Đi tìm truyện ngắn hay

Thứ Sáu, 14/12/2018 00:31

LTS: Trại sáng tác - phê bình văn học do Tạp chí Văn nghệ quân đội phối hợp với BQL Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm tổ chức tại Tuyên Quang (từ ngày 17 đến ngày 31/10/2018) đã có nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích. Một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của trại là buổi tọa đàm văn học với chủ đề Đi tìm truyện ngắn hay, trực tiếp cổ vũ cho cuộc thi truyện ngắn mang tên Lửa Mới đang diễn ra trên Văn nghệ quân đội. Ngoài các thành viên trại viết, buổi tọa đàm còn có sự tham dự của các nhà văn đang sống và viết tại Tuyên Quang cùng lãnh đạo, giảng viên, sinh viên trường Đại học Tân Trào. Điều hành buổi tọa đàm là nhà văn, TS. Phạm Duy Nghĩa, PGS.TS. Văn Giá và nhà văn Uông Triều. Văn nghệ quân đội số này giới thiệu tới bạn đọc tổng thuật nội dung buổi tọa đàm nói trên.

Nhà văn, TS. Phạm Duy Nghĩa (Tạp chí Văn nghệ quân đội - đề dẫn): “Đi tìm truyện ngắn hay”, có thể nói là một chủ đề lí thú và thiết thực. Lí thú vì truyện ngắn, một thể tự sự cỡ nhỏ, hấp dẫn và năng động, luôn là địa hạt mời gọi, thử thách tài năng của mọi cây bút văn xuôi khi dấn thân vào con đường văn học. Thiết thực, vì nó gắn liền với hoạt động sáng tác của các nhà văn trong trại viết nhằm hưởng ứng và tham dự cuộc thi truyện ngắn mang tên Lửa Mới do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức đang diễn ra. Trong thời gian có hạn của buổi tọa đàm, chúng ta không thể bàn hết được mọi vấn đề liên quan đến truyện ngắn, xin các nhà văn, các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào vấn đề cốt lõi, đó là: làm thế nào để có được một truyện ngắn hay; những yếu tố nào mang tính quyết định làm nên giá trị của một truyện ngắn. Chúng ta cũng có thể đánh giá về những thành công và hạn chế thường gặp của truyện ngắn Việt Nam đương đại, từ góc nhìn thể loại, để từ đó rút ra những kinh nghiệm hữu ích cho người sáng tác.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Hà Nội): Nhìn tổng thể, truyện ngắn hôm nay được mở rộng đề tài, rất đa dạng về hình thức thể hiện. Rõ ràng là nhà văn không còn bị trói buộc, gò bó bởi các quy phạm, hay “vòng kim cô” như trước. Nhà văn có ý thức tiếp cận lí thuyết và kinh nghiệm thực hành sáng tác văn chương nói chung, truyện ngắn nói riêng của thế giới. Tuy nhiên qua truyện ngắn dự thi trên báo Văn nghệ, trên tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi thấy còn nhiều chỗ “khuyết”. Người viết, nói chung còn thiếu trải nghiệm sống. Chất sống của tác phẩm vì thế còn nông, nhạt, mờ nhòe. Vốn sống thì có thể khắc phục, lấp đầy đến một độ nào đó khi ta sống trải nhiều với đời, với người. Nhưng cái căn cốt, sinh tử để nhà văn lớn lên, để tác phẩm vượt lên chính là trải nghiệm văn hóa. Trải nghiệm văn hoá trong đời sống khác với trải nghiệm đời sống. Vốn liếng văn hóa không ai trao cho người viết, tự họ phải trang bị, bồi bổ, nâng cao. Một số truyện ngắn được gọi là hay, đều là kết quả của những xúc động thật, run rẩy khi nhà văn thực sự sống cùng, vui