Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Trào lưu “thơ ca thế hệ thứ ba” ở Trung Quốc

Thứ Năm, 01/11/2018 09:10
. NGUYỄN THỊ THUÝ HẠNH   

Bắt đầu từ năm 1979 và đạt đến cao trào vào những năm 80 của thế kỉ XX, Mông Lung là trào lưu thơ ca đã tạo ra bước chuyển biến tích cực cho thơ hiện đại Trung Quốc, gắn với tên tuổi của Bắc Đảo, Thư Đình, Giang Hà, Cố Thành, Dương Luyện… Thơ Mông Lung phát triển sâu rộng, được nhiều nhà phê bình đương thời như Tạ Miện, Tôn Thiệu Chấn, Lưu Đăng Hàn, Ngô Tư Kính, Dương Khuông Hán, Lý Lê, Châu Tiên Thụ, Trần Trọng Nghĩa, Từ Kính Á… khích lệ và cổ vũ, khẳng định đây là “sự trỗi dậy của một mặt trận mới” (Tạ Miện), “sự trỗi dậy của một nguyên tắc mĩ học mới” (Tôn Thiệu Chấn), tạo nên một bầu không khí thuận lợi cho sự phát triển của văn học.

Bước sang nửa cuối những năm 80 đầu 90, thơ Mông Lung sau thời kì đỉnh cao đã bắt đầu đi vào thoái trào. Lúc này thi đàn Trung Quốc xuất hiện nhiều trường phái thơ ca khác nhau, trong đó, phong trào “hậu thơ mới” – còn gọi là phong trào thơ ca thế hệ thứ ba (1984 – 1989) được coi là nổi bật nhất, mang tính chất tiên phong và gây ảnh hưởng rộng rãi. Cuộc vận động thơ ca này diễn ra hết sức mạnh mẽ cả về chiều sâu lẫn bề rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đây là cuộc vận động thơ ca của những nhà thơ trẻ khao khát tự do đổi mới, ủng hộ sự nổi loạn, truy tìm lí tưởng tồn tại, đào sâu vào thế giới tinh thần, phản tư các giá trị, nhiệt tình phê bình cái tự ngã… Đi ngược lại dòng thơ ca chủ lưu và chính thống, thơ ca thế hệ thứ ba đã nối tiếp thơ Mông Lung, kiến tạo nên một cuộc cách mạng mới trong thơ ca Trung Quốc hiện đại.

Xét về mặt tên gọi, thơ ca thế hệ thứ ba là một khái niệm có thể truy nguyên về trước năm 1949 mà người đầu tiên đề xuất là Mao Trạch Đông, nhưng phải đến những năm 80 mới chính thức được dùng với tư cách là một trào lưu thơ mới. Theo sự phát triển của thơ hiện đại Trung Quốc, thơ ca thế hệ thứ nhất là tên gọi của cuộc vận động văn hóa mới sau thời kì Ngũ Tứ gắn với tên tuổi của Quách Mạt Nhược, Lý Kim Phát, Đới Vọng Thư, Ngải Thanh, Giảm Khắc Gia… Thơ ca thế hệ thứ hai chỉ cuộc vận động giải phóng tư tưởng trên văn đàn do phái thơ Mông Lung lĩnh xướng, gồm Hoàng Tường, Thực Chỉ, Bắc Đảo, Thư Đình, Cố Thành, Giang Hà, Dương Luyện… Còn thơ ca thế hệ thứ ba hình thành từ các nhà thơ tiên phong thời kì đầu những năm 80 xuất hiện sau thơ Mông Lung, như Vu Kiên, Hàn Đông, Địch Vĩnh Minh, Lý Á Vĩ, Dương Lê, Vạn Hạ, Hải Tử, Bách Hoa, Trương Tảo, Trần Đông Đông, Tống Lâm, Trương Tiểu Ba, Vương Dần, Trương Chân, Y Lôi… Trào lưu thơ ca thế hệ thứ ba này còn được gọi là phái thơ Thời đại mới, phái Tiên phong, phái Thực nghiệm hoặc phái thơ Hậu Mông Lung.

