Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Đôi nét về trường ca của các tác giả dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại

Thứ Hai, 05/10/2015 07:07
. ĐỖ THỊ THU HUYỀN
Trong giai đoạn trước và sau mốc son lịch sử 1975 khoảng một thập niên, thơ ca Việt Nam chứng kiến sự phát triển vượt bậc “một ngày bằng mấy mươi năm” của thể loại trường ca với hàng loạt các tác giả và tác phẩm tên tuổi như Nguyễn Khoa Điềm với Đất nước, Thu Bồn với Bài ca chim Chơ rao, Hữu Thỉnh với Đường đến Thành phố, Thanh Thảo với Những người đi tới biển, Anh Ngọc với Sóng Côn Đảo, Nguyễn Đức Mậu với Trường ca Sư đoàn, Trần Mạnh Hảo với Đất nước hình tia chớp... Khi đã phát triển đến mức cực thịnh và đi đến điểm “tĩnh lặng” trong văn học miền xuôi thì ở chiều ngược lại, trường ca trong dòng chảy văn học hiện đại dân tộc thiểu số lại mới chỉ hình thành những bước đi đầu tiên. Có thể kể đến Vương Trung (Thái) với Sóng Nậm Rốm, rồi Vương Anh (Mường) với Hồn chiêng gánh núi, Inrasara (Chăm) có Quê hương, đến 2002 thêm Lễ tẩy trần tháng Tư... Đặc biệt dân tộc Tày đóng góp nhiều tác giả nổi bật cho thể loại này. Bắt đầu với Nông Quốc Chấn (Cần Phja Bjooc - Người núi Hoa), Nông Minh Châu (Cưa khửn đông - Muối lên rừng)... tiếp đến là Ma Trường Nguyên (Mát xanh rừng cọ), Y Phương (Chín tháng, Đò trăng), Dương Thuấn (Mười bảy khúc đảo ca), Nông Thị Ngọc Hòa (Nước hồ mãi trong xanh), Nông Thị Tô Hường (Hằn sâu trên đá), Hoàng Chiến Thắng (Lời đá núi)...

Trong các tác giả trường ca dân tộc thiểu số, sự chịu khó tìm tòi đổi mới có thể thấy rõ ở Inrasara, Y Phương, Dương Thuấn, Hoàng Chiến Thắng... Các sáng tác của họ không chỉ hướng đến những đề tài đa dạng, phản ánh đời sống, lịch sử tâm hồn con người dân tộc mình mà ở đó còn thể hiện những chủ động tìm tòi trong cách biểu hiện: kết cấu đa dạng, ngôn từ giàu hình tượng, câu thơ co giãn linh hoạt... Dù tập trung xuyên suốt như cách viết của Dương Thuấn, dù mang tính suy tưởng, nhiều chiêm nghiệm như Y Phương hay dồn nén, tích hợp như Inrasara... tất cả tạo nên một diện mạo phong phú và đa phong cách cho những trường ca dân tộc thiểu số. Có thể thấy sự vận động từ lối trần thuật, phô diễn, kể tả đến lối viết chắt lọc chi tiết, cô đọng, súc tích là một bước tiến với ý thức chủ động mạnh mẽ của nhiều nhà thơ hiện đại dân tộc thiểu số. Và trong các tác phẩm của mình, các nhà thơ dân tộc thiểu số tập trung vào việc khắc họa hình tượng cơ bản là Tổ quốc.

Tổ quốc Việt Nam - một biểu tượng thiêng được tạc dựng bằng nhiều thi phẩm lớn. Y Phương đã tiếp thêm giai điệu cho bản hòa âm hùng tráng ấy bằng hai trường ca Chín tháng (2000) và Đò trăng (2009). Trong những trang viết của mình, Y Phương đưa vào những chi tiết ngổn ngang, bề bộn của chiến trường, số phận những con người bình dị, qua đó tạc lên một hình ảnh Việt Nam vừa giản dị vừa thiêng liêng, với những liên tưởng độc đáo: Nước Việt của tôi đời đời làm mẹ/ Đời đời miền Trung mang bầu/ Trời vô tình/ Biển cũng vô tình/ Sóng với bão cứ thai nhi mà đổ.
Lễ tẩy trần tháng Tư của Inrasara cũng là hình ảnh của một dân tộc, của những số phận hiện lên trong sự khai mở từ thuở hồng hoang: Trong sự khởi đầu khó nhọc này/ Các nguyên âm, phụ âm làm thành từ mà tôi nhặt được. Từ/ lớp sỏi đá, đống gạch vụn. Từ/ Ngụ ngôn của Đất/ đã tắm gội/ đã làm lễ Tẩy trần/ linga lingal lingam liwa langal/ vẫn cứ trì hoãn/ như là thèm được chết trở lại./...Khởi đầu nhẹ nhàng như bọn trẻ sắp đặt đồ chơi/ sáng rõ lề luật/ giản đơn lời lẽ/ nơi giờ linh thánh buổi sớm mai này/ dưới bầu trời bao dong/ sau đường cày đầu tiên/ bài thơ tinh khôi vỡ ra và nẩy mầm trên đám ruộng tâm hồn đã/ SẠCH.

