Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Về một hiện tượng văn học đại chúng: đam mĩ tiểu thuyết và fanfiction

Chủ Nhật, 28/10/2018 00:11
. QUÁCH HIỀN

Tiểu thuyết đam mĩ Trung Quốc Tình yêu đau dạ dày (tên nguyên bản: Vị thống đích ái tình) của tác giả Điệp Chi Linh do Công ti cổ phần sách Bách Việt phát hành được xem là một hiện tượng xuất bản “đột xuất” năm 2012. Đây là cuốn tiểu thuyết đam mĩ đầu tiên chính thức được xuất bản tại Việt Nam. Sự xuất hiện của cuốn sách là bước thăm dò dè dặt đưa tiểu thuyết đam mĩ Trung Quốc vào đời sống đọc của một bộ phận nữ thanh thiếu niên Việt Nam, những người nhiều năm đã say mê đọc và lưu truyền cho nhau những bản dịch tiểu thuyết đam mĩ qua mạng internet. Phần lớn (không phải là toàn bộ) những bản dịch đam mĩ tiếng Việt trên internet đều được xử lí qua hai công đoạn: dịch “thô” bằng phần mềm dịch thuật QuickTranslator, rồi được “tinh chế” lại dưới sự biên tập của một hoặc nhiều nữ thanh thiếu niên say mê đam mĩ tiểu thuyết khác - những người chỉ biết chút ít hoặc hoàn toàn không biết Trung văn. Hiện tượng dịch thuật “đoán mò” này cũng là một điểm đáng lưu ý trong hoạt động văn học mạng tại Việt Nam ở thập niên đầu thế kỉ XXI.

Có vẻ như Tình yêu đau dạ dày đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, bởi vì ngay sau đó có thêm hai cuốn tiểu thuyết đam mĩ Trung Quốc hiện diện tại thị trường sách dịch Việt Nam là Sorry Sorry của Kim Quốc Đống (Công ti cổ phần sách Văn Việt) và Cuộc sống đại học xui xẻo của Phong Lộng (Công ti cổ phần sách Bách Việt, nhân đà của Tình yêu đau dạ dày mà thừa thắng xông lên “dấn tiếp” quyển thứ hai). Từ 2012 đến 2015, tiểu thuyết đam mĩ cùng các dòng văn học mạng khác của Trung Quốc (như tiểu thuyết ngôn tình, tiểu thuyết võng du, tiểu thuyết xuyên không, tiểu thuyết tiên hiệp…) xuất hiện ồ ạt trên thị trường sách dịch Việt Nam. Các tác giả đam mĩ đình đám như Lam Lâm (tác giả của Quân tử chi giao), Công Tử Hoan Hỷ (tác giả của Hoàn khố), các tác giả của Tấn giang văn học thành (trang web văn học mạng nổi tiếng chuyên về ngôn tình và đam mĩ của Trung Quốc) như Nhĩ Nhã (tác giả của S.C.I hệ liệt)… đều có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt. Điều này càng phản ánh sức hút mãnh liệt của tiểu thuyết đam mĩ và thị hiếu đọc của một bộ phận nữ thanh thiếu niên Việt Nam - những người tự gọi và được người khác gọi bằng một cái tên chung: “hủ nữ” (một quần thể nữ sáng tác đam mĩ và thích đọc đam mĩ).

