. PHONG LÊ
Lê Đạt viết trường ca Bác năm 1970, nhân dịp giỗ đầu Bác. Tập trường ca được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1990 - nhân dịp thế giới kỉ niệm 100 năm sinh Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Vậy là phải sau hai thập kỉ bản trường ca mới đến được với bạn đọc rộng rãi.... Lí do vì sao có sự kín tiếng và im lặng lâu như thế, không nói chắc mọi người đều rõ. Điều quan trọng là từ giữa những năm 1980 - ba mươi năm sau khi xảy ra sự kiện Nhân văn - Giai phẩm - cái tên Lê Đạt (chứ không phải là Đào Công Đạt) mới có thể xuất hiện trở lại và thời điểm năm 1990 quả là thuận nhất, thích hợp nhất cho việc công bố trường ca về Bác.
Dẫu hai mươi năm đã trôi qua, nhưng vẫn là không muộn (đối với dân tộc ta và các nhà thơ nước ta viết về Bác không lúc nào là muộn) để Lê Đạt được góp phần chia sẻ nỗi đau lớn cùng toàn dân tộc về ngày Bác ra đi. Và qua bản trường ca Bác, ta vẫn nhận ra, trong trùng điệp những người ngậm ngùi đưa tiễn Bác có một Lê Đạt lặng lẽ, có chút lủi thủi, trải lòng mình để hòa quyện và góp phần làm nên sự sống và sức sống chung của dân tộc sau một mất mát lớn.
Những ai đã đọc Lê Đạt sẽ nhận thấy ông vẫn chú tâm kiếm tìm những cách thức thể hiện sao cho mới lạ, “khác người” trong trường ca này – những yếu tố làm nên “thương hiệu” thơ của mình.
Mở đầu trường ca Bác là hai câu, sáu dòng:
Mở rằm
nhớ
một ông trăng
Cái đèn
băng đen
tháng Tám
Ta nhớ ngày mất của Bác, mùng 2 tháng 9, vào dịp Tết Trung thu.
Tiếp đó là sự trực tả nỗi đau chung của nhân dân và lịch sử trong một cái tang lớn:
Thuở long lanh
Nước
nức
nở
Ba Đình
Sử mở
trắng tang
trang
Ta gọi
Việt Nam
Ta khóc
Bác
“Các cháu bây giờ cháu của ai?”
Và đoạn kết là cả một chùm dài, chỉ một chữ xuân bao trùm, gồm những:
Đoàn Vệ xuân/ Đoàn Giải phóng xuân/ Đoàn du kích xuân/ Đoàn bạch đầu xuân/ Đoàn xung phong xuân/ Đoàn vận tải xuân.
Trai xuân gái xuân/ Đoàn đoàn dân xuân
Bác/ vẫn/ hô xuân
Cả nước/ xuân/ xuân/ xuân
Tiến quân/ tiếng xuân
Việt Nam/ mới xuân/ mở xuân/ sáng xuân
Quả xuân/ nhớ người/ trồng xuân
Ta đi/ trồng xuân
Trùng trùng xuân/ điệp núi/ điệp sông/ điệp Đồng Tháp/ điệp Trường Sơn
Và câu cuối cùng:
Điệp điệp
BÁC
đi
Xuân...
Cả bản trường ca gồm 626 dòng, theo lối thơ leo thang, mỗi dòng gồm từ một, hai đến ba, bốn chữ; thỉnh thoảng mới có dòng dài hơn, thường là một số trích dẫn lời Bác, hoặc lời thế giới viếng Bác, ngoài ra còn có nhiều dòng đặt trong ngoặc đơn, nhiều dòng đặt trong ngoặc kép, lại có một số đoạn trích Trường ca Lênin của Maiakovsky.
Vậy là nếu bắt đầu từ câu và chữ, thì ấn tượng để lại ở đoạn mở đầu là băng đen, nước, nức nở, trắng tang, lời gọi, tiếng khóc, một cảm xúc bơ vơ trong rời rạc, đứt nối của tiếc thương... Và phần kết là điệp điệp những hình xuân, ý xuân, kết nối với nhau như cả một chiến lũy xuân...