Khi đề cập đến Tổ quốc, đến nhân dân, không thể không nhắc đến hình tượng mẹ, hình tượng người chiến sĩ. Y Phương đặc biệt thành công khi tái hiện hình ảnh người mẹ gắn với số phận và vận mệnh dân tộc. Trong trường ca Chín tháng người mẹ gắn bó với đá, nguồn nước: - Mẹ mừng ngây như đá, - Nhớ mẹ quá thì ngồi lên đá, - Mẹ/ Người bạn đầu tiên của tôi/ Kho báu đầu tiên của tôi/ Nghe tôi khóc/ Người vội vàng thả tôi vào nguồn nước... còn trong trường ca Đò trăng nhà thơ thể hiện một cái nhìn bao dung khi khắc họa vừa chân thực vừa thấm thía nỗi đau của một người mẹ có con làm lính ngụy… nhưng cao hơn hết, mẹ là hiện thân cho sự bất tử, đến cái chết cũng mở ra một hành trình mới:
Bạn ơi
Rồi một ngày
Mẹ như trăng sao
Êm êm đi vào miền người đời
Bình dị.

 
images (2)

Nếu nhà thơ Y Phương dồn bút lực vào thể hiện hình ảnh người mẹ Việt Nam thì bằng niềm tự hào ngợi ca, biết ơn sâu sắc, trường ca Nước hồ mãi trong xanh (2006) của Nông Thị Ngọc Hòa lại khắc họa hình ảnh một người chiến sĩ cách mạng trải qua cuộc đời đầy truân chuyên, gian khổ. Mỗi giai đoạn của cuộc đời người cách mạng Nông Văn Bằng là một ghi dấu cho từng thời kì lịch sử của đất nước. Kết cấu 5 phần của trường ca theo một mạch truyện đảm bảo trật tự tuyến tính: Bình yên, Giông bão, Cỏ thức, Nảy lộc, Về nguồn, bắt đầu từ những tháng ngày êm ấm của hai vợ chồng anh Bằng, rồi tai họa ập đến, người vợ quyên sinh; anh Bằng đi theo cách mạng làm đội viên Tuyên truyền Giải phóng quân, lấy một người bạn gái cùng chiến đấu; cuối cùng là sự khát khao quay trở lại quê hương: Thèm về thăm bản/ Mong tìm lại những ngày đi hát lượn/ Tìm những lời gửi gió giữ ngày xưa. Cái nổi bật của trường ca này không phải là sự mới lạ của bút pháp mà nhìn một cách tổng thể ấn tượng đọng lại nơi người đọc chỉ là những đoạn, những câu thơ hay trong một thiên truyện hoàn chỉnh, giàu cảm xúc. Trường ca Mát xanh rừng cọ của Ma Trường Nguyên gồm 3 phần (Búp nhọn, Quả tím, Lá xanh) viết về chàng thanh niên Riềng - một người con của quê hương miền núi, lên đường đánh Mĩ rồi trở lại xây dựng quê hương và mối tình bền chặt trong xa cách của Riềng với Đáp (cô kĩ sư). Ở đây có thể thấy rõ sự ảnh hưởng của lối kể chuyện và giọng điệu của diễn xướng dân gian trong then Tày, tuy không đem lại hiệu quả cao bởi bút pháp còn thô mộc và giọng thơ mang tính chất kể, tả là chủ yếu. Với Mười bảy khúc đảo ca, Dương Thuấn lại tập trung khắc họa hình ảnh người lính hải quân hôm nay với tính cách trong sáng, vô tư, hồn nhiên, sống những năm tháng đầy ý nghĩa giữ gìn biển đảo quê hương:
Có gì đáng yêu hơn những
chàng trai
Còn trắng trong chưa vướng đời
bụi bặm
Cười hồn nhiên cởi mở hết
tấm lòng
Họ vững tin và bình dị
Họ chỉ có một ý nghĩ
Trước mặt là kẻ thù, sau lưng là
nhân dân…


