Hình ảnh người chiến sĩ trong văn xuôi tranh đấu Nam Bộ 1945 - 1950

Thứ Hai, 31/12/2018 00:51

. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THÚY

Ra đời trong thời chiến, văn xuôi Nam Bộ giai đoạn 1945-1950 không thiếu những hình tượng nhân vật tranh đấu yêu nước. Từ cô nữ sinh, cô y tá, vợ người chiến sĩ, đến bà lão hàng nước, ông lão chèo đò... đều hừng hực nhiệt huyết chiến đấu chống xâm lăng. Chân dung người chiến sĩ cách mạng thời kì này cũng được khắc họa cụ thể và đa dạng hơn trước, không chỉ là chinh nhân với thanh gươm yên ngựa, mà còn là anh bộ đội lăn lộn trong khói lửa bom đạn, là anh điệp viên hoạt động xuyên quốc gia, thậm chí ẩn dưới vẻ bí ẩn của một thủ lĩnh băng đảng mang màu sắc giang hồ hào kiệt... Giữa những biểu hiện đa dạng ấy, hình tượng người chiến sĩ - chinh nhân là kết quả của một quá trình vận động song song khá đặc sắc: vừa kế thừa và phá vỡ ước lệ chinh phu của văn học cổ điển, lại đồng thời kiến tạo một công thức nhân vật mới đậm tính đại chúng, thị trường.

Trước hết, cũng cần lưu ý là trong giai đoạn này, tuy hoạt động kiểm duyệt tương đối lỏng lẻo phần vì hiện tình chính trị ở Nam Bộ bấy giờ khá rối ren, phần vì sức ép từ phong trào tranh đấu của giới văn - báo ở đô thị nên các nhà văn có thể viết nhiều về chủ đề yêu nước chống ngoại xâm, nhưng họ vẫn phải tìm cách tránh né, không phải lúc nào cũng viết trực tiếp hay tả kĩ hoạt động của kháng chiến chống Pháp. Thay vào đó là những câu chuyện lấy bối cảnh kháng Nhật, các phong trào yêu nước trước Cách mạng tháng Tám, nhưng người đọc đều ngầm hiểu là viết để chống Pháp.

Trong hai năm 1949, 1950, văn học tranh đấu Nam Bộ đạt đến cao trào về số lượng và chất lượng tác phẩm. Người chiến sĩ - chinh nhân xuất hiện trong hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi kí với nhiều dáng vẻ và mức độ miêu tả khác nhau. Chung, Đồng, Lưu Quý Kỳ trong Nửa bồ xương khô (Vũ Anh Khanh) là bộ đội quân giải phóng; Hoàng Lương, Sơn trong Bạt Xíu Lìn (Vũ Anh Khanh) là điệp viên xuyên quốc gia; Tảo, Bão, Đình trong Cây ná trắc (Vũ Anh Khanh) là những chiến sĩ cách mạng đóng ở làng Khánh Thiện giúp dân chống giặc giữ đất; Vũ, Bão trong Người yêu nước (Thẩm Thệ Hà) là trí thức tiền cách mạng đi theo kháng chiến; Hoàng trong Người vợ tù mong một ngày về (Bùi Nam Tử), Viễn trong Trốn tù (Bùi Nam Tử) là người làm “quốc sự” nội thành bị bắt bỏ tù; Huân trong Trong mùa chinh chiến (Phạm Thu Cảnh), Long trong Giai cấp, Tàn binh (Sơn Khanh), Hoàng Tân trong Hờn chinh chiến (Việt Quang) chỉ được giới thiệu là chiến sĩ quân cách mạng chiến đấu ở rừng... Những chiến sĩ này đều mang dáng vẻ chinh nhân, có xuất thân trí thức, ngoại hình thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lời lẽ chứa đựng tráng chí bốn phương, say sưa trong hành động, lãng mạn trong suy nghĩ, u hoài trong cảm xúc.

