Thứ Ba, 15/09/2020 17:50

NHỮNG NGƯỜI PHẤT NGỌN CỜ HỒNG (Kì 5)

Tiếng trống Kim Sơn sục sôi miền duyên hải

"Tiếng trống Kim Sơn", "Nọng cờ Đầm Bầu" trên đất Kiến Thụy đã gây tiếng vang, tạo khí thế quật khởi trên miền duyên hải Bắc bộ thời kì ấy.

Trong căn nhà mát xanh cây trái bên bờ sông Đa Độ thuộc thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, cụ Đặng Nam, 98 tuổi - người chiến sĩ Kim Sơn - Tân Trào của Cách mạng Tháng Tám năm xưa, vẫn minh mẫn, phong cách chân tình và khoáng đạt. Oanh liệt một thời trai trẻ với bí danh Hồng Việt, cụ đã cùng những đồng chí, đồng đội làm nên “Tiếng trống Kim Sơn”, “Ngọn cờ Đầm Bầu”... trên miền quê Kiến Thụy anh hùng.

Bài liên quan:

Kì 1:Kí ức xanh như nắng Ba Đình

Kì 2: Sao vàng bay trên kì đài kinh thành Huế

Kì 3: Bước quân đi nối liền khu giải phóng

Kì 4: Tiếng hát phất cờ Nam tiến

"Tiếng trống Kim Sơn", "Ngọn cờ Đầm Bầu" trên đất Kiến Thụy đã gây tiếng vang, tạo khí thế quật khởi trên miền duyên hải Bắc bộ thời kì ấy. Giọng thơ sang sảng, cụ Đặng Nam về những ngày phất cao cờ khởi nghĩa: Từ trong ba nhánh tre ươm. Thành căn cứ địa Kim Sơn - Tân Trào. Âm vang tiếng trống, đường dao. Đất bằng nổi sóng phất cao cờ hồng. Cũng từ ngọn lửa bập bùng. Lan ra tỏa sáng một vùng Kiến An...

 Cụ Đặng Nam trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Mai Thanh Hải

Khi cách mạng về miền đất Dương Kinh xưa, cụ Đặng Nam mới mười tám tuổi. Được cha mẹ cho ăn học, lại ham luyện tập võ thuật nên cụ đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm và trở thành đội trưởng đội tự vệ làng Kim Sơn, xã Tân Trào. Vừa đọc thơ, vừa diễn giải, một giai đoạn đầy hào hùng của nhân dân Kiến Thụy được khái quát ngắn gọn qua những vần thơ đầy uyển chuyển của cụ, rằng: “Kim Sơn như thể con tầu. Chở ban mai, nặng tình sâu nghĩa đời...”.

Ngay từ tháng 3/1945, Việt Minh ở các quận, huyện khu vực Kiến An - Hải Phòng với sự hỗ trợ của tự vệ, đã kéo đến phá kho thóc của địa chủ chia cho dân nghèo. Trước tình hình đó, quân Nhật và chính quyền bù nhìn truy lùng ráo riết các cán bộ cách mạng hòng tróc rễ những nòng cốt truyền lửa ra khỏi nhân dân. Song, nhân dân vẫn vượt lên áp bức, đe dọa để che chở cho cán bộ thoát khỏi vòng kiềm tỏa, bắt bớ trả thù của chúng.

Ngày 11/7/1945, tự vệ làng Kim Sơn do cụ Đặng Nam chỉ huy bí mật tập kích đồn Đoan ở Tiểu Bàng, thu vũ khí và cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc đồn địch. Sáng sớm ngày hôm sau, đông đảo nhân dân các xã trong huyện Kiến Thụy cùng tự vệ huyện Tiên Lãng đã kéo về Kim Sơn, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn... “Có thể nói rằng, Kim Sơn đã giành chính quyền và thành lập chính quyền trước cả nước gần một tháng so với các địa phương khác. Sáng thành lập chính quyền Cách mạng, chiều quân địch tổ chức lực lượng cả Xã ủy và Chánh phó tổng toàn huyện họp ở trường Cổ Trai, bị chúng tôi ra trấn áp. Chính ông Đặng Kinh, lúc bấy giờ là phụ trách quân sự, ra tước thẻ ngà của tên Trần Tự. Nó run như cầy sấy nói: Thưa Cách mạng, từ nay chúng tôi không dám chống đối Cách mạng nữa, và tuyên bố giải tán cuộc họp. Chúng tôi cờ mở trống giong, hô khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm", đả đảo đế quốc Nhật...” - Cụ Đặng Nam nhớ lại.

Nhưng một tháng sau đó, để giữ được chính quyền là một quá trình vô cùng gian khó. Sự ra đời của Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn đã khiến quân Nhật và tay sai hết sức hoang mang, lo sợ. Ngày 4/8/1945, Nhật huy động 2 xe cam nhông chở 40 lính và sĩ quan Nhật với đầy đủ vũ khí về đàn áp phong trào cách mạng ở Kim Sơn. Lúc đó, với vai trò là chỉ huy của các đội tự vệ ở Tú Đôi, Đoàn Xá, Lão Phong.., cụ Đặng Nam đã kiên cường phối hợp với các đội tự vệ ở huyện Tiên Lãng cùng nhau đánh địch.