Ở khía cạnh nghệ thuật, cũng như đặc điểm chung của trường ca Việt Nam hiện đại, trường ca dân tộc thiểu số khởi đầu là cấu trúc tự sự rồi khi đạt đến sự hoàn chỉnh lại mang dáng dấp trữ tình. Trường ca dân tộc thiểu số tập trung một cách có chủ ý vào việc phản ánh những vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc mình, là hình ảnh Tổ quốc và nhân dân trong một khoảng thời gian dài và cũng chưa quá xa. Do đó, những cảm xúc dù đã được chiêm nghiệm, định hình vẫn có những sức vang và tác động mạnh. Sóng Nậm Rốm của Vương Trung tuy kế thừa truyền thống dân gian một cách tài tình nhưng vẫn bộc lộ được những nét hiện đại trong cấu tứ, sự biến đổi đa dạng trong ngôn ngữ và hình tượng. Cần Phja Bjoóc (Người núi Hoa) của Nông Quốc Chấn đã dựa vào truyện Khảm hải (Vượt biển) để sáng tác. Trong trường ca này, Nông Quốc Chấn tuy ảnh hưởng từ truyện thơ dân gian với cốt truyện và nhiều chi tiết mang tính kế thừa nhưng bộc lộ nhiều cố gắng trong việc mở rộng dung lượng tự sự và quy mô cảm xúc, có sự kiện và những biến chuyển trong từ trường của một tư tưởng chủ đạo. Câu chuyện xoay quanh tình yêu của đôi trai gái Tày nghèo khổ là Pèng và Ngọc. Hai phần của trường ca đều thể hiện nỗi căm hận quân xâm lược, bọn quan lại địa phương và hơn hết là sự xót xa vì hạnh phúc giản dị của Pèng, Ngọc không thành hiện thực:
Thân chuối lìa, tơ còn vương mãi
Cây gẫy cành, xuân lại nảy
mầm xanh
Nay trăng khuyết, mai trăng tròn
vành vạnh
Ai cắt được hơi thở?
Ai ngăn được tình vợ, tình chồng?
Hình bóng anh, em giữ mãi
trong tim.


Cũng như tiểu thuyết hiện đại, dung lượng ngắn là một đặc điểm dễ nhận thấy của trường ca dân tộc thiểu số. Có những tác phẩm chỉ hai, ba trăm câu thơ. Trong những trường ca của dân tộc thiểu số, có kết cấu dựa vào một cốt truyện cụ thể (có thực hoặc hư cấu) như Mát xanh rừng cọ của Ma Trường Nguyên, Nước hồ mãi trong xanh của Nông Thị Ngọc Hòa; có tác giả lại triển khai trên một hệ thống sự kiện (xoay quanh nhân vật chính) như Chín thángĐò trăng của Y Phương, Mười bảy khúc đảo ca của Dương Thuấn...

Cấu trúc của nhiều trường ca không phụ thuộc vào chương, đoạn hay những phần liền mạch mà có được từ một tư tưởng nhất quán xuyên suốt. Mười phần trong trường ca Lễ tẩy trần tháng Tư của Inrasara đều là những ẩn ngữ của sự chuyển động, sự tẩy trần và hướng đến một chặng đường mới – sự khởi đầu sau những thăng trầm: Hành hương về bên kia đêm tối, Hành trình, Cư sĩ và đám mây kí ức, Trong khoảng tối gió mùa, Sầu ca trên đỉnh Tháp, Ẩn ngữ Pauh Catwai, Ngụ ngôn mùa Đông, Hoan ca giữa lòng cuộc đời - 1, 2, Khởi động của khởi động, Lễ tẩy trần tháng Tư. Bắt đầu là: ... bên kia/ về phía bên kia nơi bờ sông quê hương tháng Tư đang hành Lễ tẩy trần/ Làm sao em song hành cùng tôi về đứng bờ sông đêm nay?/ trong cơn đau hoan lạc/ hát vang bài tụng ca của nước/ chảy đi/ chảy đi/ chảy trôi đi/ chảy trôi tất cả đi.../Giở một vòm trời khác.
Từ đó một hành trình của sự chuyển động được tạc dựng xuyên suốt và kết thúc bằng một sự tái sinh:
Ở bên kia niềm vui
Sự chịu đựng vẹn nguyên họ lại
bắt đầu bén rễ
Bis bis wơk wơk
lần nữa đi ta
lần nữa lần nữa đi cuộc sống.


