Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Giai đoạn thứ hai của văn học Việt Nam viết về chiến tranh

Thứ Tư, 14/11/2018 00:51
. ĐINH XUÂN DŨNG     

Đây là một đề tài lớn, xuyên suốt trong lịch sử văn học Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Trong phạm vi bài này, người viết chỉ trình bày tóm lược và có tính khái quát một số suy nghĩ về văn học Việt Nam viết về chiến tranh ở giai đoạn thứ hai của nó.

Từ sau năm 1975, đặc biệt từ những năm 1980 đến nay, văn học Việt Nam viết về chiến tranh đang ở giai đoạn thứ hai với sự lộ diện dần những đặc điểm mới của nó trong sự tìm kiếm vất vả và quyết liệt của tư duy sáng tạo.

Vậy, đặc điểm riêng của giai đoạn hai này là gì?

Văn học Việt Nam viết về chiến tranh ngay trong khi chiến tranh đang diễn ra đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam ngày 25 tháng 7 vừa qua: “Đến nay, nhìn lại, dù có thể chỉ ra một vài hạn chế có tính lịch sử khó tránh khỏi, thì chúng ta vẫn hoàn toàn có quyền tự hào rằng, giai đoạn văn học, nghệ thuật đó đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc…”. Điều đó không hề đồng nhất với một nhận định vội vàng cho rằng, hiện thực và con người trong chiến tranh ba mươi năm đã trở thành quá khứ đối với ngày hôm nay, hiện thực đó đã được khám phá hết! Vì thế ở giai đoạn hai này, văn học trở về với quá khứ chiến tranh tự đặt cho mình một nhiệm vụ: tiếp tục khám phá và cả khám phá lại để phát hiện những vấn đề còn ẩn sâu trong chính quá khứ chiến tranh đó. Khi chiến tranh đã lùi xa, mọi sự kể tả giản đơn, chỉ miêu tả lại các sự kiện, biến cố chiến tranh, hành động của con người theo dạng dựng lại hay minh họa lịch sử đều chưa thỏa mãn người viết và cả người tiếp nhận. Số phận, đường đời, đặc trưng tính cách con người trong chiến tranh còn vô vàn những điều chưa biết, còn nhiều ẩn số có thể và cần thiết phải lí giải. Có nghĩa là, từ giai đoạn hai này, văn học đề tài chiến tranh không thể chỉ dừng lại ở việc tái dựng lịch sử chiến tranh như ta đã từng biết, mà phải khám phá sâu thêm, mới thêm trong quá khứ đó cái ta chưa từng biết. Khác với giai đoạn trước, chiến tranh hiện ra hầu như chỉ là cái nền, trên đó văn học ngợi ca khẳng định, kêu gọi và cổ vũ con người vươn lên cái anh hùng, cao cả, tốt đẹp, ở giai đoạn hai này, chiến tranh hiện ra như đối tượng của sự nghiên cứu và phân tích thông qua tư duy sáng tạo của nhà văn, từ đó, văn học trở thành hình thái độc đáo để phân tích, đánh giá tác động lẫn nhau cực kì phức tạp giữa chiến tranh và số phận con người, số phận dân tộc. Chiến tranh được nhìn nhận như một sức mạnh ghê gớm, khốc liệt nhào nặn, chi phối con người, biến đổi con người đến tận cùng, trên cả hai cực tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn và có khi trộn lẫn cả hai cực đó trong một tính cách, một số phận. Hầu hết những tác phẩm thành công trong những năm đầu giai đoạn hai này của một loạt nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Đức, Nam Hà, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy… cũng như của một số tác giả mới và trẻ gần đây đều gắn liền với đặc điểm trên và đó chính là dấu ấn nổi bật nhất thể hiện sự khác biệt, sự biến đổi của văn học về chiến tranh ở giai đoạn hai so với trước đó. Đặc điểm đó đòi hỏi văn học phải quan tâm cả hai mặt, đó là miêu tả trung thực, chính xác, không cắt xén, không tô vẽ, không né tránh các mặt rất khác nhau, quyện chặt vào nhau của sự kiện chiến tranh, đồng thời nỗ lực phát hiện và đào sâu các vấn đề của chính hiện thực chiến tranh đó, nằm ngay trong nó để giúp con người ngày hôm nay hiểu biết đầy đủ và mới, cả diện mạo và chiều sâu của biến cố chiến tranh. Gắn liền với đặc trưng trên là sự xuất hiện tính đa dạng của phương thức khái quát hiện thực chiến tranh và tính đa thanh của việc đánh giá hiện thực đó trong tác động của nó đối với số phận của dân tộc và của từng con người. Tính đa thanh đó gắn liền với một yêu cầu mới là sự sát gần đến mức cao nhất, chính xác nhất (có thể đạt tới) với hiện thực chiến tranh, với cái hàng ngày của chiến tranh, với mỗi số phận con người. Sự chuyển hướng trên không có nghĩa là văn học ở giai đoạn hai này phủ nhận việc khám phá những phẩm chất tốt đẹp, anh hùng của con người trong chiến tranh giải phóng, mà là đang tự mở ra khả năng đi vào chiều sâu và tìm ra cách mới của quá trình nhận thức và khám phá cái tốt đẹp, cái anh hùng. Phải chăng, đó là anh hùng và đời thường, anh hùng và bi kịch gắn bó với nhau, niềm tự hào về những phẩm giá tốt đẹp, cao cả, nỗi xót đau vì những tổn thất, mất mát không thể bù đắp, cái giá phải trả cho chiến thắng và cả sự tức giận, lên án những xấu xa, đê tiện xuất hiện trong chiến tranh, rồi những bi kịch hoàn toàn không gắn với anh hùng… Tư duy hiện thực nghiêm ngặt ở giai đoạn hai đang vượt qua tư duy lãng mạn - trữ tình vốn giữ vị trí nổi trội ở giai đoạn một. 