Sự xuất hiện của phong trào thơ ca thế hệ thứ ba có tác dụng thúc đẩy to lớn, khiến cho thơ hiện đại Trung Quốc phá vỡ tính đơn nhất, chuyển từ cục diện đơn nguyên sang đa nguyên. Ở thời điểm này, diễn ngôn của văn học lãng mạn cách mạng vốn là dòng chủ lưu bị phủ định, tính thị trường hóa diễn ra trong văn học ngày càng sâu sắc. Các nhà thơ vì thế cần phải tìm một hình thức biểu đạt mới để thay thế cái cũ, đồng thời bày tỏ sự thất vọng lẫn nổi loạn của họ trước thời cuộc, đó cũng là lí do để thơ ca thế hệ thứ ba ra đời. Đáng chú ý rằng, ngay vào thời điểm đầu những năm 80 khi các nhà thơ Mông Lung vẫn đang là những nhân vật nổi bật và dẫn đầu trên thi đàn Trung Quốc, thì những nhà thơ thế hệ thứ ba (thuộc độ tuổi trẻ hơn) đã đề xướng một phong cách sáng tác hoàn toàn khác, hướng tới giải cấu trúc thi pháp thơ Mông Lung. So với trào lưu thơ Mông Lung, sự khởi phát của thơ ca thế hệ thứ ba có biên độ rộng hơn và số lượng nhà thơ tham gia nhiều hơn. Thơ Mông Lung mang tính cách mạng nhưng lại duy trì và phát triển nhờ những “nhà thơ ngầm”, trong khi phong trào thơ ca thế hệ thứ ba diễn ra công khai trên diện rộng ở nhiều địa phương, từ Tứ Xuyên, Giang Tô, Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Kiến, Cát Lâm, Hồ Bắc, Hồ Nam, Vân Nam… đến một số tỉnh miền tây Trung Quốc. Mặt khác, cùng được xếp vào dòng thơ ca thế hệ thứ ba, nhưng lại có nhiều phái thơ khác nhau hoạt động ở các địa phương, như phái Lỗ mãng (Tứ Xuyên), phái Bọn họ (Giang Tô), phái Thơ Thượng Hải, phái Thơ sinh viên, “chủ nghĩa Phi-phi”, “chủ nghĩa Chỉnh thể”, “chủ nghĩa Tân truyền thống”, phái Thơ thứ 6… Các tổ chức thơ ca phi quan phương này cũng cho ra mắt nhiều ấn phẩm tự xuất bản, tạo nên một cục diện thơ ca phong phú, trăm hoa đua nở, tác động mạnh tới xã hội và thu hút đông đảo sự chú ý của quần chúng. 

Xét về độ tuổi, những nhà thơ của phong trào thơ thế hệ thứ ba hầu hết đều sinh ra trong khoảng thời gian 1977 - 1981, đa phần là sinh viên của các trường đại học, nhưng trước khi vào đại học họ đều phải rời thành phố về nông thôn để lao động dưới thời kì Cách mạng văn hóa. Mặc dù chủ trương lật đổ thơ Mông Lung trước đó để xác lập một giá trị thơ ca hoàn toàn khác, họ vẫn chịu ảnh hưởng từ thơ Mông Lung và chủ nghĩa  hiện đại phương Tây. Về phương diện tư tưởng, các nhà thơ thế hệ thứ ba phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa cấm dục và khổ hạnh, chế giễu chủ nghĩa anh hùng không tưởng, đề cao đời sống thế tục. Sáng tác của họ là hiện thân của ý thức thị dân nổi dậy ở những năm 80, mà khẩu hiệu nổi tiếng thời bấy giờ của phong trào thơ này - “sống như người dân thường, suy nghĩ như Thượng đế” - minh chứng rõ cho khuynh hướng bình dân hóa và thế tục hóa mà họ theo đuổi. Vu Kiên, đại diện cho thế hệ nhà thơ thứ ba từng nói: “Các nhà thơ thế hệ thứ ba không phải quá xuất sắc trong việc xây dựng phương thức nghệ thuật, ý nghĩa sâu rộng nhất mà các nhà thơ thế hệ thứ ba làm được, đó là họ đã mang đến thời đại này một phương thức sống và thái độ nhân sinh tràn đầy tinh thần dân chủ”.

Đặc trưng nổi bật nhất trong thơ thế hệ thứ ba là tính nổi loạn, cởi mở, tính khai sáng và tính dân gian. Đương nhiên, những đặc điểm trên đều thuộc phạm trù cái hiện đại, trước đó đã tồn tại ít nhiều trong thơ Mông Lung, nhưng phải chờ đến thơ ca thế hệ thứ ba mới được phát huy hoàn toàn. Cũng giống như nhiều phần tử trí thức trong cuộc vận động văn hóa Ngũ Tứ, các nhà thơ thế hệ ba gây hấn với văn hóa truyền thống, họ muốn thoát khỏi ý hệ quy chiếu, phá vỡ những ràng buộc của tư duy cũ đối với thơ mới, mà ngay ở cách tự đặt tên của các trường phái thơ ca khác nhau như “Bọn họ”, “Phi-phi”, “Lỗ mãng” cũng đã thể hiện rõ điều này. Bên cạnh việc nổi loạn đối với các giá trị kinh điển, các nhà thơ thế hệ thứ ba muốn chính thức vượt qua thơ Mông Lung để xác lập những giá trị mới, gây dựng vị trí trên thi đàn, với những khẩu hiệu mạnh mẽ: “Vượt qua Bắc Đảo”, “Đánh đổ Thư Đình”. Năm 1982, một số nhà thơ trẻ gồm Đương Vạn Hạ, Hồ Đông, Liêu Hy kêu gọi các nhà thơ sinh viên ở Thành Đô, Trùng Khánh “liên kết lại” nhằm “đánh đổ thơ Mông Lung”, khẳng định sự khác biệt “thơ của chúng ta rốt cuộc không giống họ”. Còn trong “Lời tuyên bố của phái Thơ sinh viên”, Thượng Trọng Mẫn đã khái quát thành “cương lĩnh sáng tác”: “Nghệ thuật của chúng tôi chủ trương: a. Phản cao thượng… b. Tái xử lí ngôn ngữ, xóa bỏ ý tượng... c. Không quan tâm đến kết cấu. Trạng thái tâm lí tổng thể chỉ gồm hai chữ: lạnh lẽo. Có thể gọi đó là hài hước đen”.