Nếu xét về nguồn gốc, tiểu thuyết đam mĩ và fanfiction vốn là hai loại hình sáng tác có nguồn gốc khác nhau: một từ phương Đông và một từ phương Tây. Theo Hứa Hội - nhà nghiên cứu người Trung Quốc, đam mĩ (tiếng Nhật đọc là “tanbi”) là một từ xuất hiện trong trường phái “duy mĩ” (một trong ba trường phái phản đối “chủ nghĩa tự nhiên” shizenshugi) của văn học cận đại Nhật Bản. Trường phái “duy mĩ” còn có các tên gọi khác như “duy mĩ chủ nghĩa” hay “trường phái tân lãng mạn” với đại diện tiêu biểu là Tanizaki Jun’ichirô. Từ trường phái duy mĩ, dần dần diễn sinh thành trường phái Tanbi (The Aesthetic School-Tanbiha) với mục đích ban đầu là phản đối lại xu hướng bộc lộ phương diện thô lậu xấu xí trong nhân tính của chủ nghĩa tự nhiên. Trường phái Tanbi theo đuổi vẻ đẹp của các bộ phận trên cơ thể con người, say sưa hưởng thụ cái đẹp của thân thể, đồng thời truy cầu những ý nghĩa văn học của cái đẹp đó. Tanbi, nguyên nghĩa chính là sự chìm đắm trong cái đẹp, hưởng thụ cái đẹp. Những thập niên đầu của thế kỉ XX, trường phái Tanbi bao trùm một phạm vi sáng tác rất rộng: từ tiểu thuyết võ hiệp, huyền ảo, suy lí huyền hoặc, đến tiểu thuyết đồng tính luyến ái,… nhưng sang đến thập niên 60, 70 của thế kỉ XX, trường phái Tanbi thoái trào, và từ “tanbi” lúc này chỉ còn được dùng chủ yếu trong giới manga (truyện tranh) Nhật Bản, chỉ những bộ manga miêu tả tình yêu (có quan hệ tình dục) giữa các nhân vật “mĩ nam”. Vì thế, tại Nhật Bản ngày nay, “tanbi” được xem là một trong những tên gọi khác của manga boy’s love (truyện tranh về mối tình của những chàng trai trẻ). Từ Nhật Bản, đam mĩ tiểu thuyết biến thiên, di thực và phát triển thành một loại hình sáng tác nổi bật tại Trung Quốc với hoạt động của Lucifer’s Club (cộng đồng văn học mạng đầu tiên của Trung Quốc) mà lực lượng tác giả và độc giả hầu hết là nữ thanh thiếu niên. Năm 2007, tiểu thuyết đam mĩ được xuất bản chính thức, đưa loại hình sáng tác này tham dự vào thị trường sách chính thống của Trung Quốc.

Fanfiction (thường được gọi fanfic) là một dạng thức “tái sáng tác” (sáng tác lần thứ hai) của người hâm mộ dành cho các nhân vật của một tác phẩm nào đó (tác phẩm gốc có thể là manga, anime - hoạt hình, phim, tiểu thuyết). Người hâm mộ vì quá yêu thích một nhân vật nào đó trong tác phẩm gốc nên sử dụng lại các nhân vật đó, viết tiếp hoặc viết lại một câu chuyện khác về họ theo tưởng tượng của mình (nội dung có thể không liên quan đến tác phẩm gốc), những sáng tác đó gọi là fanfiction. Theo khái thuật của Dương Linh - nhà nghiên cứu người Trung Quốc, fanfiction xuất hiện lần đầu ở phương Tây vào những năm 60 của thế kỉ XX, có quan hệ mật thiết với sự phát triển của dòng phim truyền hình khoa học viễn tưởng, trong đó Slash (miêu tả quan hệ tình yêu giữa hai người đàn ông) là một trong những hạt nhân quan trọng khi nghiên cứu về fanfiction. Dạng fanfiction được lan rộng ở châu Á chính là từ dôjinshi của Nhật Bản. Về cơ bản, dôjinshi (đồng nhân chí) ở Nhật Bản chính là một dạng fanfiction như ở phương Tây. Chữ dôjin được dùng với nghĩa: những người cùng sở thích, cùng chung niềm đam mê. Dôjinshi là thuật ngữ chỉ những sáng tác “cải biên” từ tác phẩm gốc, đó là sự sáng tác lại từ nguyên tác của cộng đồng những người yêu thích manga và anime.    

