. PHẠM VĂN HƯNG
Bản năng tình dục là một hành trang đeo đẳng trên vai con người suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Vì sự quan trọng cũng như sự tế nhị của mình, bản năng tình dục in dấu ở rất nhiều nơi nhưng cũng bị che chắn, ngụy trang ở hầu hết những nơi mà nó xuất hiện, trong đó có văn học - nghệ thuật. Nhìn lại dòng chảy của những “tiếng dâm” trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại thế kỉ XVI-XIX cũng là nhìn lại một phần diện mạo tinh thần của người xưa trong đời sống tình dục, để thấy những chuẩn mực tính dục đã được thiết lập và bị vượt qua như thế nào trong thực tế, dù đó chỉ là thực tế của văn bản, con chữ và tư tưởng.
Đánh giá về di sản văn chương trong quá khứ của Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu cho rằng: “Những tác phẩm văn chương (...) của ta thường không hề có tính cách khêu gợi tình dục”(1). Nhận xét của Nhất Thanh dẫu còn chủ quan nhưng có phần hợp lí bởi tới tận thế kỉ XV, văn học Việt Nam trung đại gần như không xuất hiện một tác phẩm nào viết về đời sống tình dục có dấu ấn đáng kể (qua khối tư liệu hiện còn). Tới thế kỉ XVI, như ngọn núi đột ngột xuất hiện giữa đồng bằng, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ viết về đề tài tình dục một cách dày đặc, công khai và táo bạo. Nhân vật Trình Trung Ngộ và hồn ma Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo đại diện cho một kiểu người lấy hành lạc, thú vui thân xác làm mục đích sống qua tuyên ngôn của Nhị Khanh: “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa”. Trong tập truyện Truyền kì mạn lục, Chuyện kì ngộ ở Trại Tây là tác phẩm khắc họa đời sống phòng the rõ nhất. Không chỉ lời thoại của nhân vật đượm màu sắc dục (chẳng hạn, “Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉ e tình hoa run rẩy, tơ liễu điên cuồng, oán lục thẹn hồng, làm giảm thú phong lưu đi mất”) mà cảnh ân ái cũng được miêu tả kĩ qua lời văn “tựa ngọc kề vàng, gối vừa xô đã khoát sóng hoa đào nghiêng ngả”, qua thơ của hai nàng Đào - Liễu và bài thơ Hà Nhân đề vịnh cuộc ái ân giữa ba người (...Một ổ thỏa thuê oanh ấm áp/ Đôi dòng san sẻ nước tây đông), một điều thật khó hình dung trong bối cảnh văn học Việt Nam trung đại thế kỉ X-XV. Phần Lời bình (mà tới nay chưa ai dám chắc có phải là của Nguyễn Dữ hay không) mang ý nghĩa khuyến thiện trừng dâm hơn là tạo ra một “hàng rào pháp lí” cho sự tồn tại của truyện bởi trong hầu hết các truyện về đề tài này, nhân vật chính đã bị trừng phạt ngay trong phần kết. Theo các nhà nghiên cứu, “dĩ dâm chỉ dâm” (lấy cái dâm để chặn cái dâm) là cách mà nhiều cuốn sách khiêu dâm dùng làm mộc chắn mũi tên phê phán. Truyền kì mạn lục cũng không nằm ngoài truyền thống đó.
