Nghiên cứu thể loại như là phương pháp nghiên cứu tiến trình văn học

Thứ Tư, 19/12/2018 00:09

(Đọc Truyện ngắn Việt Nam hiện đại của Đinh Trí Dũng và Bùi Việt Thắng, Nxb Đại học Vinh, 2018)

. NGUYỄN THẾ HÙNG

Mặc dù hai tác giả của cuốn giáo trình Truyện ngắn Việt Nam hiện đại đã rào đón trong “Lời giới thiệu” với tinh thần khiêm tốn “Giáo trình Truyện ngắn Việt Nam hiện đại trước hết hướng đến phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu của học viên cao học chuyên ngành Văn học Việt Nam của trường Đại học Vinh”, nhưng thiết nghĩ, đối tượng phục vụ của cuốn sách là đông đảo bạn đọc hiện nay yêu thích và quan tâm tới văn chương nước nhà nói chung, thể loại truyện ngắn nói riêng. Có thể nói, văn xuôi và đặc biệt truyện ngắn là “mặt tiền” của văn học đổi mới Việt Nam từ 1986 đến nay. Truyện ngắn là thể loại văn học có truyền thống sâu xa từ văn học trung đại (ít nhất từ thế kỉ XIV - XVI), có hiện trạng bền vững và có tiền đồ xán lạn.

Cuốn giáo trình được cấu trúc thành năm chương. Chương 1, “Quan niệm về truyện ngắn và khái lược quá trình hình thành thể loại”, do nhà nghiên cứu phê bình Bùi Việt Thắng viết (ông vốn là một chuyên gia về truyện ngắn với các công trình được dư luận đánh giá cao như Bình luận truyện ngắn - 1999, Truyện ngắn, những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại - 2000, Truyện ngắn hiện thực 1930-1945 - 2003). Chương này đi từ thuật ngữ truyện ngắn, khởi thủy của thuật ngữ truyện ngắn từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Italia… đến những quan niệm, định nghĩa về truyện ngắn mang tính kinh điển. Đó là quan niệm của nhà thơ Đức J.Goethe (1749-1833): “Một câu chuyện lạ đang xảy ra có thể làm ta kinh ngạc” (tr.10); quan niệm của nhà văn Pháp D.Grojnowki: “Truyện ngắn là một thể loại muôn hình muôn vẻ biến đổi khôn cùng […]. Biến hóa về khuôn khổ: ba dòng hoặc ba mươi trang. Biến hóa về kiểu loại: tình cảm, trào phúng, kì ảo, hướng về biến cố thật hay tưởng tượng, hiện thực hay phóng túng. Biến hóa về nội dung: thay đổi vô cùng vô tận. Muốn có chất liệu để kể, cần một cái gì đó xảy ra dù đó là một thay đổi chút xíu về sự cân bằng, về các mối quan hệ. Trong thế giới của truyện ngắn, cái gì cũng thành biến cố. Thậm chí sự thiếu vắng tình tiết diễn biến cũng gây hiệu quả, vì nó làm cho sự chờ đợi bị hẫng hụt” (tr.11). Chương 1 đồng thời đi sâu phân tích sự giống và khác nhau giữa truyện ngắn và truyện kể (người viết đã đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu). Cũng trong chương này, người viết còn đưa ra nhiều quan niệm về truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng nước ngoài: từ Lỗ Tấn (Trung Quốc, 1881-1936, tác giả của AQ chính truyện) đến Edgar Allan Poe (Mĩ, 1809-1849, “cha đẻ” của loại truyện ngắn kinh dị, giàu yếu tố trinh thám và biểu tượng); từ Paustovsky (Nga, 1892-1968, với các tác phẩm Bình minh mưa, Bông hồng vàng… hết sức quen thuộc với độc giả Việt Nam) đến Frank O’Connor (Ireland, 1903-1966, một tác giả truyện ngắn xuất sắc tầm cỡ thế giới)… Bên cạnh đó, người viết cũng giới thiệu quan niệm về truyện ngắn của các nhà văn trong nước như Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Nguyễn Thành Long (1925-1991), Nguyễn Minh Châu (1930-1989)…

Ở chương 1, những nhận định, quan niệm về truyện ngắn của các nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới đã cho thấy những cách nhìn khác nhau về truyện ngắn. Nhưng bên cạnh sự khác nhau đó, giữa họ vẫn có những điểm chung khi xác định truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ, thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất của cuộc sống nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Nhân vật truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội, thường gắn với những “lát cắt” điển hình. Kết cấu, cốt truyện truyện ngắn thường không quá phức tạp; bút pháp nghiêng về chấm phá; chi tiết cô đúc…