 
Nhóm chiến sĩ thông tin trong mũi tấn công của Quân Giải phóng tại chiến trường Quảng Trị - Ảnh: Đoàn Công Tính
19 (Copy)

Khám phá quá khứ chiến tranh để làm gì? Trong chiến tranh, để động viên, cổ vũ, vẫy gọi con người kiên gan bền chí. Còn khi chiến tranh đã lùi xa, không chỉ để thế hệ sau hiểu nhiều hơn, đúng hơn, sâu hơn về quá khứ đó, mà còn là khát vọng tìm trong quá khứ những bài học, những kinh nghiệm - cả thành công và thất bại - nhằm góp phần giải đáp những vấn đề ngày càng đa dạng và phức tạp đang đặt ra trong hiện tại, hôm nay và những năm sẽ tới. Đó là nhu cầu khám phá quá khứ chiến tranh để gặp gỡ với hiện tại. Phải chăng, đây là đặc trưng quan trọng nhất của hầu hết các tác phẩm văn học viết về chiến tranh ở giai đoạn hai này. Rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh ở giai đoạn này, cả tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, đều gắn liền, đan xen hai mảng hiện thực: chiến tranh trong quá khứ và cuộc sống hiện tại. Có thể nghĩ rằng, truyện ngắn Bức tranh (tên ban đầu là Cái mặt được viết cuối năm 1976, in năm 1981) của Nguyễn Minh Châu là tác phẩm văn học mở đầu cho hướng sáng tác này. Con người đã “lại gạo” như thế nào trong thời bình mặc dầu đã trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Hầu hết các tác phẩm của Chu Lai, Lưu Quang Vũ và nhiều tác giả khác đều có đặc điểm chung đó. Nguyễn Khoa Điềm viết khi đứng trước hầm của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Chiếc hầm nhỏ sâu như tròng mắt/ Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ. Hai câu thơ không chỉ là cảm xúc về quá khứ mà còn ẩn chứa một nỗi đau, một sự dằn vặt của lương tri con người đang sống trong ngày hôm nay.

Khi nói rằng, khoảng từ đầu những năm 80 thế kỉ XX là thời điểm bắt đầu giai đoạn hai của văn học Việt Nam về chiến tranh, điều đó có nghĩa là những đặc điểm mới của giai đoạn đó mới chỉ lộ diện và suốt gần bốn mươi năm qua, cuộc tìm kiếm vẫn đang diễn ra, thầm lặng, nhọc nhằn và quyết liệt, dẫn tới cả thành công và thất bại, có người đang tới đích mới, tự vượt mình và có những người phải dừng lại giữa chừng. Trong sự bộn bề đó, có thể nghĩ tới sự tồn tại đồng thời của bốn xu hướng xen kẽ nhau, tác động lẫn nhau về việc phản ánh chiến tranh sau chiến tranh (giai đoạn hai này).