Hình ảnh người chiến sĩ trong văn chương kháng Pháp ở đô thị Nam Bộ 1945 -1950 có sự kế thừa và cải biến từ hình ảnh chinh phu trong văn học trung đại. Lí tưởng của người chinh phu xưa rất cụ thể: giết giặc lập công, phò vua giúp nước. Do sống giữa một thời đại mới tan rã nhiều đức tin xưa cũ nhưng con đường phía trước lại chưa rõ ràng, nên những chinh nhân, chiến sĩ trong văn học lãng mạn trước 1945 có lí tưởng mơ hồ hơn. Họ đa phần không bằng lòng với cuộc sống trưởng giả, tẻ nhạt, cũ kĩ, quyết dấn thân vào con đường gió bụi, mê man trong hành động, tuy chưa biết hành động sẽ đi đến đâu nhưng ít nhất cũng giải thoát cho mình khỏi nỗi mặc cảm đau xót của thân phận người dân mất nước. Trong khi đó, những người chiến sĩ của văn học đô thị Nam Bộ 1945-1950 lại rất chắc chắn và tự tin với sự lựa chọn của mình, vì họ có cả cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại làm hậu thuẫn sau lưng. Mặc dù có sự đột phá trong nhận thức về lí tưởng cách mạng, nhưng cách miêu tả các chiến sĩ cách mạng vẫn mang đậm âm hưởng của văn học trung đại. Nhiều chiến sĩ cách mạng sống giữa thời hiện đại vẫn cưỡi ngựa, thổi sáo, ngâm thơ khi đi làm quốc sự. Và nếu có gặp nạn phải ẩn cư chờ thời hay trốn tránh sự săn lùng của quân thù thì những ngày lưu lạc, hoạt động bí mật đầy gian khổ ấy vẫn... đẹp như thơ. Chiến sĩ Thọ trong Hận người tử sĩ (Hoàng Kim) mình cưỡi ngựa, lưng giắt súng liên thanh, qua bến sông xưa thăm cô hàng nước, lòng miên man nghĩ “tưởng mình là Kinh Kha đang thả thuyền trên dòng Dịch Thủy với người bạn tri kỉ, Thọ rung đùi ngâm:

"Sông Dịch Thủy ai còn nghe tiếng sáo

Dòng nước xanh tiếc rẻ chảy lờ đờ

Điển tích xưa còn đi cả vào những cuộc trò chuyện của các nhân vật. Chiến sĩ Ngạc (Con trâu giấy, Vũ Anh Khanh) khi chia tay người yêu để về thành được nàng thổn thức dặn dò: “Em với anh đành xa cách nhưng lòng chúng ta sẽ mãi mãi gần nhau. Em xứ Tần, anh về Yên, trời Yên còn li loạn, xin anh hãy noi gương Tôn Tẫn ngày xưa mà giữ lấy chí khí của mình”. Cụ Đại Hiền (Gió biên thùy, Thẩm Thệ Hà) nói với người chiến sĩ: “Nước Sở chỉ có ba nhà cũng làm mất được nước Tần, rợ Nguyên cũng còn lập quốc được một trăm năm. Ta tuy không có tài diệt nước Tần như Trương Lương, há không được như Trịnh Sở Nam đoạt lại nhà Tống hay sao?”. Nếu không dụng điển thì cũng là cách nói chuyện cầu kì với trường từ vựng mang tính ước lệ và tiểu đối, kiểu như: “Tân văng mình ra cõi gió mưa có phải đâu để đem ấn phong hầu về cho vinh thê ấm tử. Mai Liên cảm phục chồng biết quên mình vì nghĩa cả, biết đem hạnh phúc gia đình đổi lấy những ngày sương phơi nắng trải, tung hoành ngoài chiến địa xa xôi để góp sức với toàn dân đem ánh sáng tự do về cho đất Việt” (Hờn chinh chiến, Việt Quang).

Nét “lãng mạn” chinh chiến này bắt đầu bị “công thức hóa” khi nó tách rời và đối lập với cuộc sống phi tranh đấu được miêu tả bằng bút pháp hiện thực. Thế giới nghệ thuật truyện ngắn của Vũ Anh Khanh xây dựng rất rõ sự đối lập này với những người chiến sĩ nơi gió bãi trăng ngàn, ôm nỗi cô đơn trên dặm đường chinh chiến, hi sinh anh dũng giữa trời nước cô liêu như Hương (Tóc thề), hai người chiến sĩ (Đầm ô rô), Vương Dung (Trên Thái Bình Dương), Đường (Hai lá thư không gửi), Thuận (Theo khói nhang rằm), Mai Bằng Phương (Mai Phi) và những nhân vật sống đời tầm thường ở thành đô, chôn vùi đời mình trong cờ bạc như Huyền (Hối tắc), Son (Ma Thiên Lãnh), hoặc sự tẻ nhạt tầm thường như văn sĩ Ngạc (Con trâu giấy), thậm chí cùng đường làm bậy như công chức Thảo (Sài Gòn ơi).

