Nghệ nhân và Margarita - từ cuộc đời đến trang viết

Thứ Hai, 24/12/2018 00:54

. LÊ THẾ QUÂN

Ra đời cách đây đã gần một thế kỉ, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov vẫn đầy sức cuốn hút và ám gợi với bạn đọc toàn thế giới. Sự hấp dẫn kì lạ của cuốn tiểu thuyết không chỉ đến từ độ dày gần 800 trang với hệ thống nhân vật đông đảo (506 nhân vật - 156 có tên và 249 vô danh) mà chủ yếu đến từ cách viết độc đáo, từ sự pha trộn giữa hiện thực và huyễn tưởng, giữa quá khứ và tương lai, giữa giễu nhại và bi tráng. Trong thế giới phức tạp và bí ẩn của tác phẩm này, ta vẫn có thể nhận ra hình bóng của những nguyên mẫu đời thường như một thứ gia vị làm tăng thêm tính chân thực của một cuốn tiểu thuyết đậm màu sắc huyền ảo.

Tiểu thuyết có kết cấu phức hợp với ba tuyến truyện song hành, không tách bạch rạch ròi mà đan xen chuyển hóa lẫn nhau trong hệ thống nhân vật. Tuyến truyện thứ nhất quay về lịch sử cổ đại với những câu chuyện thần bí, xa xưa từ thuở hồng hoang của loài người, dồn trọng tâm về những nhân vật từng xuất hiện trong Kinh thánh là Ponti Pilat và Iesua Ha-Notxri. Tuyến truyện thứ hai lấy bối cảnh của đời sống hiện đại với nhân vật trung tâm là Nghệ nhân - đây cũng được xem là nhân vật chính của tiểu thuyết, một người có học vấn cao thâm nhưng phải chịu đủ bi kịch và mang số phận bất hạnh của một thiên tài. Tuyến truyện thứ ba đậm màu sắc huyễn tưởng với số lượng nhân vật đông đảo nhất, có tới 67/156 nhân vật có tên, được dựng lên với đủ trò bát nháo, lố lăng, bi - hài hỗn loạn, lột tả sinh động bản chất xã hội Nga những thập niên hai mươi, ba mươi của thế kỉ XX. Ba tuyến truyện có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất ở chủ đề tư tưởng. Trong đó tuyến truyện thứ ba có vai trò quan trọng nhất trong việc liên kết nhân vật và giải quyết mâu thuẫn trong tác phẩm. Với hệ thống nhân vật đông đảo gắn liền với ba tuyến cốt truyện cổ đại, hiện đại và hoang đường, Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết có thế giới nhân vật đặc biệt và phức tạp nhất trong văn học thế giới. Điểm thú vị là nhiều nhân vật trong tiểu thuyết này được lấy nguyên mẫu từ đời thường, qua đó gửi gắm rất nhiều ý đồ và thông điệp của tác giả.

Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết là Nghệ nhân, có thể được coi là hình bóng của chính nhà văn Bulgakov. Họ giống nhau một cách kì lạ từ tài năng, nhiệt huyết với nghề đến những suy tư, day dứt trước hiện thực xã hội mà họ đang sống, đến cả những bi kịch và số phận không êm ả mà họ phải gánh chịu. Trong tiểu thuyết, Nghệ nhân là một người có năng khiếu về ngoại ngữ, biết đến năm thứ tiếng ngoài tiếng mẹ đẻ và dành bao tâm huyết cho việc nghiên cứu lịch sử ở viện bảo tàng. Anh cũng là người ôm mộng văn chương, có hoài bão viết một tác phẩm lớn về một trong những nhân vật của Kinh thánh là Ponti Pilat. Nhưng khi cuốn tiểu thuyết được hoàn thành nhờ sự cổ vũ của người bạn đời Margarita thì Nghệ nhân đã sa vào những khủng hoảng không lối thoát. Sự báng bổ của giới nghiên cứu, của dư luận xã hội đã tước đi niềm tin trong sáng và tình yêu thánh thiện mà anh dành cho cái đẹp và nghề viết. Nghệ nhân rơi vào hoảng loạn và tuyệt vọng, đau đớn ném bản thảo vào lửa rồi tìm đến bệnh viện tâm thần. Ngoài đời, nhà văn Bulgakov cũng như Nghệ nhân, từng làm bác sĩ nhưng vì đam mê viết lách nên đã từ bỏ nghề y. Bulgakov cũng may mắn có được người bạn đời ở bên cạnh động viên và chăm sóc hết lòng như Margarita ở bên Nghệ nhân. Đương thời, những sáng tác của Bulgakov gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, không được giới nghiên cứu tán thưởng, thậm chí còn bị nhà cầm quyền ngăn cản. Chính bản thảo Nghệ nhân và Margarita cũng gặp phải số phận lao đao không kém gì bản thảo mà nhân vật Nghệ nhân đã viết. Nhiều lần nó bị cha đẻ ném vào ngọn lửa vì bất bình và đau đớn, vì tiên liệu trước những rào cản sẽ đến với nó.

Nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa nhân vật Nghệ nhân và nguyên mẫu Bulgakov ngoài đời chính là thái độ, cách ứng xử với dư luận, với thử thách của số phận. Nghệ nhân bất lực trước thời cuộc và những lời xúc xiểm độc ác, phải kết thúc cuộc đời mình một cách bi đát và cố gắng tìm lí tưởng sống ở một thế giới khác. Như một nhà nghiên cứu đã nhận định: “Nghệ nhân không phải là chiến sĩ. Nghệ nhân là nghệ sĩ. Mỗi người cần phải là chính mình. Và Nghệ nhân, hơn bất kì một ai khác, đã sống đúng là mình - là hiện thân vừa của sức mạnh vô biên, vừa của sự yếu đuối vô bờ của sự sáng tạo...”. Nhà văn Bulgakov thì ngược lại, dù số phận có tàn nhẫn, dù chính quyền có tìm đủ mọi cách để ngăn cản những tác phẩm của ông, ông vẫn không bao giờ bỏ cuộc mà sẵn sàng đương đầu với mọi sóng gió. Nhà văn tự gọi mình là “con sói văn học duy nhất trên văn đàn Nga”. Ông nói: “Người ta khuyên tôi nên nhuộm lông đi. Một lời khuyên vô nghĩa. Sói dù có nhuộm, có cắt lông đi thì nó vẫn không thể nào giống với chó cảnh nuôi nhà được”; “Người ta đối xử với tôi như đối với một con sói. Và đã nhiều năm nay người ta săn đuổi tôi như săn đuổi một con thú bị bắt nhốt vào trong khoảng sân rào kín theo các nguyên tắc của một cuộc đầu độc văn học”; “Im lặng. Điều đó, xin nói thẳng ra, là hèn nhát. Không có một nhà văn nào lại có thể im lặng được. Nếu anh ta im lặng, thì có nghĩa đó không phải là nhà văn chân chính. Còn nếu nhà văn chân chính mà im lặng thì anh ta sẽ chết”. Những lời lẽ đanh thép trên của Bulgakov đã nói lên cốt lõi quan niệm của ông về thiên chức của nhà văn, điều sau này ông đã thể hiện đầy đủ và trọn vẹn qua hình tượng Nghệ nhân trong cuốn tiểu thuyết lớn nhất của mình. Cho đến cuối đời, có thể nói Bulgakov đã làm trọn thiên chức đó: ông không bao giờ chấp nhận sự im lặng hèn nhát, ông đã sáng tác đến hơi thở cuối cùng cho dân tộc mình. Tác phẩm Nghệ nhân và Margarita là cái tát mạnh mẽ của Bulgakov dành cho những giai tầng khác nhau trong xã hội Nga thời bấy giờ: giới văn chương nông cạn, đạo đức giả (với các nhân vật Berlioz, Riukhin, Latunski, Ariman...); giới quan chức ngu ngốc, tham lam, độc ác (với tầng tầng lớp lớp các nhân vật như Boiso, Stepan, Vinski, Rimski, Vasili...); đám khán giả - dân chúng Moskva trong nhà hát tạp kĩ với lối sống trụy lạc, đáng ghê tởm. Xã hội ấy đã mất hết mọi kỉ cương phép tắc, bị băng hoại về đạo đức, xói mòn về nhân cách, con người ngập tràn trong sự giả dối và ganh ghét lẫn nhau. Trong xã hội ấy, tình thương và chân lí không thể nào tồn tại. Vì vậy, những người có phẩm chất tài năng như Nghệ nhân chỉ có thể được bình yên trong bệnh viện tâm thần của bác sĩ Stravinsky.