Từ Nhật, qua Đài Loan, dôjinshi ồ ạt tấn công vào Trung Quốc đại lục. Cộng hưởng với chuyện tình đồng tính của diễn viên nổi tiếng Trương Quốc Vinh, làn sóng văn học đồng nhân đã càn quét các diễn đàn văn học mạng Trung Quốc những năm đầu thế kỉ XXI. Một yếu tố khác thúc đẩy làn sóng văn học đồng nhân Trung Quốc lên cao trào chính là sự xâm chiếm toàn châu Á của làn sóng Hàn (Korean Wave). Các công ti giải trí Hàn Quốc đã thoả mãn tâm lí của người hâm mộ (chủ yếu là nữ) bằng cách khuyến khích các màn fan-service giữa các nam thần tượng trong cùng một ban nhạc. Được gợi ý và dẫn dắt từ các màn biểu diễn thân mật như vậy, fangirl Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã tưởng tượng và sáng tác những tác phẩm fanfiction về tình yêu của các cặp đôi nam - nam trong cùng một ban nhạc. Fanfic về các cặp đôi K-Pop có một phạm vi ảnh hưởng rộng lớn ở tầm thế giới, trở thành một hiện tượng phổ biến đến mức nhắc đến K-pop, bất cứ một tín đồ nào cũng nghĩ ngay đến fanfiction.

Khi làn sóng Hàn đổ bộ vào Việt Nam, cùng lúc với sự ra đời của forum các ban nhạc Hàn Quốc là sự xuất hiện ngay lập tức của fanfiction. Một điểm tương đối đặc biệt là ở Việt Nam fanfiction hầu như xuất hiện cùng lúc với đam mĩ tiểu thuyết và dôjinshi. So với các nước khác trong khu vực, tuy khá muộn nhưng trào lưu fanfiction được tiếp nhận ở Việt Nam đúng lúc làn sóng Hàn đang ở đỉnh cao vì thế chỉ trong một thời gian ngắn fanfic đã trở thành một hiện tượng đọc nổi bật trong đời sống tinh thần của các nữ thanh thiếu niên ở độ tuổi 12 - 27. Hiện tượng đọc này đã được một số nhà báo quan sát và mổ xẻ. Thuật ngữ fanfic xuất hiện trong các bài báo phê phán, chỉ trích làn sóng Hàn, về “xu hướng thần tượng hóa mù quáng” của giới trẻ, về sự đọc dẫn tới “lệch lạc tư tưởng, giới tính” (Nguyễn Tâm Thuỳ, Khi học trò nghiện đọc fanfic - truyện về các thần tượng, 2011), về một bộ phận nữ thanh thiếu niên có “sở thích kì cục”, “biến thái”. Tình hình cũng diễn ra tương tự với tiểu thuyết đam mĩ. Sau khi tiểu thuyết đam mĩ ồ ạt xuất hiện tại Việt Nam, năm 2015, báo Tuổi Trẻ có một loạt bài lên tiếng hoài nghi và chất vấn tính văn chương của các tác phẩm văn học mạng Trung Quốc được dịch tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả tiểu thuyết đam mĩ. Nhiều tác giả cảnh báo về tác hại của yếu tố bạo lực và tình dục trong tiểu thuyết đam mĩ, cho rằng chúng ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển tâm sinh lí của độc giả thanh thiếu niên.