Một số tác giả, đặc biệt là những nhà văn đã qua và nhiều năm viết về chiến tranh trong chiến tranh, vẫn giữ “tạng” viết của mình, ít có sự tự đổi mới, tự vượt mình, thường chỉ có khả năng kể tả lại diễn biến của các sự kiện, biến cố, quá trình chiến tranh, ca ngợi thật lòng nhưng không mới về con người trong chiến đấu. Dung lượng hiện thực có thể được mở rộng nhưng chất lượng của sự khám phá không cao, vì thế, dù cần mẫn, dày công nhưng hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm không như mong muốn, ít nhiều mờ nhạt.  

Một số cây bút, đặc biệt là những người lính chiến, đã nỗ lực tái hiện hiện thực chiến tranh trong tính chân xác, đa dạng nhất mà họ đã trực tiếp trải nghiệm. Một loạt hồi kí, kí ức chiến tranh ra đời trong mấy năm vừa qua thể hiện rõ khuynh hướng này, trong đó có tác giả là “trung sĩ”, có tác giả là tướng lĩnh đã nhiều năm trận mạc.

Một số cây bút khác, do chịu tác động hết sức phức tạp của điều kiện chính trị, tư tưởng, xã hội của giai đoạn lịch sử đầy biến động vừa qua và hiện nay, do chưa có được sự từng trải và bản lĩnh sáng tạo đã cho ra đời một số tác phẩm về chiến tranh theo khuynh hướng nhìn méo hiện thực, chỉ tập trung đi tìm những cái mất mát, đau thương, đen tối, bi thảm, éo le, độc ác, lố bịch xảy ra trong chiến tranh, để từ đó, coi đây là toàn bộ hiện thực cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc.

Mặc dầu trải qua không ít khó khăn, nhiều nhà văn - cả trưởng thành trong chiến tranh và cả lớp trẻ - đã bứt lên, tự đổi mới chính mình, đặc biệt là lớp nhà văn hình thành vào cuối thời kì chống Mĩ, đã cho ra đời những tác phẩm thực sự có cách nhìn mới, đáp ứng nhu cầu của công chúng tiếp nhận, qua đó, minh chứng cho một quy luật không thể né tránh của mảng văn học viết về chiến tranh sau chiến tranh, như đã trình bày ở trên. Đó là kết quả của sự đào sâu mới, là năng lực phân tích, bình giá và mổ xẻ hiện thực đa chiều của chiến tranh, là sự phân tích mối quan hệ cực kì phức tạp của số phận con người với biến cố chiến tranh, là khả năng khám phá và đặt ra những vấn đề nóng bỏng nhất trong chiến tranh và sau chiến tranh do tác động dai dẳng của chiến tranh trong đời sống của từng cá nhân và của toàn xã hội. Nếu nhìn nó như một nhu cầu khách quan, một quy luật nội tại của sự sáng tạo văn học về chiến tranh ở giai đoạn hai, thì khuynh hướng này sẽ tiếp tục phát triển và là nguồn mạch chủ yếu tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn về cuộc chiến tranh ba mươi năm của dân tộc. Và theo xu hướng đó, đội ngũ sáng tác về chiến tranh sẽ không chỉ dừng lại ở những nhà văn đã có mặt trong chiến tranh, những người trực tiếp trải nghiệm, mà sẽ lôi cuốn vào đó những cây bút trẻ, tìm hiểu chiến tranh ít nhiều gián tiếp, xuất phát từ đam mê đề tài lịch sử và từ sự phân tích tác động của hậu quả chiến tranh trong hiện tại mà họ đang sống, xuất phát từ nhu cầu của bản thân hiện tại, họ sẽ viết về chiến tranh với góc nhìn mới, sự khám phá và đồng hóa mới hiện thực chiến tranh đó. Đã xuất hiện một số cây bút trẻ nhiều triển vọng như vậy. Chính vì vậy, chiến tranh vẫn và sẽ còn là một đề tài lớn và hấp dẫn, đội ngũ nhà văn viết về chiến tranh ở giai đoạn hai này sẽ tiếp tục nối dài hơn nữa theo thời gian.

Đ.X.D

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)