Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Khoảnh khắc và lát cắt

Thứ Hai, 12/11/2018 00:03
. DẠ NGÂN 
 
1. Trước hết, nghĩ phải có chi tiết cho những cái vỉa trong tim mình. Vì sao là tim chứ không phải óc? Vì óc chứa nhiều thứ mỗi ngày, đọc và học và nghe thấy và cả lí trí. Tim nó đã lọc và khi nó giữ thì rất kĩ, rất lâu, nó đánh thức các giác quan mỗi khi người viết nhớ về chi tiết ấy.

Chi tiết thì vô vàn. Từ chính cuộc đời ta, hay do ta nhận được, quan sát được. Ai chẳng có cuộc đời, ai chẳng có đôi mắt đôi tai và các thứ. Nhưng nhà văn khác người không có thiên tư văn chương ở chỗ họ khiến chi tiết nảy mầm và biến thành phôi, thành rễ, thành cành lá. Có người nhớ vanh vách cả ngày tháng ở nơi ấy, có những ai, họ nói gì… Nhà văn có mặt ở đó, ta không nhớ thời điểm, ta nhớ mùa, mùi của mùa, vị của mùa, nhớ không khí hôm ấy, nhớ một vài gương mặt để dành cho nguyên mẫu, nhớ một vài câu nói mà ta đắc ý, có khi nhớ một bàn tay một dáng ngồi một giọng nói khiến ta rung động hay khó chịu.

Làm sao bảo một nhà văn khác nhớ chi tiết này đi, sẽ có ích đấy. Không, có ích với người này mà không hệ trọng gì với người khác. Cũng giống như ngày Ba mươi tháng Tư năm 1975, mỗi người đều có kho kí ức của riêng họ, nhà văn càng không ngoại lệ. Tôi nhớ hôm ấy anh tôi, người con trai duy nhất của ba tôi trên đường tiếp quản thị xã Vị Thanh đã có mặt ở vườn nhà khi tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng. Anh lặng lẽ tìm một cây sào để treo lá cờ lên hiên nhà, không nói gì, những cử động chất chồng ưu tư. Vậy là hết, ba của chúng tôi đã nằm lại mãi mãi ở Côn Đảo, không bao giờ về nữa. Má tôi, chị cả tôi, hai bà góa ngồi chết lặng, kéo ống quần chùi nước mắt. Không một tiếng cười. Tôi cất giữ mãi không khí gần như là kì quặc của gia đình mình trong thời khắc lịch sử ấy. Và dùng dần, ở trang này, ở chỗ kia, tôi đã dùng nhưng nó như một cái mỏ, càng khai thác càng thấy nó thẳm sâu, nặng trĩu.
 
trai dat

Một chi tiết mới toanh đây tôi chưa dùng, nhưng nếu bạn nào dùng tôi sẽ biếu, tôi sẽ không phiền. Một con chuột nhỏ xuất hiện trong bếp tôi. Với ngữ chuột này, tôi có hẳn nhiều chi tiết cho một truyện ngắn đầy đặn hoặc là một chương của tiểu thuyết. Từ khi chồng mất, việc xử lí chuột cũng đến tay tôi, một mình tôi. Một cái bẫy bằng lưới kẽm, chú chuột mắc ngay. Nhưng giết nó mới khó. Có người mang ra sông thả, họ bảo nó vẫn trở lại chính nhà mình, hung hăng hơn. Tôi thả cái bẫy vào thau giặt to, xả nước, xong. Tôi gói xác chuột cho vô thùng rác, cất bẫy đi, thau nước đầy khiến tôi tiếc, tôi định để dành dội toa-lét. Nửa đêm, tôi nghe thấy mùi khai khẳm kinh khủng từ thau nước kia. Mùi ấy là một khám phá sinh học và có ý nghĩa nhân sinh cho văn học, hồi nữa tôi sẽ trở lại với nó, rằng vì sao tôi ngậm ngùi lưu giữ nó.
 
2. Bây giờ là chất màu cho cái mầm chi tiết ấy. Nhà văn trẻ có thể chật vật do vốn sống chưa dày. Phải đến độ tuổi nào đó thì người ta mới có màu mỡ cho niềm đau và lòng trắc ẩn. Vậy nên với nhà văn, hoàn toàn có thể khen họ là gừng càng già càng cay, hay thượng thừa khi người đó thiện nghệ lúc có tuổi. Ở đây không nói những trường hợp họ tắt ngang, tắt chủ ý, hay tắt luôn. Vẫn có nhà văn trẻ mà từng trải không thể tưởng, ấy là những tài năng bẩm sinh vạm vỡ, hoặc thiên tài.