buồn cùng với tình cảnh và hoàn cảnh của nhân vật. Tôi từng tự nhận thức, rằng nhà văn nên sống đầm mình, không hoang tưởng. Khi viết, nhà văn không nên cố tình đi tìm hình thức, kĩ xảo, trước khi khắc khoải về một cảnh ngộ, số phận đắng đót của kiếp người, trước khi đau hết mình, yêu hết mình cái đời sống này. Mỗi câu chuyện định dựng đòi hỏi một cách/ hình thức thể hiện. Tôi mong các cây bút trẻ mới đến với truyện ngắn, trong khi bước ào vào văn chương, đừng coi đó là một “trò chơi”. Hãy viết để làm sao chạm đến được trái tim bạn đọc, khiến họ vui buồn, thậm chí khóc cười cùng trang viết của mình. Muốn được thế, phải viết bằng mồ hôi, nước mắt của mình. Lao động văn chương là một công việc khổ ải nhưng vinh quang và nhiều hấp lực. Mỗi văn bản tác phẩm là một dị bản (phiên bản mới thì đúng hơn) của đời sống. Nhà văn trước hết phải tiếp thu cho được truyền thống văn hóa dân tộc, giữ lấy cái gốc văn hóa của mình, sau đó tiếp thu hòa quyện với tinh hoa văn hoá nhân loại. Tạo nên vùng giao thoa văn hóa. Không nên làm ngược lại.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng (Hà Nội): Tôi chuyên tâm nghiên cứu truyện ngắn đến nay được gần bốn mươi năm, đã in ba công trình chuyên biệt về một thể loại đặc trưng của văn chương Việt Nam có truyền thống từ thời trung đại, phát triển rực rỡ trong thời hiện đại. Có thể nói rằng, văn xuôi là “mặt tiền” của văn chương Đổi mới và truyện ngắn là “mặt tiền của mặt tiền”. Những đột phá đổi mới văn chương thường gắn với các tác giả truyện ngắn tài năng như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Văn Thọ, Tạ Duy Anh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư... Theo dõi truyện ngắn gần đây qua cuộc thi của báo Văn nghệ (2015-2017), của tạp chí Văn nghệ quân đội (2018-2019), tôi thấy có nhiều chuyển động đáng quan tâm. Đó là sự mở rộng “giao diện” nhờ vào sự bổ sung thường xuyên lực lượng viết trẻ thuộc các thế hệ 7x, 8x, 9x, đề tài phong phú, nhiều cách viết tân kì được thực hành. Nhưng để tìm truyện ngắn hay thì quả thực không dễ dàng khi số lượng không tương thích với chất lượng. Đa số các cây bút trẻ còn thiếu nhiều thứ: vốn sống, vốn văn hóa, kĩ thuật viết... Truyện ngắn hay, qua thực tiễn sáng tác và sự soi rọi của lí thuyết thể loại thường đặt lên hàng đầu các yếu tố ưu trội như ngôn từ văn chương, cấu tứ, tình huống (moment), cốt truyện, không khí truyện, chi tiết đắt giá, cách kể linh hoạt… Dĩ nhiên trong một truyện ngắn hay không thể hội tụ cùng lúc các yếu tố đã nêu. Một truyện ngắn hay luôn để lại dư ba và liên tưởng. Tôi cứ nhớ xuyên thời gian những truyện như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Gió dại của Bảo Ninh, Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban, Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ, Mùi thuốc súng của Nguyễn Văn Thọ... Đọc một truyện ngắn hay, tôi có cảm giác khó thoát ra khỏi nó. Một phần không hề nhỏ, tôi nghĩ là nhờ vào văn của nó. Văn nâng ý tưởng, văn chắp cánh cho hình tượng, văn tô điểm cái đẹp. Văn là cá tính, phong cách của nghệ sĩ ngôn từ.