Âm hưởng sử thi của trường ca dân tộc thiểu số nhiều lúc được thể hiện tinh tế qua những phong tục thiêng từ xa xưa gắn với sự phong phú của đời sống tinh thần, sự lớn mạnh của cộng đồng. Những điều đã ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ người Tày như tục gọi vía trở đi trở lại trong hai trường ca của Y Phương (Chín tháng và Đò trăng). Điều này chúng ta lại bắt gặp trong Lời đá núi của Hoàng Chiến Thắng: Cái vía của tôi/ Cái vía của đứa trẻ mùa tập bước/ Những bước chênh vênh/ Không bám víu/ Không đồng hành/ Lạc lõng giữa khát khô, rát bỏng/ Hòn đá dưới chân như bị nung/ Phồng rộp đến tận cùng mùa sau chưa vỡ/ Tôi bắt đầu tìm tôi/ Giữa cái ngày tôi không còn thấy gì quen thuộc/ Cái ngày trai bản không còn nghe hát lượn/ Không còn nghe hát sli /Tôi đi tìm tôi qua mấy thung / Mấy núi/ Đi tìm cái vía lạc cùng về...

Ở trường ca này, hai phần U mê Mùa sinh với nhiều biến tấu trong thể loại đã tạo cảm giác cả trường ca như một bài thơ dài với nhiều chi tiết, nhiều thể loại đan xen. Cần ghi nhận những cố gắng làm mới của Hoàng Chiến Thắng về khía cạnh hình thức với những câu thơ tạo ấn tượng mạnh mẽ khi có sự kết hợp giữa việc đọc và xem văn bản.

Cấu trúc điệp thường trở đi trở lại trong những trường ca của Dương Thuấn, Inrasara, Nông Thị Ngọc Hòa... Đó cũng là một cách khắc phục và khỏa lấp sự triền miên, lan man của dòng cảm xúc. Điều này thể hiện rất rõ và ấn tượng trong trường ca Quê hương của Inrasara, mở đầu là điệp khúc: 
Ôi, quê hương! Quê hương
Quê hương gầy, quê hương
xanh xao
Quê hương không có rặng dừa
thơ mộng của ca dao
Quê hương không có cánh cò xa,
không có bản tình ca thôn dã
Mây trắng. Mặt trời. Gió
trùng dương. Đất. Đá
Quê hương cằn khô, nóng bức,
nghèo nàn.

Sau đó là sự lặp lại đậm đặc những điệp khúc:
- Là quê hương em.
- Là em về quê hương.
- Em trở về quê hương.
- Về xứ lạ/ - Về Mĩ Sơn/ - Trở lại
Phan Rang…
- Ôi quê hương!


Từ những dụng công ấy, tác giả nhấn mạnh tình cảm của con người với quê hương bằng một cách diễn tả mộc mạc mà thấm thía: Đi tìm quê hương đứa con nay trở về trong nỗi khát/ Cúi xuống ghì ôm quê hương như là chưa từng có quê hương.
Trải qua một chặng đường hình thành và phát triển chưa dài, trường ca dân tộc thiểu số nói riêng, văn học dân tộc thiểu số nói chung dần dần có sự dịch chuyển đáng kể, khẳng định một tiếng nói vừa tự tin vừa trách nhiệm trong bản hợp thanh của văn học đương đại với ý thức thường trực về bản sắc dân tộc. Có thể thấy, đa phần các trường ca của dân tộc thiểu số có kết cấu hoàn chỉnh, cốt truyện rõ ràng, chủ đề thường được triển khai thành từng chương mạch lạc, âm hưởng ngợi ca chủ đạo và bút pháp trữ tình - tự sự kết hợp hài hòa... Tất cả những đặc điểm ấy khiến trường ca của dân tộc thiểu số dừng lại ở mức độ “làm tròn vai” trong quá trình vươn tới cái đích của trường ca là “tái hiện được những sự kiện, những vấn đề liên quan tới vận mệnh của một cộng đồng, một dân tộc, trong một thời gian và không gian rộng lớn”(1). 
Đ.T.T.H
-----
1. Mã Giang Lân (2004), Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, tái bản lần 2, Hà Nội, tr. 562.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)