Sự tương phản tranh đấu - phi tranh đấu, chiến sĩ - phi chiến sĩ có lúc bị đẩy đến cực đoan, khi cái đẹp lãng mạn của người chiến sĩ - chinh nhân và thế giới tranh đấu yêu nước trở thành chuẩn mực tối thượng, tạo ra những nhân vật “bắt chước” một cách khập khiễng. Hoàng Tấn trong bút kí Cứu lấy quê hương đã mô tả làng kháng chiến Bình Nhâm như một thế giới thần tiên với ngôn ngữ ước lệ: “Cả làng đều thân mật với nhau, tất cả đều sống chung, hoạt động chung, không có áp bức, không có tang chế, không có chia lìa. Tài hoa hồn nhiên được tự do phát triển, phát triển đến tột cùng của sự tiến hoá. Không có sự mưu mô thấp hèn và bẩn thỉu nào cắt Nam xẻ Bắc. Thanh thanh trăng liềm gió búa, thiên hạ tha hồ mà thung thăng bay nhảy để cạn chén hoàng hoa”. Lý Văn Sâm dành riêng truyện ngắn Ngàn sau sông Dịch để khai thác sự đối lập này. Truyện kể về trí thức Trọng phải cùng vợ con tản cư về quê khi kháng chiến bùng nổ, trong khi bạn thân của anh là Cương lên đường đi chiến đấu. Lựa chọn miễn cưỡng khiến Trọng luôn thần tượng cuộc đời của Cương. Với Trọng, Cương đã thật sự trở thành tráng sĩ Kinh Kha – vai diễn trong vở kịch thời học sinh của cả hai người. Hằng ngày, Trọng lấy ảnh của Cương ra khoe với các con, miêu tả cho các con vẻ oai hùng của Cương trong vai diễn Kinh Kha xưa, và tưởng tượng ra sự oai hùng của Cương hôm nay trên hành trình chiến đấu vì non nước. Rồi một ngày Cương bị truy bắt trên đường làm nhiệm vụ, Trọng mừng rỡ cưu mang bạn. Anh thấy như mình được lây cái oai hùng của cuộc đời bạn. Thế nhưng cuộc sống chật vật khi tản cư và nỗi sợ bị nhà cầm quyền phát hiện đã khiến vợ Trọng buộc lòng tìm cách đuổi khéo Cương. Trọng dù biết trước nhưng vì nghèo nên cũng đành im lặng nhìn theo bóng người anh hùng lủi thủi về phía bến sông gọi đò ra đi. Cuộc sống của Trọng lại như cũ, lại “vợ chồng con cái chen chúc nhau nằm lục đục như heo trong chuồng”, nhưng nỗi thất vọng não nề hơn vì ngay cả đến mơ ước được một lần chí tình với bạn như thái tử Yên Đan - vai diễn năm xưa của Trọng - cũng không thực hiện được. Trọng nói với các con mình: “Người tráng sĩ nước Yên qua sông rồi các con ơi! Người sang Tần không trở về bên Yên nữa! Chỉ có ta ở lại bên bờ này, ôm mối hận… Thôi hãy để yên cho người ra đi! Các con đừng đứa nào nhắc nhở tới bác Cương nữa nhé!” Đây không phải là lời thoại của một người cha nói với các con trong đời sống bình thường, mà nó đã đột ngột bị cách điệu hoá theo hình tượng người chiến sĩ và không gian tranh đấu lí tưởng.

Một trong những đặc điểm công thức thú vị của hình tượng chiến sĩ - chinh nhân giai đoạn này là chân dung người phụ nữ đi kèm với họ. Nếu chinh phu thời phong kiến có chinh phụ, người chiến sĩ trước cách mạng có người em gái đợi chờ, thì người chiến sĩ trong văn xuôi Nam Bộ 1945-1950 có người đồng chí, mà phổ biến nhất và bị sao chép nhiều nhất là người nữ cứu thương. Sau khi xuất hiện trong tiểu thuyết Nửa bồ xương khô của Vũ Anh Khanh, Hờn chinh chiến của Việt Quang, hình tượng người nữ cứu thương đã được “nhân bản”, “tái tạo” ở vô số những tác phẩm khác, tạo nên bộ đôi mới của thời đại. Hình tượng người nữ cứu thương xuất phát từ thực tế kháng chiến thời đó, vốn là một công việc phổ biến mà các cô gái trí thức ra đi theo cách mạng thường đảm nhận, nhưng họ lại được xây dựng một cách ước lệ trong văn học. Các cô thường được khắc họa mềm mại, dịu dàng, vừa có chức năng hàn gắn, xoa dịu, tái sinh như là đối cực của sự tàn phá, huỷ diệt trong chiến tranh, vừa có chức năng về mặt tình cảm, giải thích và phơi bày sự mong manh của trái tim con người thời chiến như là đối cực với cái dũng, cái lí trí của các nhân vật chiến sĩ - tráng sĩ.