Nhà văn Uông Triều (Tạp chí Văn nghệ quân đội): Truyện ngắn Việt Nam, theo tôi, hay không kém cạnh gì truyện ngắn thế giới. Nếu ta thua thiên hạ, là thua về tiểu thuyết. Những nền tiểu thuyết lớn trong văn chương thế giới như Nga, Pháp, Mĩ, Trung Quốc... ta khó bề đuổi kịp. Nhưng truyện ngắn thì… “hãy đợi đấy”. Truyện ngắn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ của người sáng tác lẫn người thưởng thức xứ ta, nó hướng tới miêu tả những cái đẹp, những sự việc “phải khoảng” - vừa tầm, nhỏ nhắn, xinh xắn, gọn ghẽ, vừa với thể trạng, tâm lí và cả khí hậu nữa. Ở chặng đầu cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới, cứ trung bình 25 truyện gửi tới thì chỉ có một truyện được chọn đăng. Nghĩa là số người viết truyện ngắn không hề ít, một cuộc cạnh tranh rất cao và sòng phẳng, và tôi nghĩ vẫn còn nhiều người yêu thể loại này lắm. Viết truyện ngắn là phải mài giũa, dụng công, không phải dung lượng nhỏ mà làm ẩu được. Truyện ngắn hay như một viên ngọc tinh xảo vừa đẹp, vừa sáng. Nhưng giữa một rừng truyện ngắn như thế, làm sao tạo được một ấn tượng mạnh cho độc giả là rất khó. Phải mới, phải hay, phải tạo được cái để nhớ, nếu không làm được thế cũng giống như người đi đêm mà không mang đèn. Thêm nữa Văn nghệ quân đội ít khi trao giải cho một tác phẩm, thường là trao giải cho một chùm truyện chất lượng cao, đều, nghĩa là muốn nhấn mạnh cái trường lực, mạnh mẽ, có đủ đam mê, nghị lực để có thể đi được đường dài.

Các nhà văn, nhà PBVH tại buổi tọa đàm "Đi tìm truyện ngắn hay" - Ảnh: PV

Nhà văn Mai Tiến Nghị (Nam Định): Thế nào là một truyện ngắn hay? Theo tôi, truyện ngắn hay là khi nó chinh phục mọi thành phần, đối tượng thưởng thức, dù khác nhau về sắc tộc, chính kiến, chính thể, thời đại, thế hệ. “Gu” thẩm mĩ của mỗi cá nhân có khác nhau bao nhiêu đi nữa nhưng đều phải nghiêng mình trước cái đẹp - chân - thiện do truyện ngắn xây nên. Truyện ngắn hay buộc tất cả chúng ta phải “ngả mũ chào”.

Viết truyện ngắn, tôi chú ý và dụng công tìm “cấu tứ”. Đầu tiên suy ngẫm từ một chi tiết mình gặp để tìm ra cấu tứ. Nếu tìm ra cấu tứ hay tự khắc nó sẽ gọi chi tiết khác. Ai đó nói chí lí, “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Nam Cao là bậc thầy truyện ngắn, là “xảo thủ” dựng chi tiết hay, điển hình. Tôi còn phải phấn đấu không mệt mỏi để đi theo bậc thầy truyện ngắn này. Đọc truyện ngắn trẻ bây giờ, tôi thấy hơi lạm dụng cái ngẫu nhiên. Chẳng hạn, tạo ra một tình huống căng thẳng giữa hai người đàn ông, để cho hai nhân vật lăn xả vào nhau chém giết, đến phút cuối bỗng nhận ra cùng huyết thống (cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha chẳng hạn). Cách tháo “ngòi nổ” kiểu ấy mang hơi hướng cổ tích. Không nên lạm dụng.

Nhà văn, TS. Phạm Duy Nghĩa: Để làm nên một truyện ngắn hay, có nhiều yếu tố: cốt truyện, ngôn ngữ, nhân vật, chi tiết, giọng điệu, không khí truyện… Không phải truyện ngắn hay nào cũng hội tụ đủ các yếu tố này. Có truyện hay chỉ nhờ chi tiết, có truyện hay chỉ nhờ không khí truyện. Thông điệp, tư tưởng của truyện cũng rất quan trọng, nó làm cho truyện có sức nặng, chiều sâu, nhưng truyện có tư tưởng thì rất hiếm. Tôi thích những truyện ngắn đa nghĩa, ngoài lớp nghĩa lộ thiên, bề mặt, còn có “phần chìm của tảng băng trôi”. Theo tôi truyện ngắn hay thường rơi vào một trong hai dạng: có chuyện hay (cốt truyện) hoặc có văn hay (ngôn ngữ). Người đọc phổ thông chỉ quan tâm đến chuyện, xem cái truyện đó kể về cái gì, diễn biến ra sao. Người sành văn lại chú trọng văn, biết thưởng thức nhấm nháp cái đẹp của từng câu chữ. Truyện có cốt hay có thể là ăn may (do tác giả được chứng kiến, trải qua hoặc nghe kể rồi đưa vào truyện), còn văn hay thì không thể là ăn may mà phải có thực tài.