Không thể phủ nhận, trước áp lực về tăng lượt người đọc, một số trang web văn học mạng tại Trung Quốc có xu hướng dung túng thậm chí khuyến khích những sáng tác tình dục quá đà, các yếu tố luyến đồng, loạn luân, bạo lực tràn lan trong nhiều tác phẩm đam mĩ. Hệ quả là nhiều trang web văn học mạng Trung Quốc đã phải đóng cửa vĩnh viễn trong chiến dịch “càn quét văn hoá mạng đồi truỵ” do chính quyền Trung Quốc tiến hành vào tháng 4/2014. Khi chọn dịch các tác phẩm đam mĩ để xuất bản ở Việt Nam, các nhà sách ban đầu dựa vào sở thích cá nhân của người dịch, sau đó vì lợi nhuận họ chọn dịch và xuất bản tác phẩm của những tác giả nổi tiếng có nhiều người hâm mộ tại Việt Nam (phần lớn cộng đồng người hâm mộ này lại luôn chạy theo thị hiếu, thích các yếu tố “sốc”, “độc”, “lạ”) thay vì lựa chọn các tác phẩm có tính văn học cao. Điều này khiến cho tiểu thuyết đam mĩ xuất bản tại Việt Nam nhiều “rác” mà hiếm tinh phẩm.         

Bất chấp những bất cập, bất chấp những phê phán và chỉ trích, một điều không thể phủ nhận: tiểu thuyết đam mĩ và fanfiction là những sáng tác được đọc phổ biến trong cộng đồng các nữ thanh thiếu niên toàn châu Á thập niên đầu của thế kỉ XXI. Đam mĩ tiểu thuyết và fanfiction phải chăng như các nhà nghiên cứu văn học giới tại Trung Quốc đã chỉ ra: là một “công cụ”, một thứ “đồ chơi” để bổ khuyết những thiếu vắng trong tình cảm của một quần thể nữ (Vương Tĩnh, Văn học giới, 2010), là một phương thức để thỏa mãn tính dục an toàn của nữ giới (Dương Nhã, Trung Quốc thanh niên nghiên cứu, 2006), hoặc là một phương thức quần thể nữ phản kháng sự bá quyền của văn hoá nam quyền (Trịnh Đan Đan, Chiết Giang học san, 2009)?

Có thể thấy, sự xuất hiện của tiểu thuyết đam mĩ có mối quan hệ với phong trào đấu tranh cho người đồng tính tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù tiểu thuyết đam mĩ là sáng tác về tình yêu giữa hai người đàn ông nhưng đam mĩ lại không phải là văn học đồng tính. Trong tiểu thuyết đam mĩ tồn tại một cảnh giới “tình yêu tuyệt đối” không liên quan đến giới tính. Đam mĩ tiểu thuyết mặc dù không viết về nữ nhưng thực chất là sự “thủ dâm” của tính nữ, nơi quần thể nữ (cả người sáng tác lẫn người đọc) thoả mãn khát vọng về một tình yêu siêu việt tính biệt. Vì vậy, không ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc nhất trí xếp tiểu thuyết đam mĩ vào một bộ phận của sáng tác nữ, là dấu hiệu của thời đại nữ quyền. Tiểu thuyết đam mĩ và fanfiction cũng được xem là một trong những hiện tượng “á văn hóa” lớn nhất ở Trung Quốc nói riêng và ở châu Á nói chung trong mười năm đầu thế kỉ XXI.

Đam mĩ tiểu thuyết và fanfiction hiện đang là đối tượng nhận được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau như: văn học, tâm lí học, xã hội học…, đặc biệt là trong nghiên cứu văn học “giới” (gender) của Trung Quốc. Ở Việt Nam nhà nghiên cứu Trịnh Minh Đỗ Uyên cũng có những nghiên cứu bước đầu về cộng đồng “hủ nữ” từ góc nhìn văn hoá. Nhưng cũng giống như những làn sóng á văn hoá khác xuất hiện rồi biến mất từ trước đến nay, tiểu thuyết đam mĩ và fanfiction – sau khi thoả mãn thị hiếu nhất thời của đám đông, sẽ thoái trào nhường chỗ cho một loại hình văn học đại chúng khác. Những loại hình sáng tác này sẽ lặng lẽ rời khỏi thị trường sách ở Việt Nam giống như sự rời khỏi của Vệ Tuệ, của văn học “linglei” vốn từng vang bóng một thời trong văn hoá đọc Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI.

Q.H

 
VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)