Chinh phu xưa trở thành một ước lệ trong thơ ca cổ điển là do đặc trưng thẩm mĩ tập cổ thời trung đại. Trong khi đó, hình tượng người chiến sĩ - chinh nhân và cặp đôi hình tượng chiến sĩ - nữ cứu thương trong văn xuôi Nam Bộ 1945-1950 trở thành công thức trong văn học hiện đại là do sự tác động mạnh mẽ của hai yếu tố cùng lúc: thị trường và chính trị. Những năm 1945-1950, phong trào tranh đấu của giới kí giả và nhà văn dâng cao mạnh mẽ ở Sài Gòn chống sự trở lại của thực dân Pháp, chống chính sách phân li tách Nam Kì khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hoạt động tranh đấu không chỉ rầm rộ trên báo chí mà còn phát triển thành những cuộc biểu tình công khai, ảnh hưởng sâu rộng đến đại chúng. Những cuộc biểu tình, những bài báo, tác phẩm văn học đăng báo đã kích thích mạnh mẽ lòng yêu nước của đông đảo quần chúng Nam Bộ. Hình ảnh chiến sĩ - chinh nhân trong văn chương được công chúng đón nhận nồng nhiệt trong không khí bão tố của thời đại, và chính sự yêu mến này của công chúng đã tạo ra lực tác động mạnh mẽ của thị trường lên hình tượng nhân vật này, khiến nó được nhân rộng và trở thành một công thức trong văn học đại chúng. Giới xuất bản và làm báo thời này một mặt thực hành lí tưởng yêu nước bằng việc sử dụng sách báo như một công cụ tuyên truyền, với tư cách cá nhân hoặc dưới sự chỉ đạo của tổ chức cách mạng, mặt khác vẫn phải kiếm lời để duy trì hoạt động. Công thức chiến sĩ - chinh nhân vừa có ích cho việc tuyên truyền, vừa kích thích thị hiếu của công chúng, khiến họ mua sách nhiều hơn hoặc say sưa theo dõi các truyện feuilleton trên báo, thúc đẩy số lượng phát hành của mỗi kì báo. Việc báo bán chạy có tác động rất lớn đến hoạt động tuyên truyền chính trị, vì báo chí không chỉ đăng tiểu thuyết mà còn có tin tức, xã luận.

Bộ đôi hình tượng chiến sĩ - nữ cứu thương được yêu thích đến nỗi nó không chỉ xuất hiện lặp đi lặp lại trong các sáng tác mà có truyện còn bị người khác chép lại đăng báo gần như nguyên vẹn. Hoàng Thơ “phóng tác” (chữ “phóng tác” Hoàng Thơ ghi dưới tiêu đề tác phẩm) truyện dài Hờn chinh chiến (1949) của Việt Quang thành truyện Người nữ cứu thương, chỉ thay đổi tên nhân vật và lời kể, đăng thành feuilleton trên báo Đời Mới suốt hai năm 1953, 1954 mà không thấy ai phản ứng gì (nếu có phản ứng thì báo đã ngừng đăng truyện, hoặc có lời phản hồi với độc giả).

Tóm lại, trong nhiều sắc thái hình tượng của người chiến sĩ cách mạng trong văn xuôi tranh đấu ở đô thị Nam Bộ những năm 1945-1950, hình tượng người chiến sĩ - chinh nhân được yêu chuộng hơn cả. Nó vừa kế thừa vẻ trang trọng, bi tráng của người chinh phu trong văn học cổ điển của tầng lớp quý tộc, vẻ lãng mạn, bay bổng của người chiến sĩ cách mạng trong sáng tác của các nhà văn trí thức tiền chiến, vừa mang màu sắc riêng của thời đại kháng chiến chống Pháp sôi động và sáng rõ về lí tưởng. Nó cuốn hút đông đảo công chúng văn học Nam Bộ trong không khí tranh đấu sôi nổi khắp đô thành. Ngược lại, công chúng ấy đã tạo nên lực thị trường mạnh mẽ góp phần nhân rộng và công thức hoá hình tượng chiến sĩ -chinh nhân, biến một hình tượng của giới quý tộc, giới trí thức trở thành sản phẩm của văn chương đại chúng.

N.T.P.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)