Họ là những lão thành cách mạng đã và đang bước vào tuổi “bách niên giai lão”, đã cống hiến trọn đời cho lí tưởng cách mạng và độc lập, tự do của dân tộc. 75 năm trước, hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đã trở thành những người phất cờ hồng, cùng cả dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Và họ cũng đã sống trọn vẹn 75 trang đời đầy vẻ vang, trụ cùng tuế nguyệt để chứng kiến non sông, cơ đồ ngày một rạng rỡ, phồn vinh.
Nhân dịp kỉ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2020), chúng tôi xin giới thiệu loạt bài viết "Những người phất ngọn cờ hồng" gồm 6 kì của nhà thơ - nhà báo Phạm Vân Anh để chúng ta cùng nhìn lại những ngày Tháng Tám mùa thu 75 năm trước.
Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô Hà Nội đổ ra Quảng trường Nhà hát lớn dự lễ mít tinh biểu dương lực lượng và chào mừng Ủy ban Quân quản. Ảnh: Tư liệu
Kì 1: Kí ức xanh như nắng Ba Đình
“Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Bước vào tuổi 99, Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam vẫn đọc rành rọt từng lời hiệu triệu của vị Cha già dân tộc vào tháng 3 năm 1945. Kí ức của ông vẫn xanh nguyên những bài học vỡ lòng khi tham gia cách mạng và khoảnh khắc lịch sử đặt lên vai ông với vai trò là người quyết định kêu gọi nhân dân Thủ đô đứng lên giành chính quyền từ tay chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.
Thật mạch lạc, vị đại tướng tài đức của quân đội kể lại những tháng ngày ông tạm biệt mảnh đất chôn nhau cắt rốn Kim Động, Hưng Yên lên Hà Nội học. Tại đây, dù mới 15 tuổi, nhưng tố chất của chàng thiếu niên xứ nhãn lồng ấy đã được các đồng chí cán bộ đặc biệt yêu mến. Được giác ngộ cách mạng từ đó, chỉ 3 năm sau, vào một ngày thu năm 1940, Nguyễn Quyết đứng dưới cờ búa liềm tuyên thệ nguyện hi sinh trọn đời cho dân tộc, bảo vệ giống nòi. Sau đó, Xứ ủy cử ông trở về gây dựng lại phong trào cách mạng tại quê nhà giữa lúc giặc Pháp “khủng bố trắng” những người yêu nước và phong trào đang dần tan rã. Vừa che giấu thân phận, vừa từng bước gây dựng cơ sở, ông vận động từng người, rồi từng gia đình và sau đó là cả làng, xã ủng hộ cách mạng.
Khi Hưng Yên tạm ổn, năm 1943, ông cùng với hai đồng chí khác từ Hải Phòng và Bắc Ninh được Trung ương điều về Hà Nội để thành lập Thành ủy Hà Nội. Tình hình lúc ấy vô cùng nguy hiểm vì từ năm 1930 đến 1944, đã có tới 17 lần Thành ủy Hà Nội được thành lập, nhưng hoặc cơ sở bị bại lộ, hoặc Bí thư Thành ủy bị địch bắt. Trước đó không lâu, giặc Pháp đã bắt giữ và chém đầu đồng chí Hoàng Văn Thụ và thủ tiêu cách mạng. Từ kinh nghiệm của Hưng Yên, đồng chí đã cùng với Thành ủy Hà Nội quyết định phải xây dựng cơ sở vững chắc, an toàn, vững từ ngoại thành, tiến dần vào nội thành. Để rồi sau đó, chỉ với mấy chục đảng viên tuổi đời còn rất trẻ, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết 23 tuổi; Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nguyễn Khang, 26 tuổi; Trưởng ban Thanh vận Vũ Oanh, 17 tuổi..., nhưng Thành ủy đã lãnh đạo quần chúng cách mạng hiện thực hóa giấc mơ đánh đuổi thực dân, phátxít, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Thời điểm ấy, dù chưa nhận được “Mệnh lệnh khởi nghĩa” và “Quân lệnh số 1” ngày 13/8/1945 của Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng, song, nhận thấy thời cơ đã đến, với vai trò là Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Quyết đã triệu tập Hội nghị Thành ủy mở rộng tối 17/8/1945, nhằm phân tích, đánh giá tình hình và cùng thống nhất quyết định khởi nghĩa. Ngày 19/8/1945, đồng chí Nguyễn Quyết cùng với các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa phát đi lời hiệu triệu đồng bào ủng hộ Việt Minh đứng lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật.
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19-8-1945, tự vệ nội, ngoại thành giương cao cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn quân khởi nghĩa, hát vang bài “Tiến quân ca”. Tiếp đó, cuộc mít tinh lớn diễn ra lúc 11 giờ, tại Quảng trường Nhà hát Lớn với sự tham gia của khoảng 20 vạn người nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình thị uy vang dội và nhanh chóng chia lực lượng đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát và Trại Bảo an binh... Thành viên của các tổ chức thanh niên, phụ nữ, công nhân cứu quốc thành Hoàng Diệu là nòng cốt dẫn đầu các đoàn biểu tình và tham gia giành chính quyền năm ấy. Họ đã đi vào trang thơ của Nguyễn Đình Thi: “Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay/ Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say/ Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây/ Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy”.