Đọc lại Truyền kì mạn lục, hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên về “thành tựu” đột xuất trong những sáng tác về đề tài tình dục của tập truyện này. Theo quy luật, hẳn sẽ có những tác phẩm “tiền trạm”, mở đường cho Truyền kì mạn lục, nhưng với tình hình tư liệu ít ỏi, thiếu thốn như hiện nay, ta không thể dựng lại được bức tranh đó. Có một thực tế, sau Truyền kì mạn lục, dường như dòng văn học viết về đề tài này đã có một sự chuyển biến nhất định, nên đến năm 1663, Trịnh Tạc phải ra lệnh cho Phạm Công Trứ soạn 47 điều giáo hóa, nêu rõ “các truyện Nôm và thơ ca dâm đãng đều không được khắc in mua bán làm tổn hại đến phong hoá”(2). Đến năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), Trịnh Doanh lại sai Nhữ Đình Toản diễn nôm 47 điều giáo hóa năm 1663 để dân chúng “dễ thuộc, dễ nhớ” mà không phạm vào điều cấm. Qua sự cấm đoán kể trên, chúng ta có thể thấy cho đến thế kỉ XVIII, văn chương viết về đề tài tình dục đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề in và xuất bản, hướng tới một đời sống văn học vì độc giả, vì lợi nhuận - một yếu tố của đời sống văn học hiện đại. Thêm nữa, nó cũng thúc đẩy sự phát triển của văn học Nôm, của ngôn ngữ văn học hướng tới độc giả bình dân qua các thể văn vần (như truyện thơ Nôm) giúp việc lưu truyền tác phẩm theo con đường truyền miệng được dễ dàng hơn. Cũng trong thế kỉ XVIII, ở Đàng Trong, sự chuyển biến của đời sống văn hóa - xã hội đã đưa tới cho văn học diện mạo mới mà ở đó có một sự phóng khoáng, phóng túng nhất định. Theo Cao Tự Thanh, “Có thể nói phần đông các tác giả văn học Đàng Trong từ năm 1773 trở đi ngày càng hòa nhập một cách tự nhiên vào xã hội thị dân, một sản phẩm của kinh tế thương nghiệp tiền tư bản ở Đàng Trong buổi ấy. Cho nên, dường như ở đây thậm chí đã xuất hiện những dấu hiệu của dòng văn chương tình dục vốn là sản phẩm của xã hội thị dân. Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào đầu thế kỉ XVIII đã miêu tả hành vi tính dục giữa Song Tinh với hai người vợ Nhụy Châu - Thể Vân [từ câu 2285 đến câu 2312] rất bóng bẩy nhưng không kém phần sống động (...) quả thật chẳng thua kém gì những pha tương tự trong các tiểu thuyết Trung Quốc loại Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai…”(3). Như vậy, từ chỗ văn học trước đó tập trung miêu tả đời sống tình dục giữa người và hồn ma (như trong Truyền kì mạn lục) thì đến đây đã chuyển sang miêu tả trực tiếp đời sống tình dục của con người. Cùng với đó, có lẽ sớm nhất là khoảng cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX (sau khi truyện Nôm Phan Trần và Truyện Kiều ra đời) đã lưu hành câu ca: Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều. Tuy nhiên, trước Truyện Kiều, trong “sổ đen” của các nhà nho còn có Hoa tiên truyện, tác phẩm bị một số người “gán cho là văn chương dâm đãng, khúc hát lẳng lơ” đến mức chính tác giả Nguyễn Huy Tự (1743-1790) cũng phải “sám hối” về đứa con tinh thần của mình trong lời dặn dò con cháu sau này.
Theo nhà nghiên cứu Lưu Đạt Lâm (Trung Quốc), “Thời đại nào mà nhiều trinh tiết liệt nữ nhất thì thời đại đó tiểu thuyết tình dục (...) sẽ lan tràn nhất”(4). Không dễ kiểm chứng quy luật này có ứng dụng được với thực tế Việt Nam hay không bởi ở Việt Nam số lượng liệt nữ chỉ nở rộ trong thế kỉ XIX nhưng rõ ràng thế kỉ XVIII-XIX ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều tác phẩm (cả du nhập, vay mượn và sáng tạo) đậm màu sắc dục. Phạm Tú Châu nhận định: “Có phần chắc loại sách này từ những thế kỉ trước đã được bạn đọc nhà nho nước ta tiếp nhận theo nhiều con đường khác nhau mà theo phỏng đoán lâu nay có ba đường: do quan lại Trung Quốc đem sang, do lái buôn sách bên kia biên giới đưa tới và do các thành viên trong các đoàn sứ giả mang về”(5). Có lẽ đến những truyện như Hoa viên kì ngộ (khoảng thế kỉ XVIII) hay Thư si truyện (khoảng cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX), vấn đề tình dục trong sáng tác văn học mới trở thành mục đích tự thân của các nhân vật. Ở đây, văn chương viết về đề tài tình dục đã đi từ rào đón “khuyến thiện trừng dâm” đến chỗ miêu tả thuần túy việc sinh hoạt tình dục và hưởng thụ các xúc cảm của đời sống thân xác. Nếu như Truyền kì mạn lục phải mượn hồn ma Nhị Khanh để tuyên ngôn về lối sống đề cao lạc thú trần tục thì Hoa viên kì ngộ đã bước đầu cho nhân vật nam chính của mình (Triệu Kiệu) chủ động làm công việc đó, nêu rõ quan điểm “Vui này sướng này thật không gì có thể so sánh được. Phong lưu của họ Vương họ Tạ cũng phải nhường một bậc”. Trong Hoa viên kì ngộ, tác giả đã rất bạo tay khi miêu tả bốn cảnh ân ái: Triệu sinh - Lan nương; Triệu sinh - Huệ nương; Triệu sinh - Lan nương - Huệ nương; Triệu sinh với bốn nàng Lan nương, Huệ nương, Xuân Hoa, Thu Nguyệt (chẳng hạn, cảnh Triệu sinh “kéo Lan vào lòng, một tay kéo đùi nàng, tay kia mân mê đôi vú, cười mà bảo rằng: Tuyệt thật, vừa mềm vừa ấm, hệt như thịt đầu gà. Lúc này Lan cũng đã động tình bèn cùng Sinh vào màn, cùng nhau giao hoan...”; “Hai nàng nhường nhau hồi lâu, Sinh cũng không thể tự chủ được nữa bèn một tay kéo lấy vai Lan, tay kia mân mê vú Huệ, mặc sức đùa cợt trong chăn phỉ thúy, tận hưởng cuộc hoan lạc trong cõi nhân gian...”).
