cuộc chiến thực sự để đòi cướp lại Mỵ Nương: Sóng cả gầm reo lăn như chớp/ Thủy Tinh cưỡi lưng rồng hung hăng/ Cá voi quác mồm to muốn đớp/ Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng/ Càng cua lởm chởm giơ như mác/ Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao […] Thủy Tinh năm năm dâng nước bể/ Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương/ Trần gian đâu có người dai thế/ Cũng bởi thần yêu nên khác thường.

Sơn Tinh Thủy Tinh của Huy Cận cũng là một bài thơ dài viết theo thể thất ngôn, gồm 151 câu. Khác với Nguyễn Nhược Pháp, cuộc đối đầu giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh được Huy Cận miêu tả kĩ lưỡng, dữ dội và quyết liệt hơn qua nhiều dòng thơ. Thủy Tinh chậm chân gào uất hận/ Cưỡi sóng thần hô nước dâng cao/ Thúc thủy quái cá kình cá sấu/ Đuổi Sơn Tinh vừa vượt qua đèo [...] Thuỷ Tinh được thể vung gươm sáng/ Chỉ núi Tản Viên hò kéo mau/ Cả bọn thuồng luồng và rắn rết/ Phun độc vào trong nước đỏ ngàu/ Nước dềnh vênh bao vây núi Tản/ Lưng núi nay còn vỏ hến hàu… Tương ứng với hai đoạn miêu tả Thủy Tinh dùng phép thuật là hai đoạn miêu tả Sơn Tinh oai dũng hiên ngang đánh bại Thủy Tinh cùng tất cả các loài yêu quái thủy tộc. Sơn Tinh giữa phong ba bão táp/ Vươn mình lên cao lớn dị thường/ Đầu gần chạm mái trời bóng rợp/ Lan dài xa trên mấy cánh đồng/ Đứng sừng sững trên đầu núi Tản/ Mắt thâu nhìn biển rộng mênh mông/ Sơn Tinh thúc tù và hối hả/ Khắp ngả rừng hổ trắng nai vàng/ Theo voi xám kéo rừng từng mảng/ Về hộ đê chặn đứng nước tràn/ Nghe tù và nhiều cây cổ thụ/ Tự nhổ lên đi tới đê ngăn/ Voi cùng dân nhổ cây bẩy đá/ Ném xuống sông cá sấu thuồng luồng/ Cùng bạch tuộc chết trôi như rạ/ Máu đỏ loang khắp cả một vùng...

Cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh kết thúc, trả lại vẻ đẹp bình yên muôn thuở cho Tản Viên, cho Phong Châu. Dĩ nhiên Thủy Tinh chưa quên thù cũ, hàng năm vẫn dâng nước nhưng không bao giờ giành được phần thắng. Có thể thấy rõ tư tưởng của nhân dân ta qua câu chuyện: một cuộc chiến đấu bất tận chống lại thiên tai địch họa, cuộc sống của muôn dân có thể ít nhiều bị ảnh hưởng, bị tàn phá song sức sống mãnh liệt, ngoan cường của người Việt luôn là điều có thật, sẽ vượt lên để chiến thắng những khắc nghiệt của tự nhiên. Đó cũng là ý chí, nghị lực và niềm lạc quan vô bờ mà cha ông ta gửi gắm qua thiên truyện này: Bão lụt dứt trời quang mây tạnh/ Núi Tản Viên như ngọc xây thành/ Sông lạch chảy như thêu chỉ gấm/ Trên cánh đồng lúa mượt màu xanh... (Sơn Tinh Thủy Tinh - Huy Cận). 

Đ.A.V

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)