Một hôm, cô bạn cùng cơ quan tôi kể rằng chị của cô ấy, mới đính hôn thì chồng đi tập kết. Chị thủ tiết, đến khi thống nhất, anh về, như bao người, thú nhận rằng đã có vợ và hai con ở ngoài Bắc. Chị vẫn làm vợ anh, tinh khôi, trăng mật nhưng cơ thể trung niên đã câm nín với chị. Chị chủ động bảo chồng đưa cô nàng kia và hai con vào Nam sống. Cô bạn tôi nói rằng, cái hôm chị đón vợ và con của chồng từ ga Hòa Hưng về nhà, sớm hôm sau chị bỗng thấy tóc mình bạc trắng! Tim tôi hộc lên, nức nở, chi tiết ấy đã găm vào và ở đó. Nếu không viết gì về nó, tôi sẽ không yên. Cái mầm cựa mình, thúc bách mãi. Tôi viết Dù phải sống ít hơn, in báo Văn nghệ năm 1986, sau Con chó và vụ li hôn. Một lần khác, ở một bệnh viện, tôi ghi nhận hai chi tiết: một đứa bé trai mười hai tuổi đưa bà cụ bảy mươi lăm tuổi có bảy người con đi mổ chứng sa dạ con, hỏi tiền đâu, nói bà nội mổ bảo hiểm y tế và hai bà cháu có năm mươi ngàn trong túi, trong khi đó tôi thấy nó hay có việc với một cái xô nối với bên ngoài bức tường chớn chở bằng một sợi dây dài, thì ra nó phải kiếm tiền bằng cách mua giúp nọ kia cho đám người nhà bệnh nhân. Thì ra, cái căng-tin do bà vợ giám đốc bệnh viện làm chủ luôn bán đắt hơn các xe thức ăn bên ngoài bức tường kia và thì ra, vì vậy mà tường bệnh viện cao một cách ám muội. Tôi viết ngay trong sổ tay truyện Phòng chờ trong lúc nuôi con sinh mổ ở đó, viết dễ dàng, chất màu ở đây là nỗi thống khổ và cả sự phẫn uất.
 
3. Nhất định phải có một ý tưởng như một cái tứ cho cái mầm cây ấy. Nếu không chúng ta sẽ kể một câu chuyện suông, một câu chuyện xoàng. Ý mảnh, chi tiết nhỏ ta viết thành một truyện ngắn ngắn, kiểu Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng có những chi tiết dữ dội, truyện sẽ phải rậm, khốc liệt kiểu Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban, Bảo Ninh… Khi nào ý tưởng mọc ra, cũng còn tùy, ta có siêng năng nghĩ không, có nhu cầu chết sống với truyện ngắn không, tóm lại, nếu ta coi viết văn là công việc cần sự chuyên nghiệp cao thì ý tưởng sẽ được nung nấu và lộ diện sớm.

Con chuột nhỏ khiến tôi muốn viết về một sinh linh nhỏ xíu và cái chết. Tôi đã có một túi riêng những chuyện về ba mẹ, họ hàng nhà nó, cách chúng phá phách, cách chúng mắc bẫy và thoát bẫy, cách chúng trả thù con người khi một con chuột chồng hay chuột vợ không biết nữa bị giết. Và đây sẽ là ý tưởng về cái thau nước khai mù để lại cho tôi mà tôi nhận thấy, ngạc nhiên và nghĩ ra: trong khi hoảng loạn bờ vực sống chết, sinh linh bé tí kia đã gửi lại một thông điệp về việc bị hành hình, về một cái chết!  
 
4. Khâu cuối cùng, một giọng điệu. Thủ pháp với truyện ngắn có lẽ không cần phải đau đầu nhiều như với tiểu thuyết. Giọng điệu ở đây là không khí truyện. Có người vòng vo triết lí, có người mở phông màn ra là thấy ngay vài thứ cần thiết. Giọng điệu của một truyện khác với giọng văn. Như Muối của rừng và Không có vua rất khác nhau nhưng vẫn là giọng văn của Nguyễn Huy Thiệp đấy. Hay có viết kiểu gì thì đọc một vài đoạn đầu cũng nhận ra Bảo Ninh, truyện ngắn của Bảo Ninh rậm và nhiều chuyển tải như một chương tiểu thuyết.

Giọng điệu phụ thuộc vào tạng người, típ người, cá tính và không giấu được con người nhà văn. Nguyễn Quang Sáng rất duyên và hào sảng nhưng Trang Thế Hy thì thâm trầm, trang trọng, kĩ càng. Như Y Ban bạo liệt đối trọng với thỏ thẻ, thâm sâu Lê Minh Khuê. Giọng điệu cho thấy tài năng, vài dòng hay một đoạn là có thể biết người viết tài ít hay tài nhiều. Có người cả truyện không thấy có văn, ngược lại, người giỏi sẽ cho thấy đoạn nào của họ cũng có những câu chữ khiến ngạc nhiên, thú vị, thậm chí giật mình.

Người bảo truyện ngắn là khoảnh khắc của đời sống. Người lại cho rằng nó là một lát cắt, một mặt thớt mà nhìn vào người ta biết đời sống bên trong của một cái cây. Định nghĩa nào cũng hay và chân xác. Có những truyện viết nhẹ nhàng như chơi, như thả đôi chân đi dạo và cho ra sản phẩm thư thái, thú vị. Cũng chính tác giả ấy lại có những truyện khốc liệt, chấn động, như một tiếng nổ. Vì vậy mà chúng ta có Chiếc thuyền ngoài xa và cả Lão Khúng của Nguyễn Minh Châu.

Cuối cùng, cá tính của nhà văn làm nên chân dung văn học của họ. Có mọi thứ như nguyên liệu của một món ăn nhưng tài năng chế biến của người đầu bếp cụ thể cùng với cá tính, đam mê, tri thức, kinh nghiệm… của người đó mới là tất cả. Vì vậy mà nước Nga có Chekhov và có Paustovsky, nước Mĩ có Mark Twain và có O.Henry, Trung Hoa có Lỗ Tấn vô địch với những truyện ngắn không ngắn của ông, và tương tự, nữ sĩ Canada Alice Munro (Nobel 2013) với những truyện ngắn rậm rạp rườm rà như tiểu thuyết mỏng mà vẫn được đánh giá là cây truyện ngắn bậc thầy.

D.N 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)