Cùng với mạch của Hoa viên kì ngộ, Thư si truyện (Truyện người si ngây vì sách) có cách tiếp cận khá mới mẻ trong đề tài tình dục. Dẫu vay mượn từ truyện Thư si trong Liêu Trai chí dị (Trung Quốc) nhưng, như nhận xét của Phạm Tú Châu, “Thư si truyện cũng là một cái mốc đánh dấu bước tiến mới của tác giả nhà nho khi đưa “sex” vào chuyện ân ái vợ chồng và dám cả gan dùng chữ sách thánh hiền để minh họa cho thú giao hoan”(6). Bài văn của Lê Hải Học viết chúc mừng đám cưới dẫu là trích dẫn kinh điển nhưng lại đầy những ám chỉ về hành vi tính giao: “... Chàng ôi, chàng ôi, bó lại thẳng đứng, đâm cho lép nhép, đầy cả lỗ tai (...). Muốn dừng mà không dừng được, khi đã dốc kiệt sức mới tạm xong”. Không chỉ Lê Hải Học, mà ngay người vợ của chàng cũng mang kinh điển ra để giải thích chuyện phòng the, khiến sách vở cơ hồ mất hết thiêng liêng, cao quý: “Chàng đọc nhiều sách, thế mà một chương Phu thê còn chưa hiểu rõ ư? Trong Kinh dịch chẳng có câu Nam nữ cấu tinh hay sao?”. Có thể nói Thư si truyện là tác phẩm hiếm hoi trong lịch sử văn học tình dục Việt Nam hướng đến thể hiện hình tượng người phụ nữ (chứ không phải những hồn ma như Nhị Khanh) đi tìm khoái cảm, chủ động trong quan hệ tính giao nhằm mưu cầu những lạc thú trần tục mà họ muốn được đón nhận và thụ hưởng, nằm ngoài nghĩa vụ sinh con đẻ cái nối dõi tông đường.
Trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại, dẫu đã từng kinh qua giai đoạn của Hoa viên kì ngộ nhưng cho đến thế kỉ XIX, quán tính của những cách diễn đạt cũ về đời sống tình dục vẫn ám ảnh các trang văn. Cho đến đầu thế kỉ XX, trong một truyện Nôm khuyết danh được coi là thuần Việt như Hồng hoan lương sử, câu chuyện phòng the cũng chỉ được miêu tả rất ước lệ. Chỉ với Nam thành du dật toàn truyện (chưa rõ thời điểm ra đời, có thể xuất hiện khá muộn) văn học tình dục mới lấy đề tài thuần túy là sinh hoạt tình dục, đơn thuần như một cuộc dạo chơi giữa hai đường biên văn chương và tình dục. Theo khảo sát của Trần Ích Nguyên, “đây là bộ tiểu thuyết diễm tình mang tính tưởng tượng cao khi miêu tả việc quan hệ nam nữ như việc chiến đấu, cũng nhân cách hoá cơ quan sinh thực khí nam nữ” và tác phẩm này đích xác là “tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam”(7). Tuy nhiên, Nam thành du dật toàn truyện là một trường hợp hiếm có của lịch sử văn học tình dục Việt Nam thời trung đại bởi hầu hết các tác phẩm có tầm vóc hoặc dung lượng đáng kể đều ít nhiều vay mượn hoặc được gợi hứng từ văn học Trung Quốc. Nói một cách công bằng, có lẽ những tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán nói về đề tài tình dục không có “tác hại trên diện rộng” nên sự quan tâm của chính quyền với mảng sáng tác này cũng không quá lớn. Lệnh cấm dưới thời Lê Trung Hưng năm 1663, 1718 và 1760 chỉ nhắc đến “truyện Nôm và thơ ca dâm đãng”, “truyện tạp nhạp và lời quê kệch bằng quốc âm” hay “truyện cũ nôm na” là một minh chứng tiêu biểu. Thêm vào đó, Truyền kì mạn lục (viết bằng chữ Hán) dường như không nhận về một chút ác cảm nào từ phía các nhà nho đương thời (như Hà Thiện Hán) hay sau này (như Phan Huy Chú) nên không rõ bản dịch Nôm Tân biên Truyền kì mạn lục của Nguyễn Thế Nghi có thuộc danh mục sách cấm hay không. Từ sự trống vắng của các sáng tác văn chương về đề tài tình dục, ta có thể chia sẻ với nhận định “Nếu người Ấn Độ, Ả Rập, Trung Quốc lớn lên trong một nền văn hóa đã từng tạo ra các tác phẩm Kama Sutra, Vườn thơm hay Nhục