Về mặt thi pháp, thơ ca thế hệ thứ ba đã đi ngược lại lối viết ý tượng hóa mang đậm tính tượng trưng và ẩn dụ của thơ Mông Lung. Với chủ trương “phản đối các trường phái hiện đại, đầu tiên là phản đối lại chủ nghĩa tượng trưng trong thơ ca”, họ cho rằng “chủ nghĩa tượng trưng đã khiến ngôn ngữ trở nên hỗn loạn và tối tăm khó hiểu”. Thông qua việc nhấn mạnh nhu cầu quay về trạng thái nguyên sinh của khẩu ngữ, thơ ca thế hệ ba chuyển từ lối viết trữ tình sang “lối viết lạnh” của tự thuật thường ngày, tạo nên những thể nghiệm tự thân. Cụ thể, phái thơ Bọn họ “dùng ngôn ngữ và sự vận động ngôn ngữ để sinh ra hình thức của mĩ cảm”; phái Lỗ mãng lại nguyền rủa cái điển nhã, cao thượng; “chủ nghĩa Phi-phi” đi ngược lại truyền thống, thu nạp khẩu ngữ nguyên sinh... Tóm lại, thơ ca thế hệ thứ ba đã lật đổ nguyên tắc mĩ học của thơ ca Mông Lung, xây dựng cho mình một hệ thẩm mĩ mới.

Tinh thần phản truyền thống của các nhà thơ thế hệ thứ ba thể hiện rõ trong ý thức phá vỡ cấu trúc thơ truyền thống, sáng tạo một cách tự giác. Họ chủ trương làm phong phú và lạ hóa ngôn ngữ, theo đuổi yếu tố nghịch dị, trái với lẽ thường, tiến sâu vào phần phi lí tính… Các nhà thơ thế hệ thứ ba đã sáng tác một số lượng lớn những tác phẩm thể nghiệm về mặt hình thức. Ngôn ngữ trong thơ được mã hóa thành một mô hình, một bức họa thần bí, thậm chí một câu đố. Nhà thơ dùng xen kẽ các thể chữ khác nhau hoặc kí tự, văn tự khác nhau, sử dụng những khoảng trống văn bản để tạo yếu tố thị giác. Nhiều bài thơ mang khuynh hướng phi thơ, tác động mạnh mẽ tới người đọc và mang lại những cảm thụ mới mẻ, đồng thời cũng mở rộng biên giới của thơ ca. Chẳng hạn, bài thơ Cái ghế của Chu Lăng Ba sử dụng khoảng trống giữa các câu chữ và lối viết bậc thang mang lại ấn tượng thị giác, khiến bài thơ giống như một tác phẩm của nghệ thuật sắp đặt:  

Xa xa
        một cái ghế
               toàn thân sáng nhấp nháy

Cái ghế kia     vẫn thế    toàn
                                              thân
                                                     nhấp
                                                           nháy
                                               Dòng    người    liên   tục   chảy    qua  

Ngô Phi, một nhà thơ của thế hệ thứ ba cũng theo đuổi lối thơ thể nghiệm, so sánh: “giống như người chơi trong đời sống”, nhà thơ là người “chơi trong văn tự (chữ)”. Thử đọc bài thơ Vận khí (1985) của ông:
Duỗi
          không
          thẳng
                     tấm
 lưng  
           mỏi
                          đốt
           em
                   ướt
           rồi
          Trên sân lửa thiêu chết thời gian em
                                                                ngôi
                                                                     sao
                                                                         là
                                                                           mũi
                                                                              chân
                                                                                  lúc
                                                                                    di
                                                                                                  chuyển
                                                                                             âm
                                                                                                                  thanh
                                                                                                                  lướt
                                                                                                     qua

Phần văn bản trên thực chất là một câu đố, một trò chơi ô chữ cần giải mã (mà bản dịch tiếng Việt của chúng tôi không thể chuyển tải được hết ý nghĩa và tính mã hóa của văn bản gốc). Có một câu thơ chen giữa dòng thơ bậc thang thứ nhất với dòng thơ bậc thang thứ hai, và khoảng trống để lại ở giữa (điểm giao nhau của hai dòng thơ đổ dọc và câu thơ nằm ngang) là một chữ còn khuyết để người đọc tự điền vào, kèm theo gợi ý của tác giả: “đó là một chữ gần âm với chữ Hỏa (lửa) và chữ Tử (chết)”. Thơ ca lúc này đã trở thành một trò chơi ngôn ngữ đầy nghịch lí.