Cùng chúng tôi đứng bên quảng trường thị trấn Núi Đối, nơi được đặt trang trọng bức phù điêu diễn tả lại không khí ngày quật khởi ấy, giữa khoảng rộng là bức tượng một người phụ nữ và hai người đàn ông mặc áo nâu, quần xắn ngang gối cầm trống, cầm tù và như đang vẫy gọi nhân dân vùng lên, nhà sử học Ngô Đăng Lợi, lúc ấy mới chỉ là một thiếu niên của xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, chia sẻ: “Khi địch vào, có một phụ nữ tên là Rèn rất can đảm ra thúc trống báo động. Theo lệ làng, khi có báo động là dân làng, già trẻ, trai gái đều ra hết. Có cụ già là cụ Mải rất hăng hái, vác giáo ra đứng chặn. Khi bọn lính rút sang Cổ Trai thì lực lượng của ta ở Cổ Trai phục kích, đánh. Địch phải rút”.

Hào khí của “Tiếng trống Kim Sơn” lan tỏa, lần lượt các quận, huyện của Kiến An - Hải Phòng như: Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, An Dương... đều khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu 1945. Nhân dân nội thành Hải Phòng, nhân dân các huyện của Kiến An kéo đến Nhà hát Lớn thành phố từ rất sớm. Bộ đội chiến khu Trần Hưng Đạo và tự vệ các địa phương, hàng ngũ chỉnh tề xếp hàng trước cửa nhà hát. Bài "Tiến quân ca" vang lên hùng tráng. Đồng chí Vũ Quốc Uy thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát xít Nhật, thành lập Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời Hải Phòng.

Ngay sau đó, cũng như các địa phương ở Bắc bộ, Ti Liêm phóng ở Hải Phòng và Kiến An được thành lập, gọi tắt là Ti Liêm phóng Hải Kiến. Đội trưởng đội tự vệ Kim Sơn Đặng Nam được điều về Ti Liêm phóng Hải Kiến, đảm trách việc bảo vệ cho chính quyền cách mạng còn non trẻ đang bị thù trong, giặc ngoài câu kết phá hoại. Ông kể rằng, khi Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân vào chiều ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, người dân Hải Phòng cũng tập trung tại Nhà hát Lớn thành phố để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cùng đồng đội tham gia cuộc mít tinh ấy, những cán bộ đầu tiên của Ti Liêm phóng Hải Kiến như hòa mình trong khí thế hào hùng của một dân tộc khi vừa giành lại được độc lập. Ngay từ sáng sớm, đường phố đã ngập cờ hoa, những dòng khẩu hiệu với nội dung “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Độc lập hay là chết”... được dán đầy các con đường lớn. Ai ai cũng hân hoan, hô vang lời thề sắt son quyết đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc. Một số phần tử phản cách mạng lảng vảng quanh những khu vực đông người để theo dõi và nhận mặt cán bộ hòng trả thù về sau. Nhiều người nhận ra chúng đã hô hoán đả đảo để cán bộ liêm phóng bắt lại.

Đình Kim Sơn hôm nay. Ảnh: TL

Toàn quốc kháng chiến, các xứ ủy, thành ủy rút vào hoạt động bí mật, huyện Kiến Thụy bị thực dân Pháp chiếm đóng, chúng khẩn trương lập tề, bắt lính để ngăn chặn cán bộ, bộ đội thâm nhập. Năm 1946, cụ Đặng Nam được cử là Phó Trưởng Công an Kiến Thụy. Dù tình hình rất khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của huyện ủy và của Ti Liêm phóng Hải Kiến, cụ đã cùng đồng đội vừa phát triển lực lượng công an cấp xã, kiện toàn bộ máy Công an huyện, vừa hoạt động trừ gian phá tề, hạn chế thiệt hại do địch gây ra, nhất là vụ Công an Kiến Thụy diệt gọn đồn Vệ Lộ ở Vọng Hải khiến địch kinh sợ. Khi quân Pháp tập kết về Hải Phòng trước khi rút vào miền Nam năm 1954, suốt một năm dài, cụ cùng những chiến sĩ quân đội, công an Hải Phòng tiếp tục bảo vệ thành phố bình yên suốt 365 ngày chuyển giao.

Hòa bình lập lại, người tự vệ kiên định năm ấy tiếp tục được tín nhiệm và giao cho nhiều vai trò quan trọng hơn như Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, rồi Trưởng ban Thanh tra Trung ương trực thuộc Thành ủy Hải Phòng. Ở vị trí nào, cụ cũng làm việc, cống hiến xứng đáng với niềm tin của nhân dân và đồng chí, đồng đội. Khi nghỉ hưu, cụ Đặng Nam thành lập "Câu lạc bộ thơ Dương Kinh" để tạo thêm sân chơi cho người yêu văn chương của huyện Kiến Thụy. Những tập thơ của cụ Đặng Nam luôn chở nặng tâm tình của một con người yêu nước, chở nặng ban mai và phù sa châu thổ, tạo nên nhịp sóng, thủy triều vỗ về miền đất nơi chân sóng quê hương.

PHẠM VÂN ANH