Sang chương 2, “Đặc trưng thể loại truyện ngắn” (do PGS.TS. Đinh Trí Dũng viết), tác giả đi sâu phân tích, nhận định, đánh giá, làm sáng tỏ về các đặc trưng rõ nhất và chung nhất của truyện ngắn hiện đại. Những điểm chung, những giao thoa và nhiều khi là trùng khít giữa truyện ngắn và tiểu thuyết; bên cạnh đó cũng có những khác biệt, những đặc trưng riêng để phân biệt giữa truyện ngắn và tiểu thuyết. Điểm đáng chú ý ở chương này là tác giả đã đi sâu phân tích vai trò của chi tiết trong truyện ngắn. Vấn đề này hẳn sẽ được nhiều người viết, người đọc tâm đắc bởi gần như không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng đặc biệt của chi tiết trong thể tự sự cỡ nhỏ này. Bậc thầy truyện ngắn Paustovsky từng ví von trong cuốn Bông hồng vàng: “Truyện ngắn mà hiếm chi tiết chỉ như cái que khô khốc dùng để xâu cá hồi sấy”. Có thể nói, truyện ngắn không cần phải có cốt truyện vững mới đứng được, nhưng nếu trong một truyện ngắn mà không có một, hai chi tiết hay, ám ảnh thì chắc chắn cái truyện ấy sẽ loãng và có nguy cơ “đổ”. Người đọc có thể không nhớ hết các tình tiết, diễn biến của truyện Chí Phèo nhưng sẽ nhớ đến chi tiết bát cháo hành của thị Nở mang lại sự hồi sinh cho Chí và khát vọng hoàn lương của nhân vật này. Có thể nói, chi tiết là những cái móc, cái đinh có tác dụng neo tác phẩm vào lòng độc giả.

Đến chương 3 (Bùi Việt Thắng viết), tác giả đi sâu phân tích các dạng thức của truyện ngắn hiện đại. Trong thực tế, cho đến nay người đọc đã gặp nhiều dạng thức (kiểu, loại) của truyện ngắn hiện đại và có lẽ đây cũng chính là nơi thể hiện khát vọng muôn đời của người làm nghệ thuật, đó là luôn muốn đổi mới từ nội dung đến hình thức, sáng tạo nên những kiểu, loại mới chưa từng có trong lịch sử của thể loại. Từ đó đã sản sinh ra nhiều dạng thức của truyện ngắn, trong đó có sự khác nhau giữa các dạng thức truyện ngắn của chính một nhà văn và sự khác nhau giữa các nhà văn. Nhưng tựu trung lại thì truyện ngắn tuy đa dạng cũng được khuôn vào một số dạng thức sau: truyện ngắn rất ngắn, truyện ngắn tiểu thuyết hóa, truyện ngắn trữ tình, truyện ngắn kì ảo, truyện ngắn khung (truyện ngắn liên hoàn, truyện ngắn trong truyện ngắn) và truyện ngắn hậu hiện đại.

Từ những cơ sở lí luận của ba chương đầu, chương 4 (Đinh Trí Dũng viết) và chương 5 (Bùi Việt Thắng viết) của giáo trình đi sâu trình bày về tiến trình truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 và từ năm 1945 đến nay. Trong hai chương này, người viết đã khái quát được diện mạo của truyện ngắn Việt Nam hiện đại với những bước tiến, khuynh hướng sáng tác cũng như các tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Thời kì đầu có Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, các truyện ngắn viết ở nước ngoài mang phong cách hiện đại châu Âu của Nguyễn Ái Quốc. Đến giai đoạn 1930-1945, truyện ngắn Việt Nam được hiện đại hóa nhanh chóng, phát triển vượt bậc với nhiều khuynh hướng, trào lưu: truyện ngắn lãng mạn với các tên tuổi như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyễn Tuân…; truyện ngắn hiện thực phê phán với sự đóng góp của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Bùi Hiển…; truyện ngắn yêu nước, cách mạng có các cây bút như Phan Bội Châu, Học Phi… Đến giai đoạn chống Pháp, nổi lên Kim Lân, Trần Đăng, Hồ Phương… Trong giai đoạn chống Mĩ, ở miền Bắc có Nguyễn Kiên, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Nguyễn Khải, Lê Lựu…, ở miền Nam có Bình Nguyên Lộc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thi, Phan Tứ, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Vũ Bằng… Từ 1975 đến nay, có Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê… Có thể thấy, những tên tuổi và những tác phẩm tiêu biểu của họ đã làm nên diện mạo truyện ngắn Việt Nam hiện đại, trong số đó có những truyện ngắn có thể đứng ngang hàng với những truyện ngắn hay của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Vì cuốn sách này là giáo trình sử dụng trong nhà trường đại học nên đòi hỏi ở các tác giả một sự đánh giá khách quan, nghiêm túc, khoa học và có sự đồng thuận cao; khi đưa vào giáo trình phải chọn lọc cho được những tác giả, tác phẩm tiêu biểu, đã có một độ lùi nhất định về thời gian để người đọc nhìn nhận rõ mọi chiều kích. Dù chắt lọc như thế nhưng cuốn sách vẫn là một bức tranh toàn cảnh, khái quát một cách chung nhất, rõ nhất và có thể nói là tương đối toàn bích về truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Đây là một công trình khoa học có ý nghĩa lí luận và thực tiễn trong hoạt động nghiên cứu văn học hiện nay, là một tài liệu tham khảo bổ ích cho những bạn viết, bạn đọc đang quan tâm đến truyện ngắn nói chung và truyện ngắn Việt Nam nói riêng.

N.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)