Một trong những mục tiêu quan trọng cần phải chiếm lĩnh mới có thể coi là thắng lợi hoàn toàn là Trại Bảo an binh nằm trên phố Hàng Bài. Nơi đây có rất nhiều lính Bảo an đồn trú, được trang bị đầy đủ vũ khí, là một lực lượng quan trọng của địch ở Hà Nội và trên miền Bắc lúc bấy giờ. Người được giao phụ trách việc đánh chiếm Trại Bảo an binh lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Quyết. Các đoàn viên tham gia chiếm Trại Bảo an binh được trang bị vũ khí và dẫn đầu đoàn người đến cổng trại. Kẻ gươm, người súng, người cầm dao, cũng có người tay không..., tất cả đều hô to “Hi sinh vì Tổ quốc, quyết giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa”.
Khi ấy, đồng chí Nguyễn Quyết chủ trương mềm dẻo thuyết phục quân Nhật để chúng hiểu rằng, ta chỉ đứng lên giành lại đất nước mình. Nếu chúng không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa của ta, thì ta cũng sẽ không đối kháng, gây tổn hại đến chúng. Điều không lường trước là giữa thời điểm ấy, quân Nhật tuy đã có kế hoạch rút về nước, song phải tuân thủ cam kết của quân Đồng minh là bảo vệ trật tự trị an tại Việt Nam trong lúc chờ bàn giao. Chúng đưa 4 xe tăng và hàng trăm lính đến bao vây Trại Bảo an binh, đòi ta hạ vũ khí và bàn giao lại Trại Bảo an binh. Lúc này, đồng chí Nguyễn Quyết và đồng chí Hà Minh Tuân, Đoàn trưởng Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu từ rạp Majecstic (nay là rạp Tháng Tám) vào trại và nhanh chóng cử người về báo cáo với Ủy ban khởi nghĩa, đồng thời, bố trí lại lực lượng phòng trường hợp sẵn sàng chiến đấu.
Đại tướng Nguyễn Quyết trò chuyện cùng tác giả. Ảnh: Tuệ Lâm
Đồng chí Nguyễn Quyết đã cử đồng chí Lê Trọng Nghĩa đến gặp viên chỉ huy Nhật ở trước rạp Majestic, điều đình thương lượng để quân đội Nhật rút quân. Đồng thời, chủ động tìm gặp Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật là tướng Tsuchihashi tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là nhà khách Quân đội, số 33 Phạm Ngũ Lão), để chuyển thông điệp rằng, ta yêu cầu họ không can thiệp vào công việc của Việt Minh và cam kết sẽ không đụng đến người Nhật. Sau 30 phút đàm phán, phía Nhật chấp nhận sẽ không tham gia vào các công việc nội bộ của người Việt, song cũng nói thêm rằng, nếu các ông làm rối loạn xã hội, gây mất trật tự trị an thì chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Điều vô cùng quan trọng là quân đội Nhật đã phải thừa nhận chính quyền cách mạng của chúng ta và điện báo về Tokyo, đồng thời đã ngăn chặn được cuộc can thiệp của quân đội Nhật, có nguy cơ dẫn đến xung đột võ trang dẫn tới tổn thất lớn.
Bác Nguyễn Hải Hào, 92 tuổi, là thành viên Đội tự vệ ngoại thành Hà Nội kể lại, vào thời điểm đó, khi mới 13 tuổi, bác đã được theo cha và anh tham gia cơ sở an toàn tại đại lý Hoàn Long thuộc ngoại thành Hà Nội theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quyết. Từ ngoại thành, căn cứ cách mạng này có nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động trong nội thành. Ngày 19-8, đội tự vệ của bác đã phối hợp với nội thành, dưới sự chỉ đạo của các Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, từ các căn cứ bí mật ở ngoại thành như Đình Bảng (Bắc Ninh), Hoài Đức (Sơn Tây), Đông Anh (Vĩnh Phúc) và Trầm Lộng (Hà Đông), các tổ chức tự vệ tiến về nội đô để bảo vệ quần chúng nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Rồi từ nội đô, họ lại tỏa đi giành chính quyền ở đại lý Hoàn Long, thị xã Hà Đông, thị xã Sơn Tây và các phủ lị.
Vậy là trong ngày 19/8, ta đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền Khâm sai ở Thủ đô cùng toàn bộ ngoại thành Hà Nội mà không phải nổ một phát súng. Ngay tối hôm đó, Thành ủy Hà Nội hội ý chớp nhoáng về việc công khai chính quyền cách mạng của Việt Minh. Sáng 20/8, trước trụ sở Bắc Bộ phủ, Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ đã chính thức, đường hoàng ra mắt đồng bào và thông báo cho phía Nhật và người nước ngoài biết. Kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội với vai trò hết sức quan trọng của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã được áp dụng cho nhiều tỉnh, thành phố, những nơi có quân Nhật chiếm đóng. Thắng lợi ở Hà Nội lập tức kéo theo một sự rung động và làm tan vỡ hệ thống chính quyền thân Nhật ở toàn vùng và được đánh giá là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự tụ hội của sức mạnh cả nước.
(Kì 2: Sao vàng bay trên kì đài kinh thành Huế)
PHẠM VÂN ANH
VNQD