Tôi đã hai lần đọc truyện ngắn Hồi ức binh nhì của nhà văn Nguyễn Thế Tường, đọc rất kĩ và không tìm thấy một câu văn hay nào. Nhưng cái truyện vẫn lôi cuốn mình, bắt mình phải nhớ. Thì ra nó hay ở tình huống truyện.

Có truyện chỉ hay ở văn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nhận xét về truyện ngắn Rẻo cao của Nguyên Ngọc, rằng cái truyện này không có cốt, nếu tóm tắt lại thì rất nhạt vì nó chẳng có gì, vậy mà Nguyên Ngọc vẫn dựng được thành một truyện ngắn đặc sắc. Sự hấp dẫn của nó nằm ở văn, một “thứ văn có hương”, “đọc cứ bàng hoàng váng vất mãi”. Theo Trần Đăng Khoa, đây là cái truyện tài nhất trong đời văn Nguyên Ngọc. Tôi đọc nhiều văn xuôi miền núi, thấy đệ nhất miêu tả thiên nhiên vẫn là Nguyên Ngọc. Ma Văn Kháng thì giỏi tả người, cả ngoại hình và tính cách. Tô Hoài lại ám ảnh ở không khí truyện. Nhà văn mỗi người một tạng, chỉ cần tài hoa ở riêng một ngón nghề nào đó cũng có thể làm nên một truyện độc đáo rồi.

Nhà văn Vũ Xuân Tửu (Tuyên Quang): Cuộc tọa đàm văn học hôm nay hướng vào một trọng tâm nghề nghiệp là “Đi tìm truyện ngắn hay”. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp và tinh thần thực tiễn trong hoạt động chuyên môn của trại viết. Tôi nghiệm thấy, để viết được một truyện ngắn hay, trước hết cần thực hành phương châm “sống đã rồi hãy viết”. Không sống hết cung bậc, không sống hết mình, không lắng nghe từng hơi thở và biến thái tinh vi của đời sống vốn rất phong phú, đa dạng và phức tạp liệu nhà văn viết ra được cái gì, nếu không nói là “xác chữ”. Tôi thấy các nhà văn ta nhìn chung còn thiếu hụt vốn triết học và văn hóa. Sự thiếu hụt này không còn cách bù đắp nào khác ngoài con đường tự lực, tự cường, tự học. Thời gian qua, để hỗ trợ sáng tác, tôi mua rất nhiều sách về triết học để đọc. Rồi mua hai mươi cuốn từ điển để nắm vững tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt. Tôi thấy các bạn trẻ hay ỷ vào “ông Google”. Cũng được thôi. Nhưng đó là cần, chứ chưa đủ. Nhiều người viết truyện thường chăm chú kể chuyện mà lơ là về văn. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, nhà văn là nghệ sĩ ngôn từ, nếu không chăm bẵm văn, sao lớn được. Tôi hay tẩn mẩn theo dõi, ghi chép, thấy có 5 tác giả Tuyên Quang (Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong, Vũ Xuân Tửu, Trọng Hùng, Tạ Ngọc Dũng) đã đăng 13 truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ quân đội. Chúng tôi coi đấy là vinh dự và hạnh phúc của người cầm bút xứ Tuyên khi tên tuổi mình xuất hiện trên một diễn đàn văn chương uy tín. Riêng trên báo Văn nghệ, Tuyên Quang có 12 tác giả đăng được 31 truyện ngắn. Đó là những con số biết nói. Tôi tự hào về đồng nghiệp văn chương xứ Tuyên.

TS. Trần Thị Lệ Thanh (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào): Tôi thích truyện ngắn vì nó phù hợp với cơ chế đọc hiện nay. Ở Tuyên Quang tôi thích đọc truyện của các nhà văn Trịnh Thanh Phong, Vũ Xuân Tửu. Tôi cũng đã hơn một lần “phê bình” về truyện ngắn Vũ Xuân Tửu. Truyện của ông giàu chất sống vì ông đã kinh qua nhiều thăng trầm. Và ông có ý thức đưa tác phẩm của mình nhập vào các giá trị văn hóa. Đó chính là cái tầm của tác phẩm văn chương.

Nhà nghiên cứu Triệu Hồng (Hà Nội): Tôi dạy học, làm nghiên cứu phê bình văn học, viết văn xuôi. Cách đây ba mươi năm tôi đã đăng truyện ngắn Người đàn bà họ Hoàng trên báo Văn nghệ, được dư luận đánh giá tốt theo tinh thần đổi mới văn chương. Theo tôi một truyện ngắn hay phải hội đủ các yếu tố: cốt truyện hay, lời kể và lời thoại hấp dẫn, kĩ thuật viết đạt tới mức kĩ xảo và ý nghĩa của truyện có tính phổ quát. Đó là ở mức lí tưởng, chứ mấy ai có tài “nhả ngọc phun châu” được như ý muốn. Truyện ngắn hay là đòi hỏi chính đáng của công chúng yêu văn học, điều này luôn đặt nhà văn trước thử thách lớn. Mỗi lần viết được truyện ngắn hay là một lần “vượt vũ môn” đối với nhà văn.

PGS.TS. Cao Thị Hồng (Đại học Khoa học Thái Nguyên): Tôi rất mê truyện ngắn Lê Minh Khuê. Tôi rất khâm phục trí tưởng tượng giàu có của chị. Một lần đến thăm nhà chị, tôi hỏi: “Chị đi thực tế để viết văn như thế nào?”. Chị chỉ lên tầng hai và nói: “Thực tế ở trên ấy!”. Khi chị dẫn lên thư phòng toàn sách là sách, tôi ngộ ra: nhà văn thực tế qua việc đọc. Chị đọc hàng ngày. Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Tuân định nghĩa công việc của người làm “nghề chữ” (viết văn) chỉ gói gọn trong ba chữ đi, đọc, viết. Đi thì Lê Minh Khuê đã đi qua cả cuộc chiến tranh chống Mĩ. Chị khoác trang phục thanh niên xung phong từ lúc mười sáu tuổi. Làm phóng viên chiến trường. Chị không lúc nào ngưng nghỉ viết. Tôi thích truyện ngắn Lê Minh Khuê ở các chi tiết đắt giá, phát sáng chủ đề, khắc sâu cấu tứ và cô đặc giọng điệu. Anh lính Tony D là một ví dụ. Có vẻ như ảnh hưởng Lê Minh Khuê mà có lần tôi tập tọng viết truyện ngắn. Thấy khó khăn vô cùng. Chất liệu đời sống thì không thiếu vì tôi cũng đủ trải nghiệm. Kĩ thuật viết thì cũng đọc bạn bè, đọc lí thuyết đông tây. Nhưng quả thực là viết rất khó. Một truyện ngắn hay, theo tôi, nó làm mình nghĩ khác đi, vui buồn khác đi, nó có khả năng níu giữ độc giả, không cho họ thoát ra khỏi câu chuyện. Nghĩa là nó gây ấn tượng mạnh mẽ, thậm chí tạo nên những ám ảnh nghệ thuật. Thế nên truyện ngắn hay hiếm hoi như lá mùa thu.

Nhà văn Trịnh Thanh Phong (Tuyên Quang): Với tôi, để viết được một truyện ngắn gọi là tàm tạm thì phải có kĩ thuật, ngoài vốn sống đã đầy, đã chín. Truyện ngắn đầu tay của tôi in năm 1985. Ngày ấy tôi được thầy dạy nghề - nhà văn Nguyễn Thành Long - truyền cho “bí kíp”: muốn truyện đứng được phải tìm và dựng “moment” (cái chốc lát, khoảnh khắc), bây giờ các nhà nghiên cứu gọi là tình huống truyện. Tình huống truyện tập trung xung đột, khắc sâu chủ đề, phát lộ tính cách và tạo không khí truyện. Như thế, tôi nghĩ, tình huống là “ngòi nổ” của một truyện ngắn hay. Nhưng văn chương là nghệ thuật ngôn từ, nên văn hay sẽ mời gọi người đọc cùng hòa hợp vào cái gọi là đồng sáng tạo. Tôi cũng viết tiểu thuyết nhưng không cảm thấy khó khăn như khi viết truyện ngắn.

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ quân đội): Một truyện ngắn hay, với tôi, là hay bởi… hay, là hay bởi chỉnh thể, nhưng nếu tường minh, tách bạch, thì là hay bởi sức dung chứa, sức công phá của nó, là hay bởi khả năng khơi vẫy đối thoại tư tưởng của nó. Chẳng hạn như, truyện ngắn hay/ đỉnh cao của Phạm Duy Nghĩa tính đến thời điểm này, với tôi, hoàn toàn không phải là Cơn mưa hoa mận trắng, mà nhất định phải là Sài thục.

Nhà văn Nông Quốc Lập (Cao Bằng): Lần đầu được dự trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ quân đội, một người ở vùng sâu vùng xa như tôi rất cảm động. Đến đây được gặp nhiều “đại ca” trong lĩnh vực văn chương cũng như đời sống, tôi học hỏi được rất nhiều điều. Tôi đã đăng một số truyện ngắn trên các báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ và đã ra sách gồm cả truyện ngắn và tiểu thuyết ở một số nhà xuất bản trung ương, nhưng đến nay mới chỉ đăng được một truyện Buồng không cánh cửa trên Văn nghệ quân đội. Tôi thực sự rất may mắn khi được hòa mình vào không khí nghề nghiệp của trại viết này. Viết truyện ngắn, tôi không chú tâm đến các trào lưu tân kì như “hậu hiện đại”, “hiện thực huyền ảo” hay cái gì đại loại. Tôi cứ viết hồn nhiên như hơi thở của núi rừng, như lời ăn tiếng nói của dân tộc (Tày) mình. Các nhà văn đàn anh nói tôi bước đầu có “mùi văn”, “giọng văn” riêng và khuyên tôi hãy giữ lấy cái bản sắc ấy. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để viết được truyện ngắn hay.

Nhà văn Triều La Vỹ (Bình Định): Ban đầu tôi đến với thơ như một cơ duyên. Sau đó tôi thử sức mình trong truyện ngắn. Nhưng càng viết càng thấy khó. Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới này tôi bước đầu được in hai truyện trên tạp chí Văn nghệ quân đội (Chiếc nhẫn đá và Bóng rồng). Một truyện ngắn hay, theo tôi, ngoài các yếu tố cấu tứ, tình huống, cốt truyện, văn, chi tiết đặc sắc còn cần đến cách kể hay. Suy cho cùng nhà văn (viết văn xuôi) là người kể chuyện có duyên. Cái duyên để giữ chân độc giả không rời xa văn chương trong bối cảnh văn hóa nghe nhìn đang lấn sân văn hóa đọc.

PGS.TS. Văn Giá (Đại học Văn hóa Hà Nội): Là một người ngoài công việc làm nghiên cứu phê bình có viết truyện ngắn, tôi nghĩ, viết được một truyện ngắn hay là hạnh phúc đối với nhà văn. Một truyện ngắn hay là tổng hòa các thành tố hữu cơ: cấu tứ, tình huống, cốt truyện, chi tiết, văn, giọng điệu… Riêng tôi chú ý đặc biệt đến giọng (hiểu là hạt nhân của cá tính, phong cách). Giọng và văn là một cặp song trùng.

Tôi nhận thấy các ý kiến bàn thảo trong tọa đàm đã quy tụ vào hai chủ điểm: nhận diện hiện trạng truyện ngắn hôm nay và tìm giải pháp để kiến tạo truyện ngắn hay. Một số ý kiến đã đi vào được những vấn đề cụ thể gắn với các yếu tố kĩ thuật mang tính nghề nghiệp. Hi vọng sau trại viết này, các cây bút truyện ngắn có thâm niên và uy tín cũng như các cây bút mới và trẻ có được cái đà tăng tốc, thêm nhiệt hứng và quyết tâm lao động chữ nghĩa để sáng tác nhiều truyện ngắn hay.

Xin cảm ơn các nhà văn, nhà giáo và các bạn sinh viên đã đến dự buổi tọa đàm.

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)