Đọc thơ Lê Đạt, khó lòng đưa logic thông thường để hiểu. Cũng chẳng nên nhọc lòng đi tìm một logic ấy trong thơ ông. Hãy thả lỏng mình để tìm đến những mảng khối của hình và ý sau câu và chữ. Điều quan trọng là sau chữ - những chữ lạ, sau câu - những cấu trúc lạ vẫn khuôn lại được những hình - của đời, và những ý - của người. Tất nhiên, sau hình và ý, đó là tình. Với trường ca Bác, cái tình đã “hiển lộ” rõ ràng hơn rất nhiều so với những tác phẩm khác của Lê Đạt. Đó là tấm lòng của nhân dân, của nhà thơ với Bác và tấm lòng của Bác đối với nhân dân. Với một người phu chữ, luôn có khát vọng đi tìm và khảo sâu vào các vỉa, tầng của chữ, của từng chữ một với biết bao là nghĩa, để không bao giờ dùng phải chữ mòn và làm cho mòn chữ như Lê Đạt, đây quả là điều hiếm gặp. Tất cả chỉ có thể giải thích bằng tấm lòng của ông dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đọc trường ca Bác tôi thường chú tâm đi tìm những hình khối trong liên kết của những ý tưởng ngỡ như cách rất xa nhau:
Mây trắng đền Hùng/ Râu Bác ung dung
Suối Lênin/ núi Mác
Nắm đất nhỏ biên thùy/ Bác lặn lội/ nhân lên/ thành Nước/ đón/ Người về
Một cách ngợi ca riêng:
Từ gốc thật/ lòng mình
Nhân loại/ tâm tặng/ Người
Huân chương/ không huân chương nào/ so sánh được
Mục/ HỒ CHÍ MINH/ tập Đại Toàn thư lịch sử
Chỉ cần ghi/ hai chữ/ BÁC HỒ
Một đúc kết về Hồ Chí Minh bằng chính lời Hồ Chí Minh.
Qua thế kỉ đảo điên/ Bác điềm nhiên - Sự thật
Qua hằn thù đâm giết nhau/ Bác quyết liệt - nhân từ
Qua chia rẽ/ Bác không mỏi/ mệt
“Đoàn kết... Đoàn kết... Đại đoàn kết
Thành công - Thành công - Đại thành công.”
...
Thấu hiểu/ hơn ai
Những dối lừa/
những xấu sai/ nhân loại...
Cho đến cuối đời/ BÁC vẫn
nguyên hồn nhiên - từng trải/
chắt chiu/ Người tốt/Việc tốt
“Vì lợi ích mười năm/... trồng cây
Vì lợi ích trăm năm/... trồng người”
Có rất nhiều những khối hình như thế, để đưa ta đến với chân dung Hồ Chí Minh, trong từng nét riêng hoặc trong một chỉnh thể, qua rất nhiều cân nhắc của câu và chữ:
Bác thường trực tương lai/ cửa lúc nào cũng mở
Những kẻ lạc đường /những người lỡ chậm.
Lửa /nhà sàn đầm ấm / BÁC/ chờ
...
BÁC để lại/ cho ta
Một canh cánh thiết tha/ thống nhất
Một quyết tâm “to đẹp/ đàng hoàng”
BÁC để lại/ cho ta /bốn biển / sâu xa /tình đồng chí
Bác để lại/ cho ta/ tất cả /BÁC HỒ.
Nhà thơ Khương Hữu Dụng là người viết Lời bạt cho trường ca này. Già Khương đã dày công phân tích cái hay của trường ca về phương diện thi pháp - với kiểu cắt dán (montage) của điện ảnh, và hệ pháp đa nghĩa (système polysémique) của thơ phương Tây. Nhà thơ tâm sự rằng trong suốt hai mươi năm qua, mình luôn luôn có nhu cầu đọc đi đọc lại bởi bản trường ca “... như một tòa tháp nhiều tầng, nhiều hành lang... lúc nào ta cũng có thể tìm thấy một thú vị bất ngờ ở một góc nào đó chưa tới”.
Trong bài viết Bố ơi, những câu chuyện của con, đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần (số ra ngày 12/4/2009) sau ngày Lê Đạt mất, chị Đào Phương Liên nhớ lại ngày 3/9/1969, nhà trường hoãn khai giảng; chị hỏi bố thì được biết vì “Ông mất” - trong nghẹn ngào, rơm rớm nước mắt bố còn nói với chị, đó là “Ông của cả nước” do vậy mà “Bố, mẹ để tang ông”.
Như vậy, thật không ngờ Lê Đạt, người định hình và kết nối thành một phu chữ, trong mọi thể hiện của ngôn từ về bất cứ đề tài gì lại có lòng yêu kính và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thế.
Có lẽ trường ca Bác được bắt đầu từ đấy.
Với trường ca này, tôi hiểu thêm Lê Đạt.
Và càng hiểu sâu thêm Hồ Chí Minh.
P.L
VNQD