Bên cạnh đó, nổi lên như một hiện tượng không thể bỏ qua, dòng “thơ nữ tính” là một thành phần quan trọng trong phong trào “thơ ca thế hệ thứ ba”. Đại diện tiêu biểu của dòng thơ này là các nhà thơ nữ như Địch Vĩnh Minh, Lục Ức Mẫn, Y Lôi, Đường Á Bình, Hồng Ảnh, Hải Nam, Lâm Tuyết, Trương Chân, Trương Diệp, Triệu Quỳnh, Đồng Úy… Các tác giả trên thường sử dụng lối viết về thân thể, biểu đạt một cách chân thực và tinh tế, mới mẻ và sinh động những kinh nghiệm cảm xúc, nhấn mạnh sức hấp dẫn giới tính, khẳng định bản ngã tính nữ, đồng thời thách thức mạnh mẽ sự thống trị của nam giới… Trong số này, Địch Vĩnh Minh được coi là nhà thơ nữ nổi bật và tiên phong của dòng thơ nữ tính. Tập thơ Nữ nhân (1986) của bà ngay từ khi xuất hiện đã tạo được tiếng vang lớn trên văn đàn: Khi anh ra đi, nỗi thống khổ của em/ Muốn nôn trái tim em ra khỏi miệng/ Dùng tình yêu để giết chết anh, ai cấm được điều này?/ Vầng thái dương mọc vì thế giới! Em chỉ vì anh/ Lấy sự dịu dàng ngọt ngào của thù hận bọc toàn thân anh/ Từ chân đến đầu, theo cách của em (bài Độc thoại)… Ngoài ra, Căn phòng của người phụ nữ độc thân của Y Lôi, Sa mạc đen của Đường Á Bình, Tạp chí phụ nữ nước Mĩ, Cái chết êm ái tại thành phố này của Lục Ức Mẫn, Con báo trên cây táo của Lâm Tuyết, Nếu như có nước của Hải Nam, Con mèo trong nhà người bạn của Trương Chân, Quỷ nam của Trương Diệp, Tôi ca hát với địa ngục của Triệu Quỳnh… cũng được coi là những tác phẩm tiêu biểu của “thơ ca nữ tính” thời kì này.

Cùng được xếp chung vào dòng thơ thế hệ thứ ba, nhưng bên cạnh những nhà thơ trẻ tích cực đăng đàn kêu gọi làm cách mạng cho thơ ca, có không ít những nhà thơ giữ cho mình một tư thế độc lập để sáng tạo. Chẳng hạn Lộ Lộ, Dương Nhiên theo đuổi khuynh hướng thơ duy mĩ (Căn phòng đá, Tìm kiếm một bức tượng), Lạc Nhất Hòa tiếp thu kinh nghiệm của thơ tượng trưng phương Tây (Căn phòng, Xa); Thư Khiết phát triển mảng thơ tình trường thiên (Đốn ngộ, Siêu độ); Hải Tử kết hợp tính lãng mạn và tính hiện đại, với phong cách giàu yếu tố triết mĩ và mang tinh thần hướng thượng (Á Châu đồng, Đối diện với biển - hoa nở mùa xuân, Thơ dâng trong đêm đen, Nhật kí, Lấy mộng làm ngựa)…

Nhìn chung, phong trào thơ ca thế hệ thứ ba có một vai trò quan trọng trong nền thơ hiện đại Trung Quốc, thành tựu của nó có tính chất bản lề để thơ đương đại nước này bước sang một giai đoạn mới. Lịch sử văn chương thế giới cũng cho thấy, để xác lập các giá trị, cần có một tinh thần quyết liệt – dẫu cực đoan, dẫu phải trả giá – dành cho sáng tạo. Trường hợp thơ ca thế hệ thứ ba ở Trung Quốc nhắc nhớ một điều có lẽ không thể phủ nhận, rằng muốn khai phá và xây dựng chân trời nghệ thuật mới, phải xuất hiện những cuộc cách mạng trong thơ ca, mà những cuộc cách mạng đó hầu hết được khởi đầu từ những người viết trẻ.
 
Hà Nội, 9/2018
N.T.T.H

 
VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)