Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Vũ điệu của sắc màu, âm nhạc của đôi mắt

Chủ Nhật, 25/11/2018 00:52
. CHU VĂN SƠN

Đó là cuộc trình làng mới lạ diễn ra vào ngày 28/10/2018 tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam của cặp hoạ sĩ mà tên tuổi không còn xa lạ đối với công chúng mĩ thuật đương đại: Hoàng Định (Việt Nam) và Somsak (Hà Lan). Họ quyết định “bay đôi” bởi quá nhiều điểm chung: đều từng tu nghiệp nhiều năm tại Hà Lan, đều theo xu hướng kết hợp Đông - Tây, đều đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về mĩ thuật đương đại, đều tìm tòi hội hoạ trong cảm hứng lớn về âm nhạc, và đều muốn dành cuộc này cho Thủ đô Hà Nội. Điều thú vị là cùng đội hình, cùng hướng bay, nhưng mỗi người vẫn một đường bay, một cách bay riêng mang đậm bản sắc và cá tính của mình.

Âm nhạc vốn là nghệ thuật thính giác, còn hội hoạ là nghệ thuật thị giác. Tự bản nguyên, trong nhạc có hoạ trong hoạ có nhạc, ấy vậy mà, chúng cứ như hai vương quốc hoàn toàn biệt lập nhau. Song, cũng từ khởi thuỷ đến giờ, các nghệ sĩ giàu sức sáng tạo vẫn không ngừng nỗ lực phá bỏ lằn ranh giữa chúng. Trước đây, nỗ lực này của hoạ mới chỉ dừng ở mức tiếp cận nhạc như một đề tài thôi (vẽ tĩnh vật thì nhạc cụ, chân dung thì nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ, sinh hoạt thì các hoạt động âm nhạc v.v…). Tức là, hoạ mới vẽ về nhạc chứ chưa vẽ bởi nhạc. Làm sao để mỗi bức tranh là một bản nhạc trong hình sắc, để màu sắc thì như đang rung rinh tấu nhạc, còn nhạc thì như đang ngân lên trong sắc màu? Muốn thế, phải khai thác được âm thanh, tiết tấu, giai điệu, khúc thức, hoà âm… những ngôn ngữ đặc thù của âm nhạc để tạo thêm lợi thế cho ngôn ngữ của hội hoạ. Nghĩa là phải tạo ra cuộc hôn phối giữa hoạ và nhạc. Đó là một thách thức lớn đối với những tìm tòi đương đại. Đó cũng chính là “hướng bay” đầy say mê của Hoàng Định và Somsak qua triển lãm này.

 
unnamed (1)


Được Hà Lan đào tạo, rồi trở thành công dân xứ sở hoa tuylip, nhưng Somsak xuất thân từ Thái Lan. Hưởng nền giáo dục hiện đại phương Tây nhưng văn hoá ngọn nguồn của Somsak là phương Đông. Trở lại với hội hoạ sau khi vượt thoát khỏi trọng bệnh, ông càng nung nấu về sự tích hợp Đông - Tây ấy sao cho nó thật nhuần nhuyễn mà mạnh mẽ trong mỗi sáng tạo mĩ thuật của mình. Ông đã chọn khuynh hướng trừu tượng biểu hiện để biểu đạt cuộc hôn phối giữa ngôn ngữ âm nhạc (của giao hưởng và jazz) với ngôn ngữ hội hoạ (của những tấm sarong Thái) trong các tác phẩm của mình. Somsak gọi đó là “âm nhạc của đôi mắt” (music for the eyes). Lần này ông mang đến triển lãm bảy bức tranh, chúng đều là thành quả ngoạn mục của cuộc hôn phối mãnh liệt và bền bỉ đó. Loạt tranh khổ lớn này của Somsak, về bố cục tổng thể, có những bức như một cuộc trình tấu nhạc jazz mà giai điệu trong bản phối của nó hiển thị thành những đường uốn lượn xoắn xít đầy ngẫu hứng trên một nền âm thanh cứ như những bè đệm mà từng nốt, từng nốt đã hoá thành màu sắc trau chuốt, mượt mà. Có những bức lại như tấm sarong Thái trải ra vuông vức, thoạt nhìn tưởng chúng chỉ như sự đồ lại một sản phẩm dệt đầy tính trang trí với những hoạ tiết và hoa văn thổ cẩm. Nhưng xem kĩ, chừng như, mỗi chấm màu, nét vẽ đã như từng âm thanh, từng tiết điệu được phối kĩ đã thành một bản tổng phổ đầy âm vang. Tạo ra cuộc hoá thân lẫn nhau giữa nhạc và hoạ như thế, Somsak đã bộc lộ một sở trường trong tư duy hội hoạ, ấy là: sự hoà hợp giữa tính phóng khoáng, khúc chiết trong bố cục và sự cẩn trọng, kĩ lưỡng trong phối màu và đi nét. Xem tranh của ông là phiêu du cùng sự dẫn dụ tay đôi của nhạc và hoạ như thế. Đó chính là ấn tượng đương đại mang tên Somsak.