bồ đoàn, Ngọc phòng bí kíp... thì người Việt Nam đã không có được may mắn đó. Cho đến nay, người ta chưa tìm thấy một văn bản nào ở Việt Nam có nội dung tương tự”(8). Có thể thấy, ở Trung Quốc, Đạo giáo từng coi “Phòng trung thuật” (Các kĩ thuật chốn phòng the) là một phương thức dưỡng sinh nên mảng sách Tố nữ kinh, Ngọc phòng bí kíp có cơ hội để phát triển. Trong văn học Việt Nam trung đại, đề tài tình dục hiếm khi được đề cập một cách chủ động bởi chưa bao giờ Đạo giáo và “Phòng trung thuật” có vị trí và chỗ đứng quan trọng ở Việt Nam như nó đã từng có ở Trung Quốc. Những trang viết về đề tài tình dục thường ẩn mình dưới lớp vỏ ngôn ngữ lấp lửng, hai mặt như trường hợp Ngã ba Hạc phú của Nguyễn Bá Lân hay thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương. Có thể nói, trong thơ Hồ Xuân Hương có cả một hệ thống biểu tượng để diễn tả, ám chỉ cơ quan sinh dục nam nữ và hành vi tính giao. Điểm mới mà dòng văn học viết về đề tài tình dục mang lại cho văn học Việt Nam trung đại là sắc thái hài hước, trào lộng thông qua sự vận dụng cái tục bằng cách đố thanh giảng tục, bắt đầu đi ra khỏi quy phạm “ôn nhu đôn hậu” của văn học nhà nho. Sử dụng cái tục, viết về bản năng tình dục, ở đây đã không còn là câu chuyện xúc cảm giới tính, khoái lạc nhân gian nằm trong “tứ khoái” mà còn có chức năng gây cười, hạ bệ, giải thiêng những đấng bậc “cao cao tại thượng”.
Suốt chiều dài lịch sử văn học Việt Nam trung đại, bên cạnh những trang viết chính thống hoặc ít nhiều tránh né câu chuyện bản năng tính dục, những “tiếng dâm”, “dâm thư” có một đời sống riêng, với những tác giả, độc giả hoặc ẩn danh hoặc công khai. Dẫu không có những sách “hối dâm” theo mô hình Nhục bồ đoàn hoặc đã du nhập sách “vẽ đường cho hươu chạy” về mà nội dung đó lại bị cắt bỏ, lược bớt (như Truyện Kiều) nhưng dòng chảy này có sức mạnh khiến các chính thể phải e dè đồng thời ra sức dẹp bỏ. Không có người chiến thắng thực thụ trong cuộc giằng co đó bởi một trong những lí do quan trọng nhất là sự “hai mặt” của độc giả đương thời (đa phần là đàn ông). Dẫu bị phê phán, cấm đoán nhưng nhu cầu thưởng thức văn học tình dục ở Việt Nam thời trung đại là có thực, thậm chí với số đông, còn lớn hơn nhu cầu về những “món ăn” tải đạo ngôn chí họ thường phải nhận một cách miễn cưỡng và được phát hoàn toàn miễn phí.
P.V.H
--------
1. Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Nxb Đồng Tháp, 1992, tr.14.
2. Nguyễn Ngọc Nhuận, Điển chế và pháp luật Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr.625.
3. Cao Tự Thanh, “Văn học Đàng Trong”, in trong Văn học Việt Nam thế kỉ X - XIX: Những vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.315-317.
4. Nhiều tác giả, Tình dục dưới góc độ văn hóa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2006, tr.36.
5. Phạm Tú Châu, Vài suy nghĩ về tiểu thuyết tình dục chữ Hán của Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 3, 1999, tr.39-40.
6. Phạm Tú Châu, Vài suy nghĩ về tiểu thuyết tình dục chữ Hán của Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 3, 1999, tr.43.
7. Trần Ích Nguyên, Nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Trung - Việt, Phạm Tú Châu - Phạm Ngọc Lan dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, tr.54-55.
8. Khuất Thu Hồng, Nghiên cứu về tình dục ở Việt Nam: Những điều đã biết và chưa biết, Hội đồng dân số Hoa Kì, Công trình nghiên cứu số 11 khu vực Đông và Nam Á, Hà Nội, 1998, tr.9-10.