Bên cạnh Nghệ nhân là nàng Margarita, một trong những hình tượng phụ nữ tuyệt vời nhất của văn học Nga, mà nguyên mẫu chính là người vợ yêu quý của nhà văn - bà Elena Sergeevna. Ngoài đời, bà Elena là người vợ thứ ba của nhà văn nhưng là bóng hồng tri kỉ nhất và có sức ảnh hưởng nhất với ông. Chính bà đã động viên ông trong suốt thời gian sáng tác Nghệ nhân và Margarita dài đằng đẵng, là người chịu đựng mọi cơn điên loạn và căn bệnh hoang tưởng của người chồng nghệ sĩ để ông có thể tạo ra được tác phẩm để đời của mình. Tình yêu và lòng biết ơn vô bờ dành cho người vợ đã được nhà văn gửi gắm trọn vẹn vào nhân vật Margarita. Margarita là thần hộ mệnh của Nghệ nhân, cùng anh vượt qua mọi thăng trầm của cuộc đời. Nghệ nhân coi khoảng thời gian được ở bên nàng, được viết văn và được nàng chăm sóc chính là khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Nàng là hiện thân của tình yêu, là thần hộ mệnh của nghệ thuật. Vì tình yêu, nàng sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng. Khi Margarita quyết định sẽ cùng Nghệ nhân giã từ cuộc đời, đi tìm cuộc sống ở một thế giới khác, thì gạt đi hiện thực cay đắng, sự sánh đôi của họ vẫn làm ta không mất đi niềm tin vào bản chất tốt đẹp của cuộc sống.

Ngoài hai nhân vật chính thì phần lớn các nhân vật phụ của Nghệ nhân và Margarita đều được lấy nguyên mẫu từ những người quen biết của Bulgakov trong giới văn nghệ đương thời. Đầu tiên phải kể đến Aleksander Bezymensky và Mayakovsky, hai nhà thơ đã được mượn nhiều chi tiết thật để khắc họa cặp nhân vật Bezdomnyi và Riukhin. Bezymensky là một trong những người phê bình gay gắt nhất tác phẩm của Bulgakov. Còn Mayakovsky là người gây cho Bulgakov khá nhiều ác cảm. Khi đi vào tác phẩm, Bezymensky hoá thân thành Bezdomnyi còn Mayakovsky trở thành Riukhin, đều là hai anh nhà thơ ngu xuẩn, lãng phí thời gian cho những tranh cãi vô ích. Như vậy Bulgakov bắn một phát mà trúng cả hai mục tiêu. Chưa hết, chân dung của kẻ xấu số Berlioz bị tàu điện Moskva cán mất đầu dường như được khắc họa từ những bức ảnh của nhà thơ Demyan Bednyi. Berlioz cũng như nguyên mẫu của ông ta “dáng thâm thấp, béo tốt, hói đầu, tay cầm chiếc mũ bóp lại”. Nếu như nhà thơ Demyan Bednyi ngoài đời là một kẻ vô thần thì trong tiểu thuyết, Berlioz cũng tuyên bố rằng cả Thượng đế lẫn quỷ sứ đều không tồn tại. Cũng không thể bỏ qua nhân vật George Bengansky mà nguyên mẫu chính là ông giám đốc nhà hát nghệ thuật Moskva, Nemirovich – Danchenko, người nhiều lần có ý kiến trái chiều về việc dàn dựng các vở kịch của Bulgakov. Bulgakov gọi Nemirovich - Danchenko là “người hủ lậu” và ra sức giễu cợt ông ta trong các tác phẩm của mình. Trong Nghệ nhân và Margarita, Nemirovich - Danchenko trở thành một kẻ nát rượu càn rỡ bị mèo Begemot vặn đứt đầu ngay trên sân khấu nhà hát. Một nhân vật nữa là Archibald Archibaldovich, giám đốc khách sạn ngoài trời “Nhà Griboedov”, nơi tụ họp của giới văn học, giống với Yakov Rozental như hai giọt nước. Yakov Rozental là giám đốc các nhà ăn của Nhà Gertsen, trụ sở Hội Nhà văn và trụ sở báo chí.

Như vậy, có biết bao nguyên mẫu đã từ cuộc đời bước vào thế giới kì lạ của tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita. Tài năng và tấm lòng của Bulgakov đã khiến cho những nguyên mẫu ấy trở thành những điển hình nghệ thuật bất tử, luôn có sức mời gọi kì lạ với bạn đọc qua nhiều thế hệ khác nhau.

L.T.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)