Cuộc tình giữa nhạc và hoạ trong nghệ thuật Hoàng Định thì khác. Là một người con của Đồ Sơn - Hải Phòng, chừng như trong bản thể của hoạ sĩ này có sóng và gió. Phải chăng sóng gió tự bản nguyên ấy đã tạo nên cái tạng cảm xúc nồng nàn rất đặc trưng của ông. Nó khiến hoạ sĩ đã cầm lấy bút vẽ là như bị cuốn vào một cơn khích động mãnh liệt. Không phải ông đang vẽ, mà ông đang bị âm thanh kích hoạt, bị sắc màu cuốn vào cuộc chơi đầy ma mị của chúng. Và hướng đi của Hoàng Định là ấn tượng biểu hiện. Mới một năm trước, nếu những lớp sóng cảm xúc ấy hiện ra trong thứ ngôn ngữ “tung toé” để lại ấn tượng mạnh ở mọi bức phong cảnh ông vẽ trên giấy, thì ở cuộc bứt phá này, nó hiện ra trong niềm dào dạt, hoạt náo vô chừng của sắc màu mà ông gọi là “vũ điệu của màu sắc” (dancing of colours). Hứng thú với những dạng vũ hội của âm thanh trong âm nhạc, Hoàng Định đã rắp tâm đem những bản hoà âm, bản xônát, những chương giao hưởng vào hội hoạ của mình, để chúng hợp tấu, hợp ca cùng màu sắc. Vì thế, bức nào của Hoàng Định trong bảy tác phẩm sơn dầu khổ lớn chọn triển lãm lần này cũng như một mặt hồ âm thanh, một cánh rừng âm thanh, một vùng biển âm thanh trong bản dạng sắc màu đang xô động, bay bổng, tràn trề. Từng chấm màu rún rẩy như đang múa hát, từng nét bút chênh chao như đang khiêu vũ. Say mê nắm bắt trạng thái rúng động của vạn vật, dường như Hoàng Định không vẽ cảnh vật mà vẽ cái rung rinh bất tuyệt, vô hồi của cảnh vật. Bởi thế, hình sắc trong tranh ông, từ tạo vật đến nhân vật, từ động vật đến đồ vật, hết thảy cứ lung linh, chập chờn như trong sóng nhạc. Khác nào như hình tượng nhạc được hiển hiện trong tâm trí ta khi bản nhạc tấu lên. Hoạ pháp rất đương đại ấy bộc lộ một sở trường, một sức hấp dẫn của hội hoạ Hoàng Định: xô dậy những đợt sóng cảm xúc miên man đầy ngẫu hứng và tạo ra những bản giao hưởng hân hoan của sắc màu.

Như một cuộc song ca ăn ý, nhưng chất giọng, màu giọng người nào vẫn rất riêng và làm nổi bật người ấy, triển lãm như thế thực là cuộc bay đôi kì thú nhịp nhàng.
 
Van Son Garden, thu